(Trang 24)
Yêu cầu cần đạt – Biết về cách lập danh mục tư liệu trong tìm hiểu về lịch sử mĩ thuật; – Hiểu về đặc điểm tiêu biểu của mĩ thuật Việt Nam qua di sản/ tác phẩm mĩ thuật ở một số thời kì; – Có khả năng viết bài luận giới thiệu về giá trị tiêu biểu của mĩ thuật Việt Nam; – Tự hào về những giá trị, vẻ đẹp của di sản/ tác phẩm mĩ thuật Việt Nam. |
KHÁM PHÁ
Để áp dụng hiệu quả kiến thức lí luận vào thực tiễn nghiên cứu lịch sử mĩ thuật, cần xác định rõ vai trò của phương tiện nghiên cứu; lựa chọn phương pháp tiếp cận phù hợp với đối tượng cần nghiên cứu và thực hiện các việc như kiểm chứng, giải mã, phân tích và nhận định giá trị tác phẩm.
Sơ đồ về mối liên hệ giữa tìm hiểu lịch sử mĩ thuật và di sản/ tác phẩm mĩ thuật
Tìm hiểu lịch sử mĩ thuật | ||
Xác định đối tượng | Tìm hiểu văn hoá, xã hội, lịch sử | |
Lựa chọn phương tiện, phương pháp nghiên cứu | Phân tích | Nhận định giá trị tác phẩm |
(Trang 25)
Các bước lập danh sách tư liệu trong tìm hiểu lịch sử mĩ thuật
Để có đủ dữ liệu trong tìm hiểu về lịch sử mĩ thuật, chúng ta cần quan tâm thực hiện các bước lập danh mục tư liệu cơ bản sau:
Bước 1: Xác định danh mục các tư liệu và tra cứu phần mục lục để tìm những phần, chương, mục,... có liên quan đến nội dung nghiên cứu;
Bước 2: Tóm tắt những nội dung có liên quan đến đối tượng cần nghiên cứu, tìm hiểu trong lĩnh vực lịch sử mĩ thuật.
Bước 3: Ghi lại những thông tin về nguồn trích dẫn như: tác giả, ngày tháng xuất bản, nhan đề, nơi xuất bản, nhà xuất bản,...
Bước 4: Duy trì, phát triển và quản lí danh mục tư liệu (giấy, số hoá; hình, đoạn văn bản,...) một cách hệ thống để thuận tiện tra cứu, sử dụng phù hợp.
Nghệ thuật khảm gốm sứ trên ngai thờ vua Khải Định (1)
-----------------------
(1) Nguồn: Trịnh Sinh
(Trang 26)
NHẬN BIẾT
Mĩ thuật Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử với nhiều giá trị được bảo tồn và lưu giữ đến các thế hệ sau này.
Mĩ thuật thời kì tiền sử và sơ sử Việt Nam được hình thành từ hoạt động thực tiễn gắn với việc chế tác đồ dùng (mĩ thuật ứng dụng). Trống đồng Đông Sơn được coi là một trong những hiện vật khảo cổ học quan trọng nhất tìm được ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. | Tranh khắc đá hình mặt người có sừng, văn hoá Hoà Bình, trong hang Đồng Nội (2) |
Đĩa đèn trang trí tượng hươu, đồng, văn hoá Đông Sơn (1) | Tượng bò, đất nung, văn hoá Đồng Đậu, cách đây 3 500 năm (3) |
Hãy tìm hiểu và lập danh mục tư liệu về mĩ thuật thời kì tiền sử ở Việt Nam.
--------------------
(1), (2), (3) Nguồn: Trịnh Sinh
(Trang 27)
Đến thời kì trung đại, mĩ thuật thời Lý (1009 – 1225) đánh dấu sự phát triển của nghệ thuật Phật giáo nước nhà. Bên cạnh các kiến trúc độc đáo, nghệ thuật điêu khắc, chạm khắc giai đoạn này khá phát triển, chất liệu tạo hình chủ yếu là đá. | Tượng Phật thời Lý, chùa Phật Tích, Bắc Ninh (1) |
Chùa Một Cột (2), Hà Nội (3)
Hãy tìm hiểu và lập danh mục tư liệu về mĩ thuật thời Lý.
---------------
(1) Nguồn: Notch
(2) Chùa được xây từ thời Lý và được trùng tu qua nhiều thời kì
(3) Nguồn: FCG
(Trang 28)
Chịu ảnh hưởng của nghệ thuật thời Lý, các di vật của mĩ thuật thời Trần (1226 – 1400) có tính hiện thực, được thể hiện với phong cách khoáng đạt, hình khối chắc khoẻ. | Rồng trên cửa gỗ thời Trần (1) |
Tượng hổ đá thời Trần (2)
Mĩ thuật thời Lý và Trần có đặc điểm cơ bản gì?
----------------
(1) Nguồn: Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam
(2) Nguồn: Sơn Dương
(Trang 29)
Tiếp đó, mĩ thuật thời Lê sơ (1428 – 1527) mang đậm chất Nho giáo với các công trình kiến trúc đền, miếu, lăng mộ,... được xây dựng nhiều ở Thanh Hoá. Hoà vào dòng chảy chung của mĩ thuật người Việt nhưng với sự khuôn mẫu, mực thước đậm chất Nho giáo, di sản mĩ thuật thời kì này đã đem đến những quy ước tạo hình khác biệt. Nghệ thuật trang trí nổi bật với các hoạ tiết rồng, mây, hoa cỏ bốn mùa,... trong đó gốm hoa lam phát triển mạnh.
Bia tiến sĩ, Văn Miếu, Hà Nội (1) | Trang trí trên đồ gốm hoa lam (2) |
Mĩ thuật thời Mạc (1527 – 1592) có xu hướng dân gian hoá, nghệ thuật điêu khắc bớt tính lí tưởng, chân dung tượng Phật ngày càng trở nên gần gũi với con người. Ngoài ra, chạm khắc đình làng phát triển mang giá trị tạo hình cao, nét chạm mộc mạc, chắc khoẻ, tạo khối sinh động.
Chạm khắc đình Hữu Bổ, Vĩnh Phúc (3) | Tượng Quan Âm Nam Hải (4) |
Mĩ thuật thời Lê sơ và Mạc hướng đến phản ánh đối tượng gì?
----------------------------
(1) Nguồn: Đỗ Đức Thanh
(2) Nguồn: Vũ Trung Kiên
(3) Nguồn: Đào Thị Thuý Anh
(4) Nguồn: Đan Đan
(Trang 30)
Mĩ thuật thời Lê trung hưng (1533 – 1789) vừa phát triển điêu khắc tượng Phật, vừa phát triển nghệ thuật chạm khắc trên chất liệu gỗ, đá,... xuất hiện pho tượng nghìn tay nghìn mắt bằng chất liệu gỗ phủ sơn.
Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, chùa Bút Tháp, Bắc Ninh (1) | Chạm khắc hành lang đá, chùa Bút Tháp, Bắc Ninh (2) |
Mĩ thuật thời Tây Sơn (1778 – 1802) mang tính hiện thực cao, tạo hình chân dung các bức tượng tôn giáo, tín ngưỡng được thể hiện rõ nét tỉ lệ giải phẫu, khắc hoạ chân dung có tâm trạng, cảm xúc như con người. Giai đoạn này còn xuất hiện lăng mộ ở nhiều nơi trên cả nước, có hệ thống tượng tròn canh giữ lăng mộ.
Tượng tổ, chùa Tây Phương, Hà Nội (3) | Tượng quan hầu và thú, đền Phú Đa, Vĩnh Phúc (4) |
Mĩ thuật thời Lê trung hưng và Tây Sơn có đặc điểm gì khác biệt?
--------------------------
(1), (3) Nguồn: Thanh Vân
(2) Nguồn: Đan Đan
(4) Nguồn: Đào Thị Thuý Anh
(Trang 31)
Mĩ thuật thời Nguyễn (1802 – 1945) dung hoà giữa Nho giáo, Thiên chúa giáo và Phật giáo,... Nghệ thuật cung đình tập trung ở kinh thành Huế với khoảng hai trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ, gắn với nghệ thuật trang trí kiến trúc độc đáo. Thời Nguyễn, nhiều chùa chiền được xây dựng ở các làng quê như chùa Kim Liên (làng Kim Liên, Hà Nội), chùa Hương Vân (Triều Khúc, Hà Nội),... Dòng tranh dân gian cũng phát triển mạnh với đề tài tôn giáo, tín ngưỡng được thể hiện bởi sắc màu rực rỡ như tranh dân gian Hàng Trống, tranh dân gian làng Sình,...
Cửa Hiển Nhơn, Thừa Thiên – Huế (1) | Cửu đỉnh, Hoàng thành Huế, Thừa Thiên – Huế (2) |
Tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ, Thừa Thiên – Huế (3) | Đài thờ, Hoàng thành Huế, Thừa Thiên – Huế (4) |
Trong những di sản mĩ thuật Việt Nam qua các thời kì, em thích di sản nào? Vì sao?
-------------------
(1) Nguồn: Efired
(2), (3), (4) Nguồn: Trịnh Sinh
(Trang 32)
Trong thời Nguyễn, mĩ thuật thời kì cận đại (1885 – 1945) tiếp nối giữa truyền thống với nền mĩ thuật hiện đại trên thế giới. Bên cạnh một số cá nhân yêu thích tự tìm hiểu và học hỏi ở một số nước phương Tây, các hoạ sĩ và nhà điêu khắc Việt Nam được đào tạo theo phương pháp khoa học như: giải phẫu người, luật xa gần, hình hoạ nghiên cứu,... để từ đó có sự kết hợp những giá trị tạo hình truyền thống với khoa học nghệ thuật chặt chẽ, gắn quy luật xã hội với quy luật tự nhiên, cởi mở mà chặt chẽ. Qua đó tạo nên những tác phẩm mang bản sắc riêng, có ảnh hưởng sâu rộng với các hoạ sĩ, nhà điêu khắc sau này. | Tô Ngọc Vân, Vỡ mộng, 1932, tranh lụa, 57 x 92,5 cm (1) |
Vích-to Tác-đi-ê (Victor Tardieu), Phố của những người đổi tiền (phố Hàng Bạc), tranh sơn dầu (2)
-------------------------
(1) Nguồn: Christie's Hong Kong (Trung Quốc)
(2) Nguồn: Cục Mĩ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm – Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
(Trang 33)
Mĩ thuật Việt Nam hiện đại được xác lập từ khi Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương thành lập năm 1925. Sau năm 1945, miền Bắc bước vào thời kì kháng chiến và mĩ thuật lúc này có nhiều ảnh hưởng của khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, với mục đích ghi lại những chiến công hào hùng, vẻ vang của quân và dân qua các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Thời kì này ở miền Nam, nhiều nghệ sĩ có điều kiện tiếp cận và sáng tác theo các trường phái hiện đại như: Ấn tượng, Lập thể, Siêu thực, Trừu tượng,... Sau khi thống nhất đất nước, lực lượng nghệ sĩ sáng tác và lí luận được đào tạo từ các nước như: Liên Xô (cũ), Tiệp Khắc (cũ), Hung-ga-ri, Ba Lan, Trung Quốc cho đến các nước như Pháp, Hoa Kỳ, I-ta-li-a, Anh, Nhật,... đã tạo nên những sáng tạo đa dạng, phong phú và được dịp khẳng định khả năng của mình.
Tạ Quang Bạo, Vọng phu, 1993, tượng gỗ, 142 x 54 x 34 cm (1) | Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyệt ước, 1987, tranh sơn mài, 50 x 70 cm (2) |
Hãy lập danh mục tư liệu về thời kì cận đại và hiện đại.
---------------------
(1) Nguồn: Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam
(2) Nguồn: Bộ sưu tầm Phan Minh Phúc
(Trang 34)
THẢO LUẬN
Trao đổi với các thành viên trong nhóm một số nội dung sau:
– Theo bạn, để thực hiện tìm hiểu và lập danh mục tư liệu về lịch sử mĩ thuật cần phải lưu ý đến các nội dung gì?
– Thông qua các bước trong nghiên cứu lịch sử mĩ thuật đã được học, bạn hãy đề xuất phương án tổ chức hoạt động trải nghiệm mĩ thuật tại làng nghề và quảng bá di sản mĩ thuật.
Học cách làm tranh dân gian Kim Hoàng (1)
VẬN DỤNG
Viết một bài luận giới thiệu về thành tựu mĩ thuật Việt Nam với nội dung sau:
– Lí do lựa chọn di sản mĩ thuật đó;
– Những yếu tố tác động của văn hoá, xã hội đến việc xây dựng hoặc sáng tác di sản;
– Đặc trưng về màu sắc, hình khối, không gian,... hay các yếu tố đặc trưng của di sản;
– Điều cần làm để bảo tồn và phát huy di sản mĩ thuật trong đời sống đương đại.
-------------------------
(1) Nguồn: Trịnh Sinh
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn