Nội Dung Chính
(Trang 46)
Học xong bài này, em sẽ:
- Xác định được vị trí địa lí của Thăng Long – Hà Nội trên bản đồ hoặc lược đồ.
- Nêu được đặc điểm tự nhiên của Thăng Long thể hiện ở "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn.
- Nêu được một số tên gọi khác của Thăng Long – Hà Nội.
- Trình bày được một số nét chính về lịch sử Thăng Long – Hà Nội thông qua các tư liệu tranh ảnh, câu chuyện lịch sử về Thăng Long tứ trấn, sự tích Hồ Gươm, Hoàng Diệu chống thực dân Pháp, chuyện Hà Nội đánh Mỹ.
- Sử dụng các nguồn tư liệu lịch sử và địa lí, nêu được Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục quan trọng của Việt Nam.
- Thể hiện được ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá của Thăng Long – Hà Nội.
Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nơi có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Em hãy kể tên những địa danh, di tích, thắng cảnh của Hà Nội mà em biết.
1 Vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên và tên gọi khác của Thăng Long Hà Nội
?
Đọc thông tin và quan sát các hình 1, em hãy:
- Xác định vị trí của Thăng Long – Hà Nội trên lược đồ. Hà Nội tiếp giáp với những tỉnh nào?
- Nêu đặc điểm tự nhiên của Thăng Long được thể hiện trong “Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn. Thăng Long – Hà Nội còn có tên gọi nào khác?
Hà Nội nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ.
Qua các thời kì lịch sử, Hà Nội có nhiều tên gọi khác như: Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan,...
Em có biết?
Tên gọi Thăng Long bắt nguồn từ sự kiện năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La và đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng, tỉnh Hà Nội được thành lập (Thăng Long thuộc tỉnh Hà Nội).
(Trang 47)
Hình 1. Lược đồ hành chính Hà Nội (năm 2022)
Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn (năm 1010) có ghi:
... thành Đại La, "ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời".
(Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Hậu Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1,
NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.241)
(Trang 48)
2 Một số nét chính về lịch sử Thăng Long – Hà Nội
Thăng Long tứ trấn
?
Đọc thông tin, quan sát từ hình 2 đến hình 5, em hãy cho biết vì sao gọi là "Thăng Long tứ trấn".
Ở bốn phía của thành Thăng Long có 4 ngôi đền được gọi là “Thăng Long tứ trấn", đó là đền Bạch Mã (trấn phía đông), đền Voi Phục (trấn phía tây), đền Kim Liên (trấn phía nam), đền Quán Thánh (trấn phía bắc).
Hình 2. Đền Bạch Mã
Hình 3. Đền Voi Phục
Hình 4. Đền Kim Liên
Hình 5. Đền Quán Thánh
Trong tín ngưỡng dân gian, 4 ngôi đền thờ các vị thần linh thiêng, trấn giữ bốn phía đề bảo vệ kinh thành Thăng Long.
Sự tích Hồ Gươm
?
Đọc thông tin và quan sát hình 6, em hãy cho biết vì sao có tên gọi là Hồ Gươm.
Hồ Gươm nằm ở trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Hồ Gươm cùng với Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn tạo thành một quần thể di tích lịch sử – văn hoá nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.
(Trang 49)
Truyện xưa kể rằng, ở Thanh Hoá có người tên là Lê Thận, trong một lần thả lưới đánh cá đã vớt được một thanh gươm báu. Về sau, Lê Thận tham gia nghĩa quân Lam Sơn và đã dâng tặng thanh gươm cho Lê Lợi. Thanh gươm này đã được Lê Lợi mang theo trong suốt cuộc khởi nghĩa, góp phần đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Sau khi đánh thắng giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua và đóng đô ở Thăng Long. Một lần dạo chơi bằng thuyền trên hồ Tả Vọng, vua bất chợt thấy rùa vàng nổi lên và nói "Xin bệ hạ hãy hoàn gươm lại cho Long Quân". Nhà vua rút gươm ra và trả lại cho rùa. Rùa liền ngậm lấy thanh gươm rồi lặn xuống nước. Từ đó, hồ Tả Vọng có tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.
Hình 6. Hồ Gươm (Hà Nội)
(Theo Viện Nghiên cứu văn hoá, Truyền thuyết dân gian người Việt, Quyền 5,
NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009, tr.65-67)
Hoàng Diệu chống thực dân Pháp
?
Đọc thông tin và quan sát hình 7, em hãy kể lại câu chuyện về Hoàng Diệu chống thực dân Pháp.
Thực dân Pháp đem tàu chiến đến gần thành Hà Nội và hằng ngày khiêu khích. Sáng ngày 25-4-1882, người Pháp đưa tối hậu thư buộc Hoàng Diệu phải đầu hàng và ngay sau đó đã tấn công thành Hà Nội. Hoàng Diệu lên mặt thành đốc quân chiến đấu quyết liệt. Mặc dù Hoàng Diệu và quân đội triều đình quyết tâm bảo vệ, nhưng trước sức tấn công của quân Pháp thành Hà Nội thất thủ. Để giữ trọn khí tiết, Hoàng Diệu đã tuẫn tiết.
Hình 7. Chân dung
Tổng đốc Hoàng Diệu
(tranh vẽ)
(Theo Quốc sử quân triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 8,
NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.518)
(Trang 50)
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không"
Đọc thông tin và quan sát hình 8, em hãy trình bày tóm tắt về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.
Từ ngày 18-12-1972, để huỷ diệt thành phố Hà Nội và các thành phố lớn của miền Bắc Việt Nam, Mỹ huy động hàng chục tốp máy bay B-52 và các loại máy bay khác ném bom vào cả bệnh viện, trường học, khu phố, bến xe,... ở Hà Nội làm cho hàng nghìn người chết và bị thương.
Quân dân miền Bắc trong đó có Hà Nội đã kiên cường đánh trả máy bay Mỹ, trong 12 ngày đêm (từ ngày 18-12-1972 đến ngày 29-12-1972) đã bắn rơi 81 máy bay của Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52. Thắng lợi này đã buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, kí Hiệp định Pa-ri (Paris) năm 1973, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Với ý nghĩa to lớn đó, chiến thắng 12 ngày đêm còn được gọi là "Điện Biên Phủ trên không".
Hình 8. Xác máy bay B-52 của Mỹ bị bắn rơi tại hồ Hữu Tiệp (Hà Nội)
3 Hà Nội – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục quan trọng
Đọc thông tin và quan sát từ hình 9 đến hình 12, em hãy nêu dẫn chứng để khẳng định Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục quan trọng của Việt Nam.
Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương. Hà Nội cũng là nơi đặt trụ sở đại sứ quán của các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Hà Nội có nhiều ngành công nghiệp (cơ khí, hoá chất, điện tử, dệt may,...), khu công nghiệp và công nghệ cao (Nội Bài, Thăng Long, Sài Đồng, Hoà Lạc,...), nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn,...
(Trang 51)
Hà Nội còn có nhiều di tích lịch sử – văn hoá nổi tiếng như: chùa Một Cột, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội,... Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, bảo tàng, thư viện,...
Hình 9. Toà nhà Quốc hội
Hình 10. Chợ Đồng Xuân
Hình 11. Nhà hát Lớn Hà Nội
Hình 12. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
1. Vì sao Lý Công Uẩn lại chọn thành Đại La làm kinh đô? 2. Vì sao chiến thắng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 của nhân dân miền Bắc trong đó có Hà Nội lại được gọi là chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không"? |
Lựa chọn một trong hai nhiệm vụ dưới đây: 1. Hãy sưu tầm tư liệu và giới thiệu cho các bạn về một nhân vật hoặc một di tích lịch sử, văn hoá của Thăng Long – Hà Nội mà em yêu thích. 2. Hãy viết một đoạn văn thể hiện niềm tự hào của em về truyền thống lịch sử, văn hoá của Thăng Long – Hà Nội. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn