Nội Dung Chính
(trang 109)
THÁCH THỨC THỨ HAI
Từ ý tưởng đến sản phẩm
Từ những điều đã đọc, trải nghiệm cùng nhân vật, trò chuyện cùng tác giả, tưởng tượng, hình dung về thế giới đời sống trong trang sách, hẳn em đã có những ý tưởng sáng tạo thú vị. Hãy lựa chọn một trong những hoạt động sau để thể hiện ý tưởng của mình cùng các bạn:
1. Thể hiện nội dung tóm tắt của một câu chuyện theo hình thức truyện tranh. Cố gắng sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ (hình vẽ hoặc các kí hiệu chỉ dẫn) để có thể hỗ trợ cho việc thể hiện nội dung một cách sinh động và hiệu quả.
2. Kể lại một câu chuyện em đã đọc theo hình thức thơ bốn chữ hoặc năm chữ.
3. Viết bài văn phân tích một nhân vật văn học mà em yêu thích (trong cuốn sách đã đọc), có thể vẽ minh hoạ các chi tiết, sự việc để bài phân tích được sinh động, hấp dẫn hơn.
Tham khảo một số tác phẩm sáng tạo của các bạn học sinh
• Thể hiện nội dung của một câu chuyện theo hình thức truyện tranh.
(trang 110)
(trang 111)
(trang 112)
• Kể lại một câu chuyện theo hình thức thơ năm chữ.
Gió lạnh đầu mùa
Mùa đông đã đến rồi
Nằm trong chăn êm ấm
Nghe ngoài kia gió thổi
Không một bóng người qua.
Ở một góc chợ quê
Bé Kiên co ro rét
Làn da em tái mét
Qua làn áo mỏng manh.
Sơn và Lan đứng nhìn
Thấy thương bé Kiên quá
Mùa đông về buốt giá
Biết lấy gì chở che.
Sơn nói cho Lan nghe
Mình chạy về lấy áo
Chiếc áo bông tuy cũ
Nhưng Kiên sẽ ấm lòng.
Chờ tới khi trời tối
Mẹ và Kiên mang sang
Gửi mẹ Sơn chiếc áo
Tình chan chứa biết bao.
Sơn hoang mang lo lắng
Thấp thỏm đứng ngoài hiên
Mẹ Sơn cười thật hiền
Con trai tôi ngoan quá!
Mẹ xoa đầu giải thích
- Chiếc áo nhiều kỉ niệm
Không thể tặng hay cho
Nhưng con nhớ chớ vội lo.
Mẹ sẽ gợi chút tiền
Để em may áo mới
Gió lạnh đầu mùa tới
Nắng luôn còn trong con!
Ngọc Nhi - Thục Quyên - Anh Thư
Viết bài văn phân tích một nhân vật văn học yêu thích trong cuốn sách đã đọc
Yêu cầu đối với bài văn phân tích một nhân vật văn học trong cuốn sách đã đọc:• Giới thiệu được nhân vật trong tác phẩm văn học: lai lịch, hoàn cảnh, tình huống xuất hiện và những ấn tượng đặc biệt ban đầu (nếu có). • Chỉ ra được đặc điểm, tính cách nhân vật qua bằng chứng cụ thể về ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, tâm trạng của nhân vật được miêu tả trong tác phẩm. • Nhận xét, đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn: biện pháp nghệ thuật, cách sử dụng hoặc nhấn mạnh những chi tiết làm rõ đặc điểm nhân vật. • Nêu được ý nghĩa của hình tượng nhân vật trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm hoặc quan niệm sống của tác giả. |
(trang 113)
Phân tích bài viết tham khảo
Hoàng tử bé: trò chuyện để thấu hiểu và yêu thương
Hoàng tử bé – nhân vật của nhà văn Ăng-toan đơ Xanh-tơ E-xu-pe-ri đã trở thành người bạn của biết bao bạn nhỏ trên hành tinh này. Nhân vật người phi công đã gặp cậu bé trên hành tinh bay đêm của mình và kể lại: “Vào đêm đầu tiên tôi phải ngủ trên cát, cách xa nơi con người ở hàng ngàn dặm. Lúc đó tôi còn cô độc hơn cả một kẻ đắm tàu đang lênh đênh trên một cái bè giữa biển khơi…” Chính vào khoảnh khắc đó, giọng nói của hoàng tử bé đã vang lên và cuộc trò chuyện kì lạ bắt đầu: “Xin vui lòng… vẽ hộ tôi một con cừu”.
Hoàng tử bé được nhà văn miêu tả như là “một cậu bé thật khác thường”. Nhưng không phải bằng lời mà bằng một bức vẽ minh họa trong tác phẩm: “Nhưng dĩ nhiên bức vẽ của tôi không bằng một nửa sự quyến rũ của người mẫu". Sự xuất hiện bất ngờ mà rất tự nhiên của hoàng tử bé trong sa mạc bắt đầu bằng giọng nói "nhỏ nhẹ kì lạ". Vì sao? Vì cậu bé ấy luôn cố gắng để trò chuyện với tất cả: người phi công, những bông hồng trên hành tinh nhỏ bé của cậu, những con người kì lạ hay thậm chí kì cục trên các tiểu hành tinh khác nữa,… Những cuộc trò chuyện tưởng như đứt quãng, nhiều khi rời rạc hoặc đi vào bế tắc: cuộc trò chuyện với ông vua trên hành tinh thứ nhất, cuộc trò chuyện với gã kiêu căng trên hành tinh thứ hai, cuộc trò chuyện với bợm nhậu ở một hành tinh tiếp theo,.. Mặc dù nhiều lúc hoàng tử bé bắt đầu cảm thấy chán vì sự kì quặc và vô nghĩa của những con người này, cậu vẫn không ngừng hành trình tìm kiếm những cuộc trò chuyện để có thể lắng nghe, thì thầm, chia sẻ,… Rồi cuối cùng, hành tinh thứ bảy mà cậu đặt chân đến là Trái Đất. Cậu bé dường như chẳng vướng phải một “rào cản ngôn ngữ” nào. Đến từ một tiểu hành tinh xa lạ, viễn du qua bảy hành tinh khác nhau – hoàng tử bé là một cậu bé bình thường hay chính là thiên sứ từ vũ trụ? Trong bất kì hoàn cảnh nào, hoàng tử bé dường như không hề biết mệt mỏi, không đói, không khát, không sợ sa mạc hay bóng tối. Chẳng có thứ gì đáng kể trong tay, điều duy nhất cậu có thể làm được là trò chuyện để hiểu về người khác, về thế giới, để học cách chia sẻ và yêu thương. Không chút sợ hãi và hồ nghi, cậu trò chuyện với rắn – con vật đầu tiên cậu gặp trên Trái Đất và để cho con vật đáng sợ ấy quấn quanh mắt cá chân mình “như một chiếc vòng vàng”. Trong sa mạc, hoàng tử bé còn tiếp tục trò chuyện với bông hoa rất ít cánh, với ngọn núi, vườn hồng, con cáo,… Trong bất kì cuộc trò chuyện nào, dù ngắn ngủi, giản đơn hay khó hiểu, (trang 114) phức tạp nhất, hoàng tử bé cũng không quên nói những lời tốt lành, lời chúc, lời tạm biệt đầy âu yếm, tự nhiên: “Bạn thật xinh đẹp!”, “Chúc một ngày tốt lành!”, “Mình rất xin lỗi!”,… Cậu không ngừng cố gắng để trò chuyện, ghi nhớ, hiểu về người khác và tìm cách kết bạn…
Hoàng tử bé không thể chống lại nọc độc của con rắn – con vật không thể cảm hóa – nhưng cậu vẫn dành cho nó những lời bào chữa bao dung nhất: “Những con rắn là loài vật hoang dã. Chúng có thể cắn chỉ để vui thôi…”. Trong khoảnh khắc đau đớn ấy, cậu vẫn dành những lời an ủi cho những người bạn của mình: người phi công và đóa hoa hồng đang ở xa… Hoàng tử bé đã rời xa Trái Đất và trở về hành tinh của mình nhưng giọng nói của cậu dường như vẫn ngân lên trong tâm trí người đọc, thì thầm với chúng ta về tình yêu thương, lòng vị tha và niềm khao khát được sẻ chia, thấu hiểu. (Nhóm biên soạn) |
Thực hành viết theo các bước
1. TRƯỚC KHI VIẾT
a. Lựa chọn đề tài
Hãy quan tâm đến những đặc điểm nổi bật, sự độc đáo hoặc những phẩm chất tích cực của nhân vật vì cách chọn nhân vật để phân tích phản ánh quan niệm, suy nghĩ của người viết.
Mục đích viết Phân tích nhân vật yêu thích để làm rõ những đặc điểm đáng chú ý, cuốn hút của nhân vật. |
Người đọc Thầy cô, bạn bè và những người quan tâm đến cuốn sách và nhân vật. |
b. Tìm ý
Em có thể tìm ý bằng cách đặt ra và trả lời các câu hỏi sau:
- Nhân vật xuất hiện trong cuốn sách, tác phẩm nào?
- Vì sao em yêu thích nhân vật? Điều gì khiến em quyết định lựa chọn nhân vật này?
- Nhân vật có những đặc điểm nào nổi bật (ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ,…)? Những đặc điểm đó cho thấy điều gì về phẩm chất, giá trị của nhân vật?
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn có gì đặc sắc?
- Nhân vật gợi em liên tưởng, suy nghĩ và rút ra bài học gì?
c. Lập dàn ý
Sắp xếp các ý đã tìm được theo bố cục của bài viết.
(trang 115)
Dàn ý- Mở bài: Giới thiệu nhân vật và nêu ngắn gọn ấn tượng ban cầu của em về nhân vật. - Thân bài: + Bối cảnh và những mối quan hệ lam nổi bật đặc điểm nhân vật. + Những đặc điểm nổi bật của nhân vật thể hiện qua các bằng chứng trong tác phẩm (chi tiết ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ,… của nhân vật). + Nghệ thuật xây dựng nhân vật: cách sử dụng chi tiết, ngôn ngữ, biện pháp nghệ thuật,... + Ý nghĩa của hình tượng nhân vật. - Kết bài: Nêu những bài học, suy nghĩ, ấn tượng sâu sắc mà nhân vật để lại trong tâm trí em. |
2. VIẾT BÀI
Khi thực hành viết bài văn phân tích nhân vật yêu thích, em cần chú ý vai trò của các phần: Mở bài, Thân bài và Kết bài. Có thể tách phần Thân bài thành các đoạn theo các ý chính đã dự kiến. Sử dụng chi tiết, bằng chứng làm rõ đặc điểm nhân vật theo hai cách: tóm tắt hoặc trích nguyên văn.
3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT
Đọc lại bài viết để tự kiểm tra dựa trên những gợi ý sau:
- Tên nhân vật, tên sách, tên tác giả và các chi tiết liên quan có chính xác không?
- Bằng chứng cho các đặc điểm của nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện đã đủ và phù hợp chưa?
- Có lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, tổ chức đoạn văn hay không?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn