Nội Dung Chính
[trang 124]
CHƯƠNG 2- ĐỊA LÍ CÁC NGÀNH KINH TẾ
Bài 4: NÔNG NGHIỆP
Học xong bài này, em sẽ:
* Phân tích được một trong các nhân tố chính ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố nông nghiệp.
* Trình bày được sự phát triển và phân bố nông nghiệp.
* Trình bày được ý nghĩa của việc phát triển nông nghiệp xanh.
Nền nông nghiệp nước ta là nền nông nghiệp nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của các nhân tố tự nhiên và kinh tế - xã hội. Nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay phát triển ra sao? Nêu một số hiểu biết của em về nông nghiệp Việt Nam.
1. Các nhân tố chính ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố nông nghiệp
a) Nhân tố tự nhiên
- Địa hình và đất: Nước ta có 3/4 diện tích là đồi núi, chủ yếu là đồi núi thấp, một số vùng có các cao nguyên (Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên). Khu vực này có đất feralit là chủ yếu, thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, quy hoạch vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả; có các đồng cỏ lớn thích hợp chăn nuôi gia súc lớn.
Đồng bằng chiếm 1/4 diện tích với đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và các đồng bằng ven biển; đất phù sa là chủ yếu, thuận lợi cho phát triển các vùng chuyên canh cây lương thực, thực phẩm (rau, đậu....)....
- Khí hậu: Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nguồn nhiệt ẩm dồi dào là điều kiện để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới; cây trồng, vật nuôi sinh trưởng nhanh và phát triển quanh năm cho năng suất cao. Khí hậu phân hóa theo chiều bắc - nam, theo độ cao địa hình và theo mùa tạo nên cơ cấu mùa vụ, sản phẩm đa dạng; đồng thời là điều kiện để quy hoạch vùng chuyên canh, chuyên môn hóa sản xuất.
- Nguồn nước: Nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc; nhiều hồ, đầm tự nhiên và nhân tạo phân bố khắp cả nước. Nguồn nước ngầm khá phong phú. Đây là những nguồn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
[trang 125]
- Sinh vật: Nước ta có hệ động, thực vật phong phú, là cơ sở để thuần dưỡng, lai tạo nên nhiều giống cây trồng, vật nuôi. Nhiều loài có chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái địa phương.
Tuy nhiên, đất ở nhiều nơi đang bị thoái hóa, khí hậu nóng ẩm làm xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, thiên tai ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng nông sản; các tác động của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
❓Dựa vào thông tin mục a, hãy phân tích các nhân tố tự nhiên ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp nước ta.
b) Nhân tố kinh tế - xã hội
- Dân cư và lao động: Nước ta có số dân đông, là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn. Lực lượng lao động trong nông nghiệp dồi dào với kinh nghiệm sản xuất phong phú, trình độ người lao động ngày càng cao thuận lợi cho áp dụng các biện pháp kĩ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại vào sản xuất.
- Chính sách phát triển nông nghiệp: Các chính sách phát triển nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn bền vững, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với các chính sách tín dụng, cho vay vốn ưu đãi, bảo hiểm nông nghiệp,... Nhà nước thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp tạo sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi,...
- Khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kĩ thuật: Khoa học công nghệ phát triển tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với sự thay đổi điều kiện sinh thái, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản,...
Cơ sở vật chất kĩ thuật ngày càng được hoàn thiện, đã xây dựng các hệ thống thuỷ lợi lớn (hồ Dầu Tiếng ở Đông Nam Bộ, hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải ở Đồng bằng sông
Hồng, hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé ở Đồng bằng sông Cửu Long...). Các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản được đầu tư gắn với các vùng chuyên canh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
- Thị trường tiêu thụ nông sản: Thị trường trong và ngoài nước được mở rộng đã thúc đẩy sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất nông nghiệp còn có hạn chế ở một số nơi; sự biến động và yếu tố cạnh tranh của thị trường đã tạo ra nhiều thách thức cho sản xuất nông nghiệp
Việt Nam.
❓Dựa vào thông tin mục b, hãy phân tích các nhân tố kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp nước ta.
2. Sự phát triển và phân bố nông nghiệp
ông nghiệp nước ta phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,18%, đóng góp hơn 70% tổng giá trị sản xuất toàn ngành
[trang 126]
nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Cơ cấu nông nghiệp đang có xu hướng giảm tỉ trọng của trồng trọt, tăng tỉ trọng của chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp.
Sản phẩm nông nghiệp được phát triển theo ba trục sản phẩm chủ lực: sản phẩm cấp quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản của địa phương. Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái được chú trọng phát triển trên khắp cả nước.
a) Ngành trồng trọt
Trồng trọt chiếm hơn 60% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp (năm 2021). Cây trồng nước ta đa dạng: cây lương thực; cây rau, đậu; cây công nghiệp; cây ăn quả. Cơ cấu cây trồng có xu hướng chuyển đổi từ cây trồng giá trị kinh tế không cao sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Trong từng loại cây trồng, có sự thay đổi về giống phù hợp điều kiện sinh thái, cho năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt.
- Cây lương thực: Cây lương thực gồm lúa, ngô, khoai, sắn,... trong đó lúa là cây lương thực chính, có vai trò quan trọng nhất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước và phục vụ xuất khẩu. Lúa được trồng trên khắp cả nước. Cơ cấu mùa vụ thay đổi tùy từng địa phương. Nhiều giống mới với các đặc tính chịu mặn, chịu hạn, chống chịu sâu bệnh được đưa vào sử dụng cho năng suất cao, chất lượng tốt và phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt tỉ lệ cao như khi làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Hai vùng trồng lúa trọng điểm của nước ta là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.
Bảng 4.1. DIỆN TÍCH GIEO TRỒNG VÀ SẢN LƯỢNG LƯƠNG THỰC CÓ HẠT CỦA NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 2010 - 2021
Năm | 2010 | 2015 | 2021 |
Diện tích gieo trồng (triệu ha) Trong đó: Lúa | 8,6 7,5 | 9,0 7,8 | 8,1 7,2 |
Sản lượng (triệu tấn) Trong đó: Lúa | 44,6 40,0 | 50,3 45,1 | 48,3 43,9 |
(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam năm 2011, 2016, 2022)
- Cây rau, đậu: Diện tích trồng rau, đậu ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cây rau, đậu được trồng rộng khắp ở các địa phương trên cả nước, tập trung nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng,...
- Cây công nghiệp: Cơ cấu cây công nghiệp đa dạng, bao gồm cây hàng năm (mía, lạc, đậu tương, bông,...) và cây công nghiệp lâu năm (cà phê, cao su, hồ tiêu, điều,...).
+ Cây công nghiệp hàng năm có diện tích, sản lượng lớn là lạc, đậu tương (Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ); mía (Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ,...), bông (Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên,...).
[trang 127]
Hình 4.1. Bản đồ phân bố nông nghiệp Việt Nam năm 2021
[trang 128]
+ Cây công nghiệp lâu năm có diện tích lớn ở nước ta là chè, cà phê, điều, hồ tiêu, cao su,... Cây chè được phát triển mạnh ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên; cây cà phê, điều, hồ tiêu, cao su được trồng chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Ngoài ra, một số cây công nghiệp lâu năm được mở rộng diện tích canh tác như: cà phê ở Trung du và miền núi Bắc Bộ (Sơn La), hồ tiêu, cao su ở Bắc Trung Bộ (Quảng Trị)...
Bảng 4.2. DIỆN TÍCH VÀ SẢN LƯỢNG MỘT SỐ CÂY CÔNG NGHIỆP LÂU NĂM CỦA NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 2010 - 2021
Cây | Cao su | Cà phê | Chè* | ||||||
Năm | 2010 | 2015 | 2021 | 2010 | 2015 | 2021 | 2010 | 2015 | 2021 |
Diện tích (nghìn ha) | 748,7 | 985,6 | 930,5 | 554,8 | 643,3 | 710,6 | 129,9 | 133,6 | 123,6 |
Sản lượng (nghìn tấn) | 751,7 | 1013,3 | 1271,9 | 1100,5 | 1473,4 | 1845,0 | 834,6 | 967,8 | 1087,9 |
(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam năm 2011, 2016, 2022, * Sản lượng chè búp tươi)
- Cây ăn quả: Nước ta có thể trồng được nhiều loại cây ăn quả nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới, nhiều loại được phát triển thành các vùng đặc sản có chỉ dẫn địa lí (vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang, bưởi Phúc Trạch - Hà Tĩnh, xoài cát Hòa Lộc - Tiền Giang...). Nhiều giống cây ăn quả đã được lai tạo cho sản lượng cao, chất lượng tốt. Các mô hình trồng trọt theo hướng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, theo mô hình VietGAP, GlobalGAP được áp dụng và nhân rộng trên toàn quốc.
Diện tích trồng cây ăn quả ngày càng tăng. Vùng trồng cây ăn quả lớn nhất nước ta là Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đông Nam Bộ.
Em có biết?
Ở nhiều địa phương, cây ăn quả đang trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Một số tỉnh phía Bắc hình thành các khu vực trồng cây ăn quả hàng hóa như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang,...
Hình 4.2. Tổng diện tích cây ăn quả của nước ta giai đoạn 2010 - 2021
Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam năm 2011, 2016, 2021, 2022)
[trang 129]
Trong thời gian qua, thị trường xuất khẩu hoa quả dần mở rộng, tiếp cận được các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ô-xtrây-i-a,.. góp phần nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân.
❓ Dựa vào thông tin mục a và hình 4.1, hãy trình bày sự phát triển và phân bố của ngành trồng trọt ở nước ta.
b) Ngành chăn nuôi
Chăn nuôi chiếm hơn 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (năm 2021) và có xu hướng tăng lên. Chăn nuôi đang phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp tập trung. Nước ta ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chú trọng đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Chăn nuôi trâu, bò: phát triển theo hướng nuôi thịt, mở rộng quy mô đàn bò sữa. Năm 2021, trâu được nuôi nhiều nhất ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (chiếm hơn 55% tổng số lượng trâu cả nước); bò được nuôi nhiều nhất ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (chiếm gần 38% tổng số lượng bò cả nước). Chăn nuôi bò sữa tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
- Chăn nuôi lợn: đang có xu hướng chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang phát triển các mô hình trang trại tập trung và hình thành các mô hình chăn nuôi khép kín từ nhân giống, sản xuất thức ăn, chế biến thành phẩm. Chăn nuôi lợn tập trung nhiều nhất ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (chiếm gần 24% tổng số lượng lợn cả nước), tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (chiếm khoảng 20% cả nước).
- Chăn nuôi gia cầm: phát triển theo quy mô hộ gia đình và quy mô trang trại với nhiều hình thức nuôi. Hiện nay có đa dạng giống gia cầm như gia cầm siêu thịt, gia cầm siêu trứng. Chăn nuôi gia cầm phát triển trên cả nước nhưng nhiều nhất ở Đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 25% tổng số lượng gia cầm cả nước), tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (chiếm khoảng 22% cả nước).
Bảng 4.3. SỐ LƯỢNG MỘT SỐ VẬT NUÔI CỦA NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 2010 - 2021
(Đơn vị: triệu con)
Năm | 2010 | 2015 | 2021 |
Vật nuôi | |||
Trâu | 2,9 | 2,6 | 2,3 |
Bò | 5,9 | 5,7 | 6,4 |
Lợn | 27,3 | 28,9 | 23,1 |
Gia cầm | 301,9 | 369,5 | 534,1 |
(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam năm 2011, 2016, 2022)
❓Dựa vào thông tin mục b và hình 4.1, hãy trình bày sự phát triển và phân bố của ngành chăn nuôi ở nước ta.
[trang 130]
3. Ý nghĩa của việc phát triển nông nghiệp xanh
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nông nghiệp xanh là cách thức phát triển ngành nông nghiệp, trong đó tối đa hóa cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên sạch, dẫn đến một mô hình nông nghiệp tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Nông nghiệp xanh có ý nghĩa đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Cụ thể:
- Nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, tăng chất lượng của nông sản, truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất nông sản.
- Thúc đẩy phát triển công nghệ xử lí và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi.
- Góp phần nâng cao thu nhập của người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Phục hồi, cải tạo và khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải.
Tại Việt Nam, nông nghiệp xanh đang được chú ý phát triển. Mô hình nông nghiệp xanh tiêu biểu đang được thực hiện và nhân rộng hiện nay là mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao,...
Hình 4.3. Trang trại trồng rau thủy canh ở Kon Tum
Dựa vào thông tin mục 3, hãy cho biết ý nghĩa của việc phát triển nông nghiệp xanh ở nước ta.
Luyện tập - Vận dụng
Dựa vào bảng 4.1, hãy vẽ biểu đồ thể hiện diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt và lúa của nước ta giai đoạn 2010 - 2021. Nêu nhận xét.
Tìm hiểu thông tin, giới thiệu về tình hình sản xuất và phân bố một cây trồng hoặc vật nuôi quan trọng ở địa phương em.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn