Nội Dung Chính
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của tình hình thế giới. Một trật tự thế giới mới được hình thành với đặc trưng lớn là thế giới chia thành hai phe – tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, do hai siêu cường Mĩ và Liên Xô đứng đầu mỗi phe. Các quốc gia trên thế giới trong những năm đầu sau chiến tranh dần dần bị phân hoá theo đặc trưng đó. Liên hợp quốc ra đời như một công cụ duy trì trật tự thế giới mới vừa được hình thành.
I – HỘI NGHỊ IANTA (2 – 1945) VÀ NHỮNG THOẢ THUẬN CỦA BA CƯỜNG QUỐC
Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra trước các cường quốc Đồng minh. Đó là : 1. Nhanh chóng đánh bại hoàn toàn các nước phát xít ; 2. Tổ chức lại thế giới sau chiến tranh ; 3. Phân chia thành quả chiến thắng giữa các nước thắng trận.
Trong bối cảnh đó, một hội nghị quốc tế đã được triệu tập tại Ianta (Liên Xô) từ ngày 4 đến ngày 11 – 2 – 1945, với sự tham dự của nguyên thủ ba cường quốc là I. Xtalin (Liên Xô), Ph. Rudoven (Mĩ) và U. Sớcsin (Anh).
Hình 1. Thủ tướng Anh – U. Sớcsin, Tổng thống Mĩ – Ph. Rudơven, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô – I. Xtalin (từ trái sang phải) tại Hội nghị lanta
Hội nghị đã đưa ra những quyết định quan trọng :
– Thống nhất mục tiêu chung là tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, trong thời gian từ 2 đến 3 tháng sau khi đánh bại phát xít Đức, Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật ở châu Á.
– Thành lập tổ chức Liên hợp quốc nhằm duy trì hoà bình, an ninh thế giới.
– Thoả thuận về việc đóng quân tại các nước nhằm giải giáp quân đội phát xít, phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu u và châu Á.
Ở châu Âu, quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Đông nước Đức, Đông Béclin và các nước Đông Âu ; quân đội Mĩ, Anh và Pháp chiếm đóng miền Tây nước Đức, Tây Béclin và các nước Tây Âu. Vùng Đông Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô, vùng Tây u thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ. Hai nước Áo và Phần Lan trở thành những nước trung lập.
Ở châu Á, Hội nghị chấp nhận những điều kiện để Liên Xô tham chiến chống Nhật : 1. Giữ nguyên trạng Mông Cổ ; 2. Khôi phục quyền lợi của nước Nga đã bị mất do cuộc chiến tranh Nga – Nhật năm 1904 : trả lại cho Liên Xô miền Nam đảo Xakhalin ; Liên Xô chiếm 4 đảo thuộc quần đảo Curin. Quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản. Ở bán đảo Triều Tiên, Hồng quân Liên Xô chiếm đóng miền Bắc và quân Mĩ chiếm đóng miền Nam, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Trung Quốc cần trở thành một quốc gia thống nhất và dân chủ ; Chính phủ Trung Hoa Dân quốc cần cải tổ với sự tham gia của Đảng Cộng sản và các đảng phái dân chủ ; trả lại cho Trung Quốc vùng Mãn Châu, đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ. Các vùng còn lại của châu Á (Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á) vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây.
Theo thoả thuận của Hội nghị Pốtxđam (Đức, tổ chức từ ngày 17 – 7 đến ngày 2 – 8 – 1945), việc giải giáp quân Nhật ở Đông Dương được giao cho quân đội Anh vào phía Nam vĩ tuyến 16 và quân đội Trung Hoa Dân quốc vào phía Bắc.
Toàn bộ những quyết định của Hội nghị Ianta cùng những thoả thuận sau đó của ba cường quốc đã trở thành khuôn khổ của trật tự thế giới mới, thường được gọi là trật tự hai cực Ianta.
Hãy nêu những quyết định quan trọng của Hội nghị Ianta (2 – 1945).
II – SỰ THÀNH LẬP LIÊN HỢP QUỐC
Sau Hội nghị Ianta không lâu, từ ngày 25 – 4 đến ngày 26 – 6 – 1945, một hội nghị quốc tế họp tại Xan Phranxixcô (Mĩ) với sự tham gia của đại biểu 50 nước, để thông qua bản Hiến chương và tuyên bố thành lập tổ chức Liên hợp quốc. Ngày 24 – 10 – 1945, sau khi được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn, bản Hiến chương chính thức có hiệu lực(1).
Hình 2. Lễ kí Hiến chương Liên hợp quốc tại Xan Phranxixcô (Mĩ)
(1) Ngày 31 – 10 – 1947, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định lấy ngày 24 – 10 hằng năm làm “Ngày Liên hợp quốc”.
Là văn kiện quan trọng nhất của Liên hợp quốc, Hiến chương nêu rõ mục đích của tổ chức này là duy trì hoà bình và an ninh thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.
Để thực hiện các mục đích đó, Liên hợp quốc hoạt động theo những nguyên tắc sau :
– Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc.
– Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước.
– Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào.
– Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.
– Chung sống hoà bình và sự nhất trí giữa năm nước lớn (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc).
Hiến chương quy định bộ máy tổ chức của Liên hợp quốc gồm sáu cơ quan chính là Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Hội đồng Quản thác, Toà án Quốc tế và Ban Thư kí.
Đại hội đồng : gồm đại diện các nước thành viên, có quyền bình đẳng. Mỗi năm, Đại hội đồng họp một kì để thảo luận các vấn đề hoặc công việc thuộc phạm vi Hiến chương quy định.
Hội đồng Bảo an : cơ quan giữ vai trò trọng yếu trong việc duy trì hoà bình và an ninh thế giới. Mọi quyết định của Hội đồng Bảo an phải được sự nhất trí của năm nước Uỷ viên thường trực là Liên Xô (nay là Liên bang Nga), Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc(1) mới được thông qua và có giá trị.
Ban Thư kí : cơ quan hành chính – tổ chức của Liên hợp quốc, đứng đầu là Tổng thư kí với nhiệm kì 5 năm.
Ngoài ra, Liên hợp quốc còn có nhiều tổ chức chuyên môn khác giúp việc. Trụ sở của Liên hợp quốc đặt tại Niu Oóc (Mĩ).
Trong hơn nửa thế kỉ qua, Liên hợp quốc đã trở thành một diễn đàn quốc tế vừa hợp tác, vừa đấu tranh nhằm duy trì hoà bình và an ninh thế giới. Liên hợp quốc đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các vụ tranh chấp và xung đột ở nhiều khu vực, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, giúp đỡ các dân tộc về kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, nhân đạo v.v..
Đến năm 2006, Liên hợp quốc có 192 quốc gia thành viên.
Từ tháng 9 – 1977, Việt Nam là thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc.
(1) Từ năm 1945 đến năm 1971, đại biểu Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an là đại diện của chính quyền Đài Loan ; từ tháng 10 – 1971 là đại diện của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
Ngày 16 – 10 – 2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an, nhiệm kì 2008 – 2009.
Nêu mục đích và nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc.
III – SỰ HÌNH THÀNH HAI HỆ THỐNG XÃ HỘI ĐỐI LẬP
Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trên thế giới đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng với xu hướng hình thành hai phe – tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa – đối lập nhau gay gắt.
Tương lai của nước Đức trở thành vấn đề trung tâm trong nhiều cuộc gặp giữa nguyên thủ ba cường quốc Liên Xô, Mĩ và Anh với những bất đồng sâu sắc. Tại Hội nghị Pốtxđam, ba cường quốc đã khẳng định nước Đức phải trở thành một quốc gia thống nhất, hoà bình, dân chủ ; tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít ; thoả thuận việc phân chia các khu vực chiếm đóng và kiểm soát nước Đức sau chiến tranh : quân đội Liên Xô chiếm đóng vùng lãnh thổ phía Đông nước Đức, quân đội Anh chiếm vùng Tây Bắc, quân đội Mĩ chiếm vùng phía Nam, quân đội Pháp được chiếm một phần lãnh thổ phía Tây nước Đức. Nhưng Mĩ, Anh và sau đó là Pháp đã tiến hành riêng rẽ việc hợp nhất các khu vực chiếm đóng của mình, tháng 9 – 1949 lập ra Nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức. Tháng 10 – 1949, được sự giúp đỡ của Liên Xô, các lực lượng dân chủ ở Đông Đức đã thành lập Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Như thế, trên lãnh thổ nước Đức đã xuất hiện hai nhà nước với hai chế độ chính trị khác nhau.
Trong những năm 1945 – 1947, các nước Đông Âu đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng như : xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân, cải cách ruộng đất, ban hành các quyền tự do dân chủ v.v.. Đồng thời, Liên Xô cùng các nước Đông Âu kí kết nhiều hiệp ước tay đôi về kinh tế như : trao đổi buôn bán, viện trợ lương thực, thực phẩm v.v.. Năm 1949, Hội đồng tương trợ kinh tế được thành lập. Nhờ đó, sự hợp tác về chính trị, kinh tế, mối quan hệ giữa Liên Xô và các nước Đông Âu ngày càng được củng cố, từng bước hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội đã vượt ra khỏi phạm vi một nước và trở thành hệ thống thế giới.
Sau chiến tranh, Mĩ đề ra “Kế hoạch phục hưng châu Âu” (còn gọi là “Kế hoạch Mácsan”), nhằm viện trợ các nước Tây u khôi phục kinh tế, đồng thời tăng cường ảnh hưởng và sự khống chế của Mĩ đối với các nước này. Nhờ đó, nền kinh tế các nước Tây u được phục hồi nhanh chóng.
Như vậy, ở châu Âu đã xuất hiện sự đối lập về chính trị và kinh tế giữa hai khối nước : Tây u tư bản chủ nghĩa và Đông u xã hội chủ nghĩa.
Hai nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức và Cộng hoà Dân chủ Đức được hình thành như thế nào ?
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Hãy chỉ trên bản đồ thế giới những khu vực nằm trong sự phân chia phạm vi ảnh hưởng do ba cường quốc thoả thuận ở Hội nghị Ianta.
2. Sự đối lập về chính trị và kinh tế giữa hai khối nước : Tây Âu tư bản chủ nghĩa và Đông Âu xã hội chủ nghĩa thể hiện như thế nào?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn