Nội Dung Chính
(trang 104)
Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hươngTrong phần Đọc, em đã được tiếp xúc với những tác phẩm thơ, văn thể hiện tình yêu, sự gắn bó với quê hương; lòng tự hào về cảnh sắc, truyền thống văn hoá,... của nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Chắc hẳn trong em đã nảy nở những suy nghĩ, cảm xúc mới mẻ về sự gắn kết của mỗi người với chính quê hương mình. Hãy trình bày những suy nghĩ ấy. |
1. TRƯỚC KHI NÓI
a. Chuẩn bị nội dung nói
Mục đích nói Chia sẻ với người nghe suy nghĩ của em về tình cảm của con người với quê hương. |
Người nghe Thầy cô, bạn bè, người thân và những ai quan tâm đến vấn đề em nói. |
- Viết ra giấy các ý chính của bài nói. Gợi ý: Tìm một câu thể hiện khái quát suy nghĩ của em về tình cảm gắn bó của con người với quê hương, ví dụ: “Quê hương là nơi thân thuộc nhất với mỗi con người”. Mở rộng thêm ý này bằng cách nêu bằng chứng lấy từ các bài em đã học,
(trang 105)
những thông tin em biết hoặc những trải nghiệm của chính em. Chẳng hạn, những vật dụng gia đình, cảnh làng quê có lũy tre được gợi ra từ văn bản Cây tre Việt Nam; hình ảnh quả thị, cô Tấm,… được nhắc đến trong bài thơ Chuyện cổ nước mình; những món ăn dân dã, hình ảnh người lao động và tình cảm nhớ thương quê nhà của một người người con xa quê trong bài viết tham khảo Nét đẹp của bài ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà”;… sẽ là những gợi ý cho em trong quá trình chuẩn bị nội dung bài nói.
- Chuẩn bị tranh ảnh, bài hát,… về quê hương để minh họa cho bài trình bày (nếu có).
b. Tập luyện
- Để trình bày tốt, em hãy tập luyện trước. Có thể tập luyện một mình hoặc trước bạn bè, người thân và tiếp tục những nhận xét, góp ý để phần trình bày của mình hay hơn, ấn tượng hơn.
- Tập nói rõ ràng, điều chỉnh ngữ điệu phù hợp và kiểm soát thời gian trình bày.
2. TRÌNH BÀY NÓI
- Khi trình bày bài nói, cần bám sát vào mục đích nói lên suy nghĩ của em về tình cảm gắn bó của con người với quê hương nói chung, có thể liên hệ với tình cảm của em với quê hương mình.
- Để nội dung trình bày được tập trung, không bỏ sót những ý quan trọng, thỉnh thoảng em có thể nhìn lướt các ý đã được ghi ra giấy.
- Chú ý kết hợp trình bày ý kiến với việc sử dụng tranh ảnh, bài hát,... để tăng sức hấp dẫn cho bài nói. Có thể thu hút sự chú ý của người nghe bằng cách đặt câu hỏi gợi mở về tình cảm của mỗi người đối với quê hương. Trong khi nói có thể kết hợp ngâm thơ hoặc hát một hai đoạn về quê hương để bài nói thêm sinh động và ấn tượng. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng các phương tiện hỗ trợ để không lam loãng nội dung bài nói.
3. SAU KHI NÓI
Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:
Người nghe | Người nói |
Bày tỏ sự đồng cảm với suy nghĩ, cảm xúc của người nói sau khi nghe bài trình bày. | Lắng nghe và phản hồi những chia sẻ của người nghe một cách tích cực. |
Có thể nêu câu hỏi về những điểm còn chưa rõ hay có sự khác biệt trong suy nghĩ giữa người nói và người nghe về tình cảm gắn bó của con người với quê hương. | Giải thích những điều người nghe cần làm rõ và trao đổi lại những ý kiến khác biệt. |
Góp ý về cách trình bày (ngữ điệu, diễn đạt, sự tương tác với người nghe). | Cảm ơn và tiếp thu những góp ý xác đáng. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn