Nội Dung Chính
Trang 65
MỞ ĐẦU
Để đánh giá sự phát triển của một nền kinh tế, người ta không chỉ dựa vào quy mô của nền kinh tế, mà còn thông qua cơ cấu của nền kinh tế đó. Cơ cấu kinh tế là gì? Ngoài cơ cấu kinh tế, còn có những tiêu chí nào để đánh giá sự phát triển kinh tế?
HÌNH THÀNH KIẾN THỨC MỚI
1. Cơ cấu kinh tế
a) Khái niệm
Cơ cấu kinh tế là tổng thể các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế có quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành.
b) Phân loại cơ cấu kinh tế
Cơ cấu kinh tế có thể phân thành: cơ cấu theo ngành, cơ cấu theo thành phần kinh tế và cơ cấu theo lãnh thổ.
BẢNG 22.1. PHÂN LOẠI CƠ CẤU KINH TẾ
Loại cơ cấu | Cơ cấu theo ngành | Cơ cấu theo thành phần kinh tế | Cơ cấu theo lãnh thổ |
Thành phần | – Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản – Công nghiệp và xây dựng – Dịch vụ | – Kinh tế trong nước (kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước). – Kinh tế có vốn đầu tư từ nước ngoài | – Vùng kinh tế – Khu kinh tế – ... |
Ý nghĩa | Cơ cấu theo ngành là bộ phận cơ bản nhất trong cơ cấu kinh tế. Cơ cấu theo ngành biểu thị tỉ trọng, vị trí của các ngành và mối quan hệ giữa các ngành trong nền kinh tế. Cơ cấu theo ngành phản ánh trình độ phát triển (khoa học – công nghệ, lực lượng sản xuất,...) của nền sản xuất xã hội. | Cơ cấu theo thành phần kinh tế cho biết sự tồn tại của các thành phần tham gia hoạt động kinh tế. Cơ cấu theo thành phần kinh tế phản ánh khả năng khai thác năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh của các thành phầnkinh tế trong nền kinh tế. Vị thế của các thành phần kinh tế có sự thay đổi ở các giai đoạn khác nhau. | Cơ cấu theo lãnh thổ cho biết mối quan hệ của các bộ phận lãnh thổ hợp thành nền kinh tế. Cơ cấu theo lãnh thổ phản ánh trình độ phát riển, thế mạnh đặc thù của mỗi lãnh thổ. |
? Dựa vào thông tin trong mục 1, hãy
- Trình bày khái niệm cơ cấu kinh tế.
- Phân biệt cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ.
Trang 66
2. Tổng sản phẩm trong nước và tổng thu nhập quốc gia
- Tổng sản phẩm trong nước hay tổng sản phẩm quốc nội (GDP): là tổng giá trị (theo giá cả thị trường) của tất cả hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 năm).
GDP được tạo ra bởi các thành phần kinh tế hoạt động trong lãnh thổ quốc gia ở một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 năm). Các thành phần kinh tế đóng góp vào GDP gồm cả thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài hoạt động tại quốc gia đó. Chỉ số GDP được dùng để phân tích quy mô, cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng và sức mạnh kinh tế của một quốc gia.
- Tổng thu nhập quốc gia (GNI): là tổng giá trị (theo giá cả thị trường) của tất cả các sản phẩm và dịch vụ cuối cùng do tất cả công dân của một quốc gia tạo ra trong một năm.
Chỉ số GNI đo lường tổng giá trị mà công dân mạng quốc tịch nước đó sản xuất ra trong thời gian (thường là 1 năm). Công dân của một quốc gia có thể tạo ra các giá trị ở cả trong và ngoài lãnh thổ quốc gia đó. GNI dùng để đánh giá sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia một cách đầy đủ và đúng thực lực.
- GDP và GNI bình quân đầu người tính bằng quy mô GDP và GNI chia cho tổng số dân ở một thời điểm nhất định. Hai chỉ số này dùng để đánh giá mức sống dân cư của một quốc gia.
? Dựa vào thông tin trong mục 2, hãy:
- So sánh sự khác nhau giữa GDP và GNI.
- Cho biết trong trường hợp nào GDP lớn hơn GNI và trong trường hợp nào GDP nhỏ hơn GNI.
LUYỆN TẬP
Cho bảng số liệu:
BẢNG 22.2. CƠ CẤU GDP PHÂN THEO NGÀNH CỦA VIỆT NAM, NĂM 2019*
(Đơn vị: %)
Ngành | Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản | Công nghiệp và xây dựng | Dịch vụ |
Tỉ trọng | 15,5 | 38,3 | 46,2 |
(*Không tính thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm)
- Vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu GDP phân theo ngành của Việt Nam, năm 2019.
- Nhận xét và giải thích về cơ cấu GDP phân theo ngành của Việt Nam, năm 2019.
VẬN DỤNG
Tìm hiểu và cho biết GDP và GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm gần đây nhất.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn