Nội Dung Chính
1. Đặc điểm
Dựa vào kiến thức đã học, hãy nêu khái niệm đô thị hoá.
a) Quá trình đô thị hoá ở nước ta diễn ra chậm, trình độ đô thị hoá thấp
Từ thế kỉ III trước Công nguyên, thành Cổ Loa, kinh đô của nhà nước u Lạc, được coi là đô thị đầu tiên ở nước ta. Vào thời phong kiến, một số đô thị Việt Nam được hình thành ở những nơi có vị trí địa lí thuận lợi, với các chức năng chính là hành chính, thương mại, quân sự. Thế kỉ XI xuất hiện thành Thăng Long, rồi sau đó là các đô thị : Phú Xuân, Hội An, Đà Nẵng, Phố Hiến ở thế kỉ XVI – XVIII.
Thời Pháp thuộc, công nghiệp chưa phát triển, hệ thống đô thị không có cơ sở để mở rộng, các tỉnh, huyện thường được chia với quy mô nhỏ, chức năng chủ yếu là hành chính, quân sự. Đến những năm 30 của thế kỉ XX mới có một số đô thị lớn được hình thành như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định...
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1954, quá trình đô thị hoá diễn ra chậm, các đô thị không có sự thay đổi nhiều.
Từ năm 1954 đến năm 1975 đô thị phát triển theo hai xu hướng khác nhau : Ở miền Nam, Chính quyền Sài Gòn đã dùng "đô thị hoá" như một biện pháp để dồn dân phục vụ chiến tranh. Ở miền Bắc, đô thị hoá gắn liền với quá trình công nghiệp hoá trên cơ sở mạng lưới đô thị đã có. Từ năm 1965 đến năm 1972, các đô thị bị chiến tranh phá hoại, quá trình đô thị hoá chững lại.
Từ năm 1975 đến nay, quá trình đô thị hoá có chuyển biến khả tích cực. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của các đô thị (hệ thống giao thông, điện, nước, các công trình phúc lợi xã hội) vẫn còn ở mức độ thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
b) Tỉ lệ dân thành thị tăng
Bảng 18.1. Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị trong dân số cả nước, giai đoạn 1990 – 2005
Năm | Số dân thành thị (triệu người) | Tỉ lệ dân thành thị trong dân số cả nước (%) |
1990 | 12,9 | 19,5 |
1995 | 14,9 | 20,8 |
2000 | 18,8 | 24,2 |
2005 | 22,3 | 26,9 |
Dựa vào bảng 18.1, nhận xét về sự thay đổi số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị trong dân số cả nước, giai đoạn 1990 – 2005.
Tỉ lệ dân thành thị của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2005, số dân thành thị mới chiếm 26,9% số dân cả nước.
c) Phân bố đô thị không đều giữa các vùng
Bảng 18.2. Phân bố đô thị và số dân đô thị giữa các vùng, năm 2006
Các vùng | Số lượng đô thị | Trong đó | Số dân (nghìn người) | ||
Thành phố | Thị xã | Thị trấn | |||
Cả nước | 689 | 38 | 54 | 597 | 22824 |
Trung du và miền núi Bắc Bộ | 167 | 9 | 13 | 145 | 2151 |
Đồng bằng sông Hồng | 118 | 7 | 8 | 103 | 4547 |
Bắc Trung Bộ | 98 | 4 | 7 | 87 | 1463 |
Duyên hải Nam Trung Bộ | 69 | 7 | 4 | 58 | 2769 |
Tây Nguyên | 54 | 3 | 4 | 47 | 1368 |
Đông Nam Bộ | 50 | 3 | 5 | 42 | 6928 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 133 | 5 | 13 | 115 | 3598 |
Dựa vào bảng 18.2, nhận xét về sự phân bố đô thị và số dân đô thị giữa các vùng trong nước.
2. Mạng lưới đô thị
Dựa vào các tiêu chí chủ yếu như : số dân, chức năng, mật độ dân số, tỉ lệ dân phi nông nghiệp,... mạng lưới đô thị ở nước ta được phân thành 6 loại (loại đặc biệt, loại 1,2,3,4,5). Hai đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nếu căn cứ vào cấp quản lí, nước ta có các đô thị trực thuộc Trung ương và các đô thị trực thuộc tỉnh. Năm đô thị trực thuộc Trung ương của nước ta là : Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
3. Ảnh hưởng của đô thị hoá đến phát triển kinh tế - xã hội
– Đô thị hoá có tác động mạnh tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta.
– Các đô thị có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, các vùng trong nước. Năm 2005, khu vực đô thị đóng góp 70,4% GDP cả nước, 84% GDP công nghiệp – xây dựng, 87% GDP dịch vụ và 80% ngân sách Nhà nước.
– Các thành phố, thị xã là các thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá lớn và đa dạng, là nơi sử dụng đông đảo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật ; có cơ sở vật chất kĩ thuật hiện đại, có sức hút đối với đầu tư trong nước và ngoài nước, tạo ra động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.
– Các đô thị có khả năng tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá cũng nảy sinh những hậu quả như : vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự xã hội... cần phải có kế hoạch khắc phục.
Nêu ví dụ minh hoạ điển hình về những hậu quả của quá trình đô thị hoá đối với phát triển kinh tế – xã hội và môi trường ở nước ta hiện nay.
Câu hỏi và bài tập
1. Trình bày đặc điểm đô thị hoá ở nước ta.
2. Phân tích những ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá ở nước ta đối với phát triển kinh tế – xã hội.
3. Vẽ biểu đồ (kết hợp cột và đường) thể hiện quá trình đô thị hoá ở nước ta theo số liệu ở bảng 18.1.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn