Nội Dung Chính
(trang 60)
VĂN BẢN 1
Trước khi đọc
1. Giới thiệu ngắn gọn một truyện kể hoặc một bộ phim có nhân vật trẻ em gây ấn tượng với em.
2. Chia sẻ một vài cảm nhận của em về nhân vật đó.
(trang 61)
Đọc văn bản
Cô bé bán diêm
HAN CRI-XTI-AN AN-ĐÉC-XEN
Rét dữ dội, tuyết rơi. Trời đã tối hẳn. Đêm nay là đêm giao thừa.
THEO DÕI Chú ý các chi tiết miêu tả trang phục của cô bé bán diêm giữa trời đông giá rét.
Giữa trời đông giá rét, một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối.
Lúc ra khỏi nhà em có đi giày vải, nhưng giày vải phỏng(1) có tác dụng gì kia chứ!
Giày ấy của mẹ em để lại, rộng quá, em đã liên tiếp làm văng mất cả hai chiếc khi em chạy qua đường, vào lúc hai chiếc xe ngựa đang phóng nước đại.
DỰ ĐOÁN Điều gì sẽ đến với cô bé bán diêm trong đêm giao thừa?
Chiếc thứ nhất bị xe song mã(2) nghiến, rồi dính theo tuyết vào bánh xe; thế là mất hút. Còn chiếc thứ hai, một thằng bé lượm được, cười sằng sặc, đem tung lên trời. Nó còn nói to với em bé rằng nó sẽ giữ chiếc giày để làm nôi cho con chó sau này.
Thế rồi em phải đi đất, chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét.
Chiếc tạp dề(3) cũ kĩ của em đựng đầy diêm và tay em còn cầm thêm một bao.
Em cố kiếm thêm một nơi có nhiều người qua lại. Nhưng trời rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em.
Suốt ngày em chẳng bán được gì cả và chẳng ai bố thí(4) cho em chút đỉnh. Em bé đáng thương, bụng đói rét vẫn lang thang trên đường. Bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài xõa thành từng búp trên lưng em, em cũng không để ý.
Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Chả là đêm giao thừa mà! Em tưởng nhớ lại năm xưa, khi bà nội hiền hậu của em còn sống, em cũng được đón giao thừa ở nhà.
————————————————
(1) Phỏng: từ thể hiện ý nghi ngờ, phủ định (như thử hỏi, liệu có).
(2) Xe song mã: xe do hai con ngựa kéo.
(3) Tạp dề: tấm vải có dây buộc, dùng đeo phía trước người để giữ cho quần áo khỏi bẩn khi làm việc nội trợ.
(4) Bố thí: cho theo lối làm ơn, làm phúc để cứu giúp.
(trang 62)
THEO DÕI Sau khi bà mất, gia đình cô bé bán diêm rơi vào tình cảnh như thế nào?
Nhưng Thần Chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tán(1) và gia đình em đã phải rời ngôi nhà xinh xấn có dây trường xuân(2) leo quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm, để chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắng nhiếc, chửi rủa.
Em ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà, một cái xây lùi lại một chút.
Em thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn.
Tuy nhiên, em không thể nào về nhà nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về; nhất định là cha em sẽ đánh em.
Vả lại ở nhà cũng rét thế thôi. Cha con em ở trên gác, sát mái nhà, và mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các kẽ hở lớn trên vách, gió vẫn thổi rít vào trong nhà. Lúc này đôi bàn tay em đã cứng đờ ra.
THEO DÕI Mỗi lần quẹt diêm cô bé bán diêm nhìn thấy những hình ảnh gì? Đó là thực hay mơ?
Chà! Giá quẹt một que diêm lên mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ? Cuối cùng em đánh liều quẹt một que. Diêm bén lửa thật là nhạy. Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biếc đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt.
Em hơ đôi tay trên que diêm sáng rực như than hồng. Chà! Ánh sáng kì diệu làm sao! Em tưởng chừng như đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng. Trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng.
Thật là dễ chịu! Đôi bàn tay em hơ trên ngọn lửa, bên tay cầm diêm, ngón cái nóng bỏng lên.
————————————————
(1) Tiêu tán: tan biến, mất hết, không còn tí gì.
(2) Trường xuân: một loại cây leo, lá xanh tốt quanh năm, thường được trồng trang trí tường, hàng rào.
(trang 63)
Chà! Khi tuyết phủ mặt đất, gió bấc(1) thổi vun vút mà được ngồi hàng giờ như thế, trong đêm đông rét buốt, trước một lò sưởi thì khoái biết bao!
Em vừa duỗi chân ra sưởi thì lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất. Em ngồi đó, tay cầm que diêm đã tàn hẳn. Em bần thần cả người và chợt nghĩ ra rằng cha của em đã giao cho em đi bán diêm. Đêm nay, về nhà thế nào cũng bị cha mắng.
Em quẹt diêm thứ hai, diêm cháy và sáng rực lên. Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màn. Em nhìn thấu vào tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải trắng tinh, trên bàn tay toàn bát đĩa bằng sứ quý giá và có cả một con ngỗng quay. Nhưng điều kì diệu nhất là ngỗng ta nhảy khỏi đĩa và mang cả dao ăn, phóng sết(2), cắm trên lưng, tiến về phía em bé.
Rồi… que diêm vụt tắt; trước mặt em chỉ còn là những bức tường dầy đặc và lạnh lẽo.
Thực tế đã thay thế cho mộng mị: chẳng có bàn ăn thịnh soạn nào cả, mà chỉ có phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xóa, gió bấc vi vu và mấy người khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm(3) với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm.
THEO DÕI Chú ý trình tự xuất hiện của các hình ảnh khi cô bé quẹt diêm:
• Lần thứ nhất
• Lần thứ hai
• Lần thứ ba
• Lần thứ tư.
Em quẹt que diêm thứ ba. Bỗng em thấy hiện ra một cây thông Nô-en(4) (Noel). Cây này lớn và trang trí lộng lẫy hơn cây mà em đã được thấy năm ngoái qua cửa kính một nhà buôn giàu có. Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong các tủ hàng, hiện ra trước mắt em bé. Em với đôi tay về phía cây… nhưng diêm tắt. Tất cả các ngọn nến bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời.
– Chắc hẳn có ai vừa chết. – Em bé tự nhủ, vì bà em, người hiền hậu độc nhất đối với em, đã chết từ lâu, trước đây thường nói rằng: “Khi có một ngôi sao đổi ngôi là có một linh hồn bay lên trời với Thượng đến”.
————————————————
(1) Gió bấc: gió mùa đông, thổi từ phương Bắc.
(2) Phóng sết: đồ dùng có răng nhọn, cán dẹt, thường làm bằng kim loại, dùng để lấy thức ăn.
(3) Lãnh đạm: lạnh nhạt, không biểu hiện cảm xúc, không quan tâm.
(4) Cây thông Nô-en: cây hoặc cành thông non được trang trí để đón lễ Nô-en.
(trang 64)
Em quẹt một que diêm nữa vào tường, một ánh sáng xanh tỏa ra xung quanh và em bé nhìn thấy rõ ràng bà em đang mỉm cười với em.
– Bà ơi! – Em bé reo lên – Cho cháu đi với! Cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến đi mất như lò sưởi, ngỗng quay và cây Nô-en ban nãy, nhưng xin bà đừng bỏ cháu ở nơi này; trước kia, khi bà chưa về với Thượng đế chí nhân(1), bà cháu ta đã từng sung sướng biết bao! Dạo ấy bà đã nhủ cháu rằng nếu cháu ngoan ngoãn, cháu sẽ được gặp lại bà, bà ơi! Chán van bà, bà xin với Thượng đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu.
Que diêm tắt phụt, và ảo ảnh(2) rực sáng trên khuôn mặt em bé cũng biến mất.
ĐỐI CHIẾU Điều gì xảy ra với cô bé bán diêm có giống như dự đoán của em không?
Thế là em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao. Em muốn níu bà lại! Diêm nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày. Chưa bao giờ em thấy bà em to lớn và đẹp lão như thế này. Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa. Họ đã về chầu Thượng đế.
Sáng hôm sau tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên trong sáng, chói chang trên bầu trời nhạt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.
Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì rét trong đêm giao thừa.
Ngày mồng một đầu năm hiện lên tử thi(3) em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã hết nhẵn. Mọi người bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi ấm!”. Nhưng chẳng ai biết những cái kì diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm.
(Han Cri-xti-an An-đéc-xen, Truyện cổ An-đéc-xen,
Nguyễn Văn Hải - Vũ Minh Toàn dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2016, tr.546 - 549)
————————————————
(1) Chí nhân: vô cùng nhân từ, hết mực yêu thương (chí: rất, hết mực; nhân: nhân từ, yêu thương).
(2) Ảo ảnh: hình ảnh giống như thật nhưng không có thật.
(3) Tử thi: thân thể người đã chết.
(trang 65)
Sau khi đọc
• Han Cri-xti-an An-đéc-xen (1805 – 1875) là nhà văn Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích cho thiếu nhi. Bằng trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, An-đéc-xen đã sáng tạo nên một thế giới huyền ảo mà vẫn rất gần gũi với con người, với cuộc sống đời thường. Ông luôn khẳng định: Không có truyện kể nào hay hơn được những điều do chính cuộc sống tạo nên. Nhiều tác phẩm của An-đéc-xen được trẻ em trên toàn thế giới yêu thích: Cô bé bán diêm, Nàng tiên cá, Nữ thần băng giá, Chú lính chì dũng cảm, Bầy chim thiên nga,...
• Cô bé bán diêm là một trong những truyện cổ tích nổi tiếng nhất của An-đéc-xen.
Em có biết?Truyện Cô bé bán diêm đã được chuyển thể thành nhiều tác phẩm thuộc các thể loại: nhạc, nhạc kịch, phim. Trong đó, bộ phim hoạt hình Cô bé bán diêm của đạo diễn Ác-tuya Đa-vít (Authur Davis, Mỹ) phát hành năm 1937 và đạo diễn Rô-giơ An-lót (Roger Allers, Mỹ) phát hành năm 2006 đã được đề cử giải Ô-xca (Oscar). |
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Truyện Cô bé bán diêm được kể bằng lời kể của người kể chuyện ngôi thứ mấy?
2. Cô bé bán diêm phải ở ngoài đường phố trong một đêm như thế nào? Vì sao cô bé không dám trở về nhà?
3. Nêu các chi tiết miêu tả ngoại hình của cô bé bán diêm. Những chi tiết đó giúp em hình dung như thế nào về cuộc sống của nhân vật?
4. Những hình ảnh xuất hiện sau mỗi lần quẹt diêm thể hiện những ước mong nào của cô bé bán diêm? Theo em, có thể thay đổi trình tự xuất hiện của các hình ảnh đó không?
5. Nêu cảm nhận của em về thái độ của người kể chuyện đối với cô bé bán diêm. Phân tích một vài chi tiết làm cơ sở cho cảm nhận đó.
6. Đọc lại một số câu văn miêu tả cách ứng xử của người đi đường trước tình cảnh của cô bé bán diêm. Em nghĩ gì về cách ứng xử của họ?
7*. Trong truyện, tác gả đã sử dụng nhiều chi tiết, hình ảnh tương phản như: cảnh đoàn tụ của các gia đình đêm giao thừa với tình cảnh đói rét, đơn độc ngoài đường phố của cô bé bán diêm; không khí tươi vui của ngày đầu năm mới với cảnh tượng em bé chết rét nơi xó đường;... Em hãy chỉ ra ý nghĩa, tác dụng của một vài chi tiết, hình ảnh đó.
(trang 66)
8. Những câu chuyện cổ tích thường kết thúc có hâu: nhân vật chính được hưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Theo em, truyện Cô bé bán diêm có kết thúc giống như vậy không? Vì sao?
VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) với nhan đề: Gửi tác giả truyện "Cô bé bán diêm".
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn