Bài 21: Trao đổi chất, sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật | Giải bài tập Sinh học 10 | Chương 6: Sinh Học Vi Sinh Vật - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Giải bài tập Sinh 10 - Bài 21


Mở đầu trang 122 Sinh học 10: E.coli là một loại vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa của người và động vật. Chúng sinh sản bằng cách phân đôi. Hãy tưởng tượng các em đang nuôi vi khuẩn E.coli, cứ sau 20 phút, các em chụp ảnh qua kính hiển vi và đếm số lượng vi khuẩn tại thời điểm đó (hình dưới). Theo em, sẽ có bao nhiêu vi khuẩn E.coli trong bức ảnh tiếp theo? Em có nhận xét gì về quá trình sinh sản của chúng?

hinh-anh-bai-21-trao-doi-chat-sinh-truong-va-sinh-san-o-vi-sinh-vat-3736-0

Lời giải:

- Xác định số lượng vi khuẩn E.coli trong bức ảnh tiếp theo:

Hình 1: có 1 vi khuẩn.

Hình 2: có 2 vi khuẩn.

Hình 3: có 4 vi khuẩn.

Hình 4: có 8 vi khuẩn.

Hình 5: có 16 vi khuẩn.

Như vậy, cứ sau 20 phút thì số lượng vi khuẩn E.coli tăng gấp đôi, do đó sẽ có 16 × 2 = 32 vi khuẩn E.coli trong bức ảnh tiếp theo.

- Nhận xét về quá trình sinh sản của E.coli: Quá trình sinh sản của E.coli tăng nhanh về số lượng tế bào trong quần thể. Cứ 20 phút, tế bào E.coli lại phân chia một lần.

Dừng lại và suy ngẫm (trang 124)

Câu hỏi 1 trang 124 Sinh học 10: Nêu một số ví dụ về quá trình tổng hợp và phân giải các chất ở vi sinh vật.

Lời giải:

• Một số ví dụ về quá trình tổng hợp ở vi sinh vật:

- Nhiều loài vi sinh vật tổng hợp nên đường đơn glucose theo nhiều con đường khác nhau như quang hợp ở vi khuẩn lam và các loài tảo, quang khử ở vi khuẩn màu lục và màu tía hay hóa tổng hợp ở vi khuẩn sắt, vi khuẩn nitrate,…

- Một số vi sinh vật (vi khuẩn lam, vi khuẩn Rhizobium) có khả năng chuyển hóa N2 trong khí quyển thành ammonia NH3) cung cấp nguồn nitrogen cho quá trình tổng hợp các amino aicd của chúng.

- Ở vi sinh vật, lipid được tổng hợp từ axit béo và glycerol.

- Nucleic acid được tổng hợp từ các đơn phân là nucleotide qua một quá trình phức tạp.

• Một số ví dụ về quá trình phân giải ở vi sinh vật: Vi sinh vật tiết enzyme phân giải ngoại bào các hợp chất hữu cơ phức tạp như protein, đường đa, lipid, nucleic acid,… để tạo thành các chất đơn giản. Sau đó, tế bào vi sinh vật hấp tụ các chất đơn giản này vào trong tế bào và có thể thực hiện quá trình phân giải tiếp để tạo thành năng lượng và các chất trung gian cung cấp cho các hoạt động sống của vi sinh vật.

Câu hỏi 2 trang 124 Sinh học 10: Quá trình tổng hợp và phân giải các chất ở vi sinh vật có gì giống và khác so với các quá trình này ở động vật và thực vật?

Lời giải:

• Điểm giống với quá trình tổng hợp và phân giải ở động vật và thực vật:

- Quá trình tổng hợp đều sử dụng năng lượng để tạo nên phân tử phức tạp từ các phân tử đơn giản và tích lũy năng lượng.

- Quá trình phân giải đều có sự phá vỡ các phân tử phức tạp thành phân tử đơn giản để giải phóng năng lượng và các chất trung gian.

• Điểm khác so với quá trình tổng hợp và phân giải ở động vật và thực vật:

hinh-anh-bai-21-trao-doi-chat-sinh-truong-va-sinh-san-o-vi-sinh-vat-3736-1

Câu hỏi 3 trang 124 Sinh học 10: Theo em, người ta có thể ứng dụng quá trình phân giải đường đa, lipid và protein ở vi sinh vật vào những lĩnh vực nào? Giải thích và lấy ví dụ minh họa.

Lời giải:

Ứng dụng quá trình phân giải đường đa, lipid và protein ở vi sinh vật:

- Ứng dụng quá trình phân giải protein để sản xuất nước mắm, nước tương, acid hữu cơ.

- Ứng dụng quá trình phân giải carbohydrate để sản xuất bánh kẹo, rượu, sữa chua, rau củ muối chua.

- Ứng dụng vi dinh vật để xử lí chất thải ô nhiễm (rác thải hữu cơ, dầu loang, nước thải,…).

Dừng lại và suy ngẫm (trang 125)

Câu hỏi 1 trang 125 Sinh học 10: Khái niệm sinh trưởng ở vi sinh vật có gì khác so với sinh trưởng ở thực vật và động vật? Giải thích vì sao lại có sự khác nhau đó?

Lời giải:

- Điểm khác giữa khái niệm sinh trưởng ở vi sinh vật với sinh trưởng ở thực vật và động vật:

+ Sinh trưởng ở vi sinh vật là sự tăng lên về số lượng tế bào trong quần thể.

+ Sự sinh trưởng ở động vật và thực vật là sự tăng lên về khối lượng, kích thước của cơ thể do tăng số lượng và kích thước tế bào trong cơ thể.

- Có sự khác nhau trong khái niệm sinh trưởng ở vi sinh vật so với sinh trưởng ở thực vật và động vật vì:

+ Vi sinh vật có kích thước rất nhỏ và hầu hết là các cơ thể đơn bào (cơ thể chỉ có 1 tế bào) đồng thời thời gian tăng trưởng kích thước tế bào của vi sinh vật cũng diễn ra rất nhanh, khó mà quan sát và đánh giá được.

+ Còn ở thực vật và động vật là các cơ thể đa bào, có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường sự lớn lên về khối lượng và kích thước của một cơ thể.

Câu hỏi 2 trang 125 Sinh học 10: Nêu điểm khác nhau giữa quá trình sinh trưởng của quần thể vi sinh vật trong môi trường nuôi cấy liên tục và môi trường nuôi cấy không liên tục. Tại sao lại có sự khác nhau đó?

Lời giải:

• Điểm khác nhau giữa quá trình sinh trưởng của quần thể vi sinh vật trong môi trường nuôi cấy liên tục và môi trường nuôi cấy không liên tục:

hinh-anh-bai-21-trao-doi-chat-sinh-truong-va-sinh-san-o-vi-sinh-vat-3736-2

• Có sự khác nhau giữa quá trình sinh trưởng của quần thể vi sinh vật trong môi trường nuôi cấy liên tục và môi trường nuôi cấy không liên tục vì:

- Trong môi trường nuôi cấy không liên tục, không được bổ sung thêm chất dinh dưỡng mới và không được lấy đi các sản phẩm trao đổi chất nên sau một thời gian nuôi cấy chất dinh dưỡng cạn kiệt, chất độc hại tích lũy càng nhiều khiến số lượng tế bào sinh ra ít hơn số lượng tế bào chết đi (diễn ra pha suy vong).

- Trong môi trường nuôi cấy liên tục, thường xuyên được bổ sung chất dinh dưỡng và loại bỏ các sản phẩm trao đổi chất nên không có hiện tượng chất dinh dưỡng cạn kiệt, chất độc hại tích lũy càng nhiều khiến số lượng tế bào sinh ra ít hơn số lượng tế bào chết đi (không diễn ra pha suy vong).

Câu hỏi 3 trang 125 Sinh học 10: Trong công nghệ vi sinh, việc nuôi cấy vi sinh vật thu sinh khối để sản xuất các chế phẩm sinh học có giá trị được thực hiện trên môi trường nuôi cấy nào? Vì sao?

Lời giải:

- Trong công nghệ vi sinh, việc nuôi cấy vi sinh vật thu sinh khối để sản xuất các chế phẩm sinh học có giá trị được thực hiện trên môi trường nuôi cấy liên tục.

Giải thích: Vì trong nuôi cấy liên tục, môi trường nuôi cấy ổn định, số lượng vi sinh vật sẽ được duy trì ở mức độ cân bằng (không xảy ra pa suy vong) sao cho năng suất sản phẩm đạt cao nhất.

Dừng lại và suy ngẫm (trang 128)

Câu hỏi 1 trang 128 Sinh học 10: Trình bày ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến sự sinh trưởng của vi sinh vật. Con người đã ứng dụng những biểu biết này như thế nào trong lĩnh vực y tế và đời sống hằng ngày? Cho một vài ví dụ minh họa.

Lời giải:

Ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến sự sinh trưởng của vi sinh vật và ứng dụng:

• Nhiệt độ:

- Ảnh hưởng: Căn cứ vào nhiệt độ, vi sinh vật được chia thành các nhóm sau:

+ Vi sinh vật ưa lạnh (dưới 15oC).

+ Vi sinh vật ưa ấm (từ 20 đến 40oC).

+ Vi sinh vật ưa nhiệt (từ 55 đến 65oC).

+ Vi sinh vật siêu ưa nhiệt (từ 75 đến 100oC).

- Ứng dụng:

+ Dùng nhiệt độ cao để thanh trùng các chất lỏng, thực phẩm, dụng cụ,… Ví dụ: Dùng nhiệt độ cao để thanh trùng các dụng cụ nuôi cấy vi sinh vật, dùng nhiệt độ thích hợp để thanh trùng sữa,…

+ Dùng nhiệt độ thấp để kìm hãm sự sinh trưởng của vi sinh vật. Ví dụ: Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh để tránh sự phân hủy của vi khuẩn.

• Độ ẩm:

- Ảnh hưởng: Hàm lượng nước quyết định đến độ ẩm. Nước là dung môi hòa tan các chất dinh dưỡng, tham gia phân hủy các chất. Mỗi loại vi sinh vật sinh trưởng trong một giới hạn độ ẩm nhất định.

- Ứng dụng:

+ Dùng nước để khống chế sinh trưởng của các nhóm vi sinh vật có hại và kích thích nhóm vi sinh vật có lợi.

+ Ngoài ra điều chỉnh độ ẩm của lương thực, thực phẩm, đồ dùng để bảo quản lâu hơn bằng cách phơi khô, sấy khô. Ví dụ: phơi khô lúa để kéo dài thời gian  bảo quản.

• Độ pH:

- Ảnh hưởng: Độ pH ảnh hưởng đến tính thấm qua màng, sự chuyển hóa các chất trong tế bào, hoạt hóa enzyme, sự hình thành ATP,… Dựa vào độ pH, vi sinh vật đưa chia làm 3 nhóm: vi sinh vật ưa acid, vi sinh vật ưa kiềm, vi sinh vật ưa pH trung tính.

- Ứng dụng:

+ Tạo điều kiện môi trường nuôi cấy thích hợp với từng nhóm vi sinh vật.

+ Điều chỉnh độ pH để ức chế các vi sinh vật gây hại và kích thích các vi sinh vật có lợi. Ví dụ: Muối chua hoa quả là để hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật gây thối.

• Ánh sáng:

- Ảnh hưởng: Ánh sáng cần thiết cho quá trình quang hợp của các vi sinh vật quang tự dưỡng, tác động đến bào tử sinh sản, tổng hợp sắc tố, chuyển động hướng sáng,…

- Ứng dụng: Dùng bức xạ điện từ để ức chế, tiêu diệt vi sinh vật.

• Áp suất thẩm thấu:

- Ảnh hưởng: Áp suất thẩm thấu cao gây co nguyên sinh ở tế bào vi sinh vật khiến chúng không phân chia được. Áp suất thẩm thấu thấp làm các tế bào vi sinh vật bị trương nước và có thể vỡ ra (đối với các vi khuẩn không có thành tế bào).

- Ứng dụng: Điều chỉnh áp suất thẩm thấu để bảo quản thực phẩm như ướp muối, ướp đường,…

Câu hỏi 2 trang 128 Sinh học 10: Nêu tác dụng của kháng sinh trong việc điều trị các bệnh do vi sinh vật gây ra. Thế nào là hiện tượng kháng kháng sinh, nêu nguyên nhân và tác hại của hiện tượng này.

Lời giải:

• Tác dụng của kháng sinh trong việc điều trị các bệnh do vi sinh vật gây ra: Kháng sinh có tác dụng ức chế sự phát triển và tiêu diệt vi khuẩn theo nhiều cơ chế khác nhau như ức chế tổng hợp thành tế bào, protein hay nucleic acid,… của vi khuẩn. Từ đó giúp điều trị hiệu quả các bệnh do vi sinh vật gây ra.

• Hiện tượng kháng kháng sinh:

- Khái niệm: Hiện tượng kháng kháng sinh xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh làm cho kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn được sự phát triển của chúng.

- Nguyên nhân:

+ Do sử dụng thuốc kháng sinh không đúng theo chỉ định của bác sĩ hoặc do bệnh nhân tự ý dùng thuốc.

+ Do việc sử dụng rộng rãi thuốc kháng sinh trong chăn nuôi cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc trên vật nuôi. Những vi khuẩn này có thể được truyền sang người qua tiếp xúc, giết mổ và gene kháng kháng sinh có thể truyền sang vi khuẩn gây bệnh ở người.

- Tác hại:

+ Vi sinh vật kháng thuốc kháng sinh làm cho việc điều trị bệnh nhiễm khuẩn trở nên khó khăn, thậm chí không thể điều trị được.

+ Nhiễm khuẩn do vi khuẩn đề kháng buộc bác sĩ phải sử dụng thuốc kháng sinh thay thế, thường có độc tính cao hơn dẫn đến thời gian nằm viện kéo dài và gây ra tốn kém chi phí y tế.

Câu hỏi 3 trang 128 Sinh học 10: Loét dạ dày từng được cho là do ăn nhiều thức ăn cay hoặc căng thẳng thần kinh, nay được biết là do vi khuẩn (Helicobacter pylori) gây ra. Với phát hiện mới này, việc điều trị loét dạ dày đã thay đổi như thế nào?

Lời giải:

- Với phát hiện bệnh loét dạ dày do vi khuẩn (Helicobacter pylori) gây ra, việc điều trị loét dạ dày đã thay đổi theo hướng cần phải sử dụng thêm các biện pháp tiêu diệt vi khuẩn HP bằng cách sử dụng các loại thuốc kháng sinh như Amoxicilline, imidazole, clarithromycin,...

- Bên cạnh đó tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định thêm số biện pháp khác:

+ Sử dụng thuốc kháng acid: Maalox, stomafar, magnes hydroxyd,... có tác dụng trung hòa acid trong dịch vị dạ dày tá tràng.

+ Sử dụng thuốc giảm tiết acid: Cimetidin, nizatidine, famotidine,... có tác dụng giảm tiết acid.

+ Sử dụng thuốc ức chế bơm proton: Lanzoprazole, omeprazole, pantoprazole,... ngăn chặn bài tiết dịch HCl.

+ Sử dụng thuốc tạo màng bọc: Subcitrate Bismuth, silicate al, silicate mg,... tạo vỏ bọc quanh ổ loét bảo vệ niêm mạch dạ dày tá tràng tránh bị tổn thương.

Dừng lại và suy ngẫm (trang 129)

Câu hỏi 1 trang 129 Sinh học 10: Vi sinh vật có những hình thức sinh sản nào? Nêu đặc điểm của mỗi hình thức đó và cho ví dụ.

Lời giải:

• Vi sinh vật có 3 hình thức sinh sản chính gồm: phân đôi, bào tử, nảy chồi.

• Đặc điểm của các hình thức sinh sản ở vi sinh vật:

- Hình thức phân đôi:

+ Là hình thức sinh sản phổ biến nhất ở vi sinh vật, trong đó, một tế bào mẹ phân chia thành hai tế bào con giống nhau.

+ Vi sinh vật nhân sơ chỉ phân đôi vô tính, vi sinh vật nhân thực có thể phân đôi hữu tính theo cách tiếp hợp.

+ Ví dụ: Trùng giày, trùng roi, trùng amip có hình thức phân đôi.

- Sinh sản bằng bào tử:

+ Nấm có khả năng sinh sản bằng bào tử dạng vô tính hoặc hữu tính, vi khuẩn cũng có thể sinh sản nhờ ngoại bào tử.

+ Ví dụ: Bào tử đốt ở xạ khuẩn, bào tử đính ở nấm,…

- Nảy chồi:

+ Là phương thức sinh sản vô tính đặc trưng của một số ít vi sinh vật.

+ Trong hình thức này, một cá thể con sẽ dần hình thành ở một phía của cá thể mẹ. Cá thể con sau khi trưởng thành sẽ tách ra thành một cá thể độc lập. Khác với phân đôi, một cá thể mẹ có thể nảy chồi ra nhiều cá thể con.

+ Ví dụ: Vi khuẩn quang dưỡng màu tía, nấm men có hình thức sinh sản nảy chồi.

Câu hỏi 2 trang 129 Sinh học 10: Các hình thức sinh sản của vi sinh vật nhân sơ (vi khuẩn) có gì khác so với vi sinh vật nhân thực (vi nấm)?

Lời giải:

hinh-anh-bai-21-trao-doi-chat-sinh-truong-va-sinh-san-o-vi-sinh-vat-3736-3

Luyện tập và vận dụng (trang 130)

Câu 1 trang 130 Sinh học 10: Trong môi trường nuôi cấy không liên tục, số lượng tế bào vi khuẩn tăng nhanh nhất ở pha nào?

A. Pha lũy thừa.

B. Pha cân bằng.

C. Pha suy vong.

D. Pha tiềm phát.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Tại pha lũy thừa, vi sinh vật phân chia mạnh mẽ theo tiềm năng, số lượng tế bào tăng theo lũy thừa và đạt đến cực đại ở cuối pha.

Câu 2 trang 130 Sinh học 10: Hãy giải thích vì sao người ta có thể điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, áp suất thẩm thấu để bảo quản thực phẩm.

Lời giải:

Người ta có thể điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, áp suất thẩm thấu để bảo quản thực phẩm vì:

- Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hư hỏng thực phẩm là do sự phân hủy thực phẩm của vi sinh vật.

- Các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, áp suất thẩm thấu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của quần thể vi sinh vật.

→ Do đó, nếu điều chỉnh các yếu tố này theo hướng bất lợi cho sự sinh trưởng của vi sinh vật thì có thể hạn chế được sự sinh trưởng của quần thể vi sinh vật. Từ đó, hạn chế được sự phân hủy thực phẩm của vi sinh vật để kéo dài thời gian bảo quản.

Câu 3 trang 130 Sinh học 10: Vi sinh vật và hoạt động phân giải chất hữu cơ của chúng là nguyên nhân chủ yếu gây hỏng thực phẩm. Dựa vào những kiến thức đã học, em hãy đề xuất một số biện pháp bảo quản thực phẩm.

Lời giải:

Một số biện pháp bảo quản thực phẩm:

- Bảo quản thực phẩm bằng cách ướp muối, ướp đường,…

- Bảo quản thực phẩm bằng cách làm lạnh.

- Bảo quản thực phẩm bằng phương pháp sấy khô, phơi khô.

- Bảo quản thực phẩm bằng phương pháp đóng gói chân không.

Câu 4 trang 130 Sinh học 10: Hãy giải thích vì sao các bệnh do vi sinh vật gây ra (bệnh tả, nấm,…) dễ xuất hiện và phát triển thành dịch ở vùng nhiệt đới hơn so với vùng ôn đới. Vì sao thực phẩm và đồ dùng ở vùng nhiệt đới rất nhanh bị hỏng nếu không được bảo quản đúng cách?

Lời giải:

- Vùng nhiệt đới có nhiệt độ ấm thường dao động từ 20oC – 40oC và độ ẩm cao. Đây là điều kiện thích hợp cho sự phát triển của các vi sinh vật như các vi khuẩn, nấm,…

- Ngược lại, vùng ôn đới thường có nhiệt độ lạnh, độ ẩm thấp khiến kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn, nấm,…

→ Các bệnh do vi sinh vật gây ra (bệnh tả, nấm,…) dễ xuất hiện và phát triển thành dịch ở vùng nhiệt đới hơn so với vùng ôn đới. Đồng thời, thực phẩm và đồ dùng ở vùng nhiệt đới cũng rất nhanh bị hỏng nếu không được bảo quản đúng cách hơn.

Câu 5 trang 130 Sinh học 10: Bạn A bị cảm lạnh, đau họng, ho, sổ mũi, nhức đầu. Để đỡ mất thời gian đi khám, bạn đã ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh về nhà tự điều trị. Theo em việc làm của bạn có nên hay không? Vì sao?

Lời giải:

- Việc làm của bạn A là không nên.

- Giải thích:

+ Các triệu chứng như cảm lạnh, đau họng, ho, sổ mũi, nhức đầu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải nhất thiết chỉ là do vi sinh vật gây bệnh gây nên. Hơn nữa, mỗi loại kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt một số loại vi sinh vật gây bệnh nhất định. Bởi vậy, nếu chưa biết rõ nguyên nhân mà sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi thì bệnh không khỏi mà thậm chí có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh để lại những hậu quả lâu dài cho sức khỏe.

+ Khi có các triệu chứng bệnh cần phải thăm khám để được bác sĩ có chuyên môn lên phác đồ điều trị thích hợp và hiệu quả.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 21: Trao đổi chất, sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật | Giải bài tập Sinh học 10 | Chương 6: Sinh Học Vi Sinh Vật - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Giải bài tập Sinh học 10

  1. Phần mở đầu
  2. Chương 1: Thành Phần Hóa Học Của Tế Bào
  3. Chương 2: Cấu Trúc Tế Bào
  4. Chương 3: Trao Đổi Chất Qua Màng Và Truyền Tin Tế Bào
  5. Chương 4: Chuyển Hóa Năng Lượng Trong Tế Bào
  6. Chương 5: Chu kì tế bào và phân bào
  7. Chương 6: Sinh Học Vi Sinh Vật
  8. Chương 7: Virus

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 10

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.