Bài 44: Sinh Sản Vô Tính Ở Động Vật | Sinh Học 11 | Chương IV: Sinh Sản - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Sinh học 11 - Bài 44


I – SINH SẢN VÔ TÍNH LÀ GÌ ?

Giống như thực vật, động vật có hai hình thức sinh sản : sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính. Sinh sản vô tính gặp ở nhiều loài động vật có tổ chức thấp, còn sinh sản hữu tính có ở hầu hết động vật không xương sống và động vật có xương sống.

– Cho ví dụ về một số động vật có sinh sản vô tính.

– Điền dấu X vào ô cho câu đúng nhất về khái niệm sinh sản vô tính ở động vật :

A – Sinh sản vô tính là kiểu sinh sản mà một cá thể sinh ra một hoặc nhiều cá thể mới giống hệt mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và tế bào trứng.

B – Sinh sản vô tính là kiểu sinh sản mà một cá thể sinh ra nhiều cá thể mới gần giống mình.

C – Sinh sản vô tính là kiểu sinh sản mà một cá thể sinh ra một hoặc nhiều cá thể mới có nhiều sai khác với mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và tế bào trứng.

D – Sinh sản vô tính là kiểu sinh sản có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng, tạo ra các cá thể mới giống mình.

Ở hầu hết mọi trường hợp, sinh sản vô tính dựa trên phân bào nguyên nhiễm, các tế bào phân chia và phân hoá để tạo ra các cá thể mới.

II – CÁC HÌNH THỨC SINH SẢN VÔ TÍNH Ở ĐỘNG VẬT

1. Phân đôi

Sinh sản bằng cách phân đôi có ở động vật đơn bào (hình 44.1) và giun dẹp.

hinh-anh-bai-44-sinh-san-vo-tinh-o-dong-vat-3514-0

Hình 44.1. Sinh sản bằng cách phân đôi ở trùng biến hình

2. Nảy chồi

Sinh sản bằng cách nảy chồi có ở bọt biển và ruột khoang (hình 44.2)

hinh-anh-bai-44-sinh-san-vo-tinh-o-dong-vat-3514-1

Hình 44.2. Sinh sản bằng cách nảy chồi ở thuỷ tức

3. Phân mảnh

Sinh sản bằng phân mảnh có ở bọt biển, giun dẹp. Ví dụ, những mảnh nhỏ tách ra từ bọt biển phát triển thành những bọt biển mới.

4. Trinh sinh

Trinh sinh (trinh sản) là hình thức sinh sản, trong đó, tế bào trứng không thụ tinh phát triển thành cá thể mới có bộ nhiễm sắc thể đơn bội (n).

Trinh sinh thường gặp ở các loài chân đốt như ong, kiến, rệp. Một vài loài cá, lưỡng cư, bò sát cũng có trinh sinh.

Sinh sản theo kiểu trinh sinh thường xen kẽ với sinh sản hữu tính. Ví dụ, ở ong mật, ong chúa đẻ ra rất nhiều trứng. Những trứng không thụ tinh phát triển thành ong đực có bộ nhiễm sắc thể đơn bội, còn những trứng thụ tinh phát triển thành ong thợ và ong chúa có bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội (hình 44.3).

hinh-anh-bai-44-sinh-san-vo-tinh-o-dong-vat-3514-2

Hình 44.3.

– Cho biết những điểm giống nhau và khác nhau giữa các hình thức sinh sản phân đôi, nảy chồi, phân mảnh và trinh sinh.

– Tại sao các cá thể con trong sinh sản vô tính giống hệt cá thể mẹ ?

– Dưới đây là các ưu điểm và hạn chế của sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính :

+ Cá thể sống độc lập, đơn lẻ vẫn có thể tạo ra con cháu. Vì vậy, có lợi trong trường hợp mật độ quần thể thấp.

+ Không có lợi trong trường hợp mật độ quần thể thấp.

+ Tạo ra các cá thể thích nghi tốt với môi trường sống ổn định, ít biến động, nhờ vậy quần thể phát triển nhanh.

+ Tạo ra các cá thể mới rất đa dạng về các đặc điểm di truyền. Vì vậy, động vật có thể thích nghi và phát triển trong điều kiện môi trường sống thay đổi.

+ Tạo ra các cá thể mới giống nhau và giống cá thể mẹ về các đặc điểm di truyền. Vì vậy, khi điều kiện sống thay đổi có thể dẫn đến hàng loạt cá thể bị chết, thậm chí toàn bộ quần thể bị tiêu diệt.

+ Tạo ra số lượng lớn con cháu giống nhau trong một thời gian ngắn.

Hãy chọn và ghi lại các ưu điểm và hạn chế của sinh sản vô tính vào mẫu dưới đây:

a) Ưu điểm của sinh sản vô tính :

1..........................................................................................................................

2..........................................................................................................................

3..........................................................................................................................

4..........................................................................................................................

b) Hạn chế của sinh sản vô tính :

..........................................................................................................................

III – ỨNG DỤNG

1. Nuôi mô sống

Tách mô từ cơ thể động vật để nuôi cấy trong môi trường có đủ chất dinh dưỡng, vô trùng và nhiệt độ thích hợp, giúp cho mô đó tồn tại và phát triển. Người ta đã nuôi cấy da người để chữa cho các bệnh nhân bị bỏng da. Tuy nhiên, người ta chưa tạo được cơ thể mới từ nuôi cấy mô sống của động vật có tổ chức cao.

2. Nhân bản vô tính

Nhân bản vô tính là chuyển nhân của một tế bào xôma (2n) vào một tế bào trứng đã lấy mất nhân, rồi kích thích tế bào trứng đó phát triển thành một phổi. Phối này tiếp tục phát triển thành một cơ thể mới.

Năm 1996, con cừu Đôly là động vật đầu tiên được sinh ra theo phương pháp nhân bản vô tính. Đến nay, người ta đã thành công trong nhân bản vô tính nhiều loài động vật khác nhau như chuột, lợn, bò, chó,... . Người ta hi vọng sẽ áp dụng được kĩ thuật nhân bản vô tính để tạo ra các mô, các cơ quan mong muốn, từ đó thay thế các mô, cơ quan bị bệnh, bị hỏng ở người bệnh.

– Sinh sản vô tính là kiểu sinh sản mà một cá thể sinh ra một hoặc nhiều cá thể mới giống hệt mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và tế bào trứng.

– Các hình thức sinh sản vô tính ở động vật là phân đôi, nảy chồi, phân mảnh và trinh sinh.

– Sinh sản vô tính dựa chủ yếu trên cơ sở phân bào nguyên nhiễm để tạo ra các cá thể mới. Các cá thể mới giống nhau và giống cá thể gốc.

– Sinh sản vô tính được ứng dụng trong nuôi cấy mô sống và nhân bản vô tính.

Câu hỏi và bài tập

1. So sánh sinh sản vô tính ở thực vật và động vật.

2. Khi điều kiện sống thay đổi đột ngột có thể dẫn đến hàng loạt cá thể động vật sinh sản vô tính bị chết, tại sao ?

3. Phân biệt sinh sản vô tính và tái sinh các bộ phận cơ thể.

Em có biết ?

Một cặp rệp cây (Aphis) có khả năng tạo ra vài trăm triệu tấn rệp con cháu trong một năm, nếu giả thiết rằng tất cả con cháu của chúng đều sống sót.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 44: Sinh Sản Vô Tính Ở Động Vật | Sinh Học 11 | Chương IV: Sinh Sản - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Sinh Học 11

  1. Chương I: Chuyển Hóa Vật Chất Và Năng Lượng
  2. Chương II: Cảm Ứng
  3. Chương III: Sinh Trưởng Và Phát Triển
  4. Chương IV: Sinh Sản

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.