Nội Dung Chính
– Nắm được những nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự, làm cơ sở để thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ quân sự của mình. – Xác định tinh thần, thái độ đúng đắn trong học tập, nghiên cứu Luật Nghĩa vụ quân sự ; liên hệ xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của học sinh tham gia vào các hoạt động quốc phòng ở nhà trường, ở địa phương và xây dựng quân đội. |
“Luật Nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của học sinh” là một trong những bài học trong Chương trình Giáo dục Quốc phòng – An ninh nhằm giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tự hào truyền thống vẻ vang của quân đội ; nắm vững quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, chuẩn bị cho thế hệ trẻ cả về mặt tinh thần và kĩ năng quân sự cơ bản để sẵn sàng tham gia quân đội, dân quân tự vệ nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
I – SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
1. Để kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là lịch sử của một dân tộc có truyền thống kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc nên luôn được toàn dân chăm lo xây dựng. Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu nên được sự tham gia, ủng hộ của toàn dân. Từ khi thành lập đến nay, Quân đội nhân dân càng chiến đấu càng trưởng thành và đã hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, chúng ta đã xây dựng quân đội bằng chế độ tình nguyện tòng quân và chế độ nghĩa vụ quân sự.
Chế độ tình nguyện tòng quân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đã phát huy tác dụng trong những thời kì lịch sử đó và góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng quân đội.
Kế thừa và phát huy thắng lợi của chế độ tình nguyện tòng quân, năm 1960, miền Bắc bắt đầu thực hiện nghĩa vụ quân sự. Năm 1976, cả nước cùng thực hiện nghĩa vụ quân sự nên đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng.
2. Thực hiện quyền làm chủ của công dân và tạo điều kiện cho công dân làm tròn nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc
Điều 77 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định : “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân”.
Đối với công dân, bảo vệ Tổ quốc vừa là quyền vừa là nghĩa vụ, do vậy mỗi công dân có bổn phận phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đó.
Luật Nghĩa vụ quân sự quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình trong việc tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho công dân hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc.
3. Đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Nhiệm vụ hàng đầu của Quân đội nhân dân là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân, đồng thời có nhiệm vụ tham gia xây dựng đất nước. Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức thành các quân chủng, binh chủng, hệ thống học viện nhà trường, viện nghiên cứu,...; bảo đảm phục vụ và từng bước được trang bị hiện đại, có lực lượng thường trực và lực lượng dự bị.
Luật Nghĩa vụ quân sự quy định việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ trong thời bình để xây dựng lực lượng thường trực, đồng thời xây dựng, tích luỹ lực lượng dự bị ngày càng hùng hậu để sẵn sàng động viên trong mọi tình huống cần thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
II – NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
1. Giới thiệu khái quát về Luật
Cấu trúc của Luật gồm : Lời nói đầu, 11 Chương, 71 Điều. Nội dung khái quát của các chương như sau :
Chương I : Những quy định chung. Từ Điều 1 đến Điều 11.
Quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự, những người không được làm nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường và gia đình trong động viên, giáo dục và tạo điều kiện để công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình.
Chương II : Việc phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ. Từ Điều 12 đến Điều 16.
Quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ và thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ
Chương III : Việc chuẩn bị cho thanh niên phục vụ tại ngũ. Từ Điều 17 đến Điều 20.
Quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong huấn luyện quân sự phổ thông cho học sinh ở trường trung học phổ thông và quy định về đăng kí nghĩa vụ quân sự.
Chương IV : Việc nhập ngũ và xuất ngũ. Từ Điều 21 đến Điều 36.
Quy định về thời gian gọi nhập ngũ trong năm, số lượng công dân nhập ngũ, trách nhiệm của công dân có lệnh gọi nhập ngũ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc gọi công dân nhập ngũ và những trường hợp được hoãn gọi nhập ngũ, hoặc miễn làm nghĩa vụ quân sự.
Chương V : Việc phục vụ của hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị. Từ Điều 37 đến Điều 44.
Quy định về hạng dự bị, hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ ở ngạch dự bị và việc huấn luyện cho quân nhân dự bị.
Chương VI : Việc phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp. Từ Điều 45 đến Điều 48.
Quy định tiêu chuẩn trở thành quân nhân chuyên nghiệp ; thời hạn phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp.
Chương VII : Nghĩa vụ, quyền lợi của quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và dự bị. Từ Điều 49 đến Điều 57.
Quy định quyền lợi, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan binh sĩ tại ngũ và dự bị, chế độ chính sách đối với gia đình quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và dự bị.
Chương VIII : Việc đăng kí nghĩa vụ quân sự. Từ Điều 58 đến Điều 62.
Quy định địa điểm đăng kí quân nhân dự bị và công dân sẵn sàng nhập ngũ, trách nhiệm của quân nhân dự bị và công dân sẵn sàng nhập ngũ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các quy định về việc đăng kí nghĩa vụ quân sự.
Chương IX : Việc nhập ngũ theo lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ, việc xuất ngũ theo lệnh phục viên. Từ Điều 63 đến Điều 68.
Quy định việc nhập ngũ, xuất ngũ trong trường hợp đặc biệt.
Chương X : Việc xử lí các vi phạm. Điều 69.
Chương XI : Điều khoản cuối cùng. Điều 70, Điều 71.
Quy định hiệu lực của Luật và trách nhiệm tổ chức thi hành Luật.
2. Nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự
a) Những quy định chung
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Làm nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của quân đội.
Công dân phục vụ tại ngũ gọi là quân nhân tại ngũ ; công dân phục vụ trong ngạch dự bị gọi là quân nhân dự bị.
Công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi (tuổi phục vụ tại ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Tuổi phục vụ trong ngạch dự bị từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi).
Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị có nghĩa vụ :
– Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hi sinh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
– Tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân, kiên quyết bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
– Gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của Quân đội.
– Ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hoá, kĩ thuật nghiệp vụ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỉ luật và thể lực, không ngừng nâng cao bản lĩnh chiến đấu.
Những nghĩa vụ đó nói lên bản chất cách mạng của quân đội, của người quân nhân và yêu cầu đối với quân nhân trong quân đội cách mạng. Không chỉ trong thời gian tại ngũ mà cả trong thời gian ở ngạch dự bị, quân nhân luôn phải trau dồi bản chất cách mạng của mình.
Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị trong thời gian huấn luyện có quyền và nghĩa vụ của công dân được Hiến pháp và Pháp luật quy định. Điều này nói lên quân đội cách mạng của chúng ta khác hẳn với quân đội của các nước tư bản. Người dân của các nước tư bản khi phục vụ trong quân đội bị tước một số quyền công dân, quyền bầu cử và ứng cử,... vì nhà nước hoạch định “Quân đội không làm chính trị”, nhưng thực chất quân đội là công cụ chính trị của Nhà nước.
Công dân nam giới không phân biệt thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, nơi cư trú, có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Người đang trong thời kì bị pháp luật hoặc toà án nhân dân tước quyền phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân, hoặc người đang bị giam giữ thì không được làm nghĩa vụ quân sự.
Riêng đối với công dân nữ ở trong độ tuổi từ 18 đến 40, có chuyên môn kĩ thuật cần cho quân đội trong thời bình, có trách nhiệm đăng kí nghĩa vụ quân sự và được gọi huấn luyện ; nếu tự nguyện thì có thể được phục vụ tại ngũ. Trong thời chiến, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công dân nữ có thể được gọi nhập ngũ và đảm nhiệm công tác thích hợp như : Quân y, hậu cần, tài chính, thông tin liên lạc,..
b) Chuẩn bị cho thanh niên nhập ngũ
Chuẩn bị cho thanh niên nhập ngũ có vai trò rất quan trọng, tạo điều kiện cho thanh niên khi nhập ngũ hoàn thành nghĩa vụ của mình. Nội dung chuẩn bị cho thanh niên nhập ngũ gồm :
– Huấn luyện quân sự phổ thông : Huấn luyện quân sự phổ thông là một nội dung chủ yếu của việc chuẩn bị cho thanh niên nhập ngũ, việc huấn luyện tốt trong thời gian này sẽ thuận lợi để tiếp thu chương trình huấn luyện cơ bản của người chiến sĩ.
– Đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kĩ thuật cho quân đội : Các cơ quan + nhà nước, các địa phương có các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề có trách nhiệm đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kĩ thuật cho quân đội theo Nghị định của Chính phủ.
Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ có lợi cả về kinh tế và quốc phòng, quân đội sẽ giảm được số các trường, lớp đào tạo chuyên môn kĩ thuật và cũng là điều kiện để từng bước giảm thời gian phục vụ tại ngũ đối với một số công dân.
– Đăng kí nghĩa vụ quân sự và kiểm tra sức khoẻ đối với công dân nam đủ 17 tuổi. Hằng năm, các địa phương tổ chức đăng kí nghĩa vụ quân sự lần đầu và kiểm tra sức khoẻ đối với công dân nam đủ 17 tuổi nhằm nắm chắc lực lượng để làm kế hoạch gọi thanh niên nhập ngũ năm sau và để hướng dẫn mọi công tác chuẩn bị phục vụ tại ngũ cho thanh niên.
c) Phục vụ tại ngũ trong thời bình
Trong thời bình, lực lượng thường trực chỉ duy trì với quân số thích hợp và có chất lượng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chất lượng và sức chiến đấu cao để thường xuyên sẵn sàng chiến đấu.
Hằng năm, việc gọi công dân nhập ngũ được tiến hành từ một đến hai lần, thời gian gọi nhập ngũ và số lượng công dân nhập ngũ trong năm do Chính phủ quy định. Đối tượng và độ tuổi gọi nhập ngũ được quy định như sau :
– Độ tuổi gọi nhập ngũ được quy định đối với công dân nam trong thời bình là từ đủ 18 đến hết 25 tuổi.
– Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kĩ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là 24 tháng.
– Việc tính thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Thời gian đào ngũ không được tính vào thời hạn phục vụ tại ngũ.
– Những công dân nam sau đây được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình :
+ Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ và học viên là hạ sĩ quan, binh sĩ đang học tập tại các trường quân đội, trường ngoài quân đội theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng.
+ Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo hình thức giáo dục chính quy, tập trung, gồm :
* Trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, dự bị đại học;
* Trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề;
* Các trường cao đẳng, đại học;
* Học viện, viện nghiên cứu có nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tương đương.
+ Học sinh đang học tập trung theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học cơ sở hoặc cấp Trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục.
+ Công dân đi du học tại các trường ở nước ngoài có thời gian đào tạo mười hai tháng trở lên.
– Hằng năm, những công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ phải được kiểm tra, nếu không còn lí do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.
– Những học sinh, sinh viên sau đây không thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình :
+ Theo học các loại hình đào tạo khác ngoài quy định nêu trên.
+ Đang học nhưng bị buộc thôi học.
+ Tự bỏ học hoặc ngừng học tập một thời gian liên tục từ sáu tháng trở lên mà không có lí do chính đáng.
+ Hết thời hạn học tập tại trường một khoá học.
+ Chỉ ghi danh, đóng học phí nhưng thực tế không học tại trường.
– Những công dân sau đây được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình :
+ Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một, con của bệnh binh hạng một.
+ Một người anh hoặc em trai của liệt sĩ.
+ Một con trai của thương binh hạng hai.
+ Thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện, cán bộ, công chức, viên chức đã phục vụ từ 24 tháng trở lên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn do Chính phủ quy định.
Công dân thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ, hoặc được miễn gọi nhập ngũ, nếu tình nguyện thì có thể được tuyển chọn gọi nhập ngũ.
Những người tàn tật, người mắc bệnh tâm thần, hoặc bệnh mạn tính khác theo danh mục bệnh tật do Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thì được miễn làm nghĩa vụ quân sự.
Việc hoãn gọi nhập ngũ hoặc miễn làm nghĩa vụ quân sự do Ủy ban nhân dân cấp huyện (quận) quyết định. Danh sách những người được hoãn gọi nhập ngũ và những người được miễn làm nghĩa vụ quân sự phải được công bố.
Hoãn gọi nhập ngũ đối với những đối tượng trên đây thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với những gia đình đã có cống hiến nhiều cho Tổ quốc, những gia đình đang có nhiều khó khăn trong đời sống hằng ngày, góp phần giải quyết công bằng xã hội trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và nâng cao chất lượng quân đội.
– Chế độ chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ được quy định như sau :
+ Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hằng tháng và nhu cầu về văn hoá, tinh thần phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội theo chế độ tiêu chuẩn, định lượng do Chính phủ quy định.
+ Từ năm thứ hai trở đi được nghỉ phép. Từ tháng thứ 19 trở đi được hưởng thêm 200% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hằng tháng ; từ tháng thứ 25 trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hằng tháng. Được tính nhân khẩu ở gia đình khi gia đình được cấp, hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác. Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác.
+ Hạ sĩ quan và binh sĩ khi xuất ngũ được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, được hưởng trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm do Chính phủ quy định (6 tháng lương cơ bản).
+ Hạ sĩ quan và binh sĩ trước lúc nhập ngũ làm việc ở cơ quan, cơ sở kinh tế nào thì cơ quan, cơ sở kinh tế đó có trách nhiệm tiếp nhận lại. Nếu cơ quan, cơ sở đó giải thể thì cơ quan Lao động – Thương binh – Xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan để giải quyết việc làm, thực hiện chế độ, chính sách cho họ theo quy định của Pháp luật.
+ Hạ sĩ quan và binh sĩ phục vụ tại ngũ đủ thời hạn hoặc trên hạn định, khi xuất ngũ về địa phương được chính quyền các cấp giải quyết ưu tiên trong tuyển sinh, tuyển dụng hoặc sắp xếp việc làm.
+ Hạ sĩ quan và binh sĩ trước lúc nhập ngũ có giấy gọi vào học ở các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì khi xuất ngũ được vào học ở các trường đó.
+ Hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ và dự bị nếu bị thương, bị bệnh hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước.
– Quyền lợi của gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ :
+ Bố, mẹ, vợ và con được hưởng chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất theo chính sách chung của Nhà nước. Cụ thể : Gia đình của hạ sĩ quan và binh sĩ gặp tai nạn, hoả hoạn, thiên tai, thân nhân của hạ sĩ quan và binh sĩ (bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc chồng, người nuôi dưỡng hợp pháp, con đẻ, con nuôi hợp pháp) ốm đau từ 1 tháng trở lên, hoặc phải điều trị 1 lần tại bệnh viện từ 15 ngày trở lên được trợ cấp theo quy định hiện hành ; không quá 2 lần trong 1 năm.
+ Thân nhân của hạ sĩ quan và binh sĩ được khám bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế nếu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 3% mức lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ. Thời hạn thẻ bảo hiểm y tế của thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tương ứng với thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ, kể từ khi mua thẻ.
+ Con gửi ở nhà trẻ, học tại các trường mẫu giáo, trường phổ thông của Nhà nước được miễn học phí và tiền đóng góp xây dựng trường. Thời gian hưởng chế độ miễn học phí đối với con của hạ sĩ quan và binh sĩ được tính trong khoảng thời gian từ ngày cấp giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí đến hết thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ.
Việc Nhà nước ban hành chính sách như trên đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với họ, tạo điều kiện cho quân nhân hoàn thành nhiệm vụ.
d) Xử lí các vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự
Xử lí vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự nhằm bảo đảm tính nghiêm minh và triệt để của pháp luật, bất kể ai vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự đều bị xử lí theo Pháp luật.
Luật Nghĩa vụ quân sự quy định : Người nào vi phạm các quy định về đăng kí nghĩa vụ quân sự, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, gọi quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái hoặc cản trở việc thực hiện các quy định trên đây, hoặc vi phạm các quy định khác của Luật Nghĩa vụ quân sự, thì tuỳ theo mức độ nhẹ hay nặng mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Trách nhiệm của học sinh
a) Học tập chính trị, quân sự, rèn luyện thể lực do trường lớp tổ chức
Điều 17 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định : “ ... Việc huấn luyện quân sự phổ thông cho học sinh ở các trường thuộc chương trình chính khoá ; nội dung huấn luyện do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định”.
Nội dung huấn luyện quân sự phổ thông được thể hiện ở môn Giáo dục Quốc phòng – An ninh. Giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh nhằm xây dựng tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội ngay từ khi tuổi còn trẻ, rèn luyện tác phong, nếp sống tập thể, có kỉ luật, trang bị những kiến thức phổ thông về quân sự để khi nhập ngũ có điều kiện thuận lợi tiếp tục học tập, rèn luyện trở thành người chiến sĩ tốt của Quân đội nhân dân, hoàn thành được nhiệm vụ trong các tổ chức vũ trang khác của nhân dân.
Học sinh cần có thái độ nghiêm túc, trách nhiệm đầy đủ trong học tập rèn luyện, phấn đấu đạt kết quả cao trong từng bài, từng khoa mục theo yêu cầu của trường, của lớp đề ra.
Học phải đi đôi với hành, vận dụng kết quả học tập vào việc xây dựng nền nếp sinh hoạt tập thể có kỉ luật, văn minh trong nhà trường và ngoài xã hội, chấp hành đầy đủ những quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự trong thời gian học tập tại nhà trường như đăng kí nghĩa vụ quân sự, kiểm tra sức khoẻ khám tuyển, nhập ngũ.
b) Chấp hành quy định về đăng kí nghĩa vụ quân sự
Đối với học sinh, việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự trước hết là thực hiện tốt việc đăng kí nghĩa vụ quân sự.
Đăng kí nghĩa vụ quân sự là việc kê khai lí lịch và những yếu tố cần thiết khác theo quy định của Pháp luật đối với người trong độ tuổi đăng kí nghĩa vụ quân sự, để cơ quan quân sự địa phương quản lí và tổ chức thực hiện quy định của Pháp luật về nghĩa vụ quân sự đối với các đối tượng trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Học sinh đến độ tuổi đăng kí nghĩa vụ quân sự (nam từ đủ 17 tuổi trở lên ; nữ từ đủ 18 tuổi trở lên có chuyên môn cần phục vụ cho quân đội) phải đăng kí nghĩa vụ quân sự.
Đăng kí nghĩa vụ quân sự được tiến hành tại nơi cư trú của công dân do Ban Chỉ huy quân sự cấp xã (phường) và Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện (quận) chịu trách nhiệm thực hiện. Khi di chuyển nơi cư trú từ xã (phường) này sang xã (phường) khác trong phạm vi huyện (quận) thì trước khi di chuyển phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã (phường) nơi đang cư trú xuất trình giấy tờ về sự thay đổi nơi cư trú để xoá tên trong sổ đăng kí nghĩa vụ quân sự. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày đến nơi cư trú mới phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã (phường) xuất trình giấy tờ về sự thay đổi nơi cư trú và giấy chứng nhận đăng kí nghĩa vụ quân sự để đăng kí vào sổ đăng kí nghĩa vụ quân sự.
Khi di chuyển nơi cư trú từ huyện (quận) này sang huyện (quận) khác thì trước khi di chuyển phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã (phường) và Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện (quận) nơi đang cư trú xuất trình giấy tờ về sự thay đổi nơi cư trú, xin giấy giới thiệu di chuyển đăng kí nghĩa vụ quân sự. Khi chuyển đến nơi cư trú mới, trong thời hạn 10 ngày phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện (quận) và Ban Chỉ huy quân sự cấp xã (phường) nơi cư trú mới để đăng kí vào sổ nghĩa vụ quân sự.
Đăng kí nghĩa vụ quân sự là nhằm nắm chắc tình hình bản thân, gia đình học sinh để bảo đảm việc tuyển chọn và gọi nhập ngũ được chính xác, bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ quân sự. Do vậy, trách nhiệm của học sinh khi đăng kí phải kê khai đầy đủ, chính xác, đúng thời gian quy định.
c) Đi kiểm tra sức khoẻ và khám sức khoẻ
Việc kiểm tra sức khoẻ cho những người đăng kí nghĩa vụ quân sự lần đầu (17 tuổi) do cơ quan quân sự cấp huyện (quận) phụ trách.
Việc khám sức khoẻ cho những người trong diện được gọi nhập ngũ do Hội đồng khám sức khoẻ cấp huyện (quận) phụ trách.
Học sinh đi kiểm tra và khám sức khoẻ theo giấy gọi của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện (quận) nơi cư trú.
Kiểm tra sức khoẻ khi 17 tuổi để kiểm tra thể lực, phát hiện những bệnh tật và hướng dẫn công dân phòng bệnh, chữa bệnh để giữ vững và nâng cao sức khoẻ chuẩn bị cho việc nhập ngũ.
Khám sức khoẻ nhằm tuyển chọn những người đủ tiêu chuẩn vào phục vụ tại ngũ.
Học sinh phải có mặt đúng thời gian, địa điểm quy định trong giấy gọi, trong khi kiểm tra hoặc khám sức khoẻ phải tuân thủ đầy đủ nguyên tắc thủ tục ở phòng khám.
d) Chấp hành nghiêm lệnh gọi nhập ngũ
Hằng năm, việc gọi công dân nhập ngũ được tiến hành từ một đến hai lần. Theo quyết định của Ủy ban nhân dân, Chỉ huy trưởng quân sự cấp huyện (quận) gọi từng công dân nhập ngũ. Lệnh gọi nhập ngũ phải được đưa trước 15 ngày.
Công dân được gọi nhập ngũ phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ, nếu có lí do chính đáng không thể đến đúng thời gian địa điểm thì phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (phường) nơi cư trú.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Sự cần thiết phải ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự.
2. Nghĩa vụ quân sự là gì ? Độ tuổi đăng kí nghĩa vụ quân sự, trách nhiệm của công dân trong độ tuổi đăng kí nghĩa vụ quân sự.
3. Những trường hợp nào được miễn gọi nhập ngũ và hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình ?
4. Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ.
5. Nghĩa vụ và quyền lợi của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và dự bị động viên. Trong thời gian hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ thì Nhà nước bảo đảm những quyền lợi gì cho gia đình họ ?
6. Trách nhiệm của học sinh trong việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự nói chung và đăng kí nghĩa vụ quân sự nói riêng.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn