Tổng Kết Phần Văn Học (Tiếp Theo) | Ngữ Văn 9 - Tập 2 | Bài 34 - Lớp 9 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 9 - Tập 2 - Bài 34


A – NHÌN CHUNG VỀ NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM

Dân tộc Việt Nam ta có một lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài suốt mấy nghìn năm từ thời đại các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay. Trong quá trình hình thành và phát triển, trải qua nhiều thời kì với bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nền văn học Việt Nam đã ra đời, tồn tại, phát triển cùng với sự vận động của lịch sử dân tộc, góp phần làm nên đời sống văn hoá tinh thần của đất nước và phản chiếu tâm hồn, tư tưởng, tính cách, cuộc sống của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Nền văn học Việt Nam không chỉ có lịch sử dài lâu mà còn phong phú về số lượng tác phẩm, tác giả, đa dạng về thể loại, mặc dù do những tác động của lịch sử và hạn chế của điều kiện bảo tồn, lưu giữ mà một khối lượng không nhỏ tác phẩm đã mất mát, thất truyền.

Chương trình môn Ngữ văn THCS dù không đặt nặng yêu cầu trang bị tri thức về lịch sử văn học, nhưng qua một khối lượng đáng kể các văn bản tác phẩm được lựa chọn cũng đã giúp chúng ta hình dung được phần nào diện mạo và tiến trình lịch sử cùng những giá trị nổi bật nhất của nền văn học dân tộc. Dưới đây chúng ta cùng nhìn lại để nhận rõ hơn những nét cơ bản của văn học Việt Nam.

I – CÁC BỘ PHẬN HỢP THÀNH NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM

Văn học Việt Nam cũng như hầu hết mọi nền văn học khác, được tạo thành từ hai bộ phận là văn học dân gian và văn học viết.

1. Văn học dân gian : nằm trong tổng thể văn hoá dân gian, được hình thành từ thời viễn cổ, trong xã hội thị tộc, bộ lạc và tiếp tục phát triển, được bổ sung những thể loại mới trong các thời đại tiếp theo.

Văn học dân gian ra đời từ khi con người còn chưa phát minh ra chữ viết, và được lưu truyền chủ yếu bằng phương thức truyền miệng. Văn học dân gian là sản phẩm mang tính tập thể của quần chúng nhân dân, chủ yếu là những người lao động ở tầng lớp dưới, mà trong xã hội cũ thường được gọi là tầng lớp bình dân (nên bộ phận văn học này còn được gọi là văn học bình dân). Vì không phải là tiếng nói của mỗi cá nhân nên văn học dân gian chỉ chú ý chọn lựa những cái gì tiêu biểu chung cho cộng đồng nhân dân hay mỗi tầng lớp trong quần chúng.

Sáng tác dân gian của nhiều nước và dân tộc trên thế giới vì thế mà thường có nhiều điểm tương đồng về mặt thể loại. Do tính truyền miệng và tính tập thể, trong văn học dân gian xuất hiện phổ biến hiện tượng dị bản.

Văn học dân gian không chỉ là một nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ của nhiều thế hệ qua mọi thời đại, mà còn là kho tàng chất liệu vô cùng phong phú cho các nhà văn học tập, khai thác, phát triển và nâng cao. Khi văn học viết đã xuất hiện và lớn mạnh, văn học dân gian vẫn tiếp tục phát triển, vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn học. Nhiều thể loại và rất nhiều tác phẩm văn học dân gian Việt Nam đã ra đời ở thời kì trung đại, trong xã hội phong kiến. Văn học dân gian đã có vai trò quan trọng trong việc phát triển bộ phận văn học viết, đặc biệt là văn học bằng chữ Nôm.

Văn học dân gian Việt Nam bao gồm sáng tác dân gian của tất cả các dân tộc trên đất nước ta. Mặc dù số dân nhiều ít khác nhau, trình độ phát triển không đồng đều giữa các dân tộc, nhưng hầu như dân tộc nào cũng có những sáng tác đặc sắc thuộc nhiều thể loại, đóng góp vào kho tàng phong phú của văn học dân gian Việt Nam nói riêng và nền văn học dân tộc nói chung.

Về hệ thống thể loại, văn học dân gian Việt Nam cũng rất đa dạng, với hầu hết những thể loại phổ biến trong văn học dân gian các nước như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn,... đồng thời lại có những thể loại độc đáo riêng như vè, truyện thơ, chèo và tuồng đồ,...

2. Văn học viết

Trong thời Bắc thuộc, chữ Hán được đưa vào nước ta. Từ chỗ là văn tự dùng cho bộ máy cai trị của phong kiến Trung Hoa, chữ Hán đã dần được phổ biến trong giới quý tộc và tu hành. Văn học viết có thể đã xuất hiện trong thời kì ấy, nhưng theo các cứ liệu còn lưu giữ được thì các tác phẩm văn học viết có sớm nhất là ở thế kỉ X, trong thời kì giành lại nền độc lập dân tộc sau hơn một nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Trong số những tác phẩm đầu tiên của văn học viết Việt Nam, phải kể đến bài thơ Vận nước (Quốc tộ) của nhà sư Đỗ Pháp Thuận, bài Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà) tương truyền là của Lí Thường Kiệt, bài Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) của vua Lí Thái Tổ.

Văn học viết của ta ban đầu dùng chữ Hán. Đến thế kỉ XIII, trong xu thế phục hưng dân tộc mạnh mẽ, đã xuất hiện những sáng tác bằng chữ Nôm. Trong văn học viết thời trung đại, có sự tồn tại và phát triển song song, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau của hai thành phần văn học xét về mặt chữ viết là văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Ở những thế kỉ đầu, văn học chữ Hán phổ biến hơn và chiếm tỉ lệ cao về số lượng cũng như về các thể loại. Từ thế kỉ XV, văn học chữ Nôm mới có sự phát triển đáng kể, chủ yếu là thơ. Văn học chữ Nôm tiếp tục phát triển trong các thế kỉ XVI, XVII. Đặc biệt ở thế kỉ XVII – nửa đầu thế kỉ XIX, khi chế độ phong kiến Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng, thì văn học chữ Nôm lại phát triển hết sức phong phú, với nhiều thể loại và tác giả lớn, đạt được những đỉnh cao, kết tinh thành tựu tư tưởng và nghệ thuật của nhiều thế kỉ văn học dân tộc, như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, bản dịch Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm (?).

Văn học chữ Hán chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp của văn hoá, tư tưởng, văn chương Trung Quốc thời cổ đại và trung đại, nhưng vẫn là một thành phần quan trọng của nền văn học Việt Nam. Sử dụng văn tự Hán, tiếp nhận nhiều yếu tố từ thể loại đến chất liệu nhưng hầu hết những tác phẩm chữ Hán của ta lại chứa đựng tinh thần dân tộc, thể hiện tâm hồn và cốt cách con người Việt Nam, phản ánh những vấn đề và trạng thái của hiện thực lịch sử Việt Nam.

Chữ quốc ngữ vốn do các giáo sĩ đạo Thiên Chúa người châu  u đặt ra, dùng chữ cái La-tinh ghi âm tiếng Việt. Buổi đầu, khoảng thế kỉ XVII, chữ quốc ngữ chỉ được dùng trong phạm vi hẹp của nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Cuối thế kỉ XIX, khi thực dân Pháp đã chiếm được hoàn toàn vùng Nam Bộ và đặt thành thuộc địa của Pháp, chữ quốc ngữ đã được phổ biến ở đó và bắt đầu xuất hiện những sáng tác văn học bằng chữ quốc ngữ. Từ đầu thế kỉ XX trở đi, chữ quốc ngữ dần thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm, góp phần đắc lực vào công cuộc hiện đại hoá văn học.

o những chặng đường sau, văn học chữ Hán vẫn có những hiện tượng đột xuất và đặc biệt như trường hợp tập thơ Nhật kí trong tù (Ngục trung nhật kí) của Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, còn có những trường hợp do hoàn cảnh sáng tác và đối tượng đặc thù mà có những tác phẩm được viết bằng tiếng Pháp, như trường hợp các truyện, kí, phóng sự của Nguyễn Ái Quốc viết trong những năm 20 của thế kỉ XX, xuất bản ở Pháp.

II – TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT NAM

Văn học dân gian cũng có tiến trình phát triển của nó, nhưng do hầu hết các sáng tác dân gian không thể xác định được chính xác thời điểm ra đời, nên nói tiến trình văn học Việt Nam ở đây chủ yếu là tiến trình phát triển của bộ phận văn học viết.

Văn học Việt Nam phát triển trong sự gắn bó chặt chẽ với lịch sử dân tộc, tuy rằng các thời kì văn học không phải lúc nào cũng trùng với các thời kì lịch sử. Nhìn trên tổng thể, lịch sử văn học Việt Nam được chia thành ba thời kì lớn : từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 và từ sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, nước ta về cơ bản vẫn giữ vững được nền độc lập, tự chủ. Văn học trải qua nhiều giai đoạn, nhưng vẫn trong điều kiện xã hội phong kiến, người ta gọi đó là thời kì văn học trung đại.

Từ giữa thế kỉ XIX (năm 1858), các nước tư bản phương Tây, cụ thể là thực dân Pháp, trong xu thế mở rộng thị trường và tìm kiếm thuộc địa ở những vùng đất ngoài châu  u, đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Đến cuối thế kỉ XIX, nước ta cũng như xứ Đông Dương đã bị đặt dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp. Biến cố lịch sử nói trên và sau đó là hai cuộc khai thác thuộc địa của tư bản Pháp đã đưa đến nhiều biến đổi quan trọng trong xã hội, trong đời sống con người và cả trong lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, văn học. Từ đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam đã có những biến đổi ngày càng mạnh mẽ và toàn diện theo hướng hiện đại hoá. Công cuộc hiện đại hoá văn học diễn ra trên mọi bình diện và cấp độ của nền văn học, từ quan niệm về văn chương và nhà văn, đối tượng của văn học đến phương thức thể hiện, ngôn ngữ văn học và hệ thống thể loại. Hiện đại hoá văn học được thúc đẩy bởi sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, xuất bản và đặc biệt là việc sử dụng rộng rãi chữ quốc ngữ. Vượt qua giai đoạn giao thời trong khoảng hai mươi năm đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam đã nhanh chóng đạt được những thành tựu theo hướng hiện đại trong những năm 20 và thực sự đạt tới diện mạo và tính chất của nền văn học hiện đại với những kết tinh nghệ thuật có giá trị cao, trong giai đoạn từ đầu những năm 30 đến trước cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.

Cách mạng tháng Tám 1945 do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã giành lại độc lập dân tộc và đưa chủ quyền đất nước thuộc về nhân dân, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc. Tiếp đó là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, kéo dài suốt 30 năm cho đến ngày 30 – 4 – 1975. Những biến cố to lớn của lịch sử và đời sống xã hội, mà chủ yếu là Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến, đã đưa tới những biến đổi sâu rộng trong văn học, mở ra một thời kì mới của nền văn học dân tộc. Văn học Việt Nam trong suốt 30 năm ấy đã gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng và vận mệnh của dân tộc, nhân dân, đã sáng tạo nhiều hình tượng cao đẹp về Tổ quốc và con người Việt Nam thuộc nhiều tầng lớp, thế hệ, trong chiến đấu, lao động, và sinh hoạt, trong mối quan hệ gắn bó với cộng đồng. Văn học của thời đại mới đề cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, lòng nhân ái, đức hi sinh của con người Việt Nam, mà trước hết và tiêu biểu là của quần chúng nhân dân. Nền văn học ấy thực sự đã trở thành công cụ đầy hiệu quả để tuyên truyền, giáo dục, động viên quần chúng nhân dân, thể hiện sức mạnh, vẻ đẹp và những khát vọng của nhân dân, lí tưởng của thời đại.

Từ sau tháng 4 – 1975, cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã giành được thắng lợi trọn vẹn, đất nước thống nhất, bước vào thời kì xây dựng và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu cho mục tiêu "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh". Từ giữa những năm 80 của thế kỉ trước, đường lối đổi mới đất nước đã được xác định và công cuộc đổi mới toàn diện đã được mở ra ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng. Văn học Việt Nam vốn luôn đồng hành với lịch sử dân tộc, đã có chung vận mệnh và bước đi trong chặng đường mới của đất nước. Văn học từ sau năm 1975 đã tiếp cận hiện thực đời sống trong tính toàn vẹn và đa chiều, tập trung khám phá con người ở nhiều mặt và nhiều mối quan hệ. Cuộc sống và con người hiện ra trong những cái hằng ngày bên cạnh những biến cố lịch sử, trong cái chung cùng cái riêng, với những chiến công anh hùng cũng như những đau thương, mất mát, với niềm vui xen lẫn nỗi buồn, trong ánh sáng rạng ngời và cả những bóng tối còn rơi rớt... Các thể loại văn học đều có sự biến đổi, có nhiều tìm tòi, mạnh dạn đổi mới trong phương thức thể hiện, trong ngôn ngữ văn học. Nhiều tài năng mới xuất hiện trong thế hệ nhà văn trẻ đến với văn học từ sau 1975.

III – MẤY NÉT ĐẶC SẮC NỔI BẬT CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM

Văn học Việt Nam, cả văn học dân gian và văn học viết, là sản phẩm tinh thần quý báu của dân tộc, phản ánh tâm hồn và tính cách Việt Nam với những nét bền vững đã thành truyền thống và có sự vận động trong trường kì lịch sử.

Vốn có tinh thần cộng đồng ngay từ buổi đầu hình thành dân tộc, lại phải chống lại nhiều cuộc xâm lăng của các lực lượng hùng mạnh từ bên ngoài, còn phải thường xuyên vật lộn với những khắc nghiệt của thiên nhiên để sinh tồn và phát triển, mở mang bờ cõi, nên tinh thần yêu nước, ý thức cộng đồng đã trở thành truyền thống sâu sắc và bền vững của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tinh thần ấy được kết tinh sâu sắc và phát huy rực rỡ trong văn học ở những thời kì đất nước phải chống giặc ngoại xâm hay đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Nó hiển hiện trong tinh thần phục hưng dân tộc ở thơ văn thời Lý, trong hào khí Đông A thời Trần, trong ý thức sâu sắc và đầy tự hào về đất nước, dân tộc ở thơ văn Nguyễn Trãi thời kì khởi nghĩa Lam Sơn thế kỉ XV. Tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc lại sôi nổi, mạnh mẽ, thiết tha hơn bao giờ hết trong thơ văn chống Pháp xâm lược ở nửa cuối thế kỉ XIX, trong văn học yêu nước và cách mạng nửa đầu thế kỉ XX, đặc biệt là trong văn học ở hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Tinh thần yêu nước còn được thể hiện trong những rung động và niềm yêu mến, tự hào về quê hương, thiên nhiên đất nước hoặc mĩ lệ hùng vĩ, hoặc giản dị gần gũi. Lòng yêu nước ấy trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, có khi lại được gửi vào những hoài niệm về quá khứ, về một vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên hay phong tục sinh hoạt của dân tộc, có khi lại là tình yêu với tiếng nói của dân tộc.

Tinh thần yêu nước lại luôn đi liền với tình yêu thương con người. Tình cảm ấy phát triển thành tư tưởng nhân đạo và đó cũng là một nét truyền thống sâu đậm của văn học Việt Nam. Trong văn học dân gian, từ ca dao, tục ngữ đến truyện cổ tích, sân khấu chèo,... tất cả đều hướng về khẳng định những giá trị tốt đẹp của con người, mà trước hết là người bình dân, thể hiện những nguyện vọng, mơ ước của nhân dân. Trong những thời kì đấu tranh chống kẻ thù xâm lược thì tinh thần nhân đạo hoà làm một với chủ nghĩa yêu nước, vì cứu nước cũng là cứu dân, giải phóng dân tộc là điều trước tiên phải làm để giải phóng con người. Tư tưởng nhân đạo trong văn học đã phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn mà chế độ phong kiến bộc lộ sự khủng hoảng trầm trọng, như ở thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX. Văn học giai đoạn này đã thể hiện những nỗi thống khổ và số phận chìm nổi của nhiều tầng lớp người trong một xã hội đầy rối ren, li loạn. Nhiều tác phẩm đã lên tiếng mạnh mẽ bênh vực cho quyền sống của con người, đặc biệt là người phụ nữ, đồng thời nói lên khát vọng về hạnh phúc, mơ ước tự do và ý thức về cá tính, nhiều lúc đã vượt ra ngoài khuôn phép của tư tưởng và lễ giáo phong kiến. Khi nền văn học bước vào con đường hiện đại hoá ở nửa đầu thế kỉ XX thì tinh thần nhân đạo lại gắn liền với sự thức tỉnh và phát triển ý thức cá nhân, biểu hiện tập trung ở chủ đề giải phóng cá nhân, chống lễ giáo phong kiến, đòi quyền tự do trong tình yêu, hôn nhân, thể hiện mọi cung bậc của tình cảm, cảm xúc của cá nhân. Văn học hiện thực lại hướng tinh thần nhân đạo vào những tầng lớp nghèo khổ, tố cáo mạnh mẽ những bất công xã hội, những thế lực thống trị, áp bức và lên tiếng đòi quyền sống xứng đáng cho con người. Nền văn học mới từ sau Cách mạng tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến không chỉ tập trung nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng mà còn tiếp tục phát huy tinh thần nhân đạo truyền thống, đặc biệt hướng vào khẳng định những phẩm chất tốt đẹp và sức mạnh giải phóng của quần chúng nhân dân lao động, ngợi ca những tình cảm cộng đồng, như tình đồng chí, đồng bào.

Văn học Việt Nam từ xưa đến nay đã thể hiện sinh động sức sống bền bỉ, tinh thần lạc quan và niềm vui sống của nhân dân. Mặc dù vận mệnh của dân tộc có không ít phen gian nguy, đời sống của hầu hết các tầng lớp nhân dân còn nhiều thiếu thốn, cơ cực, cả không ít đắng cay, đau buồn, lại suốt mấy nghìn năm sống trong một xã hội còn lạc hậu, kinh tế chậm phát triển, nhưng con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam vẫn có được một sức sống bền bỉ, mạnh mẽ và niềm tin vào những giá trị vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, thiết thực của cuộc sống. Tinh thần ấy được phản ánh khá rõ trong nền văn học dân tộc, với nhiều sắc thái và mức độ biểu hiện : từ niềm tin và ước mơ về sự chiến thắng của cái thiện trong các truyện cổ tích đến tiếng cười với nhiều cung bậc trong truyện cười, truyện trạng ; từ cốt cách hiên ngang cứng cỏi như cây tùng, cây bách của một Nguyễn Trãi đến bản lĩnh và cá tính độc đáo của nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay tiếng cười sắc nhọn của Tú Xương...

Văn học Việt Nam cũng như nhiều ngành nghệ thuật khác đã thể hiện những đặc điểm trong thẩm mĩ của dân tộc : Nói chung, các công trình nghệ thuật của ta ít hướng tới sự phi thường, bề thế, đồ sộ mà thường là kết tinh ở những tác phẩm bình dị, có quy mô vừa và nhỏ, chú trọng cái đẹp tinh tế, hài hoà, giản dị. Trong kiến trúc thì đó là mái đình cong, ngôi chùa hài hoà với không gian thiên nhiên. Trong văn học thì ngoài một số pho sử thi dài, phổ biến hơn là những câu ca dao trong trẻo, điệu dân ca mượt mà, những bài thơ trữ tình, một ít truyện thơ Nôm mà kết tinh cao nhất là Truyện Kiều ; về văn xuôi thì truyện ngắn phong phú và đặc sắc hơn tiểu thuyết, truyện dài.

Suốt mấy nghìn năm từ buổi đầu dựng nước, nhất là từ khi văn học viết xuất hiện ở thế kỉ X cùng với thời kì khôi phục nền độc lập dân tộc, nền văn học Việt Nam đã trải qua một lịch sử dài lâu, gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc và đất nước, với vận mệnh của nhân dân. Nền văn học ấy là nơi lưu giữ và toả chiếu những tinh hoa và bản sắc của tâm hồn dân tộc qua các thời đại. Dù không phải không có những hạn chế, nhược điểm, nhưng di sản văn học ấy là một vốn quý trong gia tài văn hoá dân tộc, có vị trí quan trọng trong việc nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn, tính cách, tư tưởng cho các thế hệ người Việt Nam trong lịch sử và hiện tại, cho tới mai sau.

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Ghi lại tên tác phẩm, tác giả, thể loại của các tác phẩm (hoặc đoạn trích) văn học Việt Nam trung đại được học và đọc thêm trong sách giáo khoa Ngữ văn THCS, theo hai bộ phận văn học chữ Hán và chữ Nôm.

2. Nêu những điểm phân biệt văn học dân gian với văn học viết.

3. Hãy tìm những ví dụ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương hoặc sáng tác của một tác giả hiện đại để thấy ảnh hưởng của văn học dân gian đến văn học viết.

4. Nêu và phân tích một số dẫn chứng cho thấy tinh thần yêu nước là một nội dung nổi bật trong văn học Việt Nam qua các thời kì.

5. Nêu những biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong một tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại (ví dụ : Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ) và một tác phẩm văn học hiện đại (ví dụ : Lão Hạc của Nam Cao, Tắt đèn của Ngô Tất Tố).

Ghi nhớ

Văn học Việt Nam xuất hiện từ thời dựng nước và gắn liền với lịch sử lâu dài của dân tộc. Nền văn học ấy gồm hai bộ phận là văn học dân gian và văn học viết. Văn học viết ra đời từ thế kỉ X, bao gồm các thành phần : văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Từ cuối thế kỉ XIX, chữ quốc ngữ được dùng để sáng tác thay thế dần cho chữ Hán và chữ Nôm.

• Văn học Việt Nam đã phát triển qua ba thời kì lớn : từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 và từ sau Cách mạng tháng Tám 1945.

• Tư tưởng yêu nước, tinh thần nhân đạo, sức sống bền bỉ và tinh thần lac quan là những giá trị nổi bật của văn học Việt Nam. Nền văn học ấy cũng thường kết tinh ở những tác phẩm có quy mô không lớn, có vẻ đẹp hài hoà, trong sáng.

• Văn học Việt Nam là bộ phận quan trọng của văn hoá tinh thần dân tộc, thể hiện những nét tiêu biểu của tâm hồn, lối sống, tính cách và tư tưởng của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong các thời đại.

B – SƠ LƯỢC VỀ MỘT SỐ THỂ LOẠI VĂN HỌC

Bất kì một tác phẩm văn học nào, dù nhỏ hay lớn, đều tồn tại trong một dạng thức nhất định. Dựa vào những đặc điểm của hiện tượng đời sống được miêu tả trong tác phẩm, phương thức chiếm lĩnh thực tại của tác giả, cách thức tổ chức tác phẩm và lời văn mà người ta phân chia ra các thể loại văn học. Thể loại văn học là sự thống nhất giữa một loại nội dung với một dạng hình thức văn bản và phương thức chiếm lĩnh đời sống. Phân chia một cách bao quát nhất, ta có ba loại (hay loại hình) là tự sự, trữ tình và kịch. Tự sự nhận thức và thể hiện đời sống qua chuỗi các biến cố, sự kiện ; trữ tình qua cảm xúc trữ tình và phương thức biểu cảm ; còn kịch thì qua xung đột, đối thoại. Tác phẩm văn học không chỉ thuộc một loại hình nhất định mà còn tồn tại trong một dạng thức nhất định của thể. Mỗi loại bao gồm nhiều thể và có cả những thể ở chỗ tiếp giáp của hai loại, mang những đặc điểm của cả hai loại. Thể loại văn học vừa có tính ổn định lại vừa biến đổi. Mỗi thể loại được sinh ra trong một thời kì lịch sử nhất định, rồi duy trì, biến đổi hoặc được thay thế trong các thời kì lịch sử tiếp theo. Đồng thời, thể loại cũng mang tính đặc thù của mỗi nền văn học dân tộc hay khu vực.

I – MỘT SỐ THỂ LOẠI VĂN HỌC DÂN GIAN

Hệ thống thể loại của văn học dân gian có tính tương đồng trong văn học của nhiều nước và dân tộc. Trên đại thể, có thể xếp các thể loại của văn học dân gian Việt Nam vào ba nhóm : các thể tự sự dân gian gồm thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ ; trữ tình dân gian tiêu biểu là ca dao – dân ca ; chèo và tuồng đồ là những thể loại sân khấu dân gian.

Ngoài ba nhóm trên, tục ngữ là những lời nói đúc kết các kinh nghiệm và quan niệm về thiên nhiên, con người, xã hội, lao động sản xuất. Có thể coi tục ngữ là một dạng đặc biệt của nghị luận.

Chương trình Ngữ văn THCS chỉ chọn lựa một số thể loại chính trong các thể loại nói trên.

II – MỘT SỐ THỂ LOẠI VĂN HỌC TRUNG ĐẠI

Văn học trung đại tồn tại trong môi trường xã hội phong kiến trung đại, đã hình thành một hệ thống thể loại khá chặt chẽ, nhìn chung ít biến đổi, phù hợp với môi trường xã hội, tư tưởng, quan niệm thẩm mĩ của con người thời trung đại. Văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều mặt của văn hoá, văn học cổ trung đại Trung Hoa, nên có nhiều thể loại có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng cũng có những thể loại có nguồn gốc dân tộc chỉ có trong văn học Việt Nam, đặc biệt là bộ phận văn học chữ Nôm. Các tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn THCS chỉ giới thiệu một số thể loại quen thuộc.

1. Các thể thơ

Có thể chia làm hai nhóm : các thể thơ có nguồn gốc thơ ca Trung Quốc và các thể thơ có nguồn gốc dân gian Việt Nam.

a) Các thể thơ có nguồn gốc thơ ca Trung Quốc

Có hai loại chính : thể cổ phong và thể Đường luật (xuất hiện từ thời Đường).

Thể cổ phong tương đối tự do, chỉ cần có vần, vần cũng không chặt chẽ (hoặc bằng, hoặc trắc, hoặc một vần, hoặc nhiều vần) ; không cần tuân theo niêm luật, không hạn chế số câu trong bài, số chữ trong câu. Các bài Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi, Chinh phụ ngâm khúc (nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn) được viết theo thể này.

Thể Đường luật là thể thơ được viết theo luật đặt ra từ thời nhà Đường. Thể Đường luật có những quy định khá chặt chẽ về vần, thanh, đối, về số câu, số chữ và cấu trúc bài thơ. Thể thơ Đường luật có ba dạng chính căn cứ vào số câu : bát cú (8 câu), tứ tuyệt (4 câu), bài luật còn gọi là trường luật (10 câu trở lên). Thể tứ tuyệt có loại câu bảy chữ (thất ngôn tứ tuyệt) và năm chữ (ngũ ngôn tuyệt thi). Dạng thất ngôn bát cú là dạng cơ bản của thơ Đường, có số lượng nhiều nhất. Các bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến là những ví dụ tiêu biểu về thể thất ngôn bát cú bằng chữ Nôm. Thơ thất ngôn bát cú chỉ dùng một vần và là vần bằng, ở chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8. Về thanh, trong bài thơ có quy định vị trí và cách phối hợp các thanh bằng và trắc. Theo hệ thống ngang gọi là luật, thì chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm được tự do (nhất tam ngũ bất luận) – kì thực thanh của chữ thứ nhất và thứ ba chỉ tương đối được tự do vì có một vài trường hợp không được linh động, còn chữ thứ hai, thứ tư, thứ sáu thì phải đúng luật (nhị tứ lục phân minh : thanh của chữ thứ tư phải ngược với thanh của chữ thứ hai và thứ sáu). Nếu chữ thứ hai của câu 1 là thanh bằng thì là luật bằng, nếu chữ thứ hai của câu 1 là thanh trắc thì là luật trắc. Theo hệ thống dọc gọi là niêm (dính - ở đây là có cùng cấu trúc về thanh điệu), câu 1 phải niêm với câu 8, câu 2 với câu 3, câu 4 với câu 5, câu 6 với câu 7. Về đối, có các cặp đối giữa câu 3 và 4, 5 và 6. Đối về ý, thanh và từ loại (thanh phải đối bằng – trắc, nhưng phải cùng từ loại). Về cấu trúc, nhiều bài thơ được triển khai theo bốn phần : đề (2 câu đầu) là mở đề vào bài thơ ; thực (câu 3, 4) là miêu tả cụ thể về tình, cảnh, sự ; luận (câu 5, 6) là bàn luận và nhận xét về đề tài ; kết (2 câu cuối) khép lại bài thơ. Thơ thất ngôn bát cú là một chỉnh thể nghệ thuật chặt chẽ, hoàn chỉnh, nhưng không phải vì thế mà thủ tiêu sự sáng tạo và cá tính của tác giả.

b) Các thể thơ có nguồn gốc dân gian

Thể lục bát xuất phát từ ca dao và là một thể thơ hết sức quen thuộc với người Việt. Thể thơ lục bát được sử dụng trong văn học viết thời trung đại, chủ yếu để sáng tác truyện thơ Nôm. Thơ lục bát được tạo thành từ từng cặp câu 6 tiếng (lục) và 8 tiếng (bát). Vần chủ yếu dùng vần bằng, ở chữ cuối câu lục gieo xuống chữ thứ 6 câu bát, rồi tiếp vần khác ở chữ cuối câu bát gieo xuống chữ cuối câu lục tiếp theo. Cứ thế kéo dài bao nhiêu cũng được. Về thanh điệu và ngắt nhịp, thơ lục bát khá linh hoạt, nhưng chú trọng sự hài hoà và nhịp nhàng. Thơ lục bát cũng có thể có đối, nhưng đối ngay trong câu, gọi là tiểu đối. Thể thơ này vừa giàu khả năng biểu hiện tâm trạng, cảm xúc lại vừa có thể dùng để kể chuyện, tả cảnh, nên có thể sử dụng làm một bài thơ trữ tình ngắn hay viết cả một truyện thơ dài.

Thể song thất lục bát là thể thơ gồm hai câu 7 tiếng (song thất) và một cặp câu lục bát. Về vần thì chữ cuối câu 7 thứ nhất vần với chữ thứ năm của câu 7 thứ hai, chữ cuối câu này lại vần với chữ cuối của câu lục tiếp theo.

Thể song thất lục bát thường được dùng trong các khúc ngâm – một thể trữ tình có dung lượng tương đối lớn (như Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, bản dịch Chinh phụ ngâm khúc).

2. Các thể truyện, kí

Trong văn học trung đại Việt Nam, về văn xuôi, hầu như chỉ có truyện, kí được viết bằng chữ Hán. Tuỳ theo nội dung và cách viết mà người xưa chia thành rất nhiều thể trong văn xuôi, và tên các thể thường được ghi ngay trong tên tác phẩm. Ví dụ : Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái,...

Về nội dung thì có loại đậm yếu tố tưởng tượng, hoang đường, kì ảo (truyện chí quái, truyền kì), lại có loại kể về các nhân vật lịch sử, các anh hùng, nghĩa sĩ, vua chúa, hoặc kể lại lịch sử các triều đại. Loại truyện này gần với kí. Về dung lượng cũng có ngắn, dài. Truyện dài thường được bố cục theo lối chương hồi. Mỗi hồi kể trọn vẹn một biến cố, một câu chuyện trong chuỗi các biến cố được xếp sắp theo trình tự thời gian trước, sau.

3. Truyện thơ Nôm

Là loại truyện được viết bằng thơ, chủ yếu là thơ lục bát. Có thể coi truyện thơ Nôm là một loại tiểu thuyết bằng thơ, vì nó có cốt truyện, nhân vật, lời kể, có khả năng miêu tả cuộc sống phong phú. Truyện thơ Nôm còn giàu chất trữ tình, có khả năng diễn tả nhiều trạng thái tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ. Truyện thơ Nôm xuất hiện khoảng thế kỉ XVII và phát triển rực rỡ ở thế kỉ XVIII, XIX. Có hai loại truyện thơ Nôm : bình dân (thường khuyết danh và gần gũi với văn học dân gian), bác học (do các trí thức Nho gia sáng tác). Đỉnh cao và tiêu biểu nhất cho thể loại truyện Nôm là kiệt tác Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.

4. Một số thể văn nghị luận

Trong văn học thời trung đại, các thể văn có tính chất công cụ, trong đó chủ yếu là văn nghị luận như chiếu, biểu, hịch, cáo có vị trí quan trọng. Trong quan niệm và thực tiễn thời trung đại, văn chương chưa tách biệt ra khỏi các hoạt động sáng tạo tinh thần khác cũng dùng ngôn ngữ như sử học, đạo đức học, triết học,... Không phải tất cả các tác phẩm này đều là văn học, bởi mục đích thứ nhất của những sáng tác ấy không phải là văn chương. Nhưng cũng có không ít tác phẩm loại này mang đậm chất văn, bởi có sự kết hợp giữa tư tưởng, lí lẽ với tình cảm, cảm xúc, lập luận chặt chẽ với hình ảnh phong phú, ngôn ngữ biểu cảm.

Hịch là thể văn hùng biện, thường do vua chúa, tướng soái làm ra nhằm kêu gọi, khích lệ quân sĩ, dân chúng trong những cuộc chiến đấu.

Cáo là thể văn chính luận mà vua chúa hoặc thủ lĩnh phong trào dùng để tuyên cáo thành quả của một sự nghiệp mới hoàn thành. Thể cáo có thể dùng văn xuôi, văn vần hoặc văn biền ngẫu. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi được xem là một áng "thiên cổ hùng văn" của dân tộc.

III – MỘT SỐ THỂ LOẠI VĂN HỌC HIỆN ĐẠI

Nền văn học chuyển từ thời kì trung đại sang thời kì hiện đại đã có những biến đổi sâu sắc, toàn diện. Thể loại văn học là lĩnh vực có tính lịch sử nên cũng có sự biến đổi rõ rệt : nhiều thể loại không được tiếp tục sử dụng một số thể loại mới ra đời ; những thể loại khác tuy được tiếp tục nhưng đã có sự đổi mới sâu sắc.

Hầu hết các thể văn có tính chất hành chính, công cụ như chiếu, cáo, hịch, văn tế,... không tiếp tục tồn tại hoặc không còn ở trong phạm vi văn học. Kịch nói từ phương Tây du nhập vào nước ta khoảng đầu thế kỉ XX, bổ sung cho sân khấu một thể loại mang tính hiện đại. Báo chí phát triển thúc đẩy sự xuất hiện của thể phóng sự – một thể loại ở giữa văn học và báo chí. Phê bình văn học thực sự trở thành một hoạt động có tính độc lập, nó vừa là kết quả của quá trình hiện đại hoá văn học, vừa thúc đẩy quá trình ấy.

Các thể truyện (truyện ngắn, tiểu thuyết) tuy có sự tiếp nối các thể tương tự trong văn học trung đại, nhưng đã có sự đổi mới sâu sắc về mọi phương diện. Đề tài được mở rộng, hướng đến mọi mặt của đời sống xã hội và con người, không bị gò bó vào mục đích giáo huấn đạo lí. Nghệ thuật tự sự và miêu tả có những đổi mới rất cơ bản, từ sự đa dạng và có thể thay đổi điểm nhìn, vai kể đến vai trò của người kể chuyện, từ việc sử dụng nhiều thủ pháp miêu tả đến sự đổi mới về ngôn ngữ, câu văn. Nhân vật trong truyện hiện đại được nhìn nhận và miêu tả trong tính cách cá thể, nghĩa là mang đặc điểm, tính cách, tâm trạng và số phận của từng cá nhân, cố nhiên vẫn phải có tính tiêu biểu, nhưng không bị quy vào một cách giản đơn chỉ những kiểu, loại như nhân vật trong truyện dân gian hay phần lớn truyện trung đại. Dĩ nhiên, những sự biến đổi này không phải được diễn ra ngay một lúc và cũng không đồng đều ở mọi sáng tác. Từ truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn ở đầu những năm 20, đến truyện ngắn Nguyễn Công Hoan rồi truyện của Nam Cao, có thể cho ta hình dung ít nhiều về quá trình đổi mới của thể loại này trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

Thể tuỳ bút đã xuất hiện trong văn học trung đại. Nhưng sang thời kì hiện đại, tuỳ bút in đậm hơn dấu ấn của chủ thể tác giả và thường được gia tăng tính chất biểu cảm, trữ tình.

Trong thơ hiện đại, tính từ phong trào Thơ mới (1932 – 1945), nhiều thể thơ truyền thống vẫn tiếp tục được vận dụng, đặc biệt là các thể có nguồn gốc dân tộc như lục bát, bốn chữ, năm chữ. Bên cạnh đó, có những thể mới xuất hiện, chủ yếu được phát triển từ một số yếu tố có sẵn trong các thể truyền thống, như thể tám tiếng xuất phát từ những câu tám tiếng trong thể hát nói. Thể thơ Đường luật, tiêu biểu là thất ngôn bát cú, tuy vẫn còn được sử dụng, nhưng không có vị trí trọng yếu và tính phổ biến như trước nữa. Thơ tự do xuất hiện, ngày càng được sử dụng nhiều hơn và cũng có nhiều thành công hơn.

Thơ hiện đại không chỉ đem lại những cái mới về nội dung tư tưởng, cảm xúc mà còn đổi mới về phương thức biểu cảm, về sáng tạo hình ảnh, cấu trúc câu thơ, ngôn ngữ thơ.

Các thể loại trong văn học hiện đại cũng không ngừng biến đổi, vận động, xâm nhập vào nhau, có nhiều thể nghiệm và tìm tòi mới để phù hợp với những đổi thay trong đời sống xã hội và đời sống tinh thần của con người, những thay đổi trong nhu cầu thẩm mĩ của thời đại.

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Kể tên các thể loại chính của văn học dân gian được học trong chương trình Ngữ văn THCS, nêu định nghĩa ngắn gọn về từng thể loại.

2. Tìm trong các truyện cổ tích mà em được học (hoặc đã đọc) những nhân vật thuộc các loại sau : nhân vật dũng sĩ, nhân vật có tài năng đặc biệt, nhân vật xấu xí, nhân vật ngốc nghếch.

3. Lấy bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan để minh hoạ các quy tắc về niêm luật của thơ thất ngôn bát cú Đường luật (vần, thanh bằng trắc trong từng câu ; đối, niêm giữa các câu).

4. Em đã học những truyện thơ Nôm nào ? Tóm tắt thật ngắn gọn cốt truyện của những truyện thơ ấy và nhận xét xem có gì giống nhau trong các cốt truyện đó.

5. Hãy lấy một số câu ca dao và vài đoạn thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để minh hoạ cho khả năng phong phú của thể thơ lục bát trong việc biểu hiện tâm trạng và kể chuyện, thuật việc.

6. Đọc lại một truyện ngắn hiện đại (ví dụ : Lão Hạc của Nam Cao, Bến quê của Nguyễn Minh Châu) và một truyện thời trung đại (ví dụ : Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng của Hồ Nguyên Trừng, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ), rồi nhận xét về sự khác nhau trong cách trần thuật, xây dựng nhân vật.

Ghi nhớ

• Thể loại văn học là sự thống nhất giữa một loại nội dung với một dạng hình thức văn bản và phương thức chiếm lĩnh đời sống. Nhìn trên tổng thể sáng tác văn học thuộc ba loại (hay loại hình) là tự sự, trữ tình và kịch. Ngoài ra còn có loại nghị luận, chủ yếu sử dụng các phương thức lập luận.

• Thể là dạng thức tồn tại của tác phẩm văn học. Loại rộng hơn thể và bao gồm nhiều thể, nhưng cũng có những thể ở chỗ tiếp giáp của hai loại, mang những đặc điểm của cả hai loại.

• Văn học dân gian có một hệ thống thể loại khá phong phú, có thể xếp thành ba nhóm theo loại hình : tự sự, trữ tình và sân khấu dân gian.

• Trong văn học trung đại đã hình thành một hệ thống thể loại khá hoàn chỉnh và chặt chẽ.

     Thơ Việt Nam thời trung đại sử dụng phổ biến nhiều thể thơ có nguồn gốc từ thơ ca Trung Quốc như cổ phong, Đường luật, mà hoàn chỉnh và tiêu biểu nhất là thể thất ngôn bát cú. Đồng thời, các thể thơ có nguồn gốc dân gian, dân tộc như lục bát, song thất lục bát cũng được sử dụng ngày càng phổ biến.

     Văn xuôi thời trung đại có nhiều thể truyện, kí. Truyện dài thường được viết theo lối chương hồi. Truyện thơ có thể xem là một loại tiểu thuyết bằng thơ, kết hợp cả tự sự và trữ tình. Trong văn học trung đại còn có những thể loại chủ yếu mang chức năng hành chính như chiếu, biểu, hịch, cáo. Các thể này thuộc loại nghị luận.

• Trong văn học hiện đại, các thể loại có nhiều biến đổi sâu sắc. Một số thể loại mới xuất hiện như kịch nói, phóng sự. Nhìn chung, thể loại trong văn học hiện đại hết sức đa dạng, linh hoạt và luôn biến đổi theo hướng ngày càng tự do, không bị gò bó vào các quy tắc cố định, phát huy sự tìm tòi, sáng tạo của chủ thể sáng tác.

Tin tức mới


Đánh giá

Tổng Kết Phần Văn Học (Tiếp Theo) | Ngữ Văn 9 - Tập 2 | Bài 34 - Lớp 9 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 9 - Tập 2

  1. Bài 18
  2. Bài 19
  3. Bài 20
  4. Bài 21
  5. Bài 22
  6. Bài 23
  7. Bài 24
  8. Bài 25
  9. Bài 26
  10. Bài 27
  11. Bài 28
  12. Bài 29
  13. Bài 30
  14. Bài 31
  15. Bài 32
  16. Bài 33
  17. Bài 34

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 9

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.