KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
- Trình bày được quan niệm, ý kiến của mình một cách chặt chẽ, thuyết phục.
- Vận dụng kết hợp được các thao tác lập luận: phân tích, so sánh, bác bỏ.
- Quan tâm đến những vấn đề xã hội đặt ra, có quan điểm và cách giải quyết đúng đắn.
I - HƯỚNG DẪN CHUNG
- Đây là bài viết ở nhà nên học sinh có điều kiện lựa chọn đề tài, thu thập tư liệu và suy ngẫm kĩ càng. Tuy nhiên, cần tránh hiện tượng không tập trung, phân tán suy nghĩ, viết nhiều lần không xong. Nên chuẩn bị chu đáo, suy nghĩ thật kĩ rồi tập trung tư tưởng viết bài trong thời gian ấn định như thói quen và yêu cầu viết bài ở lớp.
- Cần đọc lại nội dung bài học ở tiết Viết bài làm văn số 5 để rút kinh nghiệm. Ôn tập các bài học về thao tác lập luận phân tích, so sánh, bác bỏ và biết cách sử dụng kết hợp các thao tác đó trong một bài văn nghị luận.
II - BÀI TẬP LÀM BÀI
-
Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.
-
Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh thành tích” - một “căn bệnh” gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay.
-
Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh (chị), làm thế nào để khắc phục được thái độ đó?
-
Hãy viết bài tham gia cuộc vận động tìm giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.
-
Theo anh (chị), làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp?
III - BƯỚC LÀM BÀI
Dựa vào đề bài, cần tiến hành một số công việc sau:
- Xác định vấn đề và yêu cầu nghị luận.
- Thu thập tư liệu.
- Xác định hệ thống luận điểm, luận cứ và cố gắng áp dụng các thao tác lập luận phân tích, so sánh, bác bỏ mới học.
- Lập dàn ý và viết theo dàn ý.
ĐỌC THÊM
“GIẶC” TAI NẠN GIAO THÔNG
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác Hồ đã chỉ ra rằng: Cái đói, cái dốt là giặc. Trong suốt mấy chục năm qua, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã không ngừng nỗ lực đấu tranh diệt giặc đói, giặc dốt. Thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đất nước cũng đã xuất hiện một số tiêu cực, mặt trái, trong đó tai nạn giao thông (TNGT) là một ví dụ.
Theo Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, bình quân mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 35 người chết vì TNGT. Mỗi năm, số người chết vì TNGT cả chục ngàn người. Hai vụ TNGT mới đây đến với hai vị giáo sư nổi tiếng càng khiến cho dư luận không khỏi suy ngẫm về tình trạng “giặc” TNGT ở nước ta.
Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng mất an toàn giao thông mỗi khi ra khỏi nhà. Qua đó đủ cho thấy, TNGT đã khiến những người khách nước ngoài cảm thấy bất an. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người chỉ đến một lần và không hẹn ngày tái ngộ. Một trong những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam kém hấp dẫn là tình trạng giao thông hỗn loạn. Một ngày “giặc” TNGT còn hoành hành thì không chỉ ngành du lịch bị ảnh hưởng mà nó còn là hiểm họa gieo rắc nỗi đau cho mỗi gia đình và cho cả xã hội.
(Theo Thẩm Hồng Thuy, báo Quân đội nhân dân, 19 - 12 - 2006)
CHỐNG BỆNH VÔ CẢM
Trải qua các cuộc chiến tranh chống xâm lược, những cuộc đọ sức với thiên tai khắc nghiệt, nhân dân ta đã có truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Tình làng, nghĩa xóm, thương người như thể thương thân đã trở thành đạo lý của dân tộc. Hiện nay, cuộc sống vật chất ngày càng được cải thiện hơn, người ta dễ có xu hướng lo vun vén cho bản thân và gia đình mình, ít quan tâm đến những vấn đề của xã hội. Trước kia, ông cha ta đã phê phán thói xấu chỉ biết thu vén cho riêng mình: “Đèn nhà ai nhà nấy rạng”, “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Cuộc sống quanh ta hiện nay không thiếu những người như thế. Họ sống thờ ơ với mọi việc đang diễn ra, nhà nào đóng cửa biết nhà ấy. Nhà hàng xóm có hoạn nạn, có con cái bị rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội họ cũng bàng quan như không biết. Đi đường gặp người bị tai nạn, họ cũng bỏ qua như không nhìn thấy. Thấy lũ trẻ cãi nhau, đánh nhau, họ cũng làm ngơ. Trước cảnh khổ đau của những người tàn tật, bất hạnh, họ cũng không mảy may xúc động,... Bệnh vô cảm đã làm cho con người như vô tri, vô giác, không thể hòa nhập với cộng đồng.
Trong công việc, bệnh vô cảm làm cho con người giống như một cái máy, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” một cách đơn điệu và tẻ nhạt. Con người mắc bệnh vô cảm trong công việc, chắc chắn hiệu quả công việc sẽ không cao.
Là cán bộ, công chức của Nhà nước, mắc bệnh vô cảm sẽ dẫn đến xa rời nhân dân, tắc trách trong công việc. Một bác sĩ vô cảm không thể có tình thương người bệnh, nhất là những người bệnh nghèo. Không thiếu những trường hợp vì vô cảm mà người bệnh không được chăm sóc chu đáo, dẫn đến những cái chết đáng tiếc. Một thầy giáo vô cảm chỉ giảng bài cho xong chuyện, còn nói gì đến tình nghĩa thầy trò, tận tâm dạy bảo, nhất là những trò còn học kém, gia đình khó khăn. Cán bộ vô cảm sẽ không thể nhìn thấy hoàn cảnh của mỗi người dân, không thấy những nỗi bức xúc trong khu dân cư để tìm cách tháo gỡ, quan liêu, xa rời dân và dễ rơi vào tệ “hành” dân.
Tình thương là cái quý giá của con người; bệnh vô cảm đã làm mất phẩm chất ấy, không khác gì biến dòng máu hồng hào trở thành máu trắng. Trái tim mỗi con người cần được thắp sáng trước mơ, khát vọng, ý chí và sự sáng tạo gắn bó với cộng đồng. Điều đó sẽ chống được bệnh vô cảm và làm cho cuộc đời của con người có ý nghĩa.
(Theo Diệu Hương, báo Nhân dân Chủ nhật, 17 - 12 - 2006)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn