Bài 15: Sinh Quyển | Địa Lí 10 | Phần Hai - Chương 6: Sinh Quyển - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

NXB Giáo Dục Việt Nam Kết nối tri thức Phần Hai: Địa Lí Tự Nhiên Chương 6: Sinh Quyển Bài 15: Sinh Quyển


Trang 47

MỞ ĐẦU

Sự sống trên Trái Đất hình thành đã làm thay đổi toàn bộ quá trình phát triển của các thành phần khác trên Trái Đất. Giới sinh vật trên Trái Đất rất đa dạng và phức tạp. Những nhân tố nào tác động đến sự phát triển và phân bố của sinh vật?

HÌNH THÀNH KIẾN THỨC MỚI

1. Khái niệm

Sinh quyển là một trong những bộ phận cấu tạo nên lớp vỏ Trái Đất, nơi có sự sống tồn tại. Giới hạn của sinh quyển phụ thuộc vào sự tồn tại của sự sống. Ranh giới trên cao tiếp xúc với lớp ô-dôn của khí quyển, ranh giới thấp xuống tận đáy sâu của các hố đại dương và dừng lại ở đáy lớp vỏ phong hoá trên đất liền.

Như vậy, sinh quyển bao gồm: phần thấp của khí quyển (tầng đối lưu), toàn bộ thuỷ quyển và phần trên của thạch quyển.

? Dựa vào thông tin trong mục 1, hãy cho biết sinh quyển là gì. Nêu phạm vi, giới hạn của sinh quyển.

2. Đặc điểm của sinh quyển

Sinh quyển có một số đặc điểm cơ bản sau:

- Khối lượng của sinh quyển nhỏ hơn nhiều so với khối lượng vật chất của các quyển còn lại trong vỏ Trái Đất.

- Sinh quyển có khả năng tích luỹ năng lượng. Nhờ có khả năng quang hợp, cây xanh có thể tạo nên vật chất hữu cơ từ vật chất vô cơ. Sau đó các năng lượng này được chuyển cho các cơ thể khác trong quá trình dinh dưỡng,.

- Sinh quyển có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại với các quyển thành phần trên Trái Đất. Sinh quyển tác động đến sự thay đổi của các thành phần khí trong khí quyển, tham gia vào vòng tuần hoàn nước và quá trình trao đổi chất của sinh vật dưới nước, là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình hình thành đất.

? Dựa vào thông tin trong mục 2, hãy:

- Trình bày các đặc điểm của sinh quyển, chốn nhân

- Lấy ví dụ về mối quan hệ của sinh quyển với thuỷ quyển, khí quyển, đất.

3. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển, phân bố của sinh vật

- Khí hậu: Các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng,... ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố sinh vật. Mỗi loài sinh vật thích nghi với một giới hạn sinh thái nhất định.

+ Nhiệt độ tác động đến các quá trình sinh trưởng, phát triển (nảy mầm, ra hoa, sinh sản,...) và quy định vùng phân bố của sinh vật.

+ Ánh sáng mặt trời là nguồn cung cấp năng lượng chính cho mọi sự sống trên Trái Đất. Ánh sáng tác động đến quá trình quang hợp của cây xanh, đến khả năng định hướng và sinh sản của động vật.

- Nước: Là nguyên liệu cho cây quang hợp, là phương tiện vận chuyển và trao đổi khoáng, chất hữu cơ trong cây, vận chuyển máu và chất dinh dưỡng ở động vật. Những nơi có nguồn nước dồi dào, sinh vật rất phát triển. Ngược lại, ở những vùng hoang mạc khô hạn, sinh vật có số lượng rất ít.

Em có biết?
Đa số các sinh vật sống trong phạm vi nhiệt độ 0 – 40°C. Tuy nhiên, cũng có một số sinh vật sống được ở nhiệt độ rất cao (như vi khuẩn ở suối nước nóng chịu được nhiệt độ 70 – 90°C) hoặc nơi có nhiệt độ rất thấp (ấu trùng sâu ngô chịu được nhiệt độ -27°C).

Trang 48

- Đất: Cấu trúc của đất, độ pH đất, độ phì có vai trò rất quan trọng đến sự phát triển và sự phân bố thực vật. Qua đó, cũng tác động đến sự phân bố động vật.

- Địa hình: Độ cao của địa hình làm thay đổi lượng nhiệt, lượng nước và các chất dinh dưỡng trong đất mà cây nhận được. Nhiệt và ẩm thay đổi theo độ cao làm cho phân bố thực vật cũng thay đổi theo và hình thành nên các vành đai tương ứng như sự thay đổi theo chiều vĩ độ.

Độ dốc và hướng sườn cũng tác động đến lượng nhiệt, ánh sáng và ẩm mà thực vật nhận được.

Em có biết?
Một số loài cây như đỗ quyên, phát triển rất tốt trên đất chua, nhưng nếu trồng trên đất kiềm sẽ nhanh chết. Hoa cẩm tú cầu ra hoa màu hồng nếu trồng trên đất chua và ra hoa màu xanh trên đất kiềm.

 

hinh-anh-bai-15-sinh-quyen-12035-0

Theo độ cao: Băng tuyết' Đài nguyên, Rừng là kim, Rừng lá rộng ôn đới, Rừng nhiệt đới

Theo vĩ tuyến: Rừng nhiệt đới; Xa van; Hoang mạc, bán hoang mạc;  Thảo nguyên ôn đới; Rừng lá rộng ôn đới;  Rừng hỗn hợp; Rừng lá kim; Đài nguyên; Hoang mạc cực

Hình 15. Các vành đai thực vật thay đổi theo vĩ độ (từ vùng nhiệt đới lên cực) và theo độ cao (ở vùng nhiệt đới)

- Sinh vật: Nhân tố quan trọng tác động đến sự phát triển và phân bố của động vật là nguồn thức ăn. Vì thế, nơi nào có nguồn thức ăn phong phú thì nơi đó có sự tập trung của nhiều loài, tạo nên tính đa dạng sinh học trong tự nhiên.

- Con người: Hoạt động kinh tế cũng có ảnh hưởng rất lớn tới sự phân bố của sinh vật cả theo hướng tích cực (mở rộng phạm vi phân bố của nhiều loại cây trồng, vật nuôi,...) và tiêu cực (phá rừng, thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, ...).

Em có biết?
Cây ngô có nguồn gốc từ khu vực Trung Mỹ. Sau cuộc phát kiến ra châu Mỹ của Cô-lôm-bộ, các quá trình di cư, giao lưu giữa người châu Âu và châu Mỹ đã phổ biến loại cây này đến châu Âu rồi ra khắp thế giới. Đến nay ngô là cây lương thực có sản lượng đứng đầu thế giới.


? Dựa vào thông tin và hình 15 trong mục 3, hãy phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển, phân bố của sinh vật.

LUYỆN TẬP

Dựa vào hình 15, hãy nêu sự thay đổi thảm thực vật theo vĩ độ (từ vùng nhiệt đới lên cực) và theo độ cao (ở vùng nhiệt đới).

VẬN DỤNG

Tìm hiểu và cho biết tại sao cây chè được trồng nhiều ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, còn cây cà phê được trồng nhiều ở vùng Tây Nguyên nước ta.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 15: Sinh Quyển | Địa Lí 10 | Phần Hai - Chương 6: Sinh Quyển - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lí 10

  1. Phần Một - Chương 1: Sử Dụng Bản Đồ
  2. Phần Hai - Chương 2: Trất Đất
  3. Phần Hai - Chương 3: Thạch Quyển
  4. Phần Hai - Chương 4: Khí Quyển
  5. Phần Hai - Chương 5: Thủy Quyển
  6. Phần Hai - Chương 6: Sinh Quyển
  7. Phần Hai - Chương 7: Một Số Quy Luật Của Vỏ Địa Lí
  8. Phần Ba - Chương 8: Địa Lí Dân Cư
  9. Phần Ba - Chương 9: Một Số Tiêu Chí Đánh Giá Sự Phát Triển Kinh Tế
  10. Phần Ba - Chương 10: Địa Lí Ngành Nông Nghiệp, Lâm Nghiệp, Thủy Sản
  11. Phần Ba - Chương 11: Địa Lí Nghành Công Nghiệp
  12. Phần Ba - Chương 12: Địa Lí Nghành Dịch Vụ

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 10

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.