Bài 13: Đời Sống Vật Chất Và Tinh Thần Của Cộng Đồng Các Dân Tộc Việt Nam | Lịch Sử 10 | Chủ đề 7: Cộng Đồng Các Dân Tộc Việt Nam - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

NXB Giáo Dục Việt Nam Kết Nối Tri Thức Lịch Sử 10 Chủ đề 7: Cộng Đồng Các Dân Tộc Việt Nam Bài 13: Đời Sống Vật Chất Và Tinh Thần Của Cộng Đồng Các Dân Tộc Việt Nam


Trang 123

MỤC TIÊU BÀI HỌC

Học xong bài này, em sẽ:

• Nêu được thành phần tộc người theo dân số; trình bày được khái niệm ngữ hệ và phân chia tộc người theo ngữ hệ.

• Trình bày được nét chính về đời sống vật chất và đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

• Có ý thức trân trọng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

MỞ ĐẦU BÀI HỌC

Trên đất nước Việt Nam hiện nay có nhiều dân tộc cùng sinh sống, đời sống vật chất và tinh thần rất đa dạng, phong phú. Quan sát hình bên, em có thể kể được tên của những dân tộc nào? Hãy chia sẻ hiểu biết của bản thân về một số nét văn hoá tiêu biểu của các dân tộc đó như: trang phục, ẩm thực, lễ hội,...

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-0

Hình 1. Đoàn đại biểu đại diện cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong một lễ kỉ niệm của đất nước

1. Các dân tộc trên đất nước Việt Nam

a) Thành phần dân tộc theo dân số

Khái niệm “dân tộc” trong tiếng Việt hiện nay được sử dụng theo hai nghĩa: dân tộc – quốc gia bao gồm toàn thể cư dân của quốc gia, đất nước (dân tộc Việt Nam); dân tộc – tộc người là những cộng đồng người có chung ngôn ngữ, văn hoá và ý thức tự giác dân tộc (dân tộc Kinh, dân tộc Mường, dân tộc Thái,...).

Thành phần dân tộc theo dân số ở Việt Nam hiện nay được chia thành hai nhóm: dân tộc đa sốdân tộc thiểu số (dựa vào số dân của từng dân tộc theo tổng điều tra dân số toàn quốc).

Trang 124

TƯ LIỆU 1.
Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14–1–2011 về Công tác dân tộc: “Dân tộc đa số" là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia.
“Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử vanban.chinhphu.vn)
hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-1
hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-2 Dân tộc Kinh
hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-3 Các dân tộc thiểu số
TƯ LIỆU 2. Thống kê dân số các dân tộc ở Việt Nam (theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019)
STT Dân tộc Số dân
(người)
STT Dân tộc Số dân
(người)
STT Dân tộc Số dân
(người)
1 Kinh 82 085 826 19 Raglai 146 613 37 La Chí 15 126
2 Tày 1 845 492 20 Mnông 127 334 38 Phù Lá 12 471
3 Thái 1 820 950 21 Xtiêng 100 752 39 La Hú 12 113
4 Mường 1 452 095 22 Bru – Vân Kiều 94 598 40 La Ha 10 157
5 Mông (H'Mông) 1 393 547 23 Thổ 91 430 41 Pà Thẻn 8 248
6 Khơ-me 1 319 652 24 Khơ Mú 90 612 42 Chứt 7 513
7 Nùng 1 083 298 25 Cơ Tu 74 173 43 Lự 6757
8 Dao 891 151 26 Giáy 67 858 44 Lô Lô 4827
9 Hoa 749 466 27 Giẻ - Triêng 63 322 45 Mảng 4 650
10 Gia Rai 513 930 28 Tà Ôi 52 356 46 Cơ Lao 4 003
11   398 671 29 Mạ 50 322 47 Bố Y 3232
12 Ba Na 286 910 30 Co 40442 48 Cóng 2729
13 Xơ Đăng 212 277 31 Chơ Ro 29 520 49 Ngái 1 649
14 Sán Chay 201 398 32 Xinh Mun 29503 50 Si La 909
15 Cơ Ho 200 800 33 Hà Nhì 25 539 51 Pu Péo 903
16 Sán Dìu 183 004 34 Chu Ru 23 242 52 Rơ Măm 639
17 Chăm 178 948 35 Lào 17 532 53 Brâu 525
18 Hrê 149 460 36 Kháng 16 180 54 Ơ Đu 428

(Theo Tổng cục thống kê, Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, NXB Thống kê, Hà Nội, 2020, tr. 43 – 45)

Trang 125

Câu hỏi

1. Dựa vào Tư liệu 1 (tr. 124), em hãy cho biết các dân tộc ở Việt Nam được chia thành mấy nhóm? Căn cứ vào tiêu chí nào để phân chia như vậy?

2. Khai thác thông tin trong Tư liệu 2 (tr. 124), hãy kể tên một số dân tộc thuộc mỗi nhóm đó.

b) Thành phần dân tộc theo ngữ hệ

Ngữ hệ là một nhóm các ngôn ngữ cùng nguồn gốc, có những đặc điểm giống nhau về ngữ pháp, hệ thống từ vựng cơ bản, thanh điệu và ngữ âm,... Mỗi ngữ hệ có thể bao gồm một hoặc nhiều nhóm ngôn ngữ.

Hiện nay, 54 dân tộc ở Việt Nam được chia thành năm ngữ hệ, tám nhóm ngôn ngữ.

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-4

Hình 2. Sơ đồ thành phần dân tộc theo ngữ hệ ở Việt Nam

   Ngữ hệ  Nhóm ngôn ngữ                                             Dân tộc
Nam Á Việt – Mường Kinh (Việt), Mường, Thổ, Chứt.
Môn – Khơ-me Khơ Mú, Xinh Mun, Mãng, Kháng, Ơ Đu, Bru Vân Kiều, Tả Ối, Cơ Tu, Giẻ Triêng, Co, Hrê, Brâu, Rơ Măm, Ba Na, Xơ Đăng, Mnông, Cơ Họ Mạ, Xtiêng, Chơ Ro, Khơ-me.
Thái – Ka-dai Tày – Thái Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sản Chay, Bố Y.
Ka-dai La Chí, La Ha, Cơ Lao, Pu Péo.
Mông – Dao Mông – Dao Mông, Dao, Pà Thẻn.
Nam Đảo Ma-lay-ô – Pô-li-nê-di Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Chu Ru, Raglai.
Hán – Tạng Hán (hay Hoa) Hoa/Hán, Sản Dìu, Ngải.
Tạng - Miến Hà Nhì, Phù Lá, La Hủ, Lô Lô, Cong, Si La.



1. Ngữ hệ là gì? Dựa vào những đặc điểm nào để xếp các dân tộc vào cùng một ngữ hệ?

2. Ở Việt Nam có mấy ngữ hệ/mấy nhóm ngôn ngữ? Kể tên các ngữ hệ, nhóm ngôn ngữ đó. Dân tộc em thuộc ngữ hệ, nhóm ngôn ngữ nào?

Trang 126

2. Đời sống vật chất

a) Một số hoạt động kinh tế chính

• Sản xuất nông nghiệp

Do cư trú chủ yếu ở đồng bằng nên sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa nước, là hoạt động kinh tế chính của người Kinh. Hoạt động kinh tế này tồn tại, phát triển gắn liền với việc trị thuỷ, xây dựng hệ thống thuỷ lợi như: đắp đê, tạo kênh, mương dẫn nước vào ruộng ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và đắp đê ngăn nước biển, thau chua, rửa mặn,... ở đồng bằng Nam Bộ.

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-5

Hình 3. Thu hoạch lúa nước của người Kinh: thủ công và cơ giới

Ngày nay, canh tác lúa nước vẫn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của người Kinh, lúa gạo vẫn là nguồn lương thực chính, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng.

Bên cạnh cây lúa nước, người Kinh còn trồng một số cây lương thực khác như: ngô, khoai, sắn,... cùng các loại cây rau, củ, gia vị, cây ăn quả,... và chăn nuôi gia súc, gia cấm, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ - hải sản,...

EM CÓ BIẾT?
Để có nước canh tác trên ruộng bậc thang, cư dân các dân tộc đã tìm cách dẫn nước từ các dòng suối ở trên cao xuống hoặc tạo hồ hứng và chứa nước mưa trên đỉnh núi.
Để canh tác lúa nước ở các thung lũng chân núi, người dân đã sáng tạo ra hệ thống mương, máng và guồng nước (cọn nước), dẫn nước từ sông, suối lên ruộng.


Do địa bàn cư trú chủ yếu là các khu vực có địa hình cao, dốc ở trung du, miền núi phía Bắc và Trường Sơn – Tây Nguyên nên các dân tộc thiểu số phát triển hoạt động canh tác nương rẫy với một số cây trồng chủ yếu: lúa, ngô, khoai, sắn, cây ăn quả, cây rau xanh và cây gia vị,... Việc canh tác lúa nước được tiến hành ở các thung lũng chân núi hoặc những thửa ruộng bậc thang trên các sườn đồi, sườn núi đất. Người Khơ-me và người Chăm ở đồng bằng sông Cửu Long cũng canh tác lúa nước; công cụ và kĩ thuật canh tác không khác nhiều so với người Kinh.

Trang 127

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-6

Hình 4. Ruộng bậc thang của người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái)

1. Em hãy nêu một số nét chính về hoạt động sản xuất nông nghiệp của các dân tộc ở Việt Nam.

2. Sản xuất nông nghiệp của người Kinh và các dân tộc thiểu số có điểm gì giống và khác nhau?

• Thủ công nghiệp

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người Kinh còn làm nhiều nghề thủ công truyền thống như: nghề gốm, nghề dệt, nghề đan, rèn, mộc, chạm khắc, đúc đồng, kim hoàn, khảm trai,... Sản phẩm của nhiều ngành nghề rất đa dạng và tinh xảo, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước mà còn được xuất khẩu.

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-7

Hình 5. Một công đoạn trong quy trình sản xuất gốm của làng nghề Chu Đậu (Hải Dương)

Trang 128

Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam phát triển đa dạng nhiều nghề thủ công, mang dấu ấn và bản sắc riêng của từng tộc người. Nghề dệt và nghề đan ra đời sớm, phát triển mạnh ở hầu hết các dân tộc; nghề gốm và nghề rèn, đúc cũng ra đời sớm nhưng ít phổ biến hơn. Ngoài ra, một số ngành nghề thủ công khác cũng được duy trì trong cộng đồng các dân tộc thiểu số như: nghề mộc, nghề làm đồ trang sức bằng bạc,... Sản phẩm của các nghề thủ công này chủ yếu đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-8

Hình 6. Nghề rèn của người Nùng ở Cao Bằng

Câu hỏi

1. Em hãy kể tên một số ngành nghề thủ công của người Kinh và của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

2. Hãy cho biết một số nghề thủ công nổi tiếng ở địa phương em, hoặc em được biết qua sách, báo, truyền hình. Theo em, các nghề thủ công có vai trò gì trong đời sống kinh tế - xã hội?

b) Ăn, mặc, ở

Bữa ăn truyền thống của người Kinh thường bao gồm cơm, rau, cá; nước uống thường là nước đun với một số loại lá, hạt cây (chè, vối,...). Ngoài ra, bữa ăn có thể được bổ sung các món ăn chế biến từ thịt gia súc, gia cầm. Người Kinh đã sáng tạo ra nhiều món ăn ngon nổi tiếng, đa dạng về cách chế biến và thưởng thức, mang đậm bản sắc văn hoá của mỗi vùng miền. Ngày nay, thực đơn bữa ăn chính của các gia đình người Kinh đã đa dạng hơn.

Trang phục thường ngày của người Kinh gồm áo, quần (hoặc váy), kết hợp thêm một vài chi tiết phụ khác như: mũ, khăn, giày, dép,... Người Kinh ưa thích dùng đồ trang sức như các loại vòng, nhẫn, dây chuyển, hoa tai... bằng bạc hoặc vàng.

Trang 129

Trang phục của người Kinh cũng có sự khác biệt giữa các vùng, miền; chất liệu, kiểu dáng, màu sắc và ngày càng đa dạng trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống và tiếp thu những ảnh hưởng từ cư dân các dân tộc, quốc gia khác trên thế giới.

Hiện nay, người Kinh ở các vùng miền thường mặc âu phục: áo sơ mi, quần âu.

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-9

7.1. Áo tứ thân Bắc Bộ

7.2. Áo dài Huế

7.3. Áo bà ba Nam Bộ

Hình 7. Một số kiểu trang phục của phụ nữ Kinh ở ba miền Bắc – Trung – Nam

Người Kinh có tập quán ở trong các ngôi nhà trệt, được xây bằng gạch hoặc đắp đất. Mỗi gia đình có một khuôn viên với một vài ngôi nhà, trong đó ngôi nhà chính để thờ cúng, tiếp khách, sinh hoạt gia đình, cất giữ đồ đạc quý; các ngôi nhà khác để nấu ăn, cất giữ dụng cụ lao động, lương thực, thực phẩm,...

Ngày nay, cùng với quá trình đô thị hoá, kiến trúc nhà ở của người Kinh thay đổi theo hướng hiện đại, tiện dụng hơn với sự xuất hiện ngày càng phổ biến các ngôi nhà nhiều tầng ở nông thôn và các chung cư cao tầng tại đô thị.

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-10

Hình 8. Nhà ở tại vùng nông thôn ở Nam Định

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-11

Hình 9. Một khu chung cư cao tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh

Trang 130

Trước đây, thường ngày cư dân các dân tộc thiểu số cũng chủ yếu ăn cơm với rau, cá. Hoạt động săn bắt và chăn nuôi có vai trò quan trọng trong đời sống, nhưng sản phẩm đem lại không đều và chủ yếu dành cho các bữa ăn cộng đồng, dịp lễ hội, cúng tế. Cách ăn và chế biến đồ ăn cũng có ít nhiều sự khác biệt giữa các dân tộc, vùng miền.

Trang phục của cư dân các dân tộc thiểu số được may từ vải bông, vải tơ tằm, vải lanh,...

Trang phục của các dân tộc phía bắc là quần (hoặc váy) và áo có nhiều hoa văn trang trí. Các dân tộc phía nam, khi trời nóng, nam đóng khố, cởi trần (hoặc mặc áo); nữ mặc váy, áo; khi trời lạnh, nam, nữ đều khoác thêm tấm vải giữ ấm cơ thể. Ngoài trang sức bằng kim loại, họ sử dụng nhiều loại trang sức có nguồn gốc từ động vật, thực vật.

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-12

10.1. Trang phục của phụ nữ Dao (Lang Son)

10.2. Trang phục của nam giới Giẻ-Triêng (Kon Tum)

Hình 10. Trang phục của một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Cư dân các dân tộc thiểu số Việt Nam chủ yếu làm và ở trong những ngôi nhà sàn bằng nguyên liệu thực vật (gỗ, tre, nứa, lá,...); cư dân một số dân tộc ở nhà trệt (đất) hoặc nhà nửa sàn nửa trệt.

Mỗi dân tộc, tuỳ theo địa bàn sinh sống, điều kiện tự nhiên cũng như hoạt động kinh tế, văn hoá (phong tục, tập quán, lối sống....) khác nhau mà có những mỗ hình nhà ở phù hợp, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong kiến trúc nhà ở truyền thống của Việt Nam.

Trang 131

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-13

Hình 11. Nhà trình tưởng của người Hà Nhì (Lào Cai)

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-14

Hình 12. Nhà sàn của người Bru – Vân Kiều (Quảng Trị)

Câu hỏi

1. Trình bày một số nét chính về văn hoá ăn, mặc, ở của người Kinh và các dân tộc thiểu số Việt Nam.

2. Theo em, văn hoá ăn, mặc, ở của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam có sự thay đổi như thế nào trong những năm gần đây? Nêu một số ví dụ ở địa phương em.

c) Đi lại, vận chuyển

Trước đây, ngoài đi bộ, vận chuyển bằng vai, tuỳ vào điều kiện cụ thể, người Kinh còn phát triển hình thức đi lại, vận chuyển bằng xe trâu, bò (kéo), ngựa (cưỡi/thổ) hoặc các loại thuyền, bè,...

Hiện nay, việc đi lại, vận chuyển hàng hoá giữa các địa phương trong nước cũng như với nước ngoài ngày càng dễ dàng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian nhờ việc phát triển đa dạng các loại hình và phương tiện giao thông: xe đạp, xe máy, ô tô, tầu hoả, tàu thủy, máy bay,...

Ở miền núi, do địa hình phức tạp, độ dốc lớn, hẹp, cư dân các dân tộc thiểu số Việt Nam chủ yếu đi bộ và vận chuyển đồ bằng gùi. Một số dân tộc biết thuần dưỡng súc vật (trâu, ngựa, voi,...) và sử dụng các loại xe, thuyền để đi lại và vận chuyển hàng hoá, đồ đạc.

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-15

Hình 13. Phụ nữ dân tộc Cơ-tu (Quảng Nam) sử dụng gùi để vận chuyển đồ đạc

Trang 132

Câu hỏi

Em hãy giới thiệu một số nét chính về phương tiện đi lại và vận chuyển của người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

3. Đời sống tinh thần

a) Tín ngưỡng, tôn giáo

Người Kinh cho rằng từ sông, suối đến rừng, núi, mưa, gió,... đều có linh hồn, có thần. Vì vậy, họ tổ chức nhiều nghi lễ cúng tế cầu mong cho con người khoẻ mạnh, cây trồng, vật nuôi tốt tươi, sinh sôi nảy nở.... Đồng thời, người Kinh còn duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ những người có công với cộng đồng, thờ Mẫu, Thành hoàng làng,...

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-16

Hình 14. Ban thờ tổ tiên của người Kinh (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)

Người Kinh đã và đang tiếp thu nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành,... Cùng với đó là việc xây dựng nhiều công trình kiến trúc như: đình, đền, chùa, tháp, nhà thờ,... và tổ chức nhiều nghi lễ liên quan đến các tôn giáo như lễ Phật đản (Phật giáo), lễ Giáng sinh (Công giáo, Tin Lành)...

Cư dân các dân tộc thiểu số Việt Nam đều đang duy trì tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, tô tem giáo,... ở các mức độ đậm, nhạt khác nhau. Họ cũng đã và đang tiếp thu, chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như: Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo,...

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-17

Hình 15. Lễ cầu nguyện của người Chăm theo Hồi giáo ở Thánh đường Mát Dít Khay Ri Ất (An Giang)

Trang 133

Câu hỏi

Em hãy kể tên một số tín ngưỡng, tôn giáo đang được duy trì trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.

b) Phong tục, tập quán, lễ hội

Trong cuộc sống, người Kinh thực hành nhiều phong tục, tập quán liên quan đến chu kì vòng đời (sinh đẻ, cưới xin, ma chay,...), chu kì canh tác (xuống đồng, cơm mới,...) và chu kì thời gian/thời tiết (tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu, tết Trung thu,...).

Người Kinh sáng tạo, duy trì và phát triển hệ thống lễ hội đa dạng và phong phú, gồm lễ hội liên quan đến các tín ngưỡng dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội tưởng nhớ các anh hùng dân tộc,... Về quy mô, lễ hội của người Kinh cũng khá đa dạng, từ các lễ hội của cộng đồng làng đến lễ hội của vùng, quốc gia, quốc tế.

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-18

Hình 16. Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ)

Các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng duy trì nhiều phong tục tập quán liên quan đến chu kì vòng đời (sinh đẻ, cưới xin, tang ma,...) và chu kì canh tác (làm đất, gieo trỉa, thu hoạch,...). Một số dân tộc cũng có các phong tục, tập quán liên quan đến chu kì thời gian/thời tiết.

Trang 134

EM CÓ BIẾT?
Lễ thổi tai (đặt tên) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời mỗi con người, một nghi lễ phổ biến của hầu hết cư dân các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Sau khi đứa trẻ được sinh ra, gia đình làm lễ đặt tên, tạ ơn thần linh và cầu chúc cho đứa trẻ luôn khoẻ mạnh, khôn lớn,...


hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-19

Hình 17. Một nghi thức trong Lễ thổi tai của người Ba Na (Kon Tum)

Lễ hội của các dân tộc thiểu số Việt Nam chủ yếu được tổ chức với quy mô làng/ bản và tộc người. Một số lễ hội liên quan đến cộng đồng cư dân – dân tộc cư trú tại một vài làng/bản trong một khu vực. Các lễ hội phổ biến như: lễ tế thần, lễ hội cơm mới, đưa thóc vào kho, lễ hội xuống đồng, lễ cúng bản, cúng mường, lễ hội liên quan đến trâu và voi, lễ hội liên quan đến chùa (người Khơ-me), đền, tháp (người Chăm, người Hoa),...

hinh-anh-bai-13-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-cong-dong-cac-dan-toc-viet-nam-12162-20

Hình 18. Trình diễn cồng chiêng, trống và múa của người Cơ-tu (Quảng Nam)

Trang 135

Đời sống tinh thần của người Kinh và các dân tộc thiểu số Việt Nam đang ngày càng đa dạng và phong phú. Bên cạnh việc giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hoá truyền thống mang bản sắc dân tộc, người Kinh và cư dân các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng không ngừng giao lưu, tiếp thu và phát triển những giá trị, những thành tố văn hoá tiên tiến, phù hợp từ bên ngoài.

Câu hỏi

Hãy kể tên một số phong tục, tập quán, lễ hội của người Kinh và các dân tộc thiểu số Việt Nam.

LUYỆN TẬP VÀ VẬN DỤNG

Luyện tập

1. Lập sơ đồ về các ngữ hệ và nhóm ngôn ngữ ở Việt Nam. Kể tên một số dân tộc thuộc từng nhóm ngôn ngữ đó.

2. Lập bảng thể hiện một số nét chính về đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.

Vận dụng

Sưu tầm tư liệu và giới thiệu khái quát về các dân tộc ở địa phương em (huyện/thị, xã). Em nhận thấy đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc ở địa phương em trong những năm gần đây có thay đổi gì nổi bật?

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 13: Đời Sống Vật Chất Và Tinh Thần Của Cộng Đồng Các Dân Tộc Việt Nam | Lịch Sử 10 | Chủ đề 7: Cộng Đồng Các Dân Tộc Việt Nam - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 10

  1. Chủ đề 1: Lịch Sử Và Sử Học
  2. Chủ đề 2: Vai Trò Của Sử Học
  3. Chủ đề 3: Một Số Nền Văn Minh Thế Giới Thời Kì Cổ - Trung Đại
  4. Chủ đề 4: Các Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp Trong Lịch Sử Thế Giới
  5. Chủ đề 5: Văn Minh Đông Nam Á
  6. Chủ đề 6: Một Số Nền Văn Minh Trên Đất Nước Việt Nam (Trước Năm 1858)
  7. Chủ đề 7: Cộng Đồng Các Dân Tộc Việt Nam
  8. Thuật ngữ và Phiên âm

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 10

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.