Ngô Quyền quê ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Tây). Ông là người có tài, nên được Dương Đình Nghệ(1) gả con gái cho. Được tin viên tướng Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đem quân đi đánh để báo thù. Công Tiễn cho sang cầu cứu nhà Nam Hán. Nhân cớ đó, nhà Nam Hán đem quân sang đánh nước ta.
Biết tin, Ngô Quyền bắt giết Kiều Công Tiễn và chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán
Sang đánh nước ta lần này, quân Nam Hán đưa một đạo quân rất đông do Thái tử Hoằng Tháo chỉ huy.
Mũi tiến công chính do Hoằng Tháo chỉ huy đã vượt biển, ngược sông Bạch Đằng (Quảng Ninh) tiến vào nước ta. Ngô Quyền đã dùng kế cắm cọc gỗ đầu nhọn xuống nơi hiểm yếu ở sông Bạch Đằng. Quân Nam Hán đến cửa sông vào lúc thủy triều lên, nước che lấp các cọc nhọn. Ngô Quyền cho quân bơi thuyền nhẹ ra khiêu chiến, vừa đánh vừa rút lui, nhử cho giặc vào bãi cọc. Chờ lúc thủy triều xuống, khi hàng nghìn cọc nhọn nhô lên, quân ta mai phục hai bên bờ sông đổ ra đánh quyết liệt. Giặc hốt hoảng quay thuyền bỏ chạy thì va vào cọc nhọn ; thuyền giặc chiếc bị thủng, chiếc bị vướng cọc nên không tiến, không lùi được. Quân ta tiếp tục truy kích. Quân Nam Hán chết đến quá nửa, Hoằng Tháo tử trận. Quân Nam Hán hoàn toàn thất bại.
Hình 1. Trần Bạch Đằng năm 938 (tranh trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử)
_____________________________________________________
(1) Dương Đình Nghệ là người tập hợp quân dân ta đứng lên đánh đuổi bọn đô hộ Nam Hán, giành thắng lợi (năm 931)
- Ngô Quyền đã dùng kế gì để đánh giặc ? Kết quả ra sao ?
Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng vương (Ngô Vương). Cổ Loa lại được chọn làm kinh đô.
Chiến thắng Bạch Đằng và việc Ngô Quyền xưng vương đã chấm dứt hoàn toàn thời kì hơn một nghìn năm dân ta sống dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc và mở ra thời kì độc lập lâu dài cho dân tộc.
Khi Ngô Quyền mất, nhân dân đã xây lăng để tưởng nhớ ông.
Hình 2. Lăng Ngô Quyền ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội)
Quân Nam Hán kéo sang đánh nước ta. Ngô Quyền chỉ huy quân dân ta, lợi dụng thủy triều lên xuống trên sông Bạch Đằng, nhử giặc vào bãi cọc rồi đánh tan quân xâm lược (năm 938).
Ngô Quyền lên ngôi vua đã kết thúc hoàn toàn thời kì đô hộ của phong kiến phương Bắc và mở đầu cho thời kì độc lập lâu dài của nước ta.
Câu hỏi
-
Em hãy kể lại trận quân ta đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.
-
Chiến thắng Bạch Đằng có ý nghĩa như thế nào đối với nước ta thời bấy giờ ?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn