Nội Dung Chính
- Tiết 1. TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
- I – TỰ NHIÊN
- II – DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
- Câu hỏi và bài tập
- Tiết 2. KINH TẾ
- I – CƠ CẤU KINH TẾ
- II – CÔNG NGHIỆP
- III – DỊCH VỤ
- IV – NÔNG NGHIỆP
- Câu hỏi và bài tập
- Tiết 3. HIỆP HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á (ASEAN)
- I – MỤC TIÊU VÀ CƠ CHẾ HỢP TÁC CỦA ASEAN
- II – THÀNH TỰU CỦA ASEAN
- III – THÁCH THỨC ĐỐI VỚI ASEAN
- IV – VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP ASEAN
- Câu hỏi và bài tập
- Tiết 4. THỰC HÀNH: TÌM HIỂU VỀ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ ĐỐI NGOẠI CỦA ĐÔNG NAM Á
- 1. Hoạt động du lịch
- 2. Tình hình xuất, nhập khẩu của Đông Nam Á
Diện tích : 4,5 triệu km2
Dân số : 556,2 triệu người (năm 2005).
Đông Nam Á bao gồm 11 quốc gia. Đây được coi là một trong các khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay.
Tiết 1. TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
I – TỰ NHIÊN
1. Vị trí địa lí và lãnh thổ
Khu vực Đông Nam Á nằm ở phía đông nam châu Á, nơi tiếp giáp giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có vị trí cầu nối giữa lục địa Á - Âu với lục địa Ô-xtrây-li-a. Đông Nam Á bao gồm một hệ thống các bán đảo, đảo và quần đảo đan xen giữa các biến và vịnh biến rất phức tạp.
Hình 11.1. Địa hình và khoáng sản Đông Nam Á
Dựa vào hình 11.1. hãy cho biết khu vực Đông Nam Á tiếp giáp với các biển và đại dương nào? Nêu ý nghĩa của biển và đại dương đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.
Đông Nam Á có vị trí địa – chính trị rất quan trọng, đây là nơi giao thoa giữa các nền văn hoá lớn và cũng là nơi các cường quốc thường cạnh tranh ảnh hưởng.
Hình 11.2. Biển Nha Trang – Việt Nam
2. Đặc điểm tự nhiên
Đông Nam Á gồm hai bộ phận : Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á biển đảo.
Dựa vào lược đồ “Các nước trên thế giới” trang 4,5 trong sách giáo khoa, đọc tên các quốc gia thuộc Đông Nam Á lục địa, Đông Nam Á biển đảo.
Đông Nam Á lục địa có địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc – đông nam hoặc hướng bắc – nam, nhiều nơi núi lan ra sát biển. Giữa các dãy núi là các thung lũng rộng ; ven biển có các đồng bằng phù sa màu mỡ của những con sông lớn như sông Mê Công thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, đặc biệt là việc gieo trồng lúa nước.
Đông Nam Á lục địa có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Tuy vậy, một phần lãnh thổ Bắc Mi-an-ma, Bắc Việt Nam có mùa đông lạnh.
Việc phát triển giao thông của Đông Nam Á lục địa theo hướng đông – tây có những ảnh hưởng gì đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ?
Đông Nam Á biển đảo là một trong những khu vực tập trung đảo lớn nhất thế giới, bao gồm nhiều quần đảo và hàng vạn đảo lớn, nhỏ.
Đông Nam Á biển đảo ít đồng bằng, nhiều đồi, núi và núi lửa. Núi thường có độ cao dưới 3000 m. Đồng bằng lớn chỉ tập trung ở các đảo Ca-li-man-tan, Xu-ma-tra, Niu Ghi-nê... ; các đồng bằng này có đất đai màu mỡ vì là đất phù sa có thêm các khoáng chất từ dung nham của núi lửa được phong hoá.
Đông Nam Á biển đảo nằm trong hai đới khí hậu : khí hậu nhiệt đới gió mùa và khí hậu xích đạo.
Khí hậu của Đông Nam Á có những thuận lợi và khó khăn gì đối với sự phát triển kinh tế ?
3. Đánh giá điều kiện tự nhiên của Đông Nam Á
– Khí hậu nóng ẩm, hệ đất trồng phong phú (đất feralit đồi núi đặc biệt đất đỏ badan ở các khu vực chịu ảnh hưởng của núi lửa và đất phù sa màu mỡ ở các đồng bằng), mạng lưới sông ngòi dày đặc, thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới.
Hình 11.3. Sóng thần đổ bộ vào bờ biển In-đô-nê-xi-a
Hình 11.4. Khai thác lưu huỳnh ở khu vực núi lửa (In-đô-nê-xi-a)
– Đông Nam Á có lợi thế về biển. Các nước trong khu vực (trừ Lào) đều giáp biển, thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển cũng như thương mại, hàng hải.
– Đông Nam Á nằm trong vành đai sinh khoáng vì thế có nhiều loại khoáng sản. Vùng thềm lục địa nhiều dầu khí, là nguồn nguyên, nhiên liệu cho phát triển kinh tế.
– Đông Nam Á có diện tích rừng xích đạo và nhiệt đới ẩm lớn, tuy nhiên, đang có nguy cơ bị thu hẹp do khai thác không hợp lí và do cháy rừng.
– Đông Nam Á có vị trí kề sát “vành đai lửa Thái Bình Dương”, lại là nơi hoạt động của các áp thấp nhiệt đới nên chịu ảnh hưởng nặng nề của các thiên tai như động đất, sóng thần, bão, lũ lụt...
Vấn đề khai thác và sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh, khắc phục các thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia trong khu vực.
II – DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
1. Dân cư
– Đông Nam Á có số dân đông, mật độ dân số cao (trung bình là 124 người/km2 – năm 2005, trong khi thế giới chỉ là 48 người/km2). Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên trước đây khá cao, hiện nay đang có chiều hướng giảm. Dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 50%.
Nguồn lao động của Đông Nam Á dồi dào, nhưng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao còn hạn chế. Dân đông, trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế chưa cao đã ảnh hưởng tới vấn đề việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
– Phân bố dân cư ở Đông Nam Á không đều, dân cư tập trung đông ở đồng bằng châu thổ của các sông lớn, vùng ven biển và một số vùng đất đỏ ba dan (đảo Gia-va tập trung tới hơn 100 triệu dân).
2. Xã hội
– Các quốc gia Đông Nam Á có nhiều dân tộc. Một số dân tộc phân bố rộng, không theo biên giới quốc gia, điều này gây không ít khó khăn trong quản lí, ổn định chính trị, xã hội ở mỗi nước.
– Là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá lớn trên thế giới (văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản và u, Mĩ), Đông Nam Á tiếp nhận nhiều giá trị văn hoá, tôn giáo xuất hiện trong lịch sử nhân loại (Phật giáo ở Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, Thái Lan, Việt Nam ; Thiên Chúa giáo ở hầu khắp các nước, đặc biệt là Phi-lippin với 80% dân số ; Hồi giáo ở Ma-lai-xi-a, Brunây, In-đô-nê-xi-a, chiếm trên 80% dân số).
– Phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hoá của người dân Đông Nam Á có nhiều nét tương đồng, đó là cơ sở thuận lợi để các quốc gia hợp tác cùng phát triển.
Câu hỏi và bài tập
1. Nêu những thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên trong sự phát triển kinh tế của khu vực.
2. Hãy làm rõ những trở ngại từ các đặc điểm dân cư và xã hội đối với sự phát triển kinh tế trong khu vực.
Tiết 2. KINH TẾ
I – CƠ CẤU KINH TẾ
Cơ cấu kinh tế ở các nước Đông Nam Á có sự chuyển dịch ngày càng rõ nét, theo hướng từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Hình 11.5. Chuyển dịch cơ cấu GDP của một số nước Đông Nam Á
Dựa vào hình 11.5, nhận xét về xu hướng thay đổi cơ cấu GDP của một số quốc gia Đông Nam Á.
II – CÔNG NGHIỆP
Công nghiệp Đông Nam Á đang phát triển theo hướng : tăng cường liên doanh, liên kết với nước ngoài, hiện đại hoá thiết bị, chuyển giao công nghệ và đào tạo kĩ thuật cho người lao động, chú trọng phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Sự phát triển theo hướng này nhằm tích luỹ vốn cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mỗi quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.
Những năm gần đây, các ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, thiết bị điện tử... do liên doanh với các hãng nổi tiếng ở nước ngoài nên sản phẩm đã có sức cạnh tranh và trở thành thế mạnh của nhiều nước trong khu vực. Các ngành này phân bố chủ yếu ở Xingapo, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam... Ngoài ra, Đông Nam Á còn phát triển các ngành : khai thác dầu khí (Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Ma-lai-xi-a...), khai thác than và các khoáng sản kim loại, dệt may, giày da, các ngành tiểu thủ công nghiệp, chế biến thực phẩm... nhằm phục vụ xuất khẩu.
Năm 2003, sản lượng điện của toàn khu vực đạt 439 tỉ kWh ; tuy nhiên, lượng điện tiêu dùng bình quân theo đầu người còn thấp (744 kWh/người/năm), mới chỉ bằng 1/3 bình quân lượng điện tiêu dùng theo đầu người của thế giới.
III – DỊCH VỤ
Cơ sở hạ tầng của các nước Đông Nam Á đang từng bước được hiện đại hoá : hệ thống giao thông được mở rộng và tăng thêm, thông tin liên lạc được cải thiện và nâng cấp. Hệ thống ngân hàng, tín dụng... cũng được phát triển và hiện đại nhằm phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân trong mỗi nước, tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
IV – NÔNG NGHIỆP
Đông Nam Á có nền nông nghiệp nhiệt đới, giữ vị trí quan trọng trong việc nuôi sống hơn nửa tỉ dân ở khu vực này. Các ngành chính trong sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Á là : trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả, chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ, hải sản.
1. Trồng lúa nước
Lúa nước là cây lương thực truyền thống và quan trọng của khu vực. Sản lượng lúa của các nước trong khu vực không ngừng tăng, từ 103 triệu tấn năm 1985, đã đạt tới 161 triệu tấn năm 2004, đứng đầu là In-đô-nê-xi-a (53,1 triệu tấn). Thái Lan và Việt Nam đã trở thành những nước đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Các nước Đông Nam Á đã cơ bản giải quyết được nhu cầu lương thực – vấn đề nan giải của nhiều quốc gia đang phát triển.
Hình 11.6. Phân bố một số cây trồng chủ yếu của Đông Nam Á
Hãy xác định trên hình 11.6 các vùng trồng lúa nước chủ yếu của Đông Nam Á.
2. Trồng cây công nghiệp
Cao su được trồng nhiều ở Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam. Cà phê và hồ tiêu được trồng nhiều nhất ở Việt Nam, sau đó là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan. Ngoài ra, Đông Nam Á còn là nơi cung cấp cho thế giới các sản phẩm từ nhiều loại cây lấy dầu, cây lấy sợi. Sản phẩm từ cây công nghiệp chủ yếu để xuất khẩu thu ngoại tệ.
Tại sao các cây công nghiệp kể trên lại được trồng nhiều ở Đông Nam Á ?
Cây ăn quả được trồng ở hầu hết các nước trong khu vực.
Hãy kể tên một số cây ăn quả được trồng nhiều ở khu vực Đông Nam Á.
Hình 11.7. Sản lượng cao su, cà phê của Đông Nam Á và của thế giới
3. Chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ, hải sản
Chăn nuôi gia súc ở Đông Nam Á vẫn chưa trở thành ngành chính, mặc dù số lượng gia súc khá lớn. Trâu, bò được nuôi nhiều ở Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và Việt Nam. Lợn được nuôi nhiều ở Việt Nam, Phi-líp-pin, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a.
Đông Nam Á cũng là khu vực nuôi nhiều gia cầm.
Có lợi thế về sông, biển nên đánh bắt, nuôi trồng thuỷ, hải sản là ngành kinh tế truyền thống và đang phát triển ở Đông Nam Á.
Năm 2003, sản lượng cá khai thác đạt 14,5 triệu tấn, trong đó 5 nước đứng đầu là In-đô-nê-xi-a (4,7 triệu tấn), Thái Lan (2,8 triệu tấn), Phi-lip-pin (2,2 triệu tấn), Việt Nam (1,8 triệu tấn) và Ma-lai-xi-a (1,3 triệu tấn).
Hãy kể tên những loài thuỷ, hải sản nhiệt đới có giá trị ở Đông Nam Á.
Câu hỏi và bài tập
1. Trình bày sự phát triển nông nghiệp của khu vực Đông Nam Á.
2. Kể tên một số hãng nổi tiếng ở nước ngoài liên doanh với Việt Nam trong các ngành công nghiệp.
3. Dựa vào hình 11.5, cho biết những quốc gia nào ở Đông Nam Á có tỉ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP (năm 2004) cao, quốc gia nào còn thấp.
Tiết 3. HIỆP HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á (ASEAN)
I – MỤC TIÊU VÀ CƠ CHẾ HỢP TÁC CỦA ASEAN
Năm 1967, tại Băng Cốc (Thái Lan), 5 nước : Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin và Xin-ga-po đã kí tuyên bố về việc thành lập “Hiệp hội các nước Đông Nam Á” viết tắt là ASEAN. Đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa trong lịch sử khu vực này.
Số lượng thành viên của ASEAN ngày càng tăng : năm 1984 kết nạp Bru-nây, năm 1995 : Việt Nam, năm 1997 : Mi-an-ma và Lào, năm 1999 là Cam-pu-chia.
Hãy cho biết, trong khu vực Đông Nam Á còn nước nào chưa gia nhập ASEAN.
1. Các mục tiêu chính của ASEAN
Tại sao mục tiêu của ASEAN lại nhấn mạnh đến sự ổn định.
2. Cơ chế hợp tác của ASEAN
Bằng hiểu biết của mình, hãy lấy ví dụ cụ thể minh hoạ cho một trong các cơ chế hợp tác để đạt được mục tiêu chung của ASEAN.
II – THÀNH TỰU CỦA ASEAN
– Qua 40 năm tồn tại và phát triển, thành tựu lớn nhất mà ASEAN đạt được là 10/11 quốc gia trong khu vực trở thành thành viên của ASEAN. Năm 2004, GDP của ASEAN đạt là 799,9 tỉ USD, giá trị xuất khẩu đạt gần 552,5 tỉ USD, giá trị nhập khẩu gần 492 tỉ USD, cán cân xuất - nhập khẩu của toàn khối đạt giá trị dương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực khá cao mặc dù còn chưa đều và chưa thật vững chắc.
– Đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt các quốc gia có sự thay đổi nhanh chóng, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển theo hướng hiện đại hoá. Nhiều đô thị của các nước thành viên như Xingapo (Xin-ga-po), Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), Băng Cốc (Thái Lan), Cuala Lămpơ (Ma-lai-xi-a), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam)... đã dần dần tiến kịp trình độ đô thị của các nước tiên tiến.
Hình 11.8. Tháp đôi ở Ma-lai-xi-a
– Tạo dựng được một môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực. Điều này có ý nghĩa chính trị xã hội hết sức quan trọng, bởi nó là cơ sở vững chắc cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi quốc gia cũng như toàn khu vực.
Hãy kể thêm các thành tựu của ASEAN. Nguyên nhân nào dẫn tới các thành tựu đó ?
III – THÁCH THỨC ĐỐI VỚI ASEAN
1. Trình độ phát triển còn chênh lệch
Trong khi GDP bình quân đầu người theo giá thực tế năm 2004 của Xin-ga-po rất cao (25 207 USD), thì ở nhiều nước chỉ số này lại rất thấp (Mi-an-ma 166 USD, Cam-pu-chia 358 USD, Lào 423 USD, Việt Nam 553 USD).
Trình độ phát triển giữa một số quốc gia còn quá chênh lệch đã ảnh hưởng gì tới mục tiêu phấn đấu của ASEAN ?
2. Vẫn còn tình trạng đói nghèo
Đây là thực trạng ở các quốc gia trong ASEAN, mặc dù mức độ đói nghèo ở mỗi quốc gia có khác nhau.
Tình trạng đói nghèo ở một bộ phận dân cư sẽ gây những trở ngại gì trong việc phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia ?
Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách gì để xoá đói, giảm nghèo ?
3. Các vấn đề xã hội khác
Đô thị hoá trong khu vực diễn ra nhanh, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp của xã hội. Các vấn đề khác như tôn giáo, sự hoà hợp dân tộc trong mỗi quốc gia, dịch bệnh, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường chưa hợp lí, thất nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế... đều là những thách thức, đòi hỏi các nước ASEAN cần nỗ lực giải quyết ở cả cấp quốc gia và khu vực.
IV – VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP ASEAN
Gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, từ hợp tác về kinh tế tới hợp tác về văn hoá, giáo dục, khoa học – công nghệ, trật tự – an toàn xã hội... Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến để củng cố, nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế và qua đó vị thế của nước ta cũng được nâng cao.
Về kinh tế, Việt Nam xuất khẩu gạo sang In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a, tham gia nhiều dự án phát triển kinh tế khu vực. Hàng hoá nhập khẩu chủ yếu của nước ta từ khu vực là xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, một số mặt hàng điện tử, hàng tiêu dùng... Năm 2005, buôn bán giữa Việt Nam với ASEAN chiếm tỉ lệ 30% giao dịch thương mại quốc tế của nước ta.
Tham gia vào ASEAN, nước ta có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng có nhiều thách thức cần phải vượt qua như sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, công nghệ, sự khác biệt về thể chế chính trị,...
Câu hỏi và bài tập
1. Nêu các mục tiêu của ASEAN.
2. Lấy ví dụ để thấy rằng việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hợp lí là một trong những thách thức của ASEAN. Cần phải khắc phục điều đó bằng những biện pháp nào?
Tiết 4. THỰC HÀNH: TÌM HIỂU VỀ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ ĐỐI NGOẠI CỦA ĐÔNG NAM Á
1. Hoạt động du lịch
Dựa vào bảng số liệu sau :
BẢNG 11. SỐ KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ ĐẾN VÀ CHI TIÊU CỦA KHÁCH DU LỊCH Ở MỘT SỐ KHU VỰC CỦA CHÂU Á – NĂM 2003
STT | Khu vực | Số khách du lịch đến (nghìn lượt người) | Chi tiêu của khách du lịch (triệu USD) |
1 | Đông Á | 67230 | 70594 |
2 | Đông Nam Á | 38468 | 18356 |
3 | Tây Nam Á | 41394 | 18419 |
– Hãy vẽ biểu đồ hình cột thể hiện số khách du lịch quốc tế đến và chi tiêu của khách du lịch ở một số khu vực châu Á, năm 2003.
– Tính bình quân mỗi lượt khách du lịch đã chi tiêu hết bao nhiêu USD ở từng khu vực.
– So sánh về số khách và chi tiêu của khách du lịch quốc tế ở khu vực Đông Nam Á với khu vực Đông Á và khu vực Tây Nam Á.
2. Tình hình xuất, nhập khẩu của Đông Nam Á
Dựa vào hình 11.9, hãy nhận xét về cán cân thương mại trong giai đoạn 1990 – 2004 của một số quốc gia Đông Nam Á.
Hình 11.9. Biểu đồ giá trị xuất, nhập khẩu của một số nước trong khu vực Đông Nam Á
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn