Bài 1: Sơ lược lịch sử phát triển môn bóng rổ trên thế giới và Việt Nam | Giáo dục thể chất bóng rổ | Phần hai: Thể thao tự chọn: Bóng rổ - Chủ đề 1: Sơ lược lịch sử phát triển - Một số điều luật cơ bản về sân tập, dụng cụ và thi đấu bóng rổ - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Giáo dục thể chất bóng rổ - Bài 1: Sơ lược lịch sử phát triển môn bóng rổ trên thế giới và Việt Nam - Kiến thức mới - Vận dụng - Hiểu được sơ giản lịch sử hình thành môn Bóng rổ trên thế giới cũng như ở Việt Nam.


(Trang 10)

MỤC TIÊU, YÊU CẦU CẦN ĐẠT

– Hiểu được sơ giản lịch sử hình thành môn Bóng rổ trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

– Tự giác tìm hiểu, trao đổi và giúp đỡ bạn cùng học có hiểu biết sơ giản về lịch sử phát triển môn Bóng rổ.

– Có tinh thần trách nhiệm, tích cực và chăm chỉ trong quá trình học tập, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến môn Bóng rổ.

KIẾN THỨC MỚI

I. Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển môn Bóng rổ trên thế giới

1. Lịch sử hình thành môn Bóng rổ

Bóng rổ là môn thể thao được ra đời vào năm 1891 do tiến sĩ James Naismith, một giáo viên môn Giáo dục thể chất ở Học viện Springfield thuộc bang Massachusetts (Mỹ) sáng tạo nên.

hinh-anh-bai-1-so-luoc-lich-su-phat-trien-mon-bong-ro-tren-the-gioi-va-viet-nam-12787-0

Hình 1. James Naismith (1861 – 1939) (Nguồn: FIBA)

(Trang 11)

Vào thời gian đó, các môn thể thao hoặc trò chơi vận động chủ yếu được thực hiện ngoài trời. Do vậy, trong suốt mùa đông, các sinh viên đã không thể tập luyện hay thi đấu được. Trước tình trạng đó, các giáo viên thể dục rất băn khoăn, lo lắng và không ngừng tìm tòi, suy nghĩ để tìm ra một môn thể thao mới. Như vậy, Bóng rổ được tạo ra ban đầu chỉ là trò chơi vận động cho sinh viên trong điều kiện thời tiết xấu.

Ban đầu, Nafismith có ý định xây dựng môn Bóng rổ dựa trên cơ sở của môn Bóng bầu dục, Bóng đá và Bóng vợt. Thế nhưng ý tưởng đó đã sớm bị loại bỏ vì ông cho rằng bóng bầu dục là môn thể thao quá thô bạo, hai môn thể thao còn lại chủ yếu dựa trên khả năng về sức mạnh và tốc độ, không có tính nghệ thuật. Ngoài ra, ông còn mong muốn môn thể thao mới này là phải được chơi trong nhà thi đấu; phải được giới hạn bởi nhiều luật lệ nhưng đơn giản và dễ hiểu; không được sử dụng que, gậy vì dễ gây nguy hiểm và không được thô bạo hay có những động tác truy cản như môn Bóng bầu dục. Do đó, Naismith đã lựa chọn quả bóng đá và sử dụng tay để chuyền, bắt và ném.

Để hình thành “rổ” và “bảng”, ông đặt hai chiếc hộp ở hai đầu sân thi đấu và bóng sẽ được ném vào đó. Tuy nhiên, điều này lại nảy sinh một vấn đề khác là các đấu thủ sẽ đứng tụm lại quanh hộp, tạo thành hàng phòng thủ để chặn bóng. Do vậy, Naismith quyết định treo hai chiếc hộp lên trên đầu các đấu thủ sao cho họ không thể với tới được. Điều này ép họ phải bung rộng đội hình để khống chế các cú ném bóng từ vòng ngoài vào rổ của đội mình. Vào thời đó, ông cho treo hai chiếc giỏ đựng đào trên ban công của nhà thể dục Springfield ở độ cao 10 feet (3,05 m) tính từ mặt sân tới cạnh trên của vòng rổ (độ cao này được giữ cho đến bây giờ). Trong quá trình thi đấu sau này, người ta nhận thấy sự xuất hiện một số cổ động viên cuồng nhiệt, đứng trên ban công của khán đài đã cố gắng giúp đỡ đội mình bằng cách tác động để bóng vào rổ của đội đối phương. Do đó, vào năm 1895, Naismith đã nghĩ ra việc đặt thêm một tấm bảng phía sau rổ của mỗi đội chơi nhằm mục đích bảo vệ rổ trước hành động của các cổ động viên này.

hinh-anh-bai-1-so-luoc-lich-su-phat-trien-mon-bong-ro-tren-the-gioi-va-viet-nam-12787-1

Hình 2. Môn Bóng rổ thời kì ban đầu

Sau khi phát minh ra “rổ” và “bảng”, Naismith tiếp tục suy nghĩ cách thức để bắt đầu một trận đấu dựa trên cơ sở môn Bóng bầu dục của nước Anh. Cụ thể, khi có tranh chấp, trọng tài sẽ ném bóng vào giữa hai hàng cầu thủ để họ lao vào tranh cướp. Điều này tuy thô bạo nhưng đem lại sự công bằng cho cả hai đội chơi. Từ đó, các vòng tròn nhảy tranh bóng được lập ra.

Tiếp theo, Naismith bắt đầu viết nên 13 điều luật cơ bản được sử dụng trong thi đấu Bóng rổ. Ngay sau đó, ông tổ chức trận thi đấu Bóng rổ đầu tiên trên thế giới với sự tham gia của các sinh viên trong lớp mình. Trận đấu này đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của toàn bộ giáo viên và sinh viên trong trường. Các sinh viên trong lớp của Naismith đề nghị đặt tên trò chơi là “Basketball” (Bóng rổ) và đã được mọi người chấp thuận.

(Trang 12)

2. Lịch sử phát triển môn Bóng rổ trên thế giới

Từ năm 1891 cho đến nay, môn Bóng rổ đã trải qua một giai đoạn hình thành và từng bước phát triển. Từ vị trí là một trò chơi vận động, Bóng rổ dần dần trở thành môn thể thao có tất cả những nét đặc trưng riêng. Thể hiện qua các mốc thời gian như sau:

– Năm 1894, những điều luật thi đấu chính thức đầu tiên của môn thể thao này được xuất bản tại Mỹ. Song song với việc phổ biến môn thể thao này là sự hình thành các kĩ năng, chiến thuật của nó. Tuy nhiên, các kĩ thuật chuyền bóng, bắt bóng, dẫn bóng và ném rổ ở thời điểm này còn thiếu tính năng động và chỉ được thực hiện tại chỗ. Trong những thời kì tiếp theo, chiến thuật của môn thể thao này đã được phát triển đáng kể với sự xác định và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng đấu thủ khi tham gia.

– Ban đầu Bóng rổ chỉ phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines. Những năm sau đó, môn thể thao này nhanh chóng phát triển mạnh mẽ ở châu Âu và Nam Mỹ.

– Năm 1904, môn Bóng rổ lần đầu tiên được tổ chức thi đấu nhân dịp Đại hội thể thao toàn nước Mỹ và được thi đấu biễu diễn tại Thế vận hội (Olympic) lần thứ III tại Mỹ. Sau thời điểm này, hiệp hội Bóng rổ được thành lập ở nhiều nước và bắt đầu có những cuộc thi đấu quốc tế.

– Năm 1913, giải vô địch Bóng rổ châu Á lần đầu tiên được tổ chức tại Manila (Philippines).

– Năm 1919, giải vô địch Bóng rổ Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức giữa quân đội của các nước Mỹ, Ý và Pháp. Sau đó, giải vô địch Bóng rổ ở Nam Mỹ và các nước Đông Nam Á cũng lần lượt được tổ chức.

– Năm 1923, giải thi đấu Bóng rổ hữu nghị dành cho nữ lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp với sự tham gia của ba nước Pháp, Ý và Tiệp Khắc.

– Ngày 18 tháng 6 năm 1932, Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế (Fédération Internationale de Basket-ball – FIBA) được thành lập với sự tham gia của tám nước thành viên và đã đưa ra các điều luật thi đấu chính thức cho môn thể thao này.

– Năm 1935, giải Bóng rổ vô địch châu Âu được tổ chức ở Thụy Sỹ.

– Năm 1936, môn Bóng rổ dành cho nam chính thức được đưa vào chương trình thi đấu của Thế vận hội lần thứ XI tại Berlin với 21 nước tham dự. Bên cạnh đó, giải đấu còn có sự góp mặt của Naismith với tư cách là khách mời danh dự. Trong giải đấu này, đội tuyển Mỹ đã giành giải vô địch ở môn Bóng rổ.

– Năm 1938, giải thi đấu Bóng rổ dành cho nữ được tổ chức tại châu Âu.

– Năm 1948, Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế được mở rộng với sự tham gia của 50 nước thành viên. Cũng trong năm này, môn Bóng rổ mini dành cho trẻ em từ 8 – 12 tuổi cũng được sáng tạo lần đầu tiên. Ở thời điểm này, môn Bóng rổ không những có sự phát triển mạnh mẽ về bề rộng mà còn cả về bề sâu, trên toàn thế giới. Một trong những sự kiện đánh dấu cho sự phát triển vượt bậc của môn thể thao này là việc sáng tạo nên kĩ thuật

(Trang 13)

ném rổ bằng một tay cùng với các hình thức chuyền bóng, dẫn bóng và các động tác giả đa dạng. Điều này đã nâng tổng số điểm trung bình trong một trận thi đấu Bóng rổ từ 20 – 30 điểm lên 50 – 60 điểm. Trong chiến thuật này, người ta đã thay đổi lối chơi ngẫu hứng của từng vận động viên sang lối chơi đồng đội.

– Năm 1950, giải vô địch Bóng rổ thế giới dành cho nam lần đầu tiên được tổ chức tại Argentina. Trong giải đấu này, đội chủ nhà đã xuất sắc giành chức vô địch.

– Năm 1953, giải vô địch Bóng rổ thế giới dành cho nữ lần đầu tiên được tổ chức tại Chile. Trong giải đấu này, các vận động viên nữ của nước Mỹ đã giành chức vô địch. Kể từ đó, giải vô địch Bóng rổ thế giới dành cho nam và nữ được tổ chức bốn năm một lần.

– Năm 1965, Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế được mở rộng với sự tham gia của 122 liên đoàn quốc gia.

– Năm 1972, môn Bóng rổ chính thức được đưa vào chương trình thi đấu tại Thế vận hội.

– Năm 1983, Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế hợp nhất 157 liên đoàn Bóng rổ quốc gia của cả năm châu lục.

– Năm 1987, số lượng thành viên của Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế được gia tăng với sự tham gia của 168 thành viên.

– Năm 2007, Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế đề cử với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) về việc bổ sung môn Bóng rổ (hình thức thi đấu 3 × 3) vào chương trình thi đấu tại Thế vận hội Olympic trẻ ở Singapore năm 2010.

Ngày 9 tháng 6 năm 2017, Uỷ ban Olympic Quốc tế quyết định đưa nội dung thi đấu Bóng rổ với hình thức thi đấu 3 x 3 trở thành nội dung thi đấu của môn Bóng rổ tại Thế vận hội, bắt đầu từ Thế vận hội ở Tokyo (Nhật Bản) vào năm 2020.

– Năm 2019, ba đội tuyển Bóng rổ có thứ hạng cao nhất tại giải vô địch Bóng rổ thế giới (FIBA World Cup) lần lượt là: Tây Ban Nha, Argentina, Pháp.

– Năm 2021, số lượng thành viên của Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế là 215 thành viên.

II. Sơ lược lịch sử môn Bóng rổ ở Việt Nam

Ở nước ta, tuy chưa xác định được chính xác thời điểm du nhập của môn Bóng rổ nhưng vào khoảng những năm 1930, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Nam Định, Huế và Sài Gòn đã có một số ít người tham gia luyện tập. Quá trình phát triển của môn Bóng rổ ở Việt Nam có thể chia làm bốn giai đoạn như sau:

a. Giai đoạn 1: Trước năm 1945

Do chính sách thống trị của thực dân Pháp và sự kìm hãm của chế độ phong kiến đã làm môn Bóng rổ ở nước ta không thể phát triển, chỉ có một số ít người trong quân đội và học sinh tập luyện theo sở thích riêng.

(Trang 14)

b. Giai đoạn 2: Từ năm 1945 – 1954

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kêu gọi toàn thể người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ. Tuy nhiên, đất nước vẫn đang trong thời kì kháng chiến nên phong trào thể dục thể thao nói chung và Bóng rổ nói riêng ở nước ta vẫn chưa có điều kiện phát triển.

c. Giai đoạn 3: Từ năm 1955 – 1978

Cùng với phong trào tập luyện thể thao, môn Bóng rổ đã nhanh chóng được khôi phục và phát triển trong quân đội, sinh viên, học sinh và thanh niên ở các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh. Cùng với đó là sự ra đời của Hội Bóng rổ Việt Nam để tổ chức và điều hành các giải đấu Bóng rổ hạng A, hạng B hằng năm trong nước. Một số đội tuyển tiêu biểu lúc bấy giờ như Quân đội (Thể Công), Bưu điện, Quảng Ninh,... Trong đó, đội tuyển Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (từ ngày 2 tháng 7 năm 1976 là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thường được lựa chọn làm đại diện để tham gia các cuộc thi đấu hữu nghị, các giải đấu quốc tế trong khối Xã hội chủ nghĩa.

d. Giai đoạn 4: Từ năm 1978 – 2021

+ Khoảng từ năm 1990, đất nước bước vào thời kì đổi mới, nước ta mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước trên toàn thế giới. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Uỷ ban Thể dục Thể thao đã chỉ đạo phong trào phát triển môn Bóng rổ trong thời kì mới. Những năm sau đó, môn thể thao này đã trở thành một môn thi đấu trong hệ thống giải đấu quốc gia, các đội tuyển Bóng rổ thường xuyên được tham gia các giải đấu quốc tế. Chúng ta cũng thường xuyên mời các chuyên gia tham gia giảng dạy và huấn luyện cho huấn luyện viên, trọng tài và vận động viên các cấp.

+ Tháng 11 năm 1992, Hội Bóng rổ Việt Nam được đổi tên thành Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (Vietnam Basketball Federation – VBF) và trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế.

+ Năm 2009, Đại hội Thể thao Trong nhà châu Á lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội. Tại đại hội, đội tuyển Bóng rổ nữ của nước ta giành huy chương đồng với nội dung thi đấu Bóng rổ 3 x 3.

+ Tháng 7 năm 2016, giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam hay giải Bóng rổ nhà nghề Việt Nam được thành lập (Vietnam Basketball Association – VBA). Mùa đầu tiên khai mạc, giải đấu này có năm câu lạc bộ tham dự là: Saigon Heat, Hà Nội Buffaloes, Cantho Catfish, Đà Nẵng Dragons và Ho Chi Minh City Wings. Sau đó, giải đấu có thêm sự tham gia của các câu lạc bộ: Thăng Long Warriors (2017), Nha Trang Dolphins (2020).

(Trang 15)

hinh-anh-bai-1-so-luoc-lich-su-phat-trien-mon-bong-ro-tren-the-gioi-va-viet-nam-12787-2

Hình 3. Giải vô địch Bóng rổ sinh viên thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn: VBF)

hinh-anh-bai-1-so-luoc-lich-su-phat-trien-mon-bong-ro-tren-the-gioi-va-viet-nam-12787-3

Hình 4. Giải vô địch Bóng rổ Quốc gia năm 2020 (Nguồn: VBF)

hinh-anh-bai-1-so-luoc-lich-su-phat-trien-mon-bong-ro-tren-the-gioi-va-viet-nam-12787-4

Hình 5. Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (Nguồn: VBF)

+ Năm 2019, tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á, đội tuyển bóng rổ Việt Nam vinh dự đạt hai huy chương đồng ở hình thức thi đấu 5 x 5 và 3 x 3.

VẬN DỤNG

1. Môn Bóng rổ ra đời khi nào?

2. Tên viết tắt của Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế và Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam là gì?

3. Bóng rổ được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic vào năm nào? Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của môn Bóng rổ?

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 1: Sơ lược lịch sử phát triển môn bóng rổ trên thế giới và Việt Nam | Giáo dục thể chất bóng rổ | Phần hai: Thể thao tự chọn: Bóng rổ - Chủ đề 1: Sơ lược lịch sử phát triển - Một số điều luật cơ bản về sân tập, dụng cụ và thi đấu bóng rổ - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Môn Học Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sinh học 10

Âm nhạc 10

Ngữ văn 10 - Tập 1

Ngữ văn 10 - Tập 2

Giáo Dục Kinh Tế Và Pháp Luật 10

Giáo dục thể chất cầu lông

Giáo dục thể chất bóng đá

Giáo dục thể chất bóng chuyền

Giáo dục thể chất bóng rổ

Hoạt Động Trải Nghiệm, Hướng Nghiệp 10

Công Nghệ 10

Địa Lí 10

Toán 10 - Tập 1

Toán 10 - Tập 2

Lịch Sử 10

Mĩ thuật_Thiết kế thời trang 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh 10

Mĩ thuật_Thiết kế công nghiệp 10

Mĩ thuật_Thiết kế đồ hoạ 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện 10

Mĩ thuật_Lí luận và lịch sử mĩ thuật 10

Mĩ thuật _Điêu khắc 10

Mĩ thuật_Đồ hoạ (tranh in) 10

Mĩ thuật_Hội hoạ 10

Mĩ thuật_Kiến trúc 10

Tin Học 10

Giải bài tập Sinh học 10

Giải bài tập Hóa học 10

Giải bài tập Vật lý 10

Bộ Sách Lớp 10

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.