(Trang 5)
Yêu cầu cần đạt – Hiểu được khái niệm thiết kế công nghiệp và mối quan hệ của thiết kế công nghiệp với đời sống xã hội. – Biết được đặc điểm của thiết kế công nghiệp. – Thực hành thiết kế một sản phẩm mĩ thuật thuộc lĩnh vực thiết kế công nghiệp từ vật liệu tái sử dụng. – Có hiểu biết ban đầu về một số nội dung liên quan đến thiết kế công nghiệp để từ đó hình thành tình cảm đối với ngành nghề này. |
KHÁM PHÁ
Thiết kế công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó, có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp. Hình dáng bên ngoài của sản phẩm là phần có thể nhận biết được bằng các giác quan (thị giác là chính) trước khi kiểm nghiệm sản phẩm.
Kiểu dáng khác nhau của bàn chải đánh răng (1) | Kiểu dáng khác nhau của máy hút bụi (2) |
Thiết kế công nghiệp là ngành nghiên cứu, sáng tạo thẩm mĩ của hình thái bên ngoài, dựa trên chức năng, đối tượng sử dụng và công nghệ sản xuất của sản phẩm đó.
------------------------
(1) Nguồn: ONYXprj
(2) Nguồn: Macrovector
(Trang 6)
Một số lĩnh vực cơ bản của ngành Thiết kế công nghiệp
Thiết kế sản phẩm công nghiệp là việc ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ kết hợp với yếu tố mĩ thuật nhằm tạo nên tính thẩm mĩ, phù hợp với công năng sử dụng, đồng thời cũng nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu thẩm mĩ người sử dụng. Trong lĩnh vực này, sản phẩm được thiết kế trên cơ sở những nghiên cứu khía cạnh thẩm mĩ và sự tương tác giữa sản phẩm với người sử dụng như tâm lí sử dụng, sự thoải mái, tiện dụng khi dùng sản phẩm. Theo đó, việc thiết kế dạng sản phẩm này còn liên quan đến vật liệu mới và công nghệ sản xuất, cũng như nghiên cứu kích thước, tư thế lao động của con người để có thể thiết kế được kiểu dáng, kích thước, màu sắc của sản phẩm. | Một số dụng cụ máy cầm tay (1) Một số đồ gia dụng trong bếp (2) |
Một số loại phương tiện giao thông (3) |
-------------------------
(1) Nguồn: kasarp studio
(2) Nguồn: Gaf_Lila
(3) Nguồn: KittyVector
(Trang 7)
Thiết kế đồ chơi: Đồ chơi là sản phẩm mang tính giải trí và giáo dục, do đó kiểu dáng, kích thước, màu sắc của sản phẩm đồ chơi dựa trên yếu tố tâm lí, nhu cầu và công năng sử dụng của sản phẩm. Trong lĩnh vực này, nhà thiết kế sử dụng các chất liệu từ đất sét, nhựa, cao su, gỗ, kim loại,... để tạo nên những món đồ chơi hấp dẫn, tạo hứng thú cũng như không gây hại, thân thiện với người sử dụng.
Bản vẽ phác thảo mẫu đồ chơi (1) | Gia công mẫu đồ chơi từ vật liệu sẵn có (2) |
Thiết kế đồ trang sức: Trang sức là sản phẩm làm đẹp cho con người nên trang sức được sáng tạo thông qua con mắt thẩm mĩ và đôi bàn tay khéo léo của nhà thiết kế. Chất liệu sử dụng để thiết kế sản phẩm trang sức là kim loại vàng, bạc, đá quý, ngọc trai, gỗ, da,...
Bản vẽ phác thảo đồ trang sức (3) | Gia công đồ trang sức (4) |
Hãy trình bày về lĩnh vực thiết kế công nghiệp theo những gợi ý sau:
– Khái niệm về thiết kế công nghiệp;
– Một số lĩnh vực của ngành Thiết kế công nghiệp;
– Những sản phẩm công nghiệp mới nhất mà em biết.
----------------------
(1) Nguồn: in.style
(2) Nguồn: Katerina Morozova
(3) Nguồn: AVAtem
(4) Nguồn: Pixel-Shot
(Trang 8)
EM CÓ BIẾT:
Thiết kế là công việc sáng tạo của các nhà thiết kế (hoạ sĩ thiết kế) trên cơ sở của ngôn ngữ nghệ thuật thị giác (điểm, nét, mảng, khối, màu, chất liệu,...). Khái niệm “thiết kế" được hiểu là phác thảo, vẽ mẫu, chế mẫu và tham gia quá trình sản xuất hàng loạt cho sản phẩm công nghiệp hay yếu tố mĩ thuật, kĩ thuật được thống nhất và có vị trí tương hỗ trên cùng một sản phẩm. Từ thời kì cổ đại, việc thiết kế sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống đã xuất hiện, phát triển gắn liền với thợ thủ công, nghệ nhân. Sản phẩm mĩ thuật có tính ứng dụng được tạo ra theo quá trình khép kín khi các nghệ nhân nghĩ ra mẫu, chế tác và hoàn thiện sản phẩm bằng các công cụ thô sơ. Lúc này, sản phẩm thường được chế tạo đơn chiếc với một mục đích nhất định, bảo đảm tính thực tế và có tạo hình đẹp mắt. Khi nhu cầu của thị trường về sản phẩm vừa tiện dụng vừa có tính thẩm mĩ ngày càng lớn, vượt qua nhu cầu của một bộ phận tầng lớp quý tộc trong xã hội, cũng là lúc nền sản xuất công nghiệp phát triển, các lĩnh vực trong quá trình sản xuất cần được chuyên nghiệp hoá đến từng khâu; phần kĩ thuật (đáp ứng công năng sử dụng) và phần mĩ thuật (đáp ứng thị hiếu thẩm mĩ) cần được quan tâm đúng mức. Lúc này, ngành Thiết kế công nghiệp xuất hiện và có vị trí khá độc lập.
Nhờ những thành tựu không ngừng của khoa học, kĩ thuật, công nghệ, ngành Thiết kế công nghiệp có bước chuyển mới khi yêu cầu về sản phẩm không chỉ cần đạt chất lượng thẩm mĩ, kĩ thuật, còn đòi hỏi tiện lợi, tạo sự hấp dẫn, an toàn cho người sử dụng. Việc thiết kế sản phẩm, máy móc được tính toán trên cơ sở phù hợp với tầm vóc, thể lực, tâm sinh lí lao động, cũng như tính đến khả năng, giới hạn của con người, để từ đó có thể tăng khả năng và tối ưu hoá khả năng sử dụng sản phẩm, không gây nguy hại đến sức khoẻ trong quá trình sử dụng. Những đóng góp của ngành Thiết kế công nghiệp không chỉ tạo nên giá trị thẩm mĩ mà còn thể hiện tính nhân văn, tăng thêm giá trị đối với sản phẩm.
Rô-bốt (Robot) công nghiệp (1)
--------------------
(1) Nguồn: August Phunitiphat
(Trang 9)
NHẬN BIẾT
Những yếu tố cơ bản của ngành Thiết kế công nghiệp
Thiết kế công nghiệp bao gồm việc tìm hiểu nhu cầu, thao tác sử dụng sản phẩm, từ đó vận dụng các nguyên lí cơ bản trong thiết kế để tạo dáng, nhằm thay đổi, điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng yêu cầu cơ bản và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng sản phẩm. Trong thiết kế công nghiệp, mối quan hệ giữa các yếu tố thẩm mĩ được xác định bằng cách đánh giá kiểu dáng sản phẩm có phù hợp với mục đích sử dụng sản phẩm và có tiện ích, tạo hứng thú với người sử dụng hay không. Như vậy, mối quan hệ này cơ bản phụ thuộc vào các đặc tính sau:
Tính công năng: Là mục đích mà một thiết kế cần có. Thiết kế sản phẩm phải phù hợp với mục đích chính của sản phẩm, thuận tiện, an toàn với người sử dụng. Do đó, trong thiết kế cần nghiên cứu về kiểu dáng của sản phẩm để thoả mãn mục đích sử dụng của khách hàng một cách tốt hơn. Việc không xác định mục đích chính hay kết hợp quá nhiều tính năng vào một sản phẩm có thể rất khó sáng tạo kiểu dáng sản phẩm. Tính thẩm mĩ: Được thể hiện qua các yếu tố chính như: màu sắc, hình dạng, hoa văn, đường nét, kết cấu, tỉ lệ,... Sử dụng tốt các yếu tố này trong thiết kế sẽ giúp sản phẩm có tính thẩm mĩ cao, tạo được sự hấp dẫn của sản phẩm đối với người sử dụng. Trong thiết kế kiểu dáng sản phẩm công nghiệp cần lưu ý điều gì? Hãy phân tích tính công năng và thẩm mĩ một sản phẩm của ngành Thiết kế công nghiệp. | Nồi Inox (1) Nồi gốm (2) |
--------------------------
(1) Nguồn: FabrikaSimf
(2) Nguồn: tovsla
(Trang 10)
Sự kết hợp giữa tính thẩm mĩ và công năng sử dụng: Trong thiết kế sản phẩm, tính thẩm mĩ và công năng sử dụng đóng vai trò quan trọng để tạo ra sản phẩm. Căn cứ vào mục đích của sản phẩm, nhà thiết kế tập trung nhiều hơn về tính thẩm mĩ hay công năng. Trên cơ sở công năng sử dụng của sản phẩm, nhà thiết kế bổ sung, nâng cao tính thẩm mĩ trong kiểu dáng sản phẩm bằng cách tạo hình hấp dẫn. | Bản vẽ phác thảo ý tưởng chai nước hoa (1) |
Sự kết hợp giữa tính mới lạ và tiện dụng: Tìm ra sự sáng tạo phù hợp với xu hướng, từ đó tạo ra những công nghệ hiện đại nhất để đưa những thiết kế đặc biệt mới lạ, trở nên tiện dụng hơn mà vẫn giữ được dấu ấn riêng của thiết kế.
Tạo mẫu đồ chơi (2)
------------------------------
(1) Nguồn: Chaosamran_Studio
(2) Nguồn: Stokkete
(Trang 11)
Sáng tạo thêm kiểu dáng mới cho sản phẩm trên cơ sở tâm lí người tiêu dùng: Việc thiết kế, tạo dáng sản phẩm công nghiệp dựa vào công năng, nhu cầu cụ thể của từng nhóm khách hàng mục tiêu. Những thiết kế kiểu dáng mới là sự kết hợp giữa tính thẩm mĩ, chức năng hiệu quả khi sử dụng và tâm lí của đối tượng sử dụng sản phẩm.
Thiết kế kiểu dáng mới cho sản phẩm trên cơ sở thành tựu khoa học kĩ thuật: Khi đưa ra một thiết kế sản phẩm mới, bộ phận kĩ thuật và thiết kế phải cùng thống nhất về kết cấu, kiểu dáng, chức năng sử dụng trên cơ sở của thành tựu về khoa học kĩ thuật, công nghệ vật liệu. Mọi sáng tạo phải căn cứ vào những sản phẩm có trước, thông qua việc thử nghiệm, nghiên cứu kĩ lưỡng phản hồi của người sử dụng,...
Năm 1818 | Năm 1830 | Năm 1860 | Năm 1870 |
Năm 1885 | Những năm 1860 | Giữa những năm 1970 |
Sự thay đổi thiết kế kiểu dáng xe đạp qua các thời kì (1)
Thiết kế công nghiệp chú trọng tính thẩm mĩ và thân thiện với môi trường: Bên cạnh việc thiết kế sản phẩm đáp ứng được tính thẩm mĩ trên cơ sở thuận tiện khi sử dụng, sản phẩm cũng phải thân thiện với môi trường. Sức khoẻ người tiêu dùng cũng được các nhà thiết kế lưu ý để hướng tới sự phát triển bền vững.
Các yếu tố cơ bản trong thiết kế sản phẩm công nghiệp là gì?
Hãy tìm hiểu, sưu tầm về sự thay đổi kiểu dáng sản phẩm của ngành Thiết kế công nghiệp em yêu thích.
------------------------
(1) Nguồn: Wikipedia
(Trang 12)
Vị trí của ngành Thiết kế công nghiệp trong đời sống xã hội
Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ, ngành Thiết kế công nghiệp góp phần định hình xu hướng tiêu dùng của xã hội, tạo nên sự đa dạng trong kiểu dáng sản phẩm ở nhiều lĩnh vực. Trong mỗi giai đoạn, sản phẩm tạo dáng của ngành Thiết kế công nghiệp hội tụ đầy đủ các giá trị thẩm mĩ, phương thức sản xuất và trình độ phát triển xã hội.
Kiểu dáng ghế thay đổi qua các thời kì (1)
Cổ đại | Trung đại | Hiện đại |
Hiện đại |
Để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo sự hấp dẫn với người mua, nhà thiết kế đã cho ra đời các loại sản phẩm phục vụ sở thích, nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng, từ đèn treo tường, thiết bị điện tử, y tế, phương tiện giao thông cho đến các đồ dùng gia dụng như nồi, chảo, bát, đĩa,... Do đó, mục đích của ngành Thiết kế công nghiệp là nghiên cứu, sáng tạo kiểu dáng mới dựa trên những thành tựu khoa học, tâm lí và nhu cầu sử dụng nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm với tính tiện dụng, thẩm mĩ cao, đáp ứng chất lượng sống ngày càng phong phú, đa dạng của người tiêu dùng.
Vẽ phác thảo ý tưởng về một sản phẩm có sự kết hợp của yếu tố thẩm mĩ và công năng theo gợi ý:
Lựa chọn sản phẩm sử dụng vào mục đích gì để có kiểu dáng phù hợp | Lựa chọn màu sắc, hoa văn (nếu có) để trang trí | Cụ thể bằng bản vẽ phác thảo |
---------------------------
(1) Nguồn: Wikipedia
(Trang 13)
EM CÓ BIẾT:
Trong thiết kế công nghiệp, không phải lúc nào nhà thiết kế cũng tạo nên sản phẩm hoàn toàn mới mà nhiều khi là cải tiến, nâng cấp hoặc hoàn thiện những sản phẩm đã có sau một thời gian sử dụng cho phù hợp hơn với điều kiện sản xuất mới khi các tiêu chuẩn kĩ thuật, mẫu mã sản phẩm và chi phí sản xuất hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Theo đó, nhà thiết kế tập trung cải tiến sản phẩm đã có trở nên hiệu quả hơn rất nhiều, ở cả góc độ chi phí lẫn thời gian so với việc làm ra một sản phẩm mới hoàn toàn. Thực chất, chỉ có một số sản phẩm là thực sự mới, còn lại là những sản phẩm trước đó được cải tiến chút ít để phù hợp với thị hiếu và thu nhập của khách hàng. Bí quyết là ở chỗ các nhà sản xuất luôn tận dụng những cơ hội trên thị trường để liên tục đa dạng hoá sản phẩm, mang đến người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn mới.
Một số kiểu dáng nhiệt kế (1)
-----------------------
(1) Nguồn: Seahorse Vector
(Trang 14)
THẢO LUẬN
Trao đổi với các thành viên trong nhóm về một số đặc điểm trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp theo các câu hỏi gợi ý sau.
– Những sáng tạo trong thiết kế công nghiệp dựa trên cơ sở nào?
– Sự phát triển của khoa học và công nghệ tác động như thế nào đến lĩnh vực thiết kế công nghiệp?
– Sự đổi mới kiểu dáng sản phẩm trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp tác động thế nào đến thị hiếu mua sắm, thói quen sử dụng của người tiêu dùng?
VẬN DỤNG
Sử dụng kiến thức, kĩ năng đã học:
– Đề xuất ý tưởng thiết kế kiểu dáng đèn để bàn.
– Vẽ phác thảo và trình bày phương án thiết kế kiểu dáng đèn để bàn trước nhóm, lớp.
Phần tham khảo:
Bản vẽ phác thảo đèn để bàn (1)
--------------------
(1) Nguồn: Duy Anh
(Trang 15)
EM CÓ BIẾT:
Công việc của hoạ sĩ thiết kế công nghiệp là gì?
Để trở thành nhà thiết kế công nghiệp, cần phải học các nguyên tắc bố cục cơ bản như: cân bằng, nhịp điệu, sự chuyển động, tỉ lệ, sử dụng màu sắc, đường nét, hình dạng, kết cấu và không gian,...; cũng như có hiểu biết đầy đủ về cách sử dụng, chức năng cơ bản của sản phẩm để thể hiện thành sản phẩm cụ thể, thoả mãn được tính thẩm mĩ và công năng sử dụng.
Khi tiến hành thiết kế sản phẩm, hoạ sĩ thực hiện theo các bước cơ bản sau:
– Tìm ý tưởng: Cải tiến, hoàn thiện mẫu mã cũ hay thiết kế một kiểu dáng mới, xác định cơ sở (thẩm mĩ, kĩ thuật) cho những ý tưởng mới,...;
– Thiết kế chi tiết sản phẩm: Kiểu dáng, kết cấu, vật liệu, công năng sử dụng,...;
– Chế thử sản phẩm mẫu: Lựa chọn vật liệu, gia công chế tác để tạo sản phẩm mẫu;
– Kiểm định/ dùng thử sản phẩm mẫu: Kiểm tra, đánh giá tính thẩm mĩ và khả năng sử dụng của sản phẩm theo thiết kế, mục tiêu đề ra, cũng như đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện sản phẩm để có thể sản xuất hàng loạt;
– Hoàn thiện thiết kế.
Bản vẽ phác thảo đèn trang trí (1)
-------------------
(1) Nguồn: Đình Tuyến
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn