Bài 6: Hợp Chủng Quốc Hoa Kì | Địa Lý 11 | B - Địa Lý Khu Vực Và Quốc Gia - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 11 - Bài 6


Diện tích : 9629 nghìn km2

Dân số : 296,5 triệu người (năm 2005)

Thủ đô : Oa-sin-tơn

Hoa Kì là quốc gia rộng lớn ở trung tâm Bắc Mĩ, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Dân cư được hình thành chủ yếu do quá trình nhập cư. Nền kinh tế của Hoa Kì phát triển mạnh nhất thế giới.

Tiết 1. TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ

I – LÃNH THỔ VÀ VỊ TRÍ ĐỊA LÍ

1. Lãnh thổ

Lãnh thổ Hoa Kì gồm phần rộng lớn ở trung tâm Bắc Mĩ, bán đảo A-la-xca và quần đảo Ha-oai.

Phần đất ở trung tâm Bắc Mĩ có diện tích hơn 8 triệu km2 với chiều từ đông sang tây khoảng 4500 km và chiều từ bắc xuống nam khoảng 2500 km. Đây là khu vực rộng lớn nên thiên nhiên có sự thay đổi rõ rệt từ ven biển vào nội địa, từ phía nam lên phía bắc. Hình dạng lãnh thổ cân đối là một thuận lợi cho phân bố sản xuất và phát triển giao thông.

2. Vị trí địa lí

Về cơ bản, vị trí địa lí của Hoa Kì có một số đặc điểm chính :

– Nằm ở bán cầu Tây.

– Nằm giữa hai đại dương lớn : Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

– Tiếp giáp Ca-na-đa và khu vực Mĩ La tinh.

Hãy cho biết vị trí địa lí của Hoa Kì có thuận lợi gì cho phát triển kinh tế.

hinh-anh-bai-6-hop-chung-quoc-hoa-ki-3259-0

Hình 6.1. Địa hình và khoáng sản Hoa Kì

II – ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Lãnh thổ Hoa Kì có sự phân hoá đa dạng.

1. Phần lãnh thổ Hoa Kì nằm ở trung tâm Bắc Mĩ phân hoá thành 3 vùng tự nhiên

– Vùng phía Tây

Vùng phía Tây còn gọi là vùng Coóc-đi-e, bao gồm các dãy núi trẻ cao trung bình trên 2000m, chạy song song theo hướng bắc – nam, xen giữa là các bồn địa và cao nguyên có khí hậu hoang mạc và bán hoang mạc. Đây là nơi tập trung nhiều kim loại màu như : vàng, đồng, chì. Tài nguyên năng lượng cũng hết sức phong phú. Diện tích rừng tương đối lớn, phân bố chủ yếu ở các sườn núi hướng ra Thái Bình Dương.

Ven Thái Bình Dương có các đồng bằng nhỏ, đất tốt, khí hậu cận nhiệt đới và ôn đới hải dương.

– Vùng phía Đông

Gồm dãy núi già A-pa-lat và các đồng bằng ven Đại Tây Dương.

Dãy A-pa-lat cao trung bình khoảng 1000m – 1500m, sườn thoải, với nhiều thung lũng rộng cắt ngang, giao thông tiện lợi. Khoáng sản chủ yếu là than đá, quặng sắt với trữ lượng rất lớn, nằm lộ thiên, dễ khai thác. Nguồn thuỷ năng phong phú. Khí hậu ôn đới, có lượng mưa tương đối lớn.

hinh-anh-bai-6-hop-chung-quoc-hoa-ki-3259-1

Hình 6.2. Vùng núi Coóc-đi-e

Các đồng bằng phù sa ven Đại Tây Dương có diện tích tương đối lớn, đất phì nhiêu, khí hậu mang tính chất ôn đới hải dương và cận nhiệt đới, thuận lợi cho trồng nhiều loại cây lương thực, cây ăn quả...

– Vùng Trung tâm

Vùng này gồm các bang nằm giữa dãy A-pa-lát và dãy Rốc-ki. Phần phía tây và phía bắc có địa hình gò đồi thấp, nhiều đồng cỏ rộng thuận lợi cho phát triển chăn nuôi. Phần phía nam là đồng bằng phù sa màu mỡ và rộng lớn do hệ thống sông Mi-xi-xi-pi bồi đắp, rất thuận lợi cho trồng trọt. Khoáng sản có nhiều loại với trữ lượng lớn như : than đá và quặng sắt ở phía bắc, dầu mỏ, khí tự nhiên ở bang Tếch-dát và ven vịnh Mê-hi-cô.

Phần lớn các bang ở phía bắc của vùng có khí hậu ôn đới. Các bang ven vịnh Mê-hi-cô có khí hậu cận nhiệt.

2. A-la-xca và Ha-oai

A-la-xca là bán đảo rộng lớn, nằm ở tây bắc của Bắc Mĩ, địa hình chủ yếu là đồi núi. Đây là nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên lớn thứ hai của Hoa Kì.

Ha-oai là quần đảo nằm giữa Thái Bình Dương, có tiềm năng rất lớn về hải sản và du lịch.

III – DÂN CƯ

1. Gia tăng dân số

Hoa Kì có số dân đông thứ ba trên thế giới. Dân số tăng nhanh, một phần quan trọng là do nhập cư. Dân nhập cư đa số là người châu  u, tiếp đến là Mĩ La tinh, châu Á, Ca-na-đa và châu Phi.

BẢNG 6.1. SỐ DÂN HOA KÌ GIAI ĐOẠN 1800 –2005

(Đơn vị : triệu người)

Năm  1800  1820  1840  1860  1880  1900  1920  1940  1960  1980  2005
Số dân 10  17  31  50  76  105  132  179  227  296,5

Người nhập cư đã đem lại cho Hoa Kì nguồn tri thức, vốn và lực lượng lao động lớn mà ít phải mất chi phí đầu tư ban đầu.

BẢNG 6.2. MỘT SỐ CHỈ SỐ VỀ DÂN SỐ HOA KÌ

Năm 1950 2004
Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên (%) 1,5 0,6
Tuổi thọ trung bình (tuổi) 70,8 78,0
Nhóm dưới 15 tuổi (%) 27,0 20,0
Nhóm trên 65 tuổi (%) 8,0 12,0

Dựa vào bảng 6.2, nêu những biểu hiện của xu hướng già hoá dân số của Hoa Kì.

2. Thành phần dân cư

Thành phần dân cư của Hoa Kì đa dạng. Hiện nay, 83% dân số Hoa Kì có nguồn gốc châu  u. Dân cư có nguồn gốc châu Phi vào khoảng 33 triệu người. Dân cư có nguồn gốc châu Á và Mĩ La tinh gần đây tăng mạnh. Dân Anh điêng (bản địa) chỉ còn khoảng hơn 3 triệu người.

3. Phân bố dân cư

Do lịch sử, dân nhập cư phân bố ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, còn người Anh điêng bị dồn vào sinh sống ở vùng đồi núi hiểm trở phía tây.

hinh-anh-bai-6-hop-chung-quoc-hoa-ki-3259-2

Hình 6.3. Phân bố dân cư Hoa Kì, năm 2004

Quan sát hình 6.3, hãy nhận xét sự phân bố dân cư của Hoa Kì.

Dân cư đang có xu hướng di chuyển từ các bang vùng Đông Bắc đến các bang phía Nam và ven bờ Thái Bình Dương.

Người dân Hoa Kì chủ yếu sống trong các thành phố. Tỉ lệ dân thành thị cao, năm 2004 là 79%. Các thành phố vừa và nhỏ (dưới 500 nghìn dân) chiếm 91,8% số dân đô thị, do vậy hạn chế được những mặt tiêu cực của đô thị hoá.

Câu hỏi và bài tập

1. Phân tích những thuận lợi của vị trí địa lí và tài nguyên thiên nhiên đối với phát triển nông nghiệp, công nghiệp ở Hoa Kì.

2. Dựa vào bảng 6.1, hãy vẽ biểu đồ thể hiện số dân của Hoa Kì qua các năm. Giải thích nguyên nhân và phân tích ảnh hưởng của sự gia tăng dân số đối với phát triển kinh tế.

Tiết 2. KINH TẾ

I – QUY MÔ NỀN KINH TẾ

Hoa Kì được thành lập năm 1776, nhưng đến năm 1890 nền kinh tế đã vượt qua Anh, Pháp để giữ vị trí đứng đầu thế giới cho đến ngày nay.

GDP bình quân theo đầu người năm 2004 là 39 739 USD.

Dựa vào bảng 6.3, hãy so sánh GDP của Hoa Kì với thế giới và một số châu lục.

BẢNG 6.3. GDP CỦA HOA KÌ VÀ MỘT SỐ CHÂU LỤC – NĂM 2004

(Đơn vị : tỉ USD)

Toàn thế giới 40887,8
Hoa Kì 11667,5
Châu Âu 14146,7
Châu Á 10092,9
Châu Phi 790,3

II – CÁC NGÀNH KINH TẾ

1. Dịch vụ

Khu vực dịch vụ phát triển mạnh với tỉ trọng trong GDP năm 1960 là 62,1%, năm 2004 là 79,4%.

a) Ngoại thương

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Hoa Kì năm 2004 là 2344,2 tỉ USD, chiếm khoảng 12% tổng giá trị ngoại thương thế giới. Từ năm 1990 đến năm 2004, giá trị nhập siêu của Hoa Kì ngày càng lớn : năm 1990 nhập siêu 123,4 tỉ USD, năm 2004 nhập siêu 707,2 tỉ USD.

b) Giao thông vận tải

Hệ thống các loại đường và phương tiện vận tải của Hoa Kì hiện đại nhất thế giới. Hoa Kì có số sân bay nhiều nhất thế giới với khoảng 30 hãng hàng không lớn hoạt động, vận chuyển 1/3 tổng số hành khách trên thế giới. Năm 2004, Hoa Kì có tới 6,43 triệu km đường ôtô và 226,6 nghìn km đường sắt. Ngoài ra vận tải biển và vận tải đường ống cũng rất phát triển.

hinh-anh-bai-6-hop-chung-quoc-hoa-ki-3259-3

Hình 6.4. Một góc thành phố Lốt An-gia-lét

c) Các ngành tài chính, thông tin liên lạc, du lịch

Năm 2002, Hoa Kì có hơn 600 nghìn tổ chức ngân hàng, tài chính thu hút khoảng 7 triệu lao động. Ngành ngân hàng và tài chính hoạt động khắp thế giới, đang tạo ra nguồn thu lớn và nhiều lợi thế cho kinh tế Hoa Kì.

Thông tin liên lạc của Hoa Kì rất hiện đại. Hoa Kì có nhiều vệ tinh và thiết lập hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cung cấp dịch vụ viễn thông cho nhiều nước trên thế giới.

Ngành du lịch của Hoa Kì phát triển mạnh. Năm 2004 có 1,4 tỉ lượt khách đi du lịch trong nước và hơn 46 triệu lượt khách nước ngoài đến Hoa Kì. Doanh thu du lịch (từ khách quốc tế) năm 2004 là 74,5 tỉ USD.

2. Công nghiệp

Công nghiệp là ngành tạo nguồn hàng xuất khẩu chủ yếu của Hoa Kì. Tuy nhiên, tỉ trọng giá trị sản lượng công nghiệp trong GDP có xu hướng giảm : năm 1960 là 33,9%, năm 2004 là 19,7%. Sản xuất công nghiệp của Hoa Kì gồm ba nhóm ngành :

– Công nghiệp chế biến chiếm 84,2% giá trị hàng xuất khẩu của cả nước và thu hút trên 40 triệu lao động (năm 2004).

– Công nghiệp điện lực gồm nhiệt điện, điện nguyên tử, thuỷ điện và các loại khác như : điện địa nhiệt, điện từ gió, điện mặt trời...

– Công nghiệp khai khoáng đứng đầu thế giới về khai thác phốt phát, môlipđen ; thứ hai về vàng, bạc, đồng, chì, than đá và thứ ba về dầu mỏ.

BẢNG 6.4. SẢN LƯỢNG MỘT SỐ SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP HOA KÌ, NĂM 2004

Sản phẩm Sản lượng Xếp hạng trên thế giới
Than đá (triệu tấn) 1069 2
Dầu thô (triệu tấn) 437 3
Khí tự nhiên (tỉ m3) 531 2
Điện (tỉ kWh) 3979 1
Nhôm (triệu tấn) 2,5 4
Ô tô các loại (triệu chiếc) 16,8 1

Cơ cấu giá trị sản lượng giữa các ngành công nghiệp có sự thay đổi : giảm tỉ trọng của các ngành công nghiệp : luyện kim, dệt, gia công đồ nhựa,... tăng tỉ trọng của các ngành công nghiệp : hàng không – vũ trụ, điện tử,...

Trước đây, sản xuất công nghiệp tập trung chủ yếu ở vùng Đông Bắc với các ngành công nghiệp truyền thống như luyện kim, chế tạo ô-tô, đóng tàu, hoá chất, dệt... Hiện nay, sản xuất công nghiệp mở rộng xuống vùng phía Nam và ven Thái Bình Dương với các ngành công nghiệp hiện đại như hoá dầu, công nghiệp hàng không – vũ trụ, cơ khí, điện tử, viễn thông...

3. Nông nghiệp

Hoa Kì có nền nông nghiệp đứng hàng đầu thế giới. Giá trị sản lượng của nông nghiệp năm 2004 là 105 tỉ USD, chiếm 0,9% GDP.

Cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch : giảm tỉ trọng hoạt động thuần nông và tăng tỉ trọng dịch vụ nông nghiệp trong giá trị sản lượng toàn ngành nông nghiệp.

Phân bố sản xuất nông nghiệp ở Hoa Kì đã thay đổi theo hướng đa dạng hoá nông sản trên cùng một lãnh thổ. Các vành đai chuyên canh trước kia như : vành đai rau, vành đai lúa mì, vành đai nuôi bỏ sữa,... đã chuyển thành các vùng sản xuất nhiều loại nông sản hàng hoá theo mùa vụ.

hinh-anh-bai-6-hop-chung-quoc-hoa-ki-3259-4

Hình 6.5. Sử dụng phương tiện hiện đại trong sản xuất nông nghiệp ở Hoa Kì

Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp là các trang trại. Số lượng các trang trại có xu hướng giảm, nhưng diện tích bình quân mỗi trang trại lại tăng. Năm 1935 có 6,8 triệu trang trại với diện tích bình quân là 63 ha, đến năm 2000 chỉ còn hơn 2,1 triệu trang trại nhưng diện tích trung bình mỗi trang trại lại là 176 ha.

Nền nông nghiệp hàng hoá được hình thành sớm và phát triển mạnh.

Hoa Kì là nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Hằng năm, xuất khẩu trung bình khoảng 10 triệu tấn lúa mì, 61 triệu tấn ngô, 17 –18 triệu tấn đỗ tương... Giá trị xuất khẩu khoảng 20 tỉ USD. Ngoài ra, nông nghiệp còn cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến.

hinh-anh-bai-6-hop-chung-quoc-hoa-ki-3259-5

Hình 6.6. Phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp chính của Hoa Kì

Dựa vào hình 6.6, hãy trình bày sự phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp chính của Hoa Kì.

Câu hỏi

1. Dựa vào bảng 6.3, vẽ biểu đồ so sánh GDP của Hoa Kì với thế giới và một số châu lục.

2. Nhận xét xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp và giải thích nguyên nhân.

3. Trình bày những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phân hoá lãnh thổ sản xuất nông nghiệp của Hoa Kì.

Tiết 3. THỰC HÀNH: TÌM HIỂU SỰ PHÂN HOÁ LÃNH THỔ SẢN XUẤT CỦA HOA KÌ

1. Phân hoá lãnh thổ nông nghiệp

Lập bảng theo mẫu sau và điền vào bảng các loại nông sản chính.

Khu vực Nông sản chính Cây lương thực Cây công nghiệp và cây ăn quả

Gia súc

 

Phía Đông      
Trung tâm Các bang phía Bắc      
Các bang ở giữa      
Các bang phía Nam      
Phía Tây      

2. Phân hoá lãnh thổ công nghiệp

hinh-anh-bai-6-hop-chung-quoc-hoa-ki-3259-6

Hình 6.7. Các trung tâm công nghiệp chính của Hoa Kì

Lập bảng theo mẫu sau và điền vào bảng các ngành công nghiệp chính của Hoa Kì.

Các ngành công nghiệp chính Vùng Vùng Đông Bắc Vùng phía Nam Vùng phía Tây
Các ngành công nghiệp truyền thống      
Các ngành công nghiệp hiện đại      

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 6: Hợp Chủng Quốc Hoa Kì | Địa Lý 11 | B - Địa Lý Khu Vực Và Quốc Gia - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.