Bài 30: Vấn Đề Phát Triển Ngành Giao Thông Vận Tải Và Thông Tin Liên Lạc | Địa Lý 12 | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 12 - Bài 30


1. Giao thông vận tải

Mạng lưới giao thông vận tải của nước ta phát triển khá toàn diện, gồm nhiều loại hình vận tải khác nhau.

a) Đường bộ (đường ô tô)

Trong những năm gần đây, nhờ huy động các nguồn vốn và tập trung đầu tư nên mạng lưới đường bộ đã được mở rộng và hiện đại hoá.

Về cơ bản, mạng lưới đường ô tô đã phủ kín các vùng.

Các tuyến đường chính :

Hai trục đường bộ xuyên quốc gia là quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đang xây dựng). Quốc lộ 1 chạy suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Năm Căn (Cà Mau) dài 2300 km, là tuyến đường xương sống của cả hệ thống đường bộ nước ta, nối các vùng kinh tế (trừ Tây Nguyên) và hầu hết các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Đường Hồ Chí Minh là trục đường bộ xuyên quốc gia thứ hai, có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của dải đất phía tây đất nước.

Dựa vào hình 30 (hoặc Atlat Địa lí Việt Nam) hãy kể tên một số tuyến đường bộ quan trọng theo hướng đông – tây.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, hệ thống đường bộ Việt Nam cũng đang hội nhập vào hệ thống đường bộ trong khu vực với các tuyến thuộc mạng đường bộ xuyên Á trên lãnh thổ Việt Nam.

b) Đường sắt

Tổng chiều dài đường sắt nước ta là 3143 km.

Đường sắt Thống Nhất (Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh) dài 1726 km, chạy theo chiều dài đất nước, gần như song song với quốc lộ 1, tạo nên một trục giao thông quan trọng theo hướng bắc – nam.

Các tuyến đường khác là : Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Đồng Đăng, Lưu Xá – Kép – Uông Bí– Bãi Cháy.

Các tuyến đường thuộc mạng đường sắt xuyên Á trên lãnh thổ Việt Nam đang được xây dựng, nâng cấp để đạt tiêu chuẩn đường sắt ASEAN.

c) Đường sông

Nước ta có nhiều sông ngòi nhưng mới chỉ sử dụng khoảng 11000 km vào mục đích giao thông.

Vận tải đường sông chủ yếu tập trung trong một số hệ thống sông chính :

– Hệ thống sông Hồng – Thái Bình.

– Hệ thống sông Mê Công – Đồng Nai.

– Một số sông lớn ở miền Trung.

d) Ngành vận tải đường biển

Đường bờ biển dài 3260 km, nhiều vũng, vịnh rộng, kín gió và nhiều đảo, quần đảo ven bờ, nằm trên đường hàng hải quốc tế... là những điều kiện thuận lợi để nước ta phát triển giao thông đường biển.

Các tuyến đường biển ven bờ chủ yếu là theo hướng bắc – nam. Quan trọng nhất là tuyến Hải Phòng – Thành phố Hồ Chí Minh, dài 1500 km.

Các cảng biển và cụm cảng quan trọng là : Hải Phòng, Cái Lân, Đà Nẵng – Liên Chiểu – Chân Mây, Dung Quất, Nha Trang, Sài Gòn – Vũng Tàu – Thị Vải.

Dựa vào hình 30, hãy kể tên một số đường biển của nước ta.

e) Đường hàng không

Hàng không là ngành non trẻ nhưng có bước tiến rất nhanh nhờ có chiến lược phát triển táo bạo, nhanh chóng hiện đại hoá cơ sở vật chất.

Cả nước có 22 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế.

hinh-anh-bai-30-van-de-phat-trien-nganh-giao-thong-van-tai-va-thong-tin-lien-lac-2875-0

Hình 30. Giao thông

Các tuyến bay trong nước được khai thác trên cơ sở 3 đầu mối chủ yếu là : Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ngoài ra, chúng ta đã mở các đường bay đến nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

g) Đường ống

Vận chuyển bằng đường ống ngày càng phát triển, gắn với sự phát triển của ngành dầu khí. Ngoài tuyến đường ống vận chuyển sản phẩm xăng dầu B12 (Bãi Cháy – Hạ Long) tới các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các đường ống dẫn khí từ nơi khai thác dầu khí ngoài thềm lục địa vào đất liền đã được xây dựng và đi vào hoạt động.

2. Ngành thông tin liên lạc

Thông tin liên lạc gồm 2 hoạt động chính là bưu chính và viễn thông.

a) Bưu chính

Đặc điểm nổi bật của ngành bưu chính là có tính phục vụ cao, mạng lưới rộng khắp. Toàn bộ mạng lưới Bưu chính Việt Nam có hơn 300 bưu cục với bán kính phục vụ là 5,85 km/bưu cục, khoảng 18 nghìn điểm phục vụ với mật độ bình quân 2,3 km/điểm và hơn 8 nghìn điểm bưu điện — văn hoá xã.

Hãy kể tên một số loại hình dịch vụ của ngành bưu chính nước ta.

Tuy vậy, hoạt động bưu chính vẫn còn những hạn chế : mạng lưới phân bố chưa hợp lí, công nghệ nhìn chung còn lạc hậu, quy trình nghiệp vụ ở hầu hết các địa phương vẫn mang tính thủ công, chưa tương xứng với chuẩn quốc tế, thiếu lao động có trình độ cao...

Trong giai đoạn tới, ngành bưu chính sẽ phát triển theo hướng cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá nhằm đạt trình độ hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực ; bên cạnh các hoạt động công ích sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh để đưa Bưu chính trở thành ngành kinh doanh hiệu quả.

b) Viễn thông

Ngành viễn thông ở nước ta có đặc điểm nổi bật là tốc độ phát triển nhanh vượt bậc và đón đầu được các thành tựu kĩ thuật hiện đại.

– Trước thời kì Đổi mới, mạng lưới và thiết bị viễn thông cũ kĩ lạc hậu ; các dịch vụ viễn thông nghèo nàn, chỉ dừng ở mức phục vụ cho các cơ quan, các doanh nghiệp nhà nước và một số cơ sở sản xuất.

Những năm gần đây, Viễn thông Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao, đạt mức trung bình 30%/năm, đến năm 2005 Việt Nam đã có trên 15,8 triệu thuê bao điện thoại, đạt 19 thuê bao/100 dân. Điện thoại đã đến được hầu hết các xã trong toàn quốc.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học – kĩ thuật, công nghệ mới, hiện đại đang được chú trọng đầu tư. Mạng viễn thông với kĩ thuật analog lạc hậu được thay bằng mạng kĩ thuật số, tự động hoá cao và đa dịch vụ. Các tuyến truyền dẫn liên tỉnh viba và cáp quang đã đạt tiêu chuẩn vào loại cao nhất hiện nay. Việt Nam có trên 5000 kênh đi quốc tế qua các hệ thống thông tin vệ tinh và cáp biển hiện đại.

– Mạng lưới viễn thông ở nước ta tương đối đa dạng và không ngừng phát triển.

   + Mạng điện thoại : bao gồm mạng nội hạt và mạng đường dài, mạng cố định và mạng di động.

Nhìn chung, mạng điện thoại và số máy điện thoại tăng với tốc độ rất nhanh ; trong vòng 15 năm, từ năm 1990 đến năm 2005, số thuê bao điện thoại đã tăng 112 lần ; về kĩ thuật, công nghệ đã được số hoá hoàn toàn. Tuy vậy, vẫn có sự phân bố rất không đều giữa các vùng và các địa phương trong từng vùng.

   + Mạng phi thoại : đang được mở rộng và phát triển với nhiều loại hình dịch vụ mới, kĩ thuật tiên tiến bao gồm : mạng Fax, mạng truyền trang bảo trên kênh thông tin.

   + Mạng truyền dẫn : được sử dụng với rất nhiều phương thức khác nhau như : mạng dây trần, mạng truyền dẫn Viba, mạng truyền dẫn cáp sợi quang, mạng viễn thông quốc tế...

Mạng lưới viễn thông quốc tế ngày càng phát triển mạnh, hội nhập với thế giới qua thông tin vệ tinh và cáp biển. Năm 2005, Việt Nam có hơn 7,5 triệu người sử dụng Internet, chiếm 9,0% dân số, thuộc hạng cao ở châu Á.

Câu hỏi và bài tập

1. Hãy nêu vai trò của giao thông vận tải và thông tin liên lạc trong sự phát triển kinh tế – xã hội.

2. Cho bảng số liệu :

Cơ cấu vận tải năm 2004

(Đơn vị : %)

Loại hình vận tải Số lượng hành khách Khối lượng hàng hoá
Vận chuyển Luân chuyển Vận chuyển Luân chuyển
Đường sắt 1,1 9,0 3,0 3,7
Đường bộ 84,4 64,5 66,3 14,1
Đường sông 13,9 7,0 20,0 7,0
Đường biển 0,1 0,3 10,6 74,9
Đường hàng không 0,5 19,2 0,1 0,3

Phân tích bảng số liệu trên, nhận xét về cơ cấu vận tải hành khách và cơ cấu vận chuyển hàng hoá phân theo loại hình vận tải ở nước ta.

3. Hãy nêu những đặc điểm nổi bật của ngành bưu chính và ngành viễn thông ở nước ta.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 30: Vấn Đề Phát Triển Ngành Giao Thông Vận Tải Và Thông Tin Liên Lạc | Địa Lý 12 | Địa Lý Các Ngành Kinh Tế - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Địa Lý 12

  1. Địa Lý Tự Nhiên
  2. Địa Lý Dân Cư
  3. Địa Lý Kinh Tế
  4. Địa Lý Các Ngành Kinh Tế
  5. Địa Lý Các Vùng Kinh Tế
  6. Địa Lý Địa Phương

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.