Thao tác lập luận bình luận | Ngữ Văn tập 2 - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam


KẾT QUẢ CÂN ĐẠT

  • Hiểu được mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của thao tác lập luận bình luận.
  • Nắm được những nguyên tắc và cách thức cơ bản của thao tác lập luận bình luận.

I - MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA THAO TÁC LẬP LUẬN BÌNH LUẬN

  1. Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta rất hay gặp từ bình luận (bình luận tình hình thời sự, bình luận quân sự, bình luận thể thao,...). Theo anh (chị), từ bình luận trong những trường hợp ấy mang ý nghĩa gì?
    (Gợi ý: Anh (chị) có thể giải thích về bóng đá cho một người chưa biết, chưa hiểu gì về bóng đá, nhưng anh (chị) có thể bình luận về bóng đá với những người không biết, không hiểu về bóng đá hay không? Bình luận về bóng đá có phải nhằm dẫn dắt người nghe từ chỗ chưa biết đến chỗ biết, từ chỗ chưa hiểu đến chỗ hiểu về bóng đá hay không? Khi chưa có những ý kiến nhận xét, đánh giá, bàn luận mà mình tự thấy là xác đáng, mới mẻ, anh (chị) có thể bình luận về một trận đấu không? Vậy anh (chị) phải thực hiện công việc bình luận bằng những ý kiến như thế nào, với ai và để làm gì?)

  2. Hãy tìm hiểu một lần nữa đoạn trích Xỉin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ (Ngữ văn 11, tập một).
    a) Trong đoạn trích đó, tác giả có nhận định, đánh giá đúng - sai, hay - dở không? Có bàn bạc sâu rộng vấn đề được nói đến hay không? Nếu có thì đích cuối cùng của các lời nhận định, đánh giá, bàn bạc đó là gì?
    b) Nguyễn Trường Tộ có lý do để viết Xin lập khoa luật không, nếu vào lúc bấy giờ, ai nấy đều đã thống nhất rằng muốn trị nước thì phải dựa vào luật chứ không phải vào những lời nói suông trên giấy về trung hiếu hay lễ nghĩa, rằng luật pháp là công bằng và cũng là đạo đức?
    c) Dựa vào nhận thức về ý nghĩa của từ bình luận trong mục 1, anh (chị) thấy Xin lập khoa luật có phải là một đoạn trích có tính chất bình luận không? Vì sao không thể coi đây là một đoạn trích chứng minh hay giải thích?

  3. Muốn làm cho ý kiến bình luận có sức thuyết phục người đọc (người nghe) thì phải nắm vững kỹ năng bình luận. Vì sao?

  4. Tại sao có thể nói rằng con người hôm nay cần biết bình luận, dám bình luận và do đó, phải nắm vững kỹ năng bình luận?

II - CÁCH BÌNH LUẬN

Có nhiều cách bình luận. Sau đây là một trong những cách thường gặp nhất. Theo cách này, tiến trình bình luận bao gồm ba bước. Anh (chị) hãy lần lượt xem xét từng bước và trả lời các câu hỏi đặt ra cho mỗi bước.

  1. Bước thứ nhất: Nêu hiện tượng (vấn đề) cần bình luận.
    a) Bình luận yêu cầu phải nêu rõ được thái độ và sự đánh giá của người bình luận trước vấn đề được đưa ra bàn luận. Nhưng có nên nêu thái độ và sự đánh giá đó khi chưa trình bày rõ về hiện tượng (vấn đề) cần bình luận không? Vì sao?
    b) Nên trình bày hiện tượng (vấn đề) cần bình luận thế nào? Anh (chị) tán thành câu trả lời nào trong các câu sau:

    • Trung thực, khách quan, cặn kẽ, chi tiết.
    • Vẫn đảm bảo yêu cầu trung thực, khách quan, nhưng chỉ nêu ngắn gọn, rõ ràng những điều cơ bản theo yêu cầu của chủ đề bình luận.
    • Chỉ chú ý đến việc nêu và bảo vệ quan điểm của người bình luận.
  2. Bước thứ hai: Đánh giá hiện tượng (vấn đề) cần bình luận.
    Đối với người bình luận, điều quan trọng hơn cả là đề xuất và bảo vệ được nhận xét, đánh giá của bản thân mình. Hãy tìm hiểu kỹ hơn về điều quan trọng đó qua tình huống sau:
    Giả sử anh (chị) phải tham gia bình luận về các vấn đề:

    • Tình trạng hút thuốc lá trong học sinh.
    • Lũ ở Đồng Tháp Mười có phải chỉ là tai họa?
    • Nên ưu tiên cho phát triển sản xuất hay cho bảo vệ môi trường, nếu việc phát triển sản xuất gây ô nhiễm môi trường sống?Với mỗi vấn đề, anh (chị) sẽ bày tỏ sự nhận xét, đánh giá của mình theo hướng nào trong các hướng sau:
    • Đứng hẳn về một phía, tìm những lý lẽ và dẫn chứng để nhiệt tình ủng hộ phía đúng và phê phán phía sai.
    • Kết hợp những phần đúng của mỗi phía và loại bỏ phần còn hạn chế để đi tới một sự đánh giá thực sự hợp lý, công bằng.
    • Đưa ra cách đánh giá phải - trái, đúng - sai, hay - dở của riêng mình sau khi đã phân tích các quan điểm, ý kiến khác nhau về đề tài cần bình luận.
  3. Bước thứ ba: Bàn về hiện tượng (vấn đề) cần bình luận.
    Không chỉ nhận xét, đánh giá, người bình luận còn cần bàn bạc. Nhưng phải bàn bạc những gì? Hãy chọn các câu trả lời đúng trong những câu sau:

    • Bàn về thái độ, hành động, cách giải quyết cần có trước hiện tượng vừa được nhận xét, đánh giá.
    • Bàn về những điều có thể rút ra khi liên hệ với thời đại, hoàn cảnh sống, lứa tuổi của mình và của những người đang nghe mình bình luận.
    • Bàn về những ý nghĩa xa rộng hơn, sâu sắc hơn mà hiện tượng (vấn đề) được bình luận có thể gợi ra.

GHI NHỚ

  • Bình luận nhằm đề xuất và thuyết phục người đọc (người nghe) tán đồng với nhận xét, đánh giá, bàn luận của mình về một hiện tượng (vấn đề) trong đời sống hoặc trong văn học.
  • Có nhiều cách bình luận. Nhưng dù theo cách nào thì người bình luận cũng phải:
    — Trình bày rõ ràng, trung thực hiện tượng (vấn đề) được bình luận.
    — Đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá của mình là xác đáng.
    — Có những lời bàn sâu rộng về chủ đề bình luận.

LUYỆN TẬP

  1. Có người cho rằng bình luận chẳng qua chỉ là sự kết hợp của hai kiểu lập luận giải thích và chứng minh. Nhận xét ấy đúng hay không đúng? Vì sao?

  2. Đoạn trích sau đây có sử dụng thao tác bình luận không? Căn cứ vào đâu để anh (chị) có thể kết luận là có (hoặc không)?

    [ ... ] Trong lĩnh vực tai nạn giao thông, thần chết là một kẻ mù loà, không hề phân biệt người tốt và kẻ xấu khi đưa lưỡi hái vào mạng sống của ai đó. Nhất là khi thần chết đồng hành cùng những “sát thủ” trên đường phố.
    Thần chết trao lưỡi hái cho những trai tráng lái xe máy hung hăng đánh võng, lạng lách, vượt ẩu trên đường phố. Những kẻ hoặc không biết luật hoặc không thèm biết đến luật giao thông. Những kẻ đầu óc trống rỗng không còn gì để tự tin và tự hào ngoài việc “khủng bố” người đi đường bằng những cú vượt phải, tạt qua sát sạt trên đầu xe người đi đường khác, gây ớn lạnh sống lưng và lấy nỗi khủng khiếp của kẻ khác làm khoái cảm,...
    Rõ ràng, ngoài những hạn chế khách quan thì ý thức còn hết sức non kém của một số người dân Việt Nam khi tham gia giao thông đang là nguyên nhân quan trọng cướp đi sinh mạng của nhiều người.
    Tiếc thay, đó hầu hết lại là những trai tráng. Theo thống kê của UNICEF® năm 2004, hầu hết các ca tử vong ở tuổi 15 - 19 đều là người đi xe máy! Đó là sự tổn thương quá lớn cho lực lượng lao động của đất nước. Lực lượng ấy lẽ ra phải gánh lấy trách nhiệm công dân và gia đình, làm ra của cải và đem lại sự phong vinh cho gia đình và xã hội.
    Nếu chúng ta muốn có hạnh phúc và gặt hái được nhiều qua hội nhập, nếu chúng ta tự hào rằng Việt Nam mến khách, thì mỗi người hãy tự điều chỉnh mình, trước hết là tự cứu mình và cứu người, đem sự an toàn ra đãi mình và đãi khách bằng sự cẩn trọng khi tham gia giao thông.
    Chúng ta cần một chương trình truyền thông hiệu quả hơn để “những lưỡi hái tử thần” không còn nghênh ngang trên đường phố!

    (Theo Võ Thi Hảo, báo điện tử VietNamNet, ngày 12 - 12 - 2006)

  3. Sau khi đọc và suy nghĩ kỹ về đoạn trích Xin lập khoa luật, anh (chị) thấy mình còn có thể bình luận gì thêm về vai trò của pháp luật và của việc giáo dục pháp luật trong xã hội?

ĐỌC THÊM

Pháp luật là cái để ngăn cấm việc riêng tư sai lầm vượt ra ngoài pháp luật. Hình phạt nghiêm là để cho lệnh được thi hành và trừng trị cấp dưới. Cái uy không thể cho mượn. Cái quyền không thể dùng chung với người khác. Nếu uy quyền chung với người khác thì bọn gian tà nhan nhản. Pháp luật không chắc chắn thì nhà vua bị nguy, hình phạt không quyết đoán thì không thắng được kẻ gian.
Cho nên có câu: “Người thợ khéo tuy dùng ý và mắt cũng đúng dây mực, nhưng trước đó phải lấy cái quy cái củ để đo [...]”. Nhờ dây dọi thẳng mà cây cong bị đẽo. Nhờ cái mực nước bằng mà chỗ cao, chỗ nghiêng bị gọt. Nhờ treo cái cân lên mà bớt được cái nặng, thêm được vào cái nhẹ. Nhờ xác lập cái đấu, cái thạch mà bớt được cái nhiều, thêm được cái ít. Cho nên lấy pháp luật trị nước chỉ cốt theo pháp luật mà làm hay ngăn cấm mà thôi.
Pháp luật không hùa theo người sang. Sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu. Cho nên điều sửa chữa được sự sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ dưới, trừ được loạn, sửa được điều sai, thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật.
(Hàn Phi Tử, tập I, bản dịch của Phan Ngọc, NXB Văn học, Hà Nội, 1990)

Tin tức mới


Đánh giá

Thao tác lập luận bình luận | Ngữ Văn tập 2 - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn tập 2

  1. Lưu biệt khi xuất dương( Xuất dương lưu biệt)
  2. Nghĩa của câu
  3. Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học
  4. Hầu trời
  5. Nghĩa của câu (tiếp theo)
  6. Vội vàng
  7. Thao tác lập luận bác bỏ
  8. Tràng giang
  9. Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ
  10. Trà bài làm văn số 5
  11. Viết bài làm văn số 6: Nghị luận xã hội( Bài làm ở nhà)
  12. Đây thôn Vĩ Dạ
  13. Chiều tối ( Mộ)
  14. Từ ấy
  15. Đọc thêm: Lai Tân
  16. Đọc thêm: Nhớ đồng
  17. Đọc thêm: Tương tư
  18. Đọc thêm: Chiều xuân
  19. Tiểu sử tóm tắt
  20. Đặc điểm loại hình của tiếng Việt
  21. Trà bải làm văn số 6
  22. Tôi yêu em
  23. Đọc thêm: Bài thơ số 28 ( trong tập Người làm vườn)
  24. Luyện tập viết tiểu sử tóm tắt
  25. Người trong bao
  26. Thao tác lập luận bình luận
  27. Người cần quyền khôi phục uy quyền ( trích Những người khốn khổ)
  28. Luyện tập thao tác lập luận bình luận
  29. Về luân lí xã hội ở nước ta (trích Đạo đức  và luân lí Đông Tây)
  30. Đọc thêm: Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng các dân tọc bị áp bức
  31. Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác
  32. Phong cách ngôn ngữ chính luận
  33. Một thời đại trong thi ca ( trích)
  34. Phong cách ngôn ngữ chính luận ( tếp theo)
  35. Một số thể loại văn học: kịch, nghị luận
  36. Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận
  37. Ôn tập phần Văn học
  38. Tóm tắt văn bản nghị luận
  39. Ôn tập phần Tiếng Việt
  40. Luyện tập tóm tắt văn bản nghị luận
  41. Ôn tập phần Làm văn
  42. Trả bài kiểm tra tổng hợp cuối năm

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.