Ngay sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Nam Kì đã đứng lên chống Pháp, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực,… trong đó lớn nhất là phong trào kháng chiến dưới sự chỉ huy của Trương Định. Trương Định quê ở Bình Sơn (nay thuộc huyện Sơn Tịnh), Quảng Ngãi, sau theo cha vào lập nghiệp ở Tân An. Trương Định chiêu mộ nghĩa binh đánh Pháp ngay khi chúng vừa tấn công Gia Định (1859).
Năm 1862, giữa lúc nghĩa quân Trương Định đang thu được thắng lợi làm cho thực dân Pháp hoang mang lo sợ thì triều đình nhà Nguyễn kí hoà ước, nhường ba tỉnh miền Đông Nam Kì cho thực dân Pháp. Vua ban lệnh xuống, buộc Trương Định phải giải tán nghĩa binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang. Nhận được lệnh, Trương Định băn khoăn, suy nghĩ rất nhiều : làm quan thì phải tuân lệnh vua, nếu không sẽ phải chịu tội phản nghịch ; nhưng dân chúng và nghĩa quân không muốn giải tán lực lượng, một lòng một dạ tiếp tục kháng chiến. Giữa lệnh vua và ý dân, Trương Định chưa biết làm thế nào cho phải.
-Điều gì khiến Trương Định phải băn khoăn, suy nghĩ ?
Trong khi đó, chỉ huy nghĩa quân đóng ở Tân An là Phan Tuấn Phát truyền thư đi khắp nơi, suy tôn Trương Định làm chủ soái. Đề xuất đó được dân chúng và nghĩa quân ủng hộ ; họ làm lễ, tôn Trương Định làm “Bình Tây Đại nguyên soái”. Cảm kích trước niềm tin yêu của nghĩa quân và dân chúng, Trương Định đã ở lại cùng nhân dân chống giặc.
Trương Định được suy tôn làm “Bình Tây Đại nguyên soái”
“Đại nguyên soái” Trương Định đã phất cao cờ “Bình Tây”, chỉ huy hàng nghìn nghĩa quân hoạt động chống thực dân Pháp.
Năm 1862, triều đình nhà Nguyễn kí hoà ước, nhường ba tỉnh miền Đông Nam Kì cho thực dân Pháp. Triều đình ra lệnh cho Trương Định phải giải tán lực lượng kháng chiến nhưng Trương Định kiên quyết cùng nhân dân chống quân xâm lược.
Chú thích
- “Bình Tây Đại nguyên soái” : người có chức cao nhất, chỉ huy quân đội đánh Tây (Pháp).
- Nam Kì : chỉ phần đất phía nam Việt Nam từ Biên Hoà vào đến Hà Tiên, gồm ba tỉnh miền Đông (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường) và ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).
- Tân An : thuộc tỉnh Gia Định (nay thuộc tỉnh Long An).
- Lãnh binh : chức quan võ thời nhà Nguyễn, chỉ huy quân đội ở một tỉnh.
- Tội phản nghịch : tội chống lại nhà vua. Theo luật pháp phong kiến, tội phản nghịch là tội nặng nhất.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn