Nội Dung Chính
(Trang 62)
Mục tiêu, yêu cầu cần đạt
- Thực hiện đúng chiến thuật tấn phòng thủ kèm người 1 - 1 nửa sân; thực hiện thuần thục, ổn định các chiến thuật phòng thủ đã học.
- Phát triển thể lực và thành tích trong thi đấu.
- Đạt tiêu chuẩn đánh giá thể lực học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Thể hiện sự ham thích, đam mê tập luyện thể thao trong sinh hoạt, học tập và cuộc sống hằng ngày.
MỞ ĐẦU
1. Khởi động
- Khởi động chung: Chạy vòng quanh sân bóng rổ, sau đó thực hiện các động tác căng cơ: căng cơ tay, vai, lưng, đùi, gập, duỗi gối, ép dẻo dọc, ép dẻo ngang.
- Khởi động chuyên môn: Thực hiện các bài tập di chuyển (chạy tăng tốc, chạy đổi hướng, hai bước lên rổ), các bài tập chuyền bóng, bắt bóng 2 tay và 1 tay, tại chỗ ném rổ hoặc nhảy ném.
2. Trò chơi hỗ trợ khởi động
ĐỘI NÀO TRƯỢT NHANH
Dụng cụ: Cọc hình nón.
Cách thực hiện: Chia người chơi thành các đội đều nhau đứng ở vị trí (A), ở vị trí (B) đặt một số cọc hình nón có số lượng bằng với số người chơi có mỗi đội như sơ đồ (H.9). Khi có hiệu lệnh "Bắt đầu", người đầu tiên của mỗi đội trượt ngang theo đường giữa sân (mỗi đội chỉ di chuyển ở phần sân của đội mình) đến B nhặt một cọc rồi chạy lùi về góc cuối sân (C) đặt cọc xuống, sau đó chạy nhanh về chạm tay người tiếp theo. Kết thúc trò chơi khi cọc cuối cùng của cả hai đội được đặt vào đúng vị trí. Đội đặt cọc cuối cùng vào vị trí C trước là đội thắng cuộc.
Lưu ý:
- Tùy theo thể lực của người chơi, có thể tăng số lần thực hiện hoặc tăng số cọc.
- Cần động viên, khuyến khích để đội về sau hoàn thành trò chơi của đội mình.
(Trang 63)
Hình 9. Sơ đồ từ chơi Đội nào trượt nhanh
KIẾN THỨC MỚI
CHIẾN THUẬT PHÒNG THỦ KÈM NGƯỜI 1 - 1 NỬA SÂN
Chiến thuật phòng thủ kèm người 1 - 1 nửa sân là chiến thuật mà mỗi đấu thủ đội phòng thủ được phân công kèm sát một đấu thủ đội tấn công ở khu vực sân nhà. Khi thực hiện tốt chiến thuật phòng thủ kèm người 1 - 1 sẽ làm cho đối phương không thực hiện được các chiến thuật tấn công đã dự định và kéo dài thời gian tấn công )đối phương dễ vi phạm Luật 14 giây hoặc 24 giây).
1. Những hoạt động phòng thủ với đấu thủ tấn công đang kiểm soát bóng
- Hai chân đứng rộng hơn vai, gối khuỵu để hạ thấp trọng tâm, mắt luôn nhìn để quan sát đấu thủ mình đang phòng thủ.
- Khi phòng thủ đấu thủ tấn công đang kiểm soát bóng thì mắt luôn quan sát người cầm bóng, một tay giơ cao, lòng bàn tay hướng về trước (hạn chế đấu thủ ném rổ hoặc chuyền bóng qua đầu), một tay dang rộng chếch trước gối, lòng bàn tay hơi ngửa lên trên (hạn chế đấu thủ dẫn bóng di chuyển qua người) (H.10).
Hình 10. Tư thế phòng thủ với đấu thủ đang kiểm soát bóng
(Trang 64)
- Phải chiếm vị trí giữa đối thủ có bóng và rổ, đấu thủ tấn công có bóng - đấu thủ phòng thủ - rổ phải trên một đường thẳng (H.11).
Hình 11. Vị trí đứng của các đấu thủ phòng thủ đối với đấu thủ đội tấn công có bóng và không bóng
- Hạn chế đối phương chuyền bóng đến các khu vực có các đấu thủ tấn công giỏi hoặc ném rổ tốt.
- Nhanh chóng áp sát khi phát hiện đấu thủ có bóng đã hết quyền dẫn bóng để buộc đối phương phải chuyền bóng hoặc ném rổ mà không có thời gian chuẩn bị hoặc làm đối phương phạm Luật 5 giây.
2. Những hoạt động phòng thủ với đấu thủ tấn công không kiểm soát bóng
- Khi phòng thủ đấu thủ tấn công không bóng thì mặt hơi nghiêng về đấu thủ đang cầm bóng để quan sát, hai tay dang rộng chếch trước gối, lòng bàn tay hơi ngửa lên trên (H.12).
Hình 12. Tư thế phòng thủ với đấu thủ không có bóng
- Cần xác định vị trí đấu thủ có bóng đang ở đâu và đấu thủ tấn công không bóng mình chịu trách nhiệm phòng thủ để đảm bảo vị trí đứng của mình với đối thủ có bóng
(Trang 65)
và đấu thủ không bóng là ba đỉnh của tam giác (H.11), giúp cho việc quan sát được cả hai đấu thủ đội tấn công tốt nhất.
- Hạn chế các đường bóng chuyền đến cho đấu thủ mình đang phòng thủ và các đường bóng chuyền ngang khu vực mình kiểm soát.
- Hạn chế đấu thủ mình đang phòng thủ di chuyển vào khu vực dưới rổ để nhận bóng ném rổ hoặc tranh bóng bật bảng sau khi ném bóng hỏng.
Lưu ý:
- Mỗi đấu thủ chịu trách nhiệm phòng thủ phải xác định được đấu thủ tấn công mình được phân công kèm và luôn di chuyển theo đấu thủ đó ở bất kì vị trí nào khi đang ở sân nhà. Không để cho đối phương có khoảng không gian trống hoặc vị trí thuận lợi để nhận bóng.
- Không để cho đối phương có thời gian ngắm ném bóng vào rổ. Không để cho đối phương đột phá vào khu vực dưới rổ và hạn chế đối phương tranh bóng bật bảng sau quả ném bóng hỏng.
Những sai lầm thường mắc:
- Đứng quá gần và dễ bị đối phương di chuyển thoát khỏi sự kèm sát.
- Kèm sát đối thủ có thể hình to lớn hoặc kĩ thuật tốt hơn mình.
Cách sửa:
- Lùi ra giữa khoảng cách 1 bước chân hoặc 1 cánh tay.
- Trao đổi với huấn luyện viên hoặc đồng đội để hoán đổi vị trí phù hợp.
LUYỆN TẬP
1. Nội dung luyện tập
Bài tập 1. Di chuyển phòng thủ
Người tập đứng thành hàng ngang theo hiệu lệnh sẽ tiến - lùi - sang phải - sang trái. Khi di chuyển, yêu cầu giơ một tay cao, một tay thấp nhằm hạn chế đối phương dẫn bóng, chuyền bóng hoặc ném rổ (H.13).
Hình 13. Sơ đồ bài tập 1
(Trang 66)
Bài tập 2. Di chuyển phòng thủ theo vị trí quy định
Người đứng thành hàng dọc ở góc sân và bố trí các cọc hình nón theo sơ đồ (H.14). Theo hiệu lệnh, từng người sẽ di chuyển bằng kĩ thuật trượt ngang đến chạm các cọc như hình trong sơ đồ. Khi di chuyển, người phòng thủ có thể giơ một tay cao một tay thấp hoặc hai tay thấp nhưng lưng lúc nào cũng phải quay về hướng rổ.
Hình 14. Sơ đồ bài tập 2
Bài tập 3. Di chuyển phòng thủ theo đấu thủ không bóng
Chia số người tập thành nhóm hai người, một người là đấu thủ tấn công, một người là đấu thủ phòng thủ. Đấu thủ tấn công sẽ chủ động di chuyển theo sơ đồ (H.15), đấu thủ phòng thủ sẽ di chuyển theo. Khi di chuyển phòng thủ, người phòng thủ để hai tay thấp nhưng lúc nào cũng phải quay về hướng rổ và mắt hướng về đấu thủ tấn công mình đang phòng thủ.
Hình 15. Sơ đồ bài tập 3
Bài tập 4. Di chuyển phòng thủ theo đấu thủ đang kiểm soát bóng
Chia số người tập thành nhóm hai người, một người là đấu thủ tấn công dẫn bóng di chuyển, một người là đấu thủ phòng thủ. Đấu thủ tấn công sẽ chủ động dẫn bóng di chuyển theo sơ đồ (H.16), đấu thủ phòng thủ sẽ di chuyển theo.
(Trang 67)
Hình 16. Sơ đồ bài tập 4
Bài tập 5. Đấu tập
Chia số người tập thành các đội 5 người đấu tập trên nửa sân (H.27). Các đội phân công người để phụ trách phòng thủ và thực hiện chiến thuật phòng thủ kèm người 1 - 1 nửa sân. Sau mỗi lần ném rổ, hai đội sẽ đổi vai trò cho nhau. Đội ghi được số điểm theo quy định trước và đội thắng cuộc.
Lưu ý: Khi tập luyện, yêu cầu đội tấn công phải yểm hộ nhau để di chuyển đổi vị trí cho nhau liên tục trong và ngoài khu vực 3 điểm. Khi thi đấu, cần tuân theo Luật bóng rổ.
Hình 17. Sơ đồ bài tập 5
2. Hình thức luyện tập
Luyện tập cá nhân
Người tập chủ động thực hiện các bài tập 1, 2.
Luyện tập cặp đôi
Luân phiên hỗ trợ nhau luyện tập các bài tập 3, 4.
Luyện tập nhóm
Luân phiên chỉ huy nhóm luyện tập bài tập 5.
(Trang 68)
♦ Trò chơi bổ trợ chiến thuật
CÙNG NHAU VƯỢT KHÓ
Mục đích: Bổ trợ di chuyển trong phòng thủ 1 - 1.
Dụng cụ: Cọc hình nón
Cách thực hiện: Chia số người chơi thành các đội đều nhau, mỗi đội từ 5 - 7 người, mỗi lần thi đấu hai đội, đứng ở sau đường biên cuối sân, trên sân bố trí năm cọc (H.18). Khi có hiệu lệnh "Bắt đầu", người đầu tiên của đội sẽ chạy vào đặt các cọc nằm xuống, thực hiện tự do cọc nào trước cũng được. Sau khi đã đặt nằm hết các cọc thì chạy về chạm tay người tiếp theo trong đội và di chuyển về đứng cuối hàng. Người tiếp theo sẽ chạy vào và dựng các cọc lên. Người chơi luân phiên làm đặt cọc nằm xuống và dựng cọc lên cho đến khi người cuối cùng thực hiện xong trò chơi. Kết thúc trò chơi, đội thực hiện xong trước là đội thắng cuộc.
Hình 18. Sơ đồ trò chơi Cùng nhau vượt khó
VẬN DỤNG
1. Thảo luận nhóm để làm rõ mục đích của đấu thủ thực hiện chiến thuật phòng thủ kèm người 1 - 1 nửa sân khi đối phương tấn công có bóng hoặc không bóng.
2. Hãy nêu những ưu điểm, hạn chế của chiến thuật phòng thủ kèm người 1 - 1 nửa sân trong thi đấu bóng rổ.
3. Vận dụng chiến thuật phòng thủ kèm người 1 - 1 nửa sân thường xuyên trong tập luyện và thi đấu để nâng cao thành tích và phát triển thể lực.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn