Bài 5: Châu Phi Và Khu Vực Mĩ Latinh (Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX) | Lịch Sử 11 | Phần 1 - Chương I: Các Nước Châu Á, Châu Phi Và Khu Vực Mĩ Latinh (Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 11 - Bài 5


Nếu trong thế kỉ XVIII, thế giới chứng kiến sự thắng thế của chủ nghĩa tư bản đối với chế độ phong kiến thì thế kỉ XIX là thế kỉ đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa của các nước tư bản Âu - Mĩ. Cũng như châu Á, các nước châu Phi và khu vực Mĩ Latinh không thoát khỏi cơn lốc xâm lược đó. Nhân dân các dân tộc ở đây đã liên tục nổi dậy đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc, tiêu biểu là phong trào ở An-giê-ri, Ai Cập, Xu-đăng, Ê-ti-ô-pi-a... (châu Phi) ; ở Ha-i-ti, Mê-hi-cô, Ác-hen-ti-na... (khu vực Mĩ Latinh).

1. Châu Phi

Châu Phi là một lục địa lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên, là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Trước khi thực dân châu  u xâm chiếm và phân chia châu Phi, phần lớn nhân dân ở đây đã biết dùng đồ sắt. Nghề dệt và nghề gốm phát triển, nghề chăn nuôi và trồng trọt phổ biến. Nhưng bắt đầu từ giữa thế kỉ XIX, cuộc sống yên ổn, tài nguyên phong phú và nền văn hoá lâu đời của họ đã bị thực dân châu Âu xâm phạm, phá hoại, cướp bóc. Đặc biệt vào những năm 70, 80 của thế kỉ XIX, sau khi hoàn thành kênh đào Xuy-ê, các nước tư bản phương Tây đua nhau xâu xé châu Phi.

Năm 1882, sau cuộc cạnh tranh quyết liệt với Pháp, Anh độc chiếm Ai Cập, kiểm soát kênh đào Xuy-ê. Tiếp đó, Anh chiếm Nam Phi, Tây Ni-giê-ri-a, Bờ Biển Vàng, Gam-bi-a (Tây Phi), Kê-ni-a, U-gan-đa, Xô-ma-li, Đông Xu-đăng, một phần Đông Phi...

Pháp đứng thứ hai trong việc xâm chiếm thuộc địa châu Phi (sau Anh), gồm một phần Tây Phi, miền Xích đạo châu Phi, Ma-đa-ga-xca, một phần Xô-ma-li, An-giê-ri, Tuy-ni-di, Xa-ha-ra.

Đức chiếm Ca-mơ-run, Tô-gô, Tây Nam Phi, Tan-da-ni-a.

Bỉ làm chủ phần lớn Công-gô.

Bồ Đào Nha giành được Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la và một phần Ghi-nê.

Đến đầu thế kỉ XX, việc phân chia thuộc địa giữa các đế quốc ở châu Phi căn bản đã hoàn thành.

Chế độ cai trị hà khắc của chủ nghĩa thực dân đã làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh giành độc lập của nhân dân châu Phi.

hinh-anh-bai-5-chau-phi-va-khu-vuc-mi-latinh-the-ki-xix-dau-the-ki-xx-3308-0

Hình 12. Lược đồ thuộc địa của các nước đế quốc ở châu Phi đầu thế kỉ XX

Ở An-giê-ri, cuộc khởi nghĩa của Áp-đen Ca-đe kéo dài từ năm 1830 đến năm 1847, thu hút đông đảo nhân dân tham gia đấu tranh. Thực dân Pháp phải mất hàng chục năm mới chinh phục được nước này.

Ở Ai Cập, năm 1879 một số trí thức và sĩ quan yêu nước đã thành lập tổ chức chính trị bí mật “Ai Cập trẻ”, đề ra những cải cách mang tính chất tư sản, do Đại tá Át-mét A-ra-bi lãnh đạo. Các nước đế quốc phải can thiệp mạnh mới ngăn chặn được cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Ai Cập (1882).

Ở Xu-đăng, ngay từ năm 1882 thực dân Anh đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của nhà truyền giáo trẻ Mu-ha-mét Át-mét. Năm 1898, thực dân Anh được các nước đế quốc khác giúp đỡ, bao vây Xu-đăng, gây ra một cuộc thảm sát đẫm máu ; phong trào đấu tranh ở đây thất bại.

Nổi bật trong cuộc đấu tranh của nhân dân châu Phi chống thực dân phương Tây là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Ê-ti-ô-pi-a. Năm 1889, thực dân I-ta-li-a tiến sâu vào nội địa, đánh chiếm một số vùng ở Ê-ti-ô-pi-a, nhưng chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân. Ngày 1 - 3 - 1896, quân I- ta-li-a thảm bại ở A-dua. Quân đội Ê-ti-ô-pi-a mặc dù bị tổn thất nặng, song đã bảo vệ được nền độc lập của Tổ quốc. Cùng với Ê-ti-ô-pi-a, Li-bê-ri-a là nước giữ được độc lập ở châu lục này trước sự xâm chiếm của các nước thực dân phương Tây hồi cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

Nhìn chung, phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân châu Phi tuy diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần yêu nước, nhưng do trình độ tổ chức thấp, lực lượng chênh lệch, nên bị thực dân phương Tây đàn áp. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Phi vẫn tiếp tục phát triển trong thế kỉ XX.

Hãy trình bày những cuộc đấu tranh tiêu biểu chống thực dân của nhân dân châu Phi.

2. Khu vực Mĩ Latinh

Khu vực Mĩ Latinh là một bộ phận lãnh thổ rộng lớn của châu Mĩ, gồm một phần Bắc Mĩ, toàn bộ Trung Mĩ, Nam Mĩ và những quần đảo thuộc vùng biển Ca-ri-bê.

Từ thế kỉ XVI, XVII, đa số các nước Mĩ Latinh lần lượt biến thành thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Chủ nghĩa thực dân thiết lập ở đây chế độ thống trị rất phản động, gây ra nhiều tội ác dã man, tàn khốc. Vì vậy, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Mĩ Latinh diễn ra quyết liệt và nhiều nước giành được độc lập ngay từ đầu thế kỉ XIX.

Năm 1791, ở Ha-i-ti bùng nổ cuộc đấu tranh lớn của người da đen dưới sự lãnh đạo của Tút-xanh Lu-véc-tuy-a. Năm 1804, cuộc đấu tranh giành được thắng lợi. Ha-i-ti trở thành nước cộng hoà da đen đầu tiên ở Mĩ Latinh. Tuy nhiên, nền độc lập của Ha-i-ti xác lập chưa được bao lâu thì quân Pháp trở lại đàn áp cuộc khởi nghĩa, bắt giữ Lu-véc-tuy-a, phục hồi nền thống trị thực dân. Mặc dù thất bại, cuộc khởi nghĩa ở Ha-i-ti đã có tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ Latinh. Nối tiếp Ha-i-ti, nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập khác đã nổ ra ; nền cộng hoà ra đời ở một loạt nước trong khu vực : Ác-hen-ti-na năm 1816, Mê-hi-cô và Pê-ru năm 1821... Như vậy, qua 2 thập niên đầu thế kỉ XIX đấu tranh quyết liệt, các quốc gia độc lập ở Mĩ Latinh lần lượt hình thành. Chỉ còn một vài vùng đất nhỏ như Guy-a-na, đảo Cu-ba, đảo Pu-éc-tô Ri-cô, quần đảo Ăng-ti... vẫn còn trong tình trạng thuộc địa. Đây là thắng lợi to lớn của nhân dân Mĩ Latinh trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân châu  u.

hinh-anh-bai-5-chau-phi-va-khu-vuc-mi-latinh-the-ki-xix-dau-the-ki-xx-3308-1

Hình 13. Lược đồ khu vực Mĩ Latinh đầu thế kỉ XIX

Sau khi giành được độc lập, nhiều nước Mĩ Latinh đã có những bước tiến bộ về kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nhân dân khu vực Mĩ Latinh còn phải tiếp tục đấu tranh chống lại chính sách bành trướng của Mĩ đối với khu vực này. Năm 1823, vì muốn độc chiếm vùng lãnh thổ giàu có này, Mĩ đã đưa ra học thuyết Mơn-rô : “Châu Mĩ của người châu Mĩ”. Đến năm 1889, tổ chức “Liên minh dân tộc các nước cộng hoà châu Mĩ” được thành lập, gọi tắt là Liên Mĩ, dưới sự chỉ huy của chính quyền Oa-sinh-tơn. Năm 1898, Mĩ gây chiến với Tây Ban Nha để sau đó chiếm Phi-líp-pin, Cu-ba, Pu-éc-tô Ri-cô... Từ đầu thế kỉ XX, Mĩ áp dụng chính sách “Cái gậy lớn” và “Ngoại giao đồng đôla” để chiếm Pa-na-ma (1903), Đô-mi-ni-ca-na, Ni-ca-ra-goa, kiểm soát Hôn-đu-rát (1911), chiếm Ha-i-ti (1914 - 1915) và 2 lần đem quân đánh Mê-hi-cô (1914 và 1916). Dưới danh nghĩa đoàn kết với các nước châu Mĩ, chính quyền Oa-sinh-tơn đã khống chế, biến khu vực Mĩ Latinh thành “sân sau” của đế quốc Mĩ.

Dựa vào lược đồ (hình 13), hãy nêu kết quả của cuộc đấu tranh giành độc lập ở khu vực Mĩ Latinh đầu thế kỉ XIX.

Câu hỏi và bài tập

1. Hãy trình bày những nét lớn của lịch sử châu Phi thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

2. Lập niên biểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mĩ Latinh đầu thế kỉ XIX theo thứ tự : thời gian, tên nước, năm giành độc lập.

3. Chính sách bành trướng của Mĩ đối với khu vực Mĩ Latinh biểu hiện như thế nào ?

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 5: Châu Phi Và Khu Vực Mĩ Latinh (Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX) | Lịch Sử 11 | Phần 1 - Chương I: Các Nước Châu Á, Châu Phi Và Khu Vực Mĩ Latinh (Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX) - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 11

  1. Phần 1 - Chương I: Các Nước Châu Á, Châu Phi Và Khu Vực Mĩ Latinh (Thế Kỉ XIX - Đầu Thế Kỉ XX)
  2. Phần 1 - Chương II: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914 - 1918)
  3. Phần 1 - Chương III: Những Thành Tựu Văn Hóa Thời Cận Đại
  4. Phần 2 - Chương I: Cách Mạng Tháng Mười Nga Năm 1917 Và Công Cuộc Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Ở LIên Xô (1921 - 1941)
  5. Phần 2 - Chương II: Các Nước Tư Bản Chủ Nghĩa Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  6. Phần 2 - Chương III: Các Nước Châu Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939)
  7. Phần 2 - Chương IV: Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945)
  8. Phần 3 - Chương I: Việt Nam Từ Năm 1858 Đến Cuối Thế Kỉ XIX
  9. Phần 3 - Chương II: Việt Nam Từ Đầu Thế Kỉ XX Đến Hết Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1918)

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.