Nội Dung Chính
Trang 31
TỰ ĐÁNH GIÁ
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
EM BÉ THÔNG MINH
Ngày xưa, có ông vua nọ sai một viên quan đi dò la khắp nước tìm người tài giỏi. Viên quan ấy đã đi nhiều nơi, đến đâu quan cũng ra những câu đố oái oăm (1) để hỏi mọi người. Đã mất nhiều công tìm kiếm nhưng viên quan vẫn chưa thấy có người nào thật lỗi lạc (2).
Một hôm, viên quan đi qua một cánh đồng làng kia, chợt thấy bên vệ đường có hai cha con nhà nọ đang làm ruộng: cha đánh trâu cày, con đập đất. Quan bèn dừng ngựa lại hỏi:
Này, lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?
Người cha đứng ngẩn ra chưa biết trả lời thế nào thì đứa con chừng bảy, tám tuổi nhanh miệng hỏi vặn lại quan rằng:
(1) Oái oăm: trái hẳn bình thường đến mức không ngờ tới.
(2) Lỗi lạc: tài giỏi khác thường, vượt trội mọi người.
Trang 32
Thế xin hỏi ông câu này đã. Nếu ông trả lời đúng ngựa của ông đi một ngày được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi cày một ngày được mấy đường.
Viên quan nghe cậu bé hỏi lại như thế thì há hốc mồm sửng sốt, không biết đáp sao cho ổn. Quan thầm nghĩ, nhất định nhân tài ở đây rồi, chả phải tìm đâu mất công. Quan bèn hỏi tên họ, làng xã, quê quán của hai cha con rồi phi ngựa một mạch về tâu vua.
Nghe chuyện, vua lấy làm mừng lắm. Nhưng, để biết chắc hơn, vua cho thử lại. Vua sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau phải đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội. Khi dân làng nhận được lệnh vua thì ai nấy đều tưng hửng (1) và lo lắng, không hiểu thế là thế nào. Bao nhiêu cuộc họp làng, bao nhiêu lời bàn, vẫn không có cách gì giải quyết cả. Từ trên xuống dưới, mọi người đều coi đây là một tai hoạ. Việc đến tai em bé con nhà thợ cày, em liền bảo cha:
- Chả mấy khi được lộc vua ban, cha cứ thưa với làng giết thịt hai con trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người ăn một bữa cho sướng miệng. Còn một con trâu và một thúng gạo, ta sẽ xin làng làm phí tổn cho cha con ta trẩy kinh (2) lo liệu việc đó.
Đã ăn thịt còn lo liệu thế nào? Con đừng có làm dại mà bay mất đầu, con ạ!
Nhưng đứa con quả quyết:
– Cha cứ mặc con lo liệu, thế nào cũng xong xuôi mọi việc.
Người cha vội ra đình (3) trình bày câu chuyện với dân làng. Mọi người nghe nói vẫn còn ngờ vực, bắt cha con phải làm giấy cam đoan (4), mới dám ngả trâu (5) đánh chén.
Sau đó mấy hôm, hai cha con khăn gói tìm đường vào kinh. Đến hoàng cung (6), con bảo cha đứng đợi ở ngoài, còn mình thì nhè lúc mấy tên lính canh vô ý, lẻn vào sân rồng (7) khóc um lên. Vua sai lính điệu em bé vào, phán hỏi:
(1) Tưng hửng: ngẩn ra vì bị mất hứng thú đột ngột.
(2) Trẩy kinh: đi đến kinh đô.
(3) Đình: nhà công cộng của làng thời trước, được xây dựng để làm nơi thờ thành hoàng (vị thần được thờ ở làng) và họp việc làng.
(4) Cam đoan: khẳng định điều mình trình bày là đúng và hứa chịu trách nhiệm để người khác tin.
(5) Ngả trâu: mổ trâu lấy thịt.
(6) Hoàng cung: nơi vua ở.
(7) Sân rồng: sân trước cung điện nhà vua.
Trang 33
– Thằng bé kia, ngươi có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc?
– Tâu đức vua – em bé vờ vĩnh đáp – mẹ con chết sớm mà cha con thì không chịu đẻ em bé để chơi với con cho có bạn, cho nên con khóc. Dám mong đức vua phán bảo cha con cho con được nhờ.
Nghe nói, vua và các triều thần (1) đều bật cười. Vua lại phán:
Ngươi muốn có em thì phải kiếm vợ khác cho cha ngươi, chứ cha ngươi là giống đực, làm sao mà đẻ được!
Em bé bỗng tươi tỉnh:
Thế sao làng chúng con lại có lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được ạ!
Vua cười, bảo:
– Ta thử đấy thôi mà! Thế làng các ngươi không biết đem trâu ấy ra thịt mà ăn với nhau à?
Tâu đức vua, làng chúng con sau khi nhận được trâu và gạo nếp, biết là lộc của đức vua, cho nên đã làm cỗ ăn mừng với nhau rồi.
Vua và đình thần (2) chịu thằng bé là thông minh lỗi lạc. Nhưng vua vẫn còn muốn thử một lần nữa.
Qua hôm sau, khi hai cha con đang ăn cơm ở công quán (3), bỗng có sứ nhà vua mang tới một con chim sẻ, với lệnh bắt họ phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Em bé nhờ cha lấy cho mình một cái kim may rồi đưa cho sứ giả, bảo:
Ông cầm lấy cái này về tâu đức vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim.
Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn. Lập tức, vua cho gọi cả hai cha con vào, ban thưởng rất hậu. [...]
(Theo NGUYỄN ĐỔNG CHI,
in trong sách Ngữ văn 6, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)
Ghi vào vở chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 9):
1. Nhân vật nổi bật trong truyện cổ tích Em bé thông minh là ai?
A. Viên quan
B. Em bé
C. Vua
D. Cha em bé
(1), (2) Triều thần, đình thần: các bậc quan lại trong triều đình.
(3) Công quán: nhà dành để tiếp các quan phương xa về kinh.
Trang 34
2. Sự thông minh của em bé được thể hiện qua việc gì?
A. Xin con trâu và thúng gạo làm lộ phí vào kinh
B. Lên được vào sân rồng và khóc um lên
C. Cùng cha khăn gói tìm đường vào kinh
D. Hoá giải được các câu đố oái oăm của quan, vua
3. Truyện Em bé thông minh kể về cuộc đời của kiểu nhân vật nào?
A. Nhân vật bất hạnh
B. Nhân vật có tài năng
C. Nhân vật ngốc nghếch
D. Nhân vật thông minh
4. Cách trả lời của em bé trong truyện có điểm nào đáng chú ý?
A. Hỏi lại người thách đố bằng một tình huống khó tương tự
B. Hỏi lại người hỏi bằng câu hỏi cần nhiều thời gian mới có đáp án
C. Trả lời vòng vo, không tập trung vào câu hỏi của người hỏi
D. Trả lời thẳng vào các câu thách đố kèm theo sự hài hước, trẻ thơ
5. Việc tạo ra những tình huống thách đố khác nhau đã giúp cho câu chuyện như thế nào?
A. Có màu sắc hoang đường, kì ản
B. Có sắc thái hài hước, hồn nhiên
C. Trở nên hấp dẫn, không nhàm chán
D. Trở nên căng thẳng, dữ hơn
6. Chi tiết cuối văn bản “Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn. Lập tức, vua cho gọi cả hai cha con vào, ban thưởng rất hậu.” cho thấy điều gì?
A. Vua rất đồng cảm với hai cha con em bé
B. Vua đã chấp nhận thua em bé thông minh
C. Vua rất quý trọng người thông minh
D. Vua rất thương yêu những người dân nghèo
7. Qua nội dung câu chuyện, tác giả dân gian muốn để cao điều gì nhất?
A. Sự sáng suốt, thận trọng của nhà vua
B. Sự lém lỉnh, hồn nhiên của em bé
C. Sự hấp dẫn về nội dung của các câu đố
D. Sự thông minh, trí khôn của con người
8. Truyện Em bé thông minh khác với truyện Thạch Sanh ở điểm nào?
A. Không có các chi tiết đời thường
B. Không có các chi tiết thần kì
C. Kết thúc có hậu
D. Có nhân vật vua
Trang 35
9. Điểm giống nhau giữa truyện Em bé thông minh và truyện Thạch Sanh là:
A. Có nhân vật anh hùng
B. Có nhân vật gian ác
C. Thể hiện ước mơ của nhân dân về những người có tài năng
D. Thể hiện ước mơ của nhân dân về cuộc sống hạnh phúc
10. Từ câu chuyện Em bé thông minh, có hai ý kiến khác nhau được nêu ra:
a) Ý kiến 1: Người thông minh không cần thử thách.
b) Ý kiến 2: Thử thách là cơ hội để rèn luyện trí thông minh.
Em đồng tình với ý kiến nào? Vì sao?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn