Bài 27: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953 - 1954) | Lịch Sử 9 | (Phần II) CHƯƠNG V - VIỆT NAM TỪ CUỐI NĂM 1946 ĐẾN NĂM 1954 - Lớp 9 - Giáo Dục Việt Nam

Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 làm phá sản Kế hoạch Na-va ; chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.


Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 làm phá sản Kế hoạch Na-va ; chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc chiến tranh ở Đông Dương. Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 ghi nhận thắng lợi của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, chấm dứt chiến tranh xâm lược và ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương.

I - KẾ HOẠCH NA-VA CỦA PHÁP - MĨ

Ngày 7 - 5 - 1953, Tướng Na-va được cử làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, vạch ra kế hoạch quân sự nhằm xoay chuyển cực diện chiến tranh Đông Dương, với hi vọng trong 18 tháng "kết thúc chiến tranh trong danh dự".

Kế hoạch Na-va được thực hiện theo hai bước :

Bước một : Trong thu - đông 1953 và xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược trên chiến trường miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược để "bình định" miền Trung và miền Nam Đông Dương.

Bước hai : Từ thu - đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược, giành thắng lợi quận sự quyết định, "kết thúc chiến tranh".

Thực hiện Kế hoạch Na-va, thực dân Pháp xin Mĩ tăng thêm viện trợ quân sự (gấp hai lần so với trước, chiếm tới 73% chi phí chiến tranh ở Đông Dương), tăng thêm ở Đông Dương 12 tiểu đoàn bộ binh, tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ một lực lượng cơ động mạnh gồm 44 tiểu đoàn (trong tổng số 84 tiểu đoàn trên toàn Đông Dương), ra sức tăng cường ngụy quân.

- Hãy cho biết âm mưu của Pháp - Mĩ trong việc thực hiện Kế hoạch Na-va.

II - CUỘC TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC ĐÔNG - XUÂN 1953 - 1954 VÀ CHIẾN DỊCH LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ 1954

1. Cuộc Tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954

Tháng 9 - 1953, Hội nghị Bộ chính trị Trung ương Đảng họp đề ra kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 -1954 với quyết tâm giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận - chính diện và sau lưng địch.

Phương hướng chiến lược của ta là tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yêu mà chúng không thể bỏ, tạo cho ta những điều kiện thuận lợi để tiêu diệt thêm sinh lực của chúng. Phương châm chiến lược của ta là : "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt","đánh ăn chắc, đánh chắc thắng".

Thực hiện phương hướng chiến lược trên, trong cuộc tiến công Đông - xuân 1953 - 1954, quân ta mở một loạt chiến dịch tiến công địch trên nhiều hướng, ở hầu khắp các chiến trường Đông Dương.

hinh-anh-bai-27-cuoc-khang-chien-toan-quoc-chong-thuc-dan-phap-xam-luoc-ket-thuc-1953-1954-2446-0
Hình 52. Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp quyết định chủ trương tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954

Ngày 20 - 11 - 1953, phát hiện bộ đội chủ lực ta di chuyển lên Tây Bắc, Na-va cho 6 tiểu đoàn Âu - Phi nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 12 - 1953, bộ đội chủ lực ta ở Tây Bắc tổ chức một bộ phận bao vây, uy hiếp địch ở Điện Biên Phủ ; bộ phận còn lại mở cuộc tiến công địch, giải phóng toàn tỉnh Lai Châu (trừ Điện Biên Phủ), Na-va buộc phải đưa 6 tiểu đoàn cơ động từ đồng bằng Bắc Bộ lên tăng cường. Như vậy, sau đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung quân thứ hai của địch.

Cũng vào đầu tháng 12 - 1953, liên quân Việt - Lào mở cuộc tiến công địch ở Trung Lào, giải phóng toàn tỉnh Thà Khẹt, đồng thời bao vây, uy hiếp Xê-nô, Na-va tăng cường lực lượng cho Xê-nô và Xê-nô trở thành nơi tập trung quân thứ ba của địch.

Cuộc tháng 1 - 1954. để đánh lạc hướng phán đoán của địch, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta phối hợp với quân Pa-thét Lào mở cuộc tiến công ở Thượng Lào, giải phóng toàn tỉnh Phong Xa-lì, mở rộng vùng giải phóng Lào. Lo sợ Liên quân Việt - Lào thừa thắng đánh Luông Pha-bang, Na-va cho tăng cường lực lượng để Luông Pha-bang trở thành nơi tập trung quân thứ tư của địch.

Ngày 20 - 1 - 1954, Na-va tập trung 20 tiểu đoàn bộ binh mở chiến dịch Át-lăng đánh chiếm Tuy Hòa (Phú Yên), mở rộng đánh chiếm vùng tự do Liên khu V của ta.

Giữ vững quyền chủ động đánh địch, đầu tháng 2 - 1954, quân ta mở cuộc tiến công địch ở Bắc Tây Nguyên, giải phóng toàn tỉnh Kon Tum, đồng thời bao vây uy hiếp Plây-ku, Na-va buộc phải bỏ dở cuộc tiến công Tuy Hòa để tăng cường lực lượng cho Plây-ku và Plây-ku trở thành nơi tập trung quân thứ năm của địch.

Phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính diện, phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh ở vùng sau lưng địch. Bộ đội ta ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình - Trị - Thiên, đồng bằng Bắc Bộ cũng đẩy mạnh hoạt động đánh địch.

Cuộc Tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 của ta đã làm phá sản bước đầu Kế hoạch Na-va của Pháp - Mĩ, buộc quân chủ lực của chúng phải bị động phân tán và giam chân ở miền rừng núi.

- Cuộc Tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 đã được bước đầu làm phá sản Kế hoạch Na-va của Pháp - Mĩ như thế nào ?
hinh-anh-bai-27-cuoc-khang-chien-toan-quoc-chong-thuc-dan-phap-xam-luoc-ket-thuc-1953-1954-2446-1
Hình 53. Hình thái chiến trường trên các mặt trận Đông - Xuân 1953 - 1954

2. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954)

Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn nằm ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới với Lào, có vị trí chiến lược quan trọng.

Được Mĩ giúp đỡ, Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành lập tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương, lực lượng địch ở đây lúc cao nhất là 16 200 quân, được bố trí làm 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu : phân khu Trung tâm có sở chỉ huy và sân bay Mường Thanh, phân khu Bắc, phân khu Nam.

Na-va và nhiều nhà quân sự Pháp - Mĩ đánh giá Điện Biên Phủ là "pháo đài bất khả xâm phạm", và từ ngày 3 - 12 - 1953, chúng quyết định giao chiến với quân đội ta tại Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 12 - 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào.

hinh-anh-bai-27-cuoc-khang-chien-toan-quoc-chong-thuc-dan-phap-xam-luoc-ket-thuc-1953-1954-2446-2
Hình 54. Lược đồ chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)

Chiến dịch bắt đầu từ ngày 13 - 3 - 1954 đến hết ngày 7 - 5 - 1954 và được chia làm 3 đợt :

Đợt 1, quân ta tiến công tiêu diệt căn cứ Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc.

Đợt 2, quân ta tiến công tiêu diệt các căn cứ phía đông phân khu Trung tâm.

Đợt 3, quân ta đồng loạt tiến công tiêu diệt căn cứ còn lại ở phân khu Trung tâm và phân khu Nam. Chiều 7 - 5, quân ta đánh vào sở chỉ huy địch. 17  giờ 30 phút ngày 7 - 5 , Tướng Đờ  Ca-xtơ-ri cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch ra đầu hàng.

hinh-anh-bai-27-cuoc-khang-chien-toan-quoc-chong-thuc-dan-phap-xam-luoc-ket-thuc-1953-1954-2446-3
Hình 55. Bộ đội ta kéo pháo vào Điện Biên Phủ
hinh-anh-bai-27-cuoc-khang-chien-toan-quoc-chong-thuc-dan-phap-xam-luoc-ket-thuc-1953-1954-2446-4
Hình 56. Biểu tượng chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong cùng thời gian, trên các chiến trường toàn quốc, quân đẩy mạnh chiến đấu tiêu diệt, giam chân, phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện cho Điện Biên Phủ giành toàn thắng.

Trong toàn bộ cuộc Tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã giải phóng nhiều vùng đông dân ở các đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ.

Riêng tại mặt trận Điện Biên Phủ, trong gần hai tháng chiến đấu, quân ta tiêu diệt toàn tập đoàn chiếm cứ của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 16 200 tên dịch (có 1 thiếu tướng), phá huyer và thu toàn bộ phương tượng chiến tranh, bắn rơi và bắn cháy 62 máy bay các loại.

- Pháp - Mĩ đã làm gì để xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương ?
- Dựa vào lược đồ (Hình 54), trình bày diễn biến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954).

III - HIỆP ĐỊNH GIƠ-NE-VƠ VỀ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH Ở ĐÔNG DƯƠNG (1954)

Bước vào Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời với mặt trận quân sự, ta còn tiến công địch trên mặt trận ngoại giao.

Ngày 26 - 11 - 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố : "... nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối sống hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Viêt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó"(1).

Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương chính thức khai mạc ngày 8 - 5 - 1954 và bắt đầu thảo luận về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, gồm có Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Công hòa Nhân dân Trung Hoa và các nước có liên quan ở Đông Dương. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trường đoàn. 

Cuộc đấu tranh trên bàn Hội nghị diễn ra gay gắt và phức tạp do lập trường ngoan cố của Pháp và Mĩ. Lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Công hòa là chấm dứt chiến tranh trên toàn Đông Dương, giải quyết vấn đề quân sự và chính trị cùng một lúc cho cả ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể cuộc kháng chiến của ta, cũng như so sánh lực lượng ta và Pháp trong chiến tranh và xu tế chung của thế giới là giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 21-7-1954.

----------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.168.

Nội dung Hiệp định gồm những điều khoản cơ bản sau :

- Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

- Hai bên tham chiến (lực lượng kháng chiến ở các nước Đông Dương và lực lượng quân xâm lược Pháp) cùng ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương.

- Hai bên tham chiến thực hiện cuộc di chuyển, tập kết quân đội ở hai vùng : Quân đội cách mạng Việt Nam và quân đội xâm lược Pháp tập kết ở hai miền Bắc và Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. 

- Việt Nam tiến tới thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước, sẽ tổ chức vào tháng 7 - 1956 dưới sự kiểm soát của Ủy ban quốc tế...

Hiệp định Giơ-ne-vơ cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mĩ ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

Hiệp định Giơ-ne-vơ là văn bản pháp lí quốc tế ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân các nước Đông Dương và được các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng.

Với Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương, Pháp buộc phải rút hết quân đội về nước ; Mĩ thật bại trong âm mưu kéo dài, mở rộng, quốc tế hóa chiến tranh xâm lược Đông Dương ; miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.

- Nêu nội dung cơ bản và ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

IV - Ý NGHĨA LỊCH SỬ, NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945 - 1954)

1. Ý nghĩa lịch sử

Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã chấm dút cuộc chiến tranh xâm lược, đồng thời chấm dứt ách thống trị thực dân của Pháp trong gần một thế kỉ trên nước ta. Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở để nhân dân ta giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã giáng đòn nặng nề vào tham vọng xâm lược, âm mưu nô dịch của chủ nghĩa đế quốc sau Chiến tranh thế giới thứ hai, góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chúng, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trước hết là ở các nước châu Á, châu Phi và Mĩ La-tinh.

2. Nguyên nhân thắng lợi

Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị, quân sự và đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược được tiến hành trong điều kiện có hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân trong cả nước, có Mặt trận dân tộc thống nhất được củng cố và mở rộng, có lực lượng vũ trang ba thứ quân sớm được xây dựng và không ngừng lớn mạnh, có hậu phương rộng lớn được xây dựng vững chắc về mọi mặt.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta được tiến hành trong liên minh chiến đấu với nhân dân hai nước Lào và Cam-pu-chia chóng kẻ thù chung, có sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xii và các nước dân chủ nhân dân khác, của nhân dân Pháp và loài người tiến bộ.

- Trình bày ý nghĩa lích sử, nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954).

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Tại sao lại khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ đã quyết định việc chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương ?

2. Hãy sưu tầm tranh ảnh về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954.

3. Lập bảng các niên đài và sự kiện về thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân dân ta trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao trong kháng chiến chống Pháp từ tháng 12 - 1946 đến tháng 7 - 1954.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 27: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953 - 1954) | Lịch Sử 9 | (Phần II) CHƯƠNG V - VIỆT NAM TỪ CUỐI NĂM 1946 ĐẾN NĂM 1954 - Lớp 9 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 9

  1. (Phần I) Chương I - Liên Xô và các nước Đông Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai
  2. (Phần I) Chương II - Các nước Á, Phi, Mĩ La-tinh từ năm 1945 đến nay
  3. (Phần I) CHƯƠNG III - MĨ, NHẬT BẢN, TÂY ÂU TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY
  4. (Phần I) Chương IV - QUAN HỆ QUỐC TẾ TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY
  5. (Phần I) CHƯƠNG V - CUỘC CÁCH MẠNG KHOA HỌC - KĨ THUẬT TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY
  6. (Phần II) CHƯƠNG I - VIỆT NĂM TRONG NHỮNG NĂM 1919 - 1930
  7. (Phần II) CHƯƠNG II - VIỆT BAN TRONG NHỮNG NĂM 1930 - 1939
  8. (Phần II) CHƯƠNG III - CUỘC VẬN ĐỘNG TIẾN TỚI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
  9. (PHẦN II) CHƯƠNG IV - VIỆT NAM TỪ SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM ĐẾN TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN
  10. (Phần II) CHƯƠNG V - VIỆT NAM TỪ CUỐI NĂM 1946  ĐẾN NĂM 1954
  11. (Phần II) CHƯƠNG VI - VIỆT NAM TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1975
  12. (Phần II) CHƯƠNG VII - VIỆT NAM TỪ NĂM 1975  ĐẾN NĂM 2000

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 9

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.