Trang 7
Các bản đồ địa lí có nội dung rất phong phú và đa dạng, bao gồm các đối tượng tự nhiên, kinh tế – xã hội. Muốn sử dụng, khai thác bản đồ có hiệu quả, chúng ta phải có những hiểu biết về các phương pháp biểu hiện các đối tượng trên bản đồ. Có những phương pháp nào biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ? Các phương pháp đó có gì khác biệt?
NHÀ MÁY ĐIỆN
Nhiệt điện Thuỷ điện
Trên 1 000 MW
Dưới 1 000 MW
HỆ THỐNG TRẠM VÀ ĐƯỜNG DÂY TẢI ĐIỆN
Trạm 200 KV
Đường dây 500 KV
Đường dây 200 KV
Biên giới quốc gia
Hình 2.1. Bản đồ một số nhà máy điện ở Việt Nam, năm 2020
? Dựa vào thông tin trong mục 1 và hình 2.1, trình bày phương pháp kí hiệu (đối tượng, hình thức và khả năng thể hiện).
1. Phương pháp kí hiệu
Phương pháp kí hiệu dùng để thể hiện các đối tượng địa lí phân bố theo những điểm cụ thể (đỉnh núi, các mỏ khoáng sản,...) hay những đối tượng tập trung trên những diện tích nhỏ mà không thể biểu hiện trên bản đồ theo tỉ lệ (nhà máy, điểm dân cư, trường học, ...).
Trên bản đồ, người ta dùng các dạng kí hiệu bản đồ khác nhau để thể hiện cho từng đối tượng, được đặt chính xác vào vị trí mà đối tượng đó phân bố trên bản đồ.
Phương pháp kí hiệu có khả năng thể hiện về mặt chất lượng, số lượng, cấu trúc, sự phát triển và phân bố của đối tượng thông qua hình dạng, màu sắc, kích thước, ... của kí hiệu.
Trang 8
2. Phương pháp kí hiệu đường chuyển động
Phương pháp kí hiệu đường chuyển động dùng để thể hiện sự di chuyển của các đối tượng, hiện tượng tự nhiên, kinh tế – xã hội trên bản đồ.
Trên bản đồ, sự di chuyển của các đối tượng được thể hiện bằng các mũi tên.
Đặc điểm của đối tượng, hiện tượng được thể hiện thông qua màu sắc, độ rộng và hướng của mũi tên.
GIÓ
Gió mùa hạ
Gió mùa đông
Gió Tây khô nóng
BÃO (Hướng di chuyển và tần suất)
Từ 0,3 đến 1 cơn bão/tháng
Từ 1,3 đến 1,7 cơn bão/tháng
Biên giới quốc gia
Hình 2.2. Bản đồ hoạt động của gió và bão ở Việt Nam
? Dựa vào thông tin trong mục 2 và hình 2.2, hãy trình bày phương pháp kí hiệu đường chuyển động (đối tượng, hình thức và khả năng thể hiện).
Trang 9
3. Phương pháp bản đồ – biểu đồ
Phương pháp bản đồ – biểu đồ thể hiện giá trị tổng cộng của đối tượng địa lí theo từng lãnh thổ (đơn vị hành chính) bằng cách đặt các biểu đồ vào phạm vi của các đơn vị lãnh thổ đó. Ví dụ: giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của các quốc gia; số dân của một tỉnh, sản lượng lúa của các tỉnh trong quốc gia, ...
Trên bản đồ, người ta có thể sử dụng các loại biểu đồ khác nhau: biểu đồ cột, biểu đồ tròn, ...
Phương pháp này thể hiện được các đặc điểm về số lượng, chất lượng của các đối tượng và thường dùng để thể hiện trên bản đồ kinh tế – xã hội.
Diện tích và sản lượng lúa các tỉnh, thành phố
Diện tích trồng lúa (1 mm tương ứng 50.000 ha)
Các tỉnh, thành phố đánh số trên bản đồ
1. Bắc Ninh 2. Cần Thơ 3. Đồng Tháp
4. Hà Nam 5. Hải Dương 6. TP. HỒ CHÍ MINH
7. Hưng Yên 8. Long An 9. Ninh Bình
10. Tây Ninh 11. Vĩnh Long 12. Vĩnh Phúc
Ranh giới tỉnh
Biên giới quốc gia
Hình 2.3. Bản đồ diện tích và sản lượng lúa cả năm của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, năm 2020
? Dựa vào thông tin trong mục 3 và hình 2.3, hãy trình bày phương pháp bản đồ – biểu đồ (đối tượng, hình thức và khả năng thể hiện).
Trang 10
4. Phương pháp chấm điểm
Phương pháp chấm điểm biểu hiện các đối tượng phân tán nhỏ lẻ trên lãnh thổ bằng sự phân bố của các điểm chấm trên bản đồ. Mỗi một điểm chấm tương ứng với một số lượng của đối tượng nhất định.
Phương pháp này chủ yếu thể hiện về số lượng của đối tượng.
Đô thị từ 20 triệu người trở lên
Đô thị từ 5 đến dưới 10 triệu người
Mỗi chấm tương ứng 500 000 người Biên giới quốc gia
Biên giới quốc gia
Biên giới quốc gia chưa xác định hoặc đang tranh chấp
Hình 2.4. Bản đồ phân bố dân cư châu Á, năm 2020
? Dựa vào thông tin trong mục 4 và hình 2.4, hãy trình bày phương pháp chấm điểm (đối tượng, hình thức và khả năng thể hiện).
Trang 11
5. Phương pháp khoanh vùng
Phương pháp khoanh vùng thể hiện những đối tượng phân bố theo vùng nhưng không đều khắp trên lãnh thổ mà chỉ có ở từng vùng nhất định. Ví dụ: vùng phân bố các dân tộc khác nhau, vùng rừng, đồng cỏ,...
Có nhiều cách khác nhau để khoanh vùng trên bản đồ như dùng các đường nét liền, đường nét đứt, màu sắc, kí hiệu hoặc viết tên đối tượng vào vùng đó.
Cây thuốc nam
a) Khoanh vùng có ranh giới rõ rệt
b) Khoanh vùng không có ranh giới rõ rệt
Hình 2.5. Một số cách khác nhau thể hiện vùng trồng cây thuốc nam
? Dựa vào thông tin trong mục 5 và hình 2.5, hãy trình bày phương pháp khoanh vùng (đối tượng, hình thức và khả năng thể hiện).
Ngoài các phương pháp thể hiện bản đồ nói trên, còn có các phương pháp khác để thể hiện các đối tượng địa lí lên bản đồ như: phương pháp kí hiệu theo đường, phương pháp đường đẳng trị, phương pháp nền chất lượng, phương pháp bản đồ – mật độ và phương pháp biểu đồ định vị.
LUYỆN TẬP
1. Lập bảng để phân biệt một số phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ (về đối tượng, hình thức, khả năng thể hiện của phương pháp).
2. Phương pháp nào sẽ được sử dụng khi biểu hiện các đối tượng, hiện tượng sau trên bản đồ?
– Mỏ khoáng sản
– Sự di dân từ nông thôn ra đô thị
– Phân bố dân cư nông thôn
– Số học sinh các xã, phường, thị trấn
– Cơ sở sản xuất
VẬN DỤNG
Sưu tầm một số bản đồ, tìm hiểu các đối tượng và phương pháp đã được sử dụng để biểu hiện các đối tượng đó trên bản đồ.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn