Bài 2: Thiết kế Logo đơn giản | Mĩ thuật_Thiết kế đồ hoạ 10 - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Mĩ thuật_Thiết kế đồ hoạ 10 - Bài 2: Thiết kế Logo ađơn giản - Khám phá - Nhận biết - Thảo luận - Vận dụng - Biết được đặc điểm của logo và thiết kế logo. Thực hiện được nhiều phác thảo và hoàn thiện thiết kế logo đơn giản.


(Trang 18)

Yêu cầu cần đạt

– Biết được đặc điểm của logo và thiết kế logo.

– Bước đầu biểu đạt được ý tưởng nội dung ở thiết kế.

– Thực hiện được nhiều phác thảo và hoàn thiện thiết kế logo đơn giản.

– Giới thiệu được ý tưởng thẩm mĩ ở sản phẩm thiết kế logo.

– Qua thiết kế logo đơn giản, học sinh hiểu và yêu thích công việc thiết kế đồ hoạ.

KHÁM PHÁ

Logo không chỉ là hình ảnh đại diện mà còn là câu chuyện của mỗi thương hiệu. Một logo đẹp phải phản ánh được những giá trị và sứ mệnh của đối tượng mà nó đại diện. Một logo đẹp sẽ tồn tại lâu dài với thời gian, tác động được đến cảm xúc. Để hiểu về logo, người xem phải cảm nhận được sự kết hợp tinh tế trong từng đường nét, hình ảnh, màu sắc, kiểu chữ đồ hoạ, logo được định nghĩa là một hình ảnh hay kí hiệu có chức năng thông tin, truyền đạt thông điệp qua kênh thị giác nhằm biểu thị một đối tượng hoặc ý niệm nào đó. Trong nhiều trường hợp, logo là một tín hiệu trực quan thể hiện đặc tính và bản chất của chủ thể mà nó đại diện, tạo ra sự khác biệt giữa các đơn vị, tổ chức hoặc các sản phẩm hàng hoá. Phạm vi sử dụng của logo rất rộng như: trên các biển hiệu của một công ty, nhãn mác, bao bì sản phẩm, trong các giấy tờ văn bản hành chính, sản phẩm báo chí, truyền hình,...

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-0

Logo Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) (1)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-1

Logo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (2)

Logo của một đơn vị, tổ chức hay một nhãn hàng thường được đặt ở đâu? Logo có ý nghĩa thế nào với một đơn vị, một tổ chức hay một thương hiệu?

-----------------------

(1), (2) Nguồn: Wikipedia

(Trang 19)

NHẬN BIẾT

Các loại logo cơ bản

– Logo thương mại: Hình ảnh mang tính đại diện hoặc biểu tượng cho tên của một công ty và nhãn hiệu được thiết kế độc đáo để nhận biết. Trong một chiến lược tiếp thị sản phẩm, logo sẽ được trình bày như một biểu tượng hoặc thương hiệu để phân biệt một sản phẩm cụ thể giữa nhiều sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-2

Logo ngành thuỷ sản (1)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-3

Logo ngành hàng hải (2)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-4

Logo ngành hàng không (3)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-5

Logo ngành nông nghiệp (4)

Logo thương mại có đặc điểm gì?

---------------------

(1), (2), (4) Nguồn: acr23

(3) Nguồn: Nizwa Design

(Trang 20)

– Logo phi thương mại: Hình ảnh đại diện cho một tổ chức phi thương mại (các tổ chức văn ho

chính trị, tổ chức nhân đạo) để truyền tải một thông điệp, mục đích, tôn chỉ của tổ chức.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-6

Logo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)(1)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-7

Logo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (2)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-8

Logo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) (3)

Logo phi thương mại có đặc điểm gì?

Các đặc điểm cơ bản của logo

– Tính đơn giản: Hoạ sĩ thiết kế phải đưa ra được hình ảnh đơn giản, ấn tượng, đặc trưng nhất có thể để phát huy chức năng truyền đạt thông điệp, gợi sự liên tưởng trực tiếp hay liên tưởng gián tiếp cho người xem, giúp người xem dễ hiểu, dễ nhớ đến. Logo được thiết kế đơn giản sẽ giúp không bị mất nét hay rối mắt khi cần phóng to, thu nhỏ để in ấn trên mọi kích thước và còn dễ thể hiện chính xác trên các chất liệu khác nhau như đồng, gỗ, i-nốc (inox), bê tông,.. trong trường hợp logo được gắn trên tường hay cổng ra vào của cơ quan, đơn vị để dễ nhận diện. Tính đơn giản trong thiết kế logo còn được thể hiện ở một số tiêu chí sau:

+ Các hình, nét thể hiện tín hiệu đơn giản, tỉ lệ hài hoà. Logo không có quá nhiều chi tiết phức tạp hay quá nhỏ để thuận tiện khi trình bày trong văn bản.

-----------------------

(1), (2), (3) Nguồn: Wikipedia

(Trang 21)

+ Các đường thẳng, đường cong hay hình vuông, hình tròn,... đều bao hàm những ý nghĩa khác nhau. Vì thế, một nhà thiết kế logo chuyên nghiệp là người có thể sử dụng chắt lọc các yếu tố để biểu thị những phẩm chất cụ thể về thương hiệu.

+ Việc kết hợp hình ảnh màu và chữ (nếu có) cần hài hoà, thống nhất trong hình thức thể hiện. Tránh sử dụng hình ảnh có tính phức tạp để làm biểu tượng và kết hợp với kiểu chữ quá cầu kì dẫn đến người xem bị rối mắt, nhiễu thông tin.

– Tính biểu tượng: Đặc trưng này trong logo có khả năng vượt qua các hàng rào ngôn ngữ làm cho người xem dù ở nhiều quốc gia khác nhau, nhiều nền văn hoá khác nhau vẫn có thể cùng chung cảm nhận về đối tượng chủ thể của nó. Trong vài chục giây quan sát, người xem có thể đọng lại đường nét, màu sắc hay kiểu chữ trong trí nhớ ngay lập tức.

– Tính khác biệt: Sự khác biệt giúp định vị hình ảnh logo qua đó tổ chức hay công ty trở nên nổi bật hơn. Sự khác biệt này được hiểu là tính độc đáo, ấn tượng trong việc thiết kế hình ảnh cho logo. Tuy nhiên, tính khác biệt nhưng không làm mất đi thông điệp, ý nghĩa của hình ảnh logo, hay phá vỡ các nguyên lí thiết kế cơ bản nhất. Cần lưu ý, sự khác biệt thái quá sẽ dẫn đến khó hiểu và nhiều khi cho hiệu ứng xấu, phản cảm và gây ấn tượng ban đầu không tốt khi khách hàng tiếp cận với một thương hiệu.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-9

Logo hãng đàn Organ (giả định) (1)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-10

Logo giải đua xe đạp (giả định) (2)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-11

Cùng biểu tượng thỏ ngọc nhưng mỗi mẫu logo mang lại cho người xem cảm nhận khác nhau (3)

---------------------------

(1) Nguồn: Bùi Minh Nguyệt

(2) Nguồn: Quách Thị Lan

(3) Nguồn: Duy Mai

(Trang 22)

Màu sắc trong thiết kế logo

   Màu sắc là một yếu tố quan trọng trong thiết kế logo, bởi màu sắc không chỉ là tín hiệu nhận biết mà còn tác động đáng kể đến trạng thái cảm xúc của con người. Màu sắc hiển thị trên logo có thể kích thích trí tưởng tượng và gợi liên tưởng đến đặc trưng của thương hiệu. Sử dụng màu sắc trong logo, nhà thiết kế phải hiểu được tác động của màu sắc đến tâm lí người xem, cũng như quan niệm về màu sắc của mỗi vùng miền văn hoá mà sản phẩm mang logo đó hướng đến.

   Cùng với sự đơn giản hoá về hình và bố cục, màu sắc của logo cũng cần đơn giản tới mức tối đa. Để lựa chọn màu sắc của logo, các nhà thiết kế phải dựa trên đặc trưng của đối tượng thiết kế, hoặc lựa chọn màu để truyền tải một thông điệp, ý nghĩa nào đó của đơn vị hay sản phẩm. Một mẫu logo có thể được sử dụng nhiều màu, hoặc một màu đơn.

   Màu thường được thể hiện ở dạng phẳng giúp thuận tiện cho việc in đen trắng hay thi công thành khối ở các vật liệu khác như đồng, i-nốc, sắt, xi măng.... Trong tình huống cần chuyển sắc độ (độ sáng) một màu của logo, người ta thường dùng thủ pháp đồ hoạ như chuyển một màu phẳng thành các nét, chấm được tổ chức dày mỏng mau thưa khác nhau để tạo sắc độ. Về nguyên tắc, màu sắc trong thiết kế logo phải được dùng một cách chính xác và nhất quán trong mọi hoàn cảnh. Điều này không chỉ đặc biệt ý nghĩa trong việc xây dựng thương hiệu về mặt cảm xúc, mà còn mang tính ứng dụng cao, giúp thương hiệu nổi bật trên thị trường, đó là một bước quan trọng để người xem ghi nhớ hình ảnh của thương hiệu lâu bền trong tâm trí.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-12

Logo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-13

Logo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) (2)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-14

Logo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (3)

---------------------------

(1), (2), (3) Nguồn: Wikipedia

(Trang 23)

Một vài dạng logo thường gặp

– Logo thiết kế tạo hình theo dạng chữ

  Thiết kế logo dạng chữ làm chủ đạo, thường được các nhà thiết kế lấy chữ cái làm đối tượng khai thác, nhằm tạo ra những câu chuyện thú vị về thương hiệu bằng con chữ. Đây là cách thiết kế thông qua sự sáng tạo sắp xếp bố cục và lựa chọn kiểu chữ, màu sắc hấp dẫn khiến người xem chú ý đến nội dung, chủ đề mà tác giả đã thiết kế. Ngoài ra, nó còn ẩn chứa sự thân thiện của một thương hiệu đối với khách hàng, hay mang thông điệp của một tổ chức chính trị, xã hội.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-15

Logo hãng máy kéo (giả định) (1)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-16

Logo Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế (2)

   Logo có thể được thiết kế chỉ có chữ mà không có hình với nhiều dáng vẻ và kiểu chữ khác nhau, nhưng quan trọng nhất phải chân phương, dễ đọc, dễ nhớ, gợi được những liên tưởng sâu xa. Logo dạng này thường không có hình ảnh minh hoạ cho thông điệp trên logo, vì tự bản thân kiểu chữ đã nói lên được ngữ nghĩa để truyền đạt thông tin. Logo dạng chữ nhiều khi không chỉ là dựa trên một kiểu chữ cụ thể có sẵn, mà nhà thiết kế sẽ phải lựa chọn một vài kiểu chữ và sau đó sáng tạo nên một hình ảnh mới mang thông điệp của đối tượng mà logo làm đại diện,...

– Logo dạng hình

   Trong việc lựa chọn giải pháp thiết kế logo, có nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thay vì chọn lựa một kiểu chữ nào đó để cách điệu, họ lại chọn cho mình một hình ảnh mang tính ẩn dụ làm hình tượng trưng cho công ty, gợi cho người xem liên tưởng đến đặc trưng, tính chất của cơ quan, doanh nghiệp hay cho dòng sản phẩm chính của doanh nghiệp.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-17

Logo Thế vận hội (3)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-18

Logo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (4)

----------------------

(1) Nguồn: Nguyễn Đức Thuận

(2), (3), (4) Nguồn: Wikipedia

 (Trang 24)

– Logo kết hợp giữa chữ và hình

Thiết kế logo dạng này có ba hình thức thiết kế chính: chữ chính hình phụ, hình chính chữ phụ, chữ và hình ngang nhau.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-19

Logo hãng thời trang nam (1)

    Logo dạng này mang tính giản ước tối đa. Hình ảnh được khái quát và mang tính cách điệu cao, đóng vai trò làm biểu tượng đại diện cho thương hiệu, diễn tả sự nhận biết thương hiệu và dòng sản phẩm cũng như lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Với dạng logo này, chữ và hình có thể tách rời nhau hoặc lồng ghép vào nhau (hình trong chữ). Phần nội dung chữ phải chân phương, ngắn gọn, dễ đọc. Nó có thể là chữ cái đầu viết tắt tên công ty kết hợp với hình ảnh, cũng có thể là tên đầy đủ của công ty.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-20

Logo áo lớp (2)

Hãy quan sát và vẽ đơn giản một đối tượng (côn trùng, hoa lá, động vật, đồ vật,...) mà em yêu thích để thể hiện tính đơn giản trong tạo hình logo.

EM CÓ BIẾT

Vẽ đơn giản hoá một đối tượng

Vẽ đơn giản hoá hay khái quát hoá là phương pháp chuyển hoá những đối tượng (con người, động vật, cỏ cây, hoa lá, phong cảnh, kiến trúc,... ) từ những hình ảnh thực thành những hình tượng đơn giản mang đặc trưng của đối tượng (dùng nhiều trong lĩnh vực mĩ thuật ứng dụng) làm cho nó có khả năng thể hiện được bằng những chất liệu khác nhau và ăn nhập với không gian mà nó được ứng dụng. Để có được một hình ảnh đẹp, hoạ sĩ phải qua rất nhiều giai đoạn làm việc.

-----------------------

(1) Nguồn: Dương Thị Ly

(2) Nguồn: Vương Thanh Trúc

(Trang 25)

– Quan sát đặc điểm

Quan sát đối tượng trước khi vẽ là bước quan trọng. Từ đó, hoạ sĩ có thể nhận ra được những đặc trưng của đối tượng.

– Vẽ nghiên cứu chi tiết

Vẽ nghiên cứu nhằm nhiều mục đích khác nhau: làm tài liệu bố cục tranh, tài liệu trang trí, ghi nhớ hình ảnh. Bởi vậy, có nhiều cách vẽ khác nhau như: kí hoạ bằng bút chì trên giấy, kí hoạ bằng mực tàu, thuốc nước, phấn màu, bột màu, bút sắt, bút lông. Mỗi con vật nên vẽ ở nhiều dáng, trong các tư thế khác nhau.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-21

Hình ảnh con thỏ từ nhiều góc quan sát (1)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-22

Vẽ nghiên cứu bằng bút chì (2)

----------------------

(1) Nguồn: JIANG HONGYAN

(2) Nguồn: Ilona Rainbow

(Trang 26)

– Đơn giản hoá đối tượng

Sau quá trình quan sát, vẽ nghiên cứu, có thể đơn giản hoá bằng cách lược bỏ đi những chi tiết rườm rà, không cần thiết, chỉ giữ lại những đặc trưng của đối tượng. Ví dụ: Với hình chú thỏ, có thể vẽ với các đặc trưng là đường cong ở lưng; đôi chân nhỏ, ngắn; đôi tai dài.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-23

Vẽ đơn giản con thỏ (1)

+ Đơn giản hoá đối tượng bằng nét

Do yêu cầu của thiết kế mà ta có thể diễn tả đối tượng bằng nét. Phương pháp dùng nét để mô tả đối tượng vẽ được các hoạ sĩ sử dụng khá nhiều. Ngoài việc chọn đối tượng cho phù hợp, cần lưu ý nhất là tiết tấu, nhịp điệu của đường nét, mối quan hệ giữa thẳng và cong, mềm và cứng, thưa và mau, thô và mảnh sao cho thuận mắt, hợp lí và có thẩm mĩ. Nên sử dụng nhiều sự phối hợp đối lập, đường nét dứt khoát, rõ ràng hoặc nhiều đường thẳng mạnh. Trên cơ sở đó, cường điệu hoá một số yếu tố tạo hình, lược bớt một số chi tiết không cần thiết và phối hợp tạo nên sự hài hoà chung hoàn chỉnh.

+ Đơn giản hoá đối tượng bằng mảng

Trong thực tế quan sát thiên nhiên, mọi vật thể đều cho chúng ta cái nhìn ba chiều nhưng trong cách nhìn ngôn ngữ tạo hình của thiết kế đồ hoạ, có những trường hợp mảng đậm nhạt trên đối tượng đã có tính trang trí đẹp mắt hoặc do yêu cầu của thiết kế, người ta cách điệu hoá để đưa đối tượng về mảng phẳng mang lại hiệu quả thẩm mĩ và ấn tượng hơn. 

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-24

Vẽ đơn giản con cò (2)

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-25

Vẽ đơn giản con ngựa vằn (3)

-----------------------------

(1) Nguồn: Duy Mai

(2) Nguồn: Nguyễn Hồng Thắm

(3) Nguồn: Nguyễn Đức Thắng

(Trang 27)

Các bước sáng tác logo–

– Tìm kiếm tư liệu về logo

Nguồn tư liệu về logo vô cùng phong phú, có thể tham khảo qua các phương tiện như internet, sách, báo, tạp chí,... Việc nghiên cứu tư liệu sẽ làm phong phú kiến thức, trí tưởng tượng nhằm tạo ra sản phẩm thiết kế hướng đến sự mới mẻ, độc đáo; tránh sự trùng lặp mà người đi trước đã thực hiện.

– Xây dựng ý tưởng

Xây dựng ý tưởng trong thiết kế đồ hoạ chỉ hoạt động sáng tạo ra các sản phẩm thiết kế mới, đáp ứng tốt các yêu cầu của thiết kế. Để xây dựng ý tưởng, cần quan sát kĩ đặc điểm điển hình của đối tượng và vẽ lại những đặc điểm đặc trưng nổi bật nhất của đối tượng, từ đó tìm ra hình ảnh đại diện của đối tượng thiết kế.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-26


Các bước gợi ý thiết kế logo lấy ý tưởng từ hoa sen (1)

   Quan sát các đặc trưng của hoa sen, ta nhận thấy không khó để nhận ra được ngay những đặc trưng của loài hoa. Lối cách điệu đơn giản, khái quát hoá đối tượng như trên, thường được các hoạ sĩ sử dụng vì nó mang ý nghĩa phổ cập về mặt thẩm mĩ, dễ được chấp nhận. Trong thực tiễn của nghệ thuật thiết kế logo, lối biểu hiện này đáp ứng được yêu cầu với một logo: trước hết phải dễ nhìn, dễ đọc và đặc biệt dễ nhớ.

-------------------

(1) Nguồn: Duy Mai

(Trang 28)

– Phác thảo

Phác thảo sơ bộ là bước đầu tiên để thiết kế logo hiệu quả. Có thể phác thảo đơn giản với các bản vẽ giấy và bút chì hoặc thực hiện bằng phần mềm trên máy tính. Việc phác thảo có thể bắt đầu với 5 đến 10 bản phác thảo, sau đó phân nhóm để lọc ra các biến thể của ý tưởng ban đầu. Một bản thiết kế logo hiệu quả cần lưu ý một số nội dung sau:

Tính cân bằng

   Cân bằng rất quan trọng trong thiết kế logo vì chúng ta thường nhận thức một cách tự nhiên rằng: sự cân đối luôn dễ chịu và hấp dẫn mắt nhìn. Do đó, cần giữ cho hình ảnh của logo cân bằng bằng cách cân đối các tương quan của yếu tố đồ hoạ như màu sắc và tỉ lệ hình, chữ bằng nhau ở mỗi bên.

Kích thước

   Khi nói đến thiết kế logo, kích thước rất quan trọng. Một logo ngoài tính thẩm mĩ thì còn phải dễ nhìn ở mọi kích cỡ. Một logo sẽ không đạt được hiệu quả nếu khi thu nhỏ để in trên các loại giấy tờ văn bản, danh thiếp, bao bì,... mà mất hết chi tiết, chữ quá nhỏ dẫn đến tình trạng rối mắt và khó đọc.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-27

Bước đầu phác thảo logo bằng chì lấy ý tưởng từ bông hoa sen với những đường thẳng

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-28

Phác thảo logo đen trắng

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-29

Phác thảo tìm màu cho logo

(Trang 29)

– Hoàn thiện thiết kế

   Khi các phương án phác thảo đã được hoàn thiện và chính thức đưa vào sử dụng, cần phải có bản vẽ kĩ thuật chuẩn mực để định hình đối tượng. Bản vẽ kĩ thuật là căn cứ để kiểm tra sự chuẩn xác, đảm bảo sự đồng dạng, cân đối khi logo được phóng to hoặc thu nhỏ. Nhà thiết kế có thể đặt hình ảnh logo lên trên một mạng lưới ô vuông, sao cho các bộ phận cấu thành và ngoại hình của logo về cơ bản được đặt chồng khít lên cấu trúc của mạng lưới này, giúp xác định thông số về các kích thước và khoảng cách an toàn liên quan đến hình dạng của logo. Đó là khoảng trống của logo khi đặt trong hệ thống lưới và khi đặt logo ở một nơi khác. Điều đó giúp xác định vị trí đặt logo ở lề, góc của một trang in hoặc trên bao bì tem, nhãn. Đây là khoảng trống bắt buộc tối thiểu giữa biểu tượng với chữ và các yếu tố đồ hoạ khác nhằm đảm bảo tính rõ ràng và dễ đọc cho logo.

   Tiêu chí đánh giá một logo đẹp không chỉ dừng lại ở hình ảnh. Việc lựa chọn màu sắc cũng là một phần quan trọng giúp nhận diện thương hiệu. Màu sắc của nó cũng được quản lí rất chặt chẽ phải đảm bảo sao cho màu của logo trên tất cả các ấn phẩm của thương hiệu chủ quản phải đồng nhất với nhau.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-30

Logo nét đen trên lưới

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-31

Logo hoàn thiện

Hãy thiết kế một logo đơn giản theo chủ đề em yêu thích.

Một số hình ảnh tham khảo

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-32

Nguyễn Thu Huệ, logo bảo vệ môi trường

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-33

Phạm Tuấn Hiệp, logo bảo vệ môi trường

(Trang 30)

EM CÓ BIẾT

Ý nghĩa của logo trong nhận diện thương hiệu

   Suốt chiều dài của nền văn minh nhân loại, từ khi hình thành những nhà nước đầu tiên, con người đã biết tạo những con dấu thể hiện quyền sở hữu trên đàn gia súc, những gia huy biểu tượng cho một gia đình quý tộc, biểu tượng quyền lực của một vị vua hay những biểu tượng cho một đấng thần linh mà họ tôn thờ. Trong khoảng từ thế kỉ 18 đến thế kỉ 19, khi cuộc cách mạng công nghiệp chuyển đổi xã hội phương Tây từ nông nghiệp sang công nghiệp, hàng loạt cải tiến về công nghệ in ấn đã có những tác động lớn làm thay đổi khả năng tiếp thị, phân phối hàng hoá. Đây là thời kì bùng nổ của ngành quảng cáo với những thiết kế tích hợp kiểu chữ và hình ảnh. Vai trò của logo lúc này được sử dụng như một yếu tố dùng để phân biệt thương hiệu, với tần suất xuất hiện liên tục, nó trở thành một phương tiện giao tiếp bằng hình ảnh của doanh nghiệp với xã hội. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm tìm kiếm một giải pháp tín hiệu nhận biết sao cho đơn giản, dễ nhớ để phân biệt họ với các doanh nghiệp khác, cũng như tìm kiếm tính nhất quán về tín hiệu.

   Ngày nay, trong thời đại ngành truyền thông phát triển, logo không chỉ xuất hiện trên các ấn phẩm truyền thông như sách, báo, tạp chí mà logo còn xuất hiện trên mọi phương tiện truyền thông khác như truyền hình, trang thông tin điện tử,.... Vì vậy, thiết kế logo không chỉ thể hiện sự sáng tạo về ngôn ngữ biểu đạt của nhà thiết kế, mà còn phải có tính ứng dụng cao, bản thân nó phải thích ứng với việc chuyển động linh hoạt trên mọi phương tiện truyền thông với mọi kích thước khác nhau, để việc sử dụng logo được phổ quát hơn. Khi người xem nhìn vào logo xác định được ngay lĩnh vực mà thương hiệu đang hoạt động và từ đó khắc sâu vào tâm trí khách hàng. Qua đó, ta thấy, logo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định vị và nhận diện thương hiệu trên thị trường.

hinh-anh-bai-2-thiet-ke-logo-don-gian-12253-34

Con dấu thần Si-va Pa-su-pa-ti (1) (Shiva Pashupati), nền văn minh lưu vực sông Ấn (xuất hiện khoảng 3 300 năm TCN)

THẢO LUẬN

Trao đổi với các thành viên trong nhóm về sản phẩm đã thực hiện theo một số gợi ý sau:

– Những yếu tố tạo hình trong logo.

– Ý nghĩa các hình ảnh trên logo.

VẬN DỤNG

Hãy thiết kế logo cho một câu lạc bộ của trường em hoặc biểu tượng đại diện cho địa phương em sinh sống.

---------------------

(1) Nguồn: Wikipedia

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 2: Thiết kế Logo đơn giản | Mĩ thuật_Thiết kế đồ hoạ 10 - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Môn Học Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sinh học 10

Âm nhạc 10

Ngữ văn 10 - Tập 1

Ngữ văn 10 - Tập 2

Giáo Dục Kinh Tế Và Pháp Luật 10

Giáo dục thể chất cầu lông

Giáo dục thể chất bóng đá

Hoạt Động Trải Nghiệm, Hướng Nghiệp 10

Công Nghệ 10

Địa Lí 10

Toán 10 - Tập 1

Toán 10 - Tập 2

Lịch Sử 10

Mĩ thuật_Thiết kế thời trang 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh 10

Mĩ thuật_Thiết kế công nghiệp 10

Mĩ thuật_Thiết kế đồ hoạ 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện 10

Mĩ thuật_Lí luận và lịch sử mĩ thuật 10

Mĩ thuật _Điêu khắc 10

Mĩ thuật_Đồ hoạ (tranh in) 10

Mĩ thuật_Hội hoạ 10

Mĩ thuật_Kiến trúc 10

Tin Học 10

Giải bài tập Sinh học 10

Giải bài tập Hóa học 10

Giải bài tập Vật lý 10

Bộ Sách Lớp 10

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.