Nội Dung Chính
Trang 79
MỞ ĐẦU
Ngày nay, phần lớn các quốc gia giàu có và thịnh vượng trên thế giới đều có nền công nghiệp phát triển và hầu hết mọi hoạt động kinh tế đều có liên quan đến sản xuất công nghiệp. Vậy công nghiệp có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế? Công nghiệp có những đặc điểm gì nổi bật? Sự phát triển và phân bố công nghiệp chịu ảnh hưởng của những nhân tố nào?
HÌNH THÀNH KIẾN THỨC MỚI
1. Vai trò, đặc điểm và cơ cấu ngành công nghiệp
a) Vai trò
Công nghiệp là ngành đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, có tác động toàn diện tới sản xuất và đời sống xã hội. Cụ thể:
– Công nghiệp cung cấp tư liệu sản xuất cho toàn bộ nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
– Công nghiệp cung cấp lượng hàng tiêu dùng phong phú, đa dạng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và là nguồn hàng xuất khẩu quan trọng. Sản xuất công nghiệp góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lớn dân cư.
– Công nghiệp góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, làm biến đổi không gian kinh tế và đóng vai trò hạt nhân phát triển vùng kinh tế.
? Dựa vào thông tin trong mục a, hãy trình bày vai trò của ngành công nghiệp.
b) Đặc điểm
Công nghiệp là một tập hợp các hoạt động sản xuất, thông qua các quá trình công nghệ để tạo ra sản phẩm. Vì vậy, sản xuất công nghiệp có các đặc điểm:
– Gắn liền với việc sử dụng máy móc và áp dụng công nghệ.
– Có mức độ tập trung hoá, chuyên môn hoá và hợp tác hoá rất cao.
– Đòi hỏi tiêu thụ nguyên liệu đầu vào lớn nên lượng chất thải ra môi trường nhiều.
– Có tính linh động cao về mặt phân bố theo không gian.
– Nền công nghiệp hiện đại gắn liền với tự động hoá, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển.
? Dựa vào thông tin trong mục b, hãy nêu đặc điểm của ngành công nghiệp.
c) Cơ cấu
Cơ cấu ngành công nghiệp gồm tổng thể các ngành, nhóm ngành tạo nên công nghiệp và mối quan hệ giữa chúng.
Có nhiều cách phân loại các ngành công nghiệp, dựa vào tính chất tác động đến đối tượng lao động, người ta chia sản xuất công nghiệp thành hai nhóm chính là công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến.
Trang 80
NGÀNH CÔNG NGHIỆP |
Công nghiệp khai thác Gồm các ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, nước, sinh vật,...) để tạo ra nguyên liệu, nhiên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến. | Công nghiệp chế biến Gồm các ngành chế biến vật chất tự nhiên và nhân tạo thành các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. |
Em có biết? Ở Việt Nam, sản xuất công nghiệp thường được chia thành bốn nhóm ngành: (1) khai khoáng; (2) chế biến, chế tạo; (3) sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí; (4) cung cấp nước, hoạt động quản lí và xử lí rác thải, nước thải. |
? 1. Dựa vào thông tin trong mục c, hãy trình bày cơ cấu ngành công nghiệp.
2. Hãy sắp xếp các ngành công nghiệp dưới đây vào hai nhóm (công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến), sao cho phù hợp: công nghiệp điện lực, công nghiệp khai thác than, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp khai thác dầu khí, công nghiệp điện tử – tin học.
2. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp
a) Các nhân tố bên trong
- Vị trí địa lí ảnh hưởng tới việc phân bố các cơ sở sản xuất cũng như mức độ thuận lợi trong tiếp cận các nhân tố bên ngoài (vốn, công nghệ, thị trường, ...).
- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên (khoảng sản, quỹ đất, nguồn nước, ...) ảnh hưởng trực tiếp tới việc xác định cơ cấu và phân bố sản xuất công nghiệp.
- Điều kiện kinh tế – xã hội là nhân tố mang tính chất quyết định: Dân cư và nguồn lao động giúp cho việc đảm bảo nguồn nhân lực và thị trường tiêu thụ. Trình đô khoa học - công nghệ giúp công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, hình thành các ngành mới và thay đổi trong phân bố. Nguồn vốn và thị trường tạo điều kiện để công nghiệp thay đổi cả về cơ cấu và phân bố. Chính sách phát triển công nghiệp ảnh hưởng tới hướng phát triển, tốc độ phát triển, các hình thức tổ chức lãnh thổ, ... của ngành công nghiệp.
b) Các nhân tố bên ngoài
Nhân tố bên ngoài gồm vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học – công nghệ, thị trường từ bên ngoài lãnh thổ, ... sẽ tạo thành sức mạnh, điều kiện để phát triển và phân bố các ngành công nghiệp, đặc biệt ở giai đoạn phát triển ban đầu.
? Dựa vào thông tin trong mục 2, hãy phân tích vai trò của các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp.
LUYỆN TẬP
Hãy thể hiện các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp bằng một sơ đồ. Nêu ví dụ cụ thể về ảnh hưởng của một nhân tố đến sự phát triển và phân bố công nghiệp.
VẬN DỤNG
Hãy tìm hiểu về một cơ sở công nghiệp ở địa phương (vị trí của cơ sở, chủ đầu tư, sản phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm, ...) và ý nghĩa của cơ sở đó với kinh tế – xã hội địa phương.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn