Bài 19: Tuần Hoàn Máu (Tiếp theo) | Sinh Học 11 | Chương I: Chuyển Hóa Vật Chất Và Năng Lượng - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Sinh học 11 - Bài 19


III – HOẠT ĐỘNG CỦA TIM

1. Tính tự động của tim

Tim bị cắt rời khỏi cơ thể vẫn có khả năng co dãn nhịp nhàng nếu được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, ôxi và nhiệt độ thích hợp. Khả năng co dãn tự động theo chu kì của tim được gọi là tính tự động của tim.

Tim co dãn tự động theo chu kì là do hệ dẫn truyền tim (hình 19.1). Hệ dẫn truyền tim là tập hợp sợi đặc biệt có trong thành tim, bao gồm : nút xoang nhĩ, nút nhĩ thất, bó His và mạng Puôckin.

Nút xoang nhĩ có khả năng tự phát xung điện. Cứ sau một khoảng thời gian nhất định, nút xoang nhĩ lại phát xung điện. Xung điện lan ra khắp cơ tâm nhĩ làm tâm nhĩ co, sau đó lan đến nút nhĩ thất, đến bó His rồi theo mạng Puôckin lan ra khắp cơ tâm thất làm tâm thất có.

hinh-anh-bai-19-tuan-hoan-mau-tiep-theo-3428-0

Hình 19.1. Hệ dẫn truyền tim

2. Chu kì hoạt động của tim

Tim co dãn nhịp nhàng theo chu kì. Mỗi chu kì hoạt động của tim (chu kì tim) bắt đầu từ pha co tâm nhĩ, sau đó là pha co tâm thất và cuối cùng là pha dãn chung. Tiếp đó lại bắt đầu một chu kì tim mới bằng pha co tâm nhĩ... Tâm nhĩ co đẩy máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Tâm thất co đẩy máu vào động mạch chủ và động mạch phổi. Ở người trưởng thành, mỗi chu kì tim kéo dài khoảng 0,8 giây (hình 19.2).Trong đó, tâm nhĩ co 0,1 giây, tâm thất co 0,3 giây, thời gian dãn chung là 0,4 giây. Vì mỗi chu kì tim kéo dài 0,8 giây nên trong một phút có khoảng 75 chu kì tim, nghĩa là nhịp tim là 75 lần/phút.

hinh-anh-bai-19-tuan-hoan-mau-tiep-theo-3428-1

Hình 19.2. Chu kì hoạt động của tim

Nhịp tim của các loài động vật là khác nhau (bảng 19.1).

Bảng 19.1. Nhịp tim của thú

Động vật Nhịp tim/phút
Voi 25-40
Trâu 40-50
50-70
Lợn 60-90
Mèo 110-130
Chuột 720-780

Nghiên cứu bảng 19.1 và trả lời các câu hỏi dưới đây :

– Cho biết mối liên quan giữa nhịp tim với khối lượng cơ thể.

– Tại sao có sự khác nhau về nhịp tim ở các loài động vật ?

IV – HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ MẠCH

1. Cấu trúc của hệ mạch

Hệ mạch bao gồm hệ thống động mạch, hệ thống mao mạch và hệ thống tĩnh mạch.

Hệ thống động mạch bắt đầu từ động mạch chủ, tiếp đến là các động mạch có đường kính nhỏ dần và cuối cùng là tiểu động mạch. Hệ thống tĩnh mạch bắt đầu từ tiểu tĩnh mạch, tiếp đến là các tĩnh mạch có đường kính lớn dần và cuối cùng là tĩnh mạch chủ. Hệ thống mao mạch nối giữa tiểu động mạch với tiểu tĩnh mạch.

2. Huyết áp

Tim co bóp đẩy máu vào động mạch, đồng thời cũng tạo nên một áp lực tác dụng lên thành mạch và đẩy máu chảy trong hệ mạch. Áp lực máu tác dụng lên thành mạch được gọi là huyết áp.

Do tim bơm máu vào động mạch từng đợt nên tạo ra huyết áp tâm thu (ứng với lúc tim co) và huyết áp tâm trương (ứng với lúc tim dãn). Ở người, huyết áp tâm thu bằng khoảng 110 – 120mmHg và huyết áp tâm trương bằng khoảng 70 – 80mmHg. Người Việt Nam trưởng thành có huyết áp tâm thu khoảng 110mmHg và huyết áp tâm trương khoảng 70mmHg. Huyết áp động mạch của người được đo ở cánh tay ; huyết áp của trâu, bò, ngựa được đo ở đuôi.

Tất cả những tác nhân làm thay đổi lực co tim, nhịp tim, khối lượng máu, độ quánh của máu, sự đàn hồi của mạch máu đều có thể làm thay đổi huyết áp.

– Tại sao tim đập nhanh và mạnh làm huyết áp tăng, tim đập chậm và yếu làm huyết áp giảm ?

– Tại sao khi cơ thể bị mất máu thì huyết áp giảm ?

Trong suốt chiều dài của hệ mạch (từ động mạch đến mao mạch và tĩnh mạch) có sự biến động về huyết áp (hình 19.3 và bảng19.2).

hinh-anh-bai-19-tuan-hoan-mau-tiep-theo-3428-2

Hình 19.3. Biến động huyết áp trong hệ mạch

Bảng 19.2. Biến động huyết áp trong hệ mạch của người trưởng thành

Loại mạch Động mạch chủ Động mạch lớn Tiểu động mạch Mao mạch Tiểu tĩnh mạch Tĩnh mạch chů
Huyết áp (mmHg) 120 –140
110 – 125
40– 60
20– 40
10– 15
≈ 0

Nghiên cứu hình 19.3 và bảng 19.2, sau đó mô tả sự biến động của huyết áp trong hệ mạch và giải thích tại sao có sự biến động đó (dựa vào ma sát của dịch lỏng chảy trong ống).

3. Vận tốc máu

Vận tốc máu là tốc độ máu chảy trong một giây. Ví dụ, tốc độ máu chảy trong động mạch chủ bằng khoảng 500mm/s, trong mao mạch bằng khoảng 0,5mm/s, trong tĩnh mạch chủ bằng khoảng 200mm/s.

Vận tốc máu trong các đoạn mạch của hệ mạch liên quan chủ yếu đến tổng tiết diện của mạch và chênh lệch huyết áp giữa hai đầu đoạn mạch.

Quan sát hình 19.4, sau đó trả lời các câu hỏi sau :

– Vận tốc máu biến động như thế nào trong hệ mạch ?

– So sánh tổng tiết diện của các loại mạch.

– Cho biết mối liên quan giữa vận tốc máu và tổng tiết diện mạch.

hinh-anh-bai-19-tuan-hoan-mau-tiep-theo-3428-3

Hình 19.4. Biến động của vận tốc máu trong hệ mạch
a) Vận tốc máu ; b) Tổng tiết diện mạch.

Ở người, tiết diện của động mạch chủ bằng khoảng 5 – 6cm2, tốc độ máu ở đây bằng khoảng 500mm/s. Tổng tiết diện của mao mạch bằng khoảng 6000cm2 nên tốc độ máu giảm chỉ còn khoảng 0,5mm/s.

– Khả năng co dãn tự động theo chu kì của tim gọi là tính tự động của tim.

– Khả năng co dãn tự động theo chu kì của tim là do hệ dẫn truyền tim. Hệ dẫn truyền tim bao gồm : nút xoang nhĩ, nút nhĩ thất, bó His và mạng Puôckin.

– Tim hoạt động theo chu kì. Mỗi chu kì tim bắt đầu từ pha co tâm nhĩ, sau đó là pha co tâm thất và cuối cùng là pha dãn chung.

– Huyết áp là áp lực máu tác dụng lên thành mạch. Huyết áp giảm dần trong hệ mạch.

– Vận tốc máu trong hệ mạch liên quan chủ yếu đến tổng tiết diện của mạch và chênh lệch huyết áp giữa hai đầu đoạn mạch.

Câu hỏi và bài tập

1. Tại sao tim tách rời khỏi cơ thể vẫn có khả năng co dãn nhịp nhàng ?

2. Vẽ và chú thích hệ dẫn truyền tim.

3. Tại sao huyết áp lại giảm dần trong hệ mạch ?

4. Giải thích sự biến đổi vận tốc máu trong hệ mạch.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 19: Tuần Hoàn Máu (Tiếp theo) | Sinh Học 11 | Chương I: Chuyển Hóa Vật Chất Và Năng Lượng - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Sinh Học 11

  1. Chương I: Chuyển Hóa Vật Chất Và Năng Lượng
  2. Chương II: Cảm Ứng
  3. Chương III: Sinh Trưởng Và Phát Triển
  4. Chương IV: Sinh Sản

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.