Nội Dung Chính
KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Thấy được chí lớn cứu nước, khí phách anh hùng, tinh thần quyết liệt của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
• Nắm được nét đặc sắc về phương diện nghệ thuật của bài thơ thể hiện qua giọng điệu, lối dùng từ và mạch liên tưởng.
TIỂU DẪN
Phan Bội Châu (1867 - 1940) vốn tên là Phan Văn San, biệt hiệu Sào Nam, người làng Đan Nhiễm, nay thuộc thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là một trong những ngọn cờ của phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam trong khoảng hai mươi lăm năm đầu thế kỉ XX. Ông nổi tiếng thần đồng, mười ba tuổi đỗ đầu huyện, mười sáu tuổi đỗ đầu xứ, ba mươi ba tuổi đỗ Giải nguyên trường Nghệ An. Đặc biệt ông luôn nung nấu ý chí giải phóng dân tộc, năm mười bảy tuổi đã viết hịch Bình Tây thu Bắc (Dẹp giặc Pháp, khôi phục đất Bắc)
dán ở gốc đa đầu làng để kêu gọi mọi người hưởng ứng phong trào Cần vương. Phan Bội Châu là người vận động thành lập Duy tân hội (1904), khởi xướng phong trào Đông du (1905 - 1908), thành viên của Việt Nam Quang phục hội (1912). Năm 1912, ông bị triều đình nhà Nguyễn (đứng sau là thực dân Pháp) kết án tử hình vắng mặt. Năm 1925, thực dân Pháp bắt được ông ở Thượng Hải (Trung Quốc) định đem về nước thủ tiêu bí mật. Việc bại lộ, chúng phải đưa ông ra xét xử công khai. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, kẻ thù đành phải xoá án khổ sai chung thân cho Phan Bội Châu và đưa ông về giam lỏng ở Bến Ngự, Huế. Ông mất tại đấy năm 1940.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu đã sáng tác rất nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau bằng chữ Hán, chữ Nôm. Thơ văn của ông luôn nóng bỏng nhiệt tình yêu nước, có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng suốt một phần tư thế kỉ. Phan Bội Châu đã có nhiều cách tân đối với loại hình sáng tác mang tính chất tuyên truyền, cổ động và đạt được thành công lớn. Các tác phẩm chính : Bái thạch vi huynh phủ (1897), Việt Nam vong quốc sử (1905), Hải ngoại huyết thư (1906), Ngục trung thư (1914), Trùng Quang tâm sử (1921 - 1925), Văn tế Phan Châu Trinh (1926), Phan Bội Châu niên biểu (1929), v.v.
Sau khi Duy tân hội được thành lập, theo chủ trương của tổ chức này, năm 1905, Phan Bội Châu nhận nhiệm vụ xuất dương sang Nhật để đặt cơ sở đào tạo cốt cán cho phong trào cách mạng trong nước. Lưu biệt khi xuất dương được viết ra trong buổi chia tay các đồng chí để lên đường.
Phiên âm :
Sinh vi nam tử yếu hi kì,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di. Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ.
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si !
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
Dịch nghĩa :
Sinh làm nam nhi phải mong chuyện khác thường,
Lẽ nào để trời đất tự xoay vần.
Trong khoảng trăm năm này phải có ta
Ngàn năm sau lẽ nào chẳng có ai ?
Non sông đã chết, sống thêm nhơ nhuốc, Thánh hiền đã vắng, đọc cũng ngu!
Muốn đuổi theo cơn gió lớn qua biển Đông,
Muôn lớp sóng bạc cùng bay theo.
Dịch thơ :
Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời.
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở, há không ai ?
Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh" còn đâu, học cũng hoài !
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.
TÔN QUANG PHIỆT dịch
(Theo Văn thơ Phan Bội Châu chọn lọc, NXB Văn học, Hà Nội, 1967)
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Giải nghĩa bốn câu đầu của bài thơ và làm rõ ý thức về sứ mệnh và hoài bão của nhân vật trữ tình – người thanh niên trước thời cuộc.
2. Tìm trong hai câu 5 – 6 những từ ngữ thể hiện thái độ quyết liệt và tình cảm đau đớn của nhà thơ trước thực trạng đất nước. Riêng trong câu 6, nhà thơ đã bày tỏ thái độ như thế nào đối với nền tư tưởng, học vấn cũ của nước nhà ?
3. Hai câu 7 – 8 thể hiện mong muốn gì của tác giả ? Dựa theo bản dịch nghĩa, hãy phân tích vẻ đẹp hào hùng của hình tượng Muôn lớp sóng bạc cùng bay theo.
4. Theo anh (chị), vì sao bài thơ có được sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với thế hệ thanh niên yêu nước đầu thế kỉ XX?
BÀI TẬP NÂNG CAO
"Chí làm trai" đã được nhân vật trữ tình khẳng định dựa trên những cơ sở nào ? Nêu nét tương đồng và khác biệt trong quan niệm về "chí làm trai" giữa bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu với một số tác phẩm thơ thời trung đại đã được học.
TRI THỨC ĐỌC - HIỂU
Thơ văn tuyên truyền, vận động cách mạng đầu thế kỉ XX
Thơ văn tuyên truyền, vận động cách mạng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX và phát triển thành dòng lớn với tên tuổi của những nhà nho duy tân như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Nguyên Cẩn, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, v.v. Dòng thơ văn này nhắm đến mục đích truyền bá tư tưởng yêu nước, cách mạng cho nhân dân ; kêu gọi cải cách xã hội để tự cường và giành tự do, độc lập cho Tổ quốc. Giọng điệu chung là hùng hồn, tha thiết, lâm li và chính điều đó đã tạo nên tính trữ tình đậm nét của các sáng tác. Kinh nghiệm nghệ thuật của thơ ca truyền miệng được phát huy mạnh mẽ. Lối viết văn chữ Hán được đổi mới. Nhiều thể loại có ưu thế trong việc chuyên chở nội dung cách mạng được thể nghiệm,... Tuy còn bị ràng buộc nhiều bởi ý thức văn học của thời trung đại nhưng đóng góp của thơ văn tuyên truyền, vận động cách mạng đầu thế kỉ XX cho văn hoá, văn học và lịch sử Việt Nam là rất lớn. Lưu biệt khi xuất dương trước hết là một bài thơ trữ tình, nhưng xét về khả năng tác động và cổ vũ của nó, có thể xếp vào loại hình thơ văn tuyên truyền, vận động cách mạng.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn