Tuần 2: Khái Quát Văn Học Dân Gian Việt Nam | Ngữ Văn Tập 1 - Lớp 10 - Giáo Dục Việt Nam

Khái Quát Văn Học Dân Gian Việt Nam; Hoạt Động Giao Tiếp Bằng Ngôn Ngữ (tiếp theo); Văn Bản; Viết Bài Làm Văn Số 1


KHÁI QUÁT VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

  • Nắm được các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian và khái niệm về các thể loại của văn học dân gian Việt Nam.
  • Hiểu rõ vị trí, vai trò và những giá trị to lớn của văn học dân gian trong mối quan hệ với văn học viết và đời sống văn hoá dân tộc.

Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể thể hiện nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân lao động về tự nhiên, xã hội nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

I - ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN

1. Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng (tinh truyền miệng)

Ngôn từ truyền miệng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên nội dung, ý nghĩa và thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học dân gian, phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống.

Văn học dân gian tồn tại, lưu hành theo phương thức truyền miệng. Đây là điểm khác biệt rất cơ bản giữa văn học dân gian và văn học viết. Trong khi văn học viết được lưu giữ bằng chữ viết thì văn học dân gian lại được truyền miệng từ người này sang người khác, qua nhiều thế hệ và các địa phương khác nhau. Quá trình truyền miệng vẫn tiếp tục kể cả khi tác phẩm văn học dân gian đã được ghi chép lại.

Nói truyền miệng là nói đến quá trình diễn xướng dân gian hào hứng và sinh động. Người ta có thể nói, kể, hát, diễn tác phẩm văn học dân gian(1). Ở đây, lời (tức phần ngôn từ truyền miệng) ở một số thể loại có thể kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác (lời thơ trong ca dao thường được hát theo làn điệu; một vở chèo khi trình diễn bao gồm cả lời, nhạc, múa và diễn xuất của nghệ nhân).

(1) Nói, kể, hát, diễn trong dân gian được gọi chung là diễn xướng dân gian. Diễn là một hình thức của diễn xướng dân gian. Ví dụ: diễn trò trong các lễ hội dân gian, diễn tích (truyện) trên sân khấu dân gian,...

2. Văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể (tinh tập thể)

Văn học viết là sáng tác cá nhân, trong khi đó, văn học dân gian lại là kết quả của quá trình sáng tác tập thể.

Quá trình sáng tác tập thể diễn ra như sau: Lúc đầu, một người khởi xướng, tác phẩm hình thành và được tập thể tiếp nhận; sau đó, những người khác (có thể thuộc các địa phương khác nhau hoặc các thế hệ khác nhau) tiếp tục lưu truyền, bổ sung, sửa chữa, làm cho tác phẩm phong phú, hoàn thiện hơn về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật.

Tác phẩm văn học dân gian ngay sau khi ra đời đã trở thành tài sản chung của tập thể. Mỗi người đều có thể tiếp nhận, sử dụng, sửa chữa, bổ sung tác phẩm văn học dân gian theo quan niệm và khả năng nghệ thuật của mình.

Tính truyền miệng và tính tập thể là những đặc trưng cơ bản, chi phối, xuyên suốt quá trình sáng tạo và lưu truyền tác phẩm văn học dân gian, thể hiện sự gắn bó mật thiết của văn học dân gian với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

Sinh hoạt cộng đồng là những sinh hoạt chung của nhiều người như lao động tập thể, vui chơi, ca hát tập thể, lễ hội... Phần lớn tác phẩm văn học dân gian được ra đời, truyền tụng và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt cộng đồng (một số điệu hò trên sông nước làm cho các hoạt động kéo lưới, chèo thuyền trở nên sôi nổi, nhịp nhàng hơn...). Có thể nói, sinh hoạt cộng đồng là môi trường sinh thành, lưu truyền, biến đổi của văn học dân gian, nó chi phối cả nội dung và hình thức của tác phẩm văn học dân gian

II - HỆ THỐNG THỂ LOẠI CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM

Văn học dân gian Việt Nam cũng như văn học dân gian của nhiều dân tộc khác trên thế giới có những thể loại chung và riêng, hợp thành một hệ thống. Mỗi thể loại phản ánh cuộc sống theo những nội dung và cách thức riêng. Hệ thống thể loại của văn học dân gian Việt Nam gồm có:

1. Thần thoại: tác phẩm tự sự dân gian thường kể về các vị thần, nhằm giải thích tự nhiên, thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên và phản ánh quá trình sáng tạo văn hoá của con người thời cổ đại.

2. Sử thi: tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.

3. Truyền thuyết: tác phẩm tự sự dân gian kể về sự kiện và nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử) phần lớn theo xu hướng lí tưởng hoá, qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh của nhân dân đối với những người có công với đất nước, dân tộc hoặc cộng đồng cư dân của một vùng. Bên cạnh đó cũng có những truyền thuyết vừa đề cao, vừa phê phán nhân vật lịch sử.

4. Truyện cổ tích: tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kế về số phận con người bình thường trong xã hội, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động.

5. Truyện ngụ ngôn: tác phẩm tự sự dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, thông qua các ẩn dụ (phần lớn là hình tượng loài vật) để kể về những sự việc liên quan đến con người, từ đó nêu lên triết lí nhân sinh hoặc những bài học kinh nghiệm về cuộc sống.

6. Truyện cười: tác phẩm tự sự dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, kết thúc bất ngờ, kể về những sự việc xấu, trái tự nhiên trong cuộc sống, có tác dụng gây cười, nhằm mục đích giải trí, phê phán.

7. Tục ngữ: câu nói ngắn gọn, hàm súc, phần lớn có hình ảnh, vần, nhịp, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, thường được dùng trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của nhân dân.

8. Câu đố: bài văn vần hoặc câu nói thường có vần, mô tả vật đố bằng ẩn dụ hoặc những hình ảnh, hình tượng khác lạ để người nghe tìm lời giải, nhằm mục đích giải trí, rèn luyện tư duy và cung cấp những tri thức về đời sống.

9. Ca dao: tác phẩm thơ trữ tình dân gian, thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người.

10. Vè: tác phẩm tự sự dân gian bằng văn vần, có lối kể mộc mạc, phần lớn nói về các sự việc, sự kiện của làng, của nước mang tính thời sự.

11. Truyện thơ: tác phẩm tự sự dân gian bằng thơ, phản ánh số phận và khát vọng của con người về hạnh phúc lứa đôi và sự công bằng xã hội.

12. Chèo: tác phẩm kịch hát dân gian, kết hợp các yếu tố trữ tình và trào lộng để ca ngợi những tấm gương đạo đức và phê phán, đả kích cái xấu trong xã hội. (Ngoài chèo, sân khấu dân gian còn có những hình thức khác như tuồng dân gian, múa rối, các trò diễn mang tích truyện.)

III - NHỮNG GIÁ TRỊ CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM

1. Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc

Tri thức trong văn học dân gian thuộc đủ mọi lĩnh vực của đời sống: tự nhiên, xã hội và con người.

Tri thức dân gian phần lớn là những kinh nghiệm lâu đời được nhân dân đúc kết từ thực tiễn. Tri thức dân gian thường được trình bày bằng ngôn ngữ nghệ thuật, vì thế hấp dẫn người đọc, người nghe, dễ phổ biến, dễ tiếp thu, có sức sống lâu bền với thời gian.

Tri thức dân gian thể hiện trình độ và quan điểm nhận thức của nhân dân, vì vậy có sự khác biệt so với nhận thức của giai cấp thống trị cùng thời, đặc biệt là về các vấn đề lịch sử, xã hội.

Việt Nam có 54 tộc người. Mỗi tộc người có một kho tàng văn học dân gian riêng, vì thế vốn tri thức của toàn dân tộc vô cùng phong phú và đa dạng.

2. Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người

Trước hết văn học dân gian giáo dục con người tinh thần nhân đạo và lạc quan. Đó là tình yêu thương đối với đồng loại, là tinh thần đấu tranh không biết mệt mỏi để bảo vệ và giải phóng con người khỏi những cảnh bất công, là niềm tin bất diệt vào chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa, của cái thiện.

Văn học dân gian góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp: lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần bất khuất, đức kiên trung và vị tha, tính cần kiệm, óc thực tiễn,...

3. Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc

Văn học dân gian được chắt lọc, mài giũa qua không gian và thời gian, khi đến với chúng ta, đã trở thành những viên ngọc sáng. Nhiều tác phẩm đã trở thành những mẫu mực về nghệ thuật để cho chúng ta học tập. Những truyện kể dân gian làm cho "từ đứa trẻ đầu xanh đến cụ già tóc bạc đều truyền tụng và yêu dấu" (tựa sách Lĩnh Nam chích quái). Những lời ca tiếng hát ân tình ngày xưa vẫn còn làm say đắm lòng người hôm nay và cả mai sau.

Nhờ có giá trị nghệ thuật to lớn như vậy nên trong nhiều thế kỉ, khi văn học viết mới hình thành, văn học dân gian đóng vai trò chủ đạo. Khi văn học viết đã phát triển, văn học dân gian vẫn là nguồn nuôi dưỡng, là cơ sở của văn học viết. Trong tiến trình lịch sử, văn học dân gian đã phát triển song song cùng văn học viết, làm cho nền văn học Việt Nam trở nên phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc.

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Trình bày các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian.

2. Văn học dân gian Việt Nam có những thể loại nào? Hãy định nghĩa ngắn gọn và nêu ví dụ (tên tác phẩm) theo từng thể loại.

3. Tóm tắt nội dung các giá trị của văn học dân gian.

GHI NHỚ

  • Văn học dân gian là kết quả của quá trình sáng tác tập thể, tồn tại dưới hình thức truyền miệng thông qua diễn xướng. Trong quá trình lưu truyền, tác phẩm văn học dân gian được tập thể không ngừng hoàn thiện. Văn học dân gian gắn bó và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.
  • Văn học dân gian có nhiều giá trị to lớn về nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, cần được trân trọng và phát huy.

HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP. BẰNG NGÔN NGỮ

(Tiếp theo)

II - LUYỆN TẬP

1. Phân tích các nhân tố giao tiếp thể hiện trong câu ca dao dưới đây theo câu hỏi.

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng:

– Tre non đủ lá đan sàng nên chăng ?

a) Nhân vật giao tiếp ở đây là những người như thế nào? (về lứa tuổi, giới tính)

b) Hoạt động giao tiếp này diễn ra vào thời điểm nào? Thời điểm đó thường thích hợp với những cuộc trò chuyện như thế nào?

c) Nhân vật “anh" nói về điều gì? Nhằm mục đích gì?

d) Cách nói của "anh" có phù hợp với nội dung và mục đích giao tiếp không?

2. Đọc đoạn đối thoại (giữa một em nhỏ – A Cổ – với một ông già) và trả lời câu hỏi.

A Cổ sung sướng chào:

 Cháu chào ông ạ!

Ông vui vẻ nói :

– A Cổ hả? Lớn tưởng rồi nhỉ? Bố cháu có gửi pin đài lên cho ông không ?

Thưa ông, có ạ !

(Bùi Nguyên Khiết, Người du kích trên núi che tuyết)

a) Trong cuộc giao tiếp trên, các nhân vật đã thực hiện bằng ngôn ngữ những hành động nói cụ thể nào? Nhằm mục đích gì? (Chọn trong các từ: chào, chào đáp, hỏi, đáp lời, khen để gọi tên mỗi hành động cho phù hợp.)

b) Cả ba câu trong lời nói của ông già đều có hình thức của câu hỏi, nhưng có phải các câu đều dùng để hỏi không, hay để thực hiện những mục đích giao tiếp khác? Nêu mục đích giao tiếp của mỗi câu.

c) Lời nói của các nhân vật bộc lộ tình cảm, thái độ và quan hệ trong giao tiếp như thế nào ?

3. Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi.

BÁNH TRÔI NƯỚC

Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

(Hồ Xuân Hưng)

a) Khi làm bài thơ này, Hồ Xuân Hương đã "giao tiếp" với người đọc về vấn đề gì? Nhằm mục đích gì? Bằng các phương tiện từ ngữ, hình ảnh như thế nào?

b) Người đọc căn cứ vào đâu (từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ; cuộc đời, thân phận tác giả,..) để lĩnh hội (hiểu và cảm nhận) bài thơ?

4. Hãy viết một thông báo ngắn cho các bạn học sinh toàn trường biết về hoạt động làm sạch môi trường nhân Ngày Môi trường thế giới (chú ý đến sự phù hợp giữa lời thông báo với đối tượng giao tiếp, nội dung, mục đích và hoàn cảnh giao tiếp).

5. Viết thư là một hoạt động giao tiếp. Khi viết thư, dù ý thức rõ hay không, người viết vẫn cần để ý đến các nhân tố giao tiếp sau đây :

a) Thư viết cho ai, người viết có quan hệ như thế nào với người nhận?

b) Hoàn cảnh cụ thể của người viết và người nhận thư khi đó như thế nào?

c) Thư viết về vấn đề gì?

d) Thư viết để làm gì?

e) Nên viết như thế nào?

Anh (chị) hãy phân tích những điều nói trên qua bức thư Bác Hồ gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tháng 9 năm 1945 dưới đây:

Các em học sinh,

Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hi sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao?

Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.

Chào các em thân yêu.

HỒ CHÍ MINH

(Theo văn bản trong Tiếng Việt 5, tập một,

NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006)

VĂN BẢN

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

  • Nắm được khái niệm, đặc điểm cơ bản của văn bản và các loại văn bản.
  • Nâng cao năng lực phân tích và thực hành tạo lập văn bản.

I - KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM

Đọc các văn bản sau và trả lời câu hỏi.

(1)                                       Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

(Tục ngữ)

(2)

Thân em như hạt mưa rào

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

(Ca dao)

(3)

LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946

HỒ CHÍ MINH              

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4,

NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000)

1. Mỗi văn bản trên được người nói (người viết) tạo ra trong loại hoạt động nào? Để đáp ứng nhu cầu gì? Dung lượng (số câu) ở mỗi văn bản như thế nào?

2. Mỗi văn bản trên đề cập đến vấn đề gì? Vấn đề đó được triển khai nhất quán trong toàn bộ văn bản như thế nào?

3. Ở những văn bản có nhiều câu (các văn bản 2 và 3), nội dung của văn bản được triển khai mạch lạc qua từng câu, từng đoạn như thế nào? Đặc biệt ở văn bản 3, văn bản còn được tổ chức theo kết cấu ba phần như thế nào ?

4. Về hình thức, văn bản 3 có dấu hiệu mở đầu và kết thúc như thế nào?

5. Mỗi văn bản trên được tạo ra nhằm mục đích gì?

GHI NHỚ

Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, gồm một hay nhiều câu, nhiều đoạn và có những đặc điểm cơ bản sau đây:

– Mỗi văn bản tập trung thể hiện một chủ đề và triển khai chủ đề đó một cách trọn vẹn.

– Các câu trong văn bản có sự liên kết chặt chẽ, đồng thời cả văn bản được xây dựng theo một kết cấu mạch lạc.

– Mỗi văn bản có dấu hiệu biểu hiện tính hoàn chỉnh về nội dung (thường mở đầu bằng một nhan đề và kết thúc bằng hình thức thích hợp với từng loại văn bản).

– Mỗi văn bản nhằm thực hiện một (hoặc một số mục đích giao tiếp nhất định.

II - CÁC LOẠI VĂN BẢN

1. So sánh các văn bản 1, 2 với văn bản 3 (ở mục I) về các phương diện sau :

- Vấn đề được đề cập đến trong mỗi văn bản là vấn đề gì? Thuộc lĩnh vực nào trong cuộc sống?

- Từ ngữ được sử dụng trong mỗi văn bản thuộc loại nào (từ ngữ thông thường trong cuộc sống hay từ ngữ thuộc lĩnh vực chính trị)?

- Cách thức thể hiện nội dung như thế nào (thông qua hình ảnh hay thể hiện trực tiếp bằng lí lẽ, lập luận)?

2. So sánh các văn bản 2, 3 (ở mục I) với:

- Một bài học trong sách giáo khoa thuộc môn học khác (Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí,...).

- Một đơn xin nghỉ học hoặc một giấy khai sinh.

Từ sự so sánh các văn bản trên, hãy rút ra nhận xét về những phương diện sau:

a) Phạm vi sử dụng của mỗi loại văn bản trong hoạt động giao tiếp xã hội.

b) Mục đích giao tiếp cơ bản của mỗi loại văn bản.

c) Lớp từ ngữ riêng được sử dụng trong mỗi loại văn bản.

d) Cách kết cấu và trình bày ở mỗi loại văn bản.

GHI NHỚ

Theo lĩnh vực và mục đích giao tiếp, người ta phân biệt các loại văn bản(1) sau:

– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (thư, nhật kí,...).

– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (thơ, truyện, tiểu thuyết, kịch,...).

– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học (sách giáo khoa, tài liệu học tập, bài báo khoa học, luận văn, luận án, công trình nghiên cứu,...).

– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính (đơn, biên bản, nghị quyết, quyết định, luật,..)

– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận (bài bình luận, lời kêu gọi, bài hịch, tuyên ngôn,...).

– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí (bản tin, bài phóng sự, bài phỏng vấn, tiểu phẩm,...).

(1) Ở THCS đã có sự phân biệt các kiểu văn bản theo phương thức biểu đạt: văn bản tự sự, văn bản miêu tả, văn bản biểu cảm, văn bản điều hành (hành chính – công vụ), văn bản thuyết minh, văn bản nghị luận.

VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 1:

CẢM NGHĨ VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG (HOẶC MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC)

(Bài làm ở nhà)

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Viết được bài văn bộc lộ những cảm nghĩ chân thực của bản thân về một đề tài gần gũi, quen thuộc trong đời sống (hoặc về một tác phẩm văn học).

I - HƯỚNG DẪN CHUNG

Để làm tốt bài văn này, anh (chị) cần :

1. Ôn lại những kiến thức và kĩ năng tập làm văn đã học trong chương trình Ngữ văn THCS, đặc biệt là về văn biểu cảm và văn nghị luận. Chú ý rèn luyện thêm những mặt còn yếu (ở các khâu tìm ý, lập dàn ý hoặc diễn đạt,...).

2. Ôn luyện những kiến thức và kĩ năng về tiếng Việt (đặc biệt là về câu và các biện pháp tu từ) để lời văn của bài làm phù hợp với yêu cầu bộc lộ cảm nghĩ của cá nhân.

3. Quan sát, tìm hiểu và tìm cách diễn đạt những xúc cảm, suy ngẫm về những hiện tượng gần gũi, quen thuộc trong đời sống.

4. Đọc lại những tác phẩm văn học yêu thích, nhất là những tác phẩm (đoạn trích) được học trong chương trình Ngữ văn lớp 9, để :

– Tìm hiểu kĩ nội dung cơ bản và những nét nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm (đoạn trích).

 

– Ghi lại những ý nghĩ và tình cảm chân thực của mình về toàn bộ hoặc về một mặt, một khía cạnh nào đó trong tác phẩm (đoạn trích).

II - GỢI Ý ĐỀ BÀI

1. Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một trong các sự việc, hiện tượng hoặc con người sau:

- Những ngày đầu tiên bước vào trường trung học phổ thông.

- Thiên nhiên và đời sống của con người trong thời khắc chuyển mùa (sang thu, sang đông hoặc sang xuân,...).

- Một người thân yêu nhất của anh (chị) : cha, mẹ hoặc bạn,...

2. Nêu cảm nghĩ sâu sắc nhất về một câu chuyện anh (chị) đã học mà đến nay vẫn không thể nào quên (ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương, Chiếc lược ngà, Bố của Xi-mông,..).

3. Phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh (chị) yêu thích.

III - GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI

1. Tìm hiểu kĩ đề bài để xác định rõ :

- Đề bài đòi hỏi phải bộc lộ những cảm xúc và suy nghĩ về sự vật, sự việc, hiện tượng, con người, hoặc tác phẩm (đoạn trích) nào?

- Những cảm xúc và suy nghĩ đó cần đạt được những yêu cầu nào (phù hợp với đề bài; chân thành, không khuôn sáo, không giả tạo; được bộc lộ rõ ràng, tinh tế,...)?

2. Tìm những cảm nghĩ đáp ứng được các yêu cầu mà anh (chị) vừa xác định.

3. Xây dựng bố cục sao cho những cảm xúc và suy nghĩ đó được nổi bật lên ở bài làm (phần mở bài phải giới thiệu được đề tài và gây hứng thú cho người đọc; phần thân bài phải lần lượt trình bày các cảm nghĩ theo một trình tự hợp lí; phần kết bài phải thâu tóm được tinh thần và nội dung cơ bản của bài làm, đồng thời lưu lại được những cảm xúc và suy nghĩ nơi người đọc).

4. Chú ý tránh mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp,... Cố gắng sử dụng các phép tu từ một cách hợp lí, sáng tạo để câu văn thêm sức gợi cảm.

hinh-anh-tuan-2-khai-quat-van-hoc-dan-gian-viet-nam-3808-0

ĐỌC THÊM

CHA THÂN YÊU NHẤT CỦA CON(1)

     Bây giờ đã khuya lắm rồi và ánh trăng đang soi rọi cho con viết lá thư này. Con không sao ngủ được vì quá xúc động khi nghĩ đến việc chỉ vài ngày nữa, cha sẽ phải giã từ Bưu điện, trút bỏ bộ đồng phục xanh lá cây đã phai màu của mình để nghỉ hưu.

     Suốt bao nhiêu năm, cha đã làm người đưa thư trong cái thị trấn này. Cha đã đạp xe dọc theo những đại lộ hay những phố nhỏ chật hẹp, gõ cửa và đem đến tin tức của một người họ hàng, đem những lời chào nồng nhiệt từ một nơi xa xôi nào đó [...]. Chiếc phong bì nào cũng đều chứa đựng những tin tức được mong chờ từ lâu. Con muốn cha biết được rằng con vô cùng kính yêu cha cũng như khâm phục biết bao nhiêu cái công việc cha đã làm cho hàng vạn con người [...]. Khi con nghĩ về hàng ngàn cây số cha đã đạp xe qua, đem theo một túi nặng đầy thư, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, dù trời nắng hay mưa, lòng con tràn ngập niềm tự hào khi tưởng tượng ra niềm vui mà cha đem lại cho những ai đợi chờ tin tức từ những người họ yêu dấu. Cha đã gắn kết những trái tim lại với nhau như một nhịp cầu vồng.

     [...] Cha ơi, suốt cả cuộc đời mình cha đã đi đưa thư cho người khác, nhưng chưa bao giờ cha nhận được một bức thư nào [...]. Chắc đã từng có lúc cha ước ao nhận được thư. Và giờ đây, con, con gái nuôi của cha, đang viết thư, lá thư đầu tiên gửi cho cha. Con muốn cảm ơn cha vì tình thương yêu và sự chăm sóc mà cha đã dành cho con. Ngày mai, con sẽ lên thành phố và từ đó gửi bức thư này đi, để biến nó thành một lá thư thực sự. Nhưng trước khi làm điều này, con muốn cha biết bí mật của con. Khi nào con lớn lên, con sẽ mang chiếc túi thư của cha, đạp xe dọc theo những con đường xanh rợp bóng cây quen thuộc mà cha vẫn đi và trở thành người mang tin cho những ai đang ngóng đợi thư. Cha ơi, cha đừng lo lắng. Con sẽ làm nốt những công việc mà cha đang bỏ dở và cổ gắng để trở thành một bưu tá giỏi như cha.

Con gái yêu của cha

Xiao Jun

(Theo Những bức thư đoạt giải UPU,

NXB Bưu điện, Hà Nội, 1999)

(1) Thư của một học sinh Trung Quốc, giải Nhất trong cuộc thi viết thư do Liên minh Bưu chính quốc tế tổ chức năm 1994.

 

LẤP LÁNH HỒN TA MẶN GIÓ KHƠI

     [...] Huy Cận chưa bao giờ ngừng làm thơ. Và cũng kì diệu thay, qua suốt sáu mươi năm cầm bút, ở giai đoạn nào của nền văn học Việt Nam hiện đại, Huy Cận cũng “cứ tự nhiên” được đặt vào vị trí của nhà thơ hàng đầu trong tâm hồn người đọc.

Và đối với riêng tôi, sau gần bốn mươi năm cầm bút, chưa bao giờ ông không khiến tôi ngạc nhiên đến ngơ ngác trước thơ ông!

–   Đêm mưa làm nhớ không gian

   Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la.

–   Rơi rơi... dìu dịu, rơi rơi

   Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ.

–  Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mui

   Lưa thưa mưa biển ấm chân trời...

–   Con trẻ thuyền ai ra giỡn nước

    Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm.

Làm sao ông lại có thể viết về mưa buồn, mưa vui như kiếp người mà hay như thế nhỉ? “Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm”, còn ai có thể viết về vẻ đẹp mưa xuân đến thấm nhuần cả vạn vật, đất trời, tạo nên sự huyền ảo của hồi sinh như thế không?

Thế rồi với mùa thu, cái mùa thu đẹp nhất của một năm, nhưng cũng là cái mùa đã từng đi lại đến “mòn đường đứt cỏ” trong thơ ca cổ kim, đông tây; Huy Cận viết thế nào nhỉ?

             Vi vu gió hút nẻo vàng

    Một trời thu rộng mấy hàng mây nao.

[...] Với một tâm hồn thơ lớn khiến cho nỗi buồn từ sự xót thương con người có lúc như lan thấm đến cả vũ trụ thì tình yêu và niềm vui từ những niềm vui và tình yêu con người, cũng sẽ rất tự nhiên toả ra với trời đất:

Bay cao bay vút

Chim biến mất rồi

Chỉ còn tiếng hót

Làm xanh da trời...

[...] Thế rồi ông viết bài thơ Ta viết bài thơ gọi biển về. Gọi biển về hay ông gọi chính ông sau những tháng năm cật lực với đời, với những đóng góp lớn lao rất đáng để bình tâm, thanh thản:

Rồi một ngày kia hết ở đời

      Cho ta theo biển khoả chân trời

     Điều chi chưa nói xin trao sóng

   Lấp lánh hồn ta mặn gió khơi.

(Theo Trần Ninh Hồ,

báo An ninh Thủ đô, ngày 18 – 2–2006)

Tin tức mới


Đánh giá

Tuần 2: Khái Quát Văn Học Dân Gian Việt Nam | Ngữ Văn Tập 1 - Lớp 10 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 10

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.