Nội Dung Chính
CHIA SẺ
Đọc và giải các câu đố dưới đây:
Hồ gì ở giữa Thủ đô
Nước xanh biêng biếc, Tháp Rùa nghiêng soi?
Núi gì cao nhất nước ta
Ai ai cũng gọi “nóc nhà Đông Dương”?
Thành phố Hồ Chí Minh | Hồ Gươm | Đà Lạt | núi Phan Xi Păng |
Ở đâu có cảng Nhà Rồng?
Ở đâu sương phủ rừng thông sớm chiều?
BÀI ĐỌC 1
Trên hồ Ba Bể
(Trích)
Thuyền ta chầm chậm vào Ba Bể
Núi dựng cheo leo, hồ lặng im
Lá rừng với gió ngâm se sẽ
Hoạ tiếng lòng ta với tiếng chim.
Thuyền ta lướt nhẹ trên Ba Bể
Trên cả mây trời, trên núi xanh
Mây trắng bồng bềnh trôi lặng lẽ
Mái chèo khua bóng núi rung rinh.
Thuyền ta quanh quất trên Ba Bể
Đỏ ối vườn cam, thắm bãi ngô
Thuyền ơi, chầm chậm chờ ta nhé
Muốn ở đây thôi, chẳng muốn về!
HOÀNG TRUNG THÔNG
Ghép từ ngữ ở bên A với nghĩa phù hợp ở bên B:
A | B |
a) Hồ Ba Bể | 1) chuyển động lên xuống nhẹ nhàng theo làn gió, làn sóng |
b) Cheo leo | 2) hồ đẹp nổi tiếng ở tỉnh Bắc Kạn |
c) Bồng bềnh | 3) cao và không có chỗ bấu víu, gây cảm giác nguy hiểm, dễ bị rơi, ngã |
d) Quanh quất | 4) quanh nơi nào đó, không xa |
ĐỌC HIỂU
1. Đi thuyền trên hồ Ba Bể, tác giả nghe được những âm thanh gì?
2. Vì sao tác giả có cảm giác thuyền lướt trên mây, trên núi? Chọn ý đúng:
a) Vì thuyền lướt trên mặt hồ có in bóng mây, núi.
b) Vì mái chèo khua làm bóng núi rung rinh.
c) Vì xung quanh hồ có núi dựng cheo leo.
3. Quang cảnh hồ Ba Bể đẹp như thế nào?
4. Theo em, vì sao tác giả lưu luyến, không muốn về?
• Học thuộc lòng 2 khổ thơ đầu.
LUYỆN TẬP
1. Tên riêng hồ Ba Bể được viết như thế nào? Chọn ý đúng:
a) Viết hoa chữ cái đầu của mỗi tiếng: Ba Bể
b) Viết hoa chữ cái đầu của tiếng đầu tiên: Ba bể
c) Viết hoa chữ cái đầu của tiếng đầu tiên, đặt dấu gạch nối giữa các tiếng: Ba-bể
2. Viết tên xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố) nơi em ở.
TỰ ĐỌC SÁCH BÁO
1. Tìm đọc thêm ở nhà:
- 2 câu chuyện (hoặc 1 bài thơ, 1 câu chuyện) về cảnh đẹp quê hương.
- 1 bài văn miêu tả hoặc cung cấp thông tin về cảnh đẹp quê hương.
2. Viết vào phiếu đọc sách:
- Tên bài đọc và một số nội dung chính (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn, câu thơ em thích).
- Cảm nghĩ của em.
BÀI VIẾT 1
Ôn chữ viết hoa: 0, OÂÔ
1. Viết tên riêng: Cửa Ông
2. Viết câu:
Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
Ca dao
TRAO ĐỔI
Nói về cảnh đẹp non sông
Giới thiệu tranh ảnh sưu tầm được về một cảnh đẹp và nói về cảnh đẹp đó: Cảnh đẹp đó ở đâu? Cảnh đẹp đó có gì làm em yêu thích?
M
Các bạn thân mến! Tôi sống ở Đất Mũi. Trên bản đồ Việt Nam, đó là mỏm đất nhọn như hình mũi tên vươn ra biển. Ở Đất Mũi có xóm Mũi là xóm vươn xa nhất ra biển. Đây là nơi duy nhất trong cả nước có thể ngắm Mặt Trời mọc và lặn trên biển ở cả hai hướng đông, tây.
Đây là Sa Pa quê tôi. Sa Pa có suối, có thác, có rừng thông rất đẹp. Sa Pa còn được gọi là thành phố sương mù. Mùa hè ở đây rất mát.
Đây là một bãi biển ở Nha Trang. Nước biển xanh, cát trắng. Đẹp quá! Mình chưa được đến Nha Trang, nhưng xem ti vi, mình biết ở đó có nhiều bãi tắm đẹp. Mình mong ước sẽ có dịp được tắm biển Nha Trang.
BÀI ĐỌC 2
Sông Hương
Từ xưa, người Huế đã dành những lời thơ đẹp nhất, tình cảm sâu đậm nhất cho dòng sông quê hương.
Người ta kể rằng, xưa kia, dòng nước ở đây thường thoảng lên một mùi hương dìu dịu bởi nguồn sông chảy qua một cánh rừng mọc dày một loại cỏ có tên là thạch xương bồ.
Sông Hương là một bức tranh phong cảnh khổ dài mà mỗi đoạn, mỗi khúc đều có vẻ đẹp riêng của nó. Bao trùm lên cả bức tranh đó là một màu xanh có nhiều sắc độ, đậm nhạt khác nhau: màu xanh da trời, màu xanh của nước biếc, màu xanh non của những bãi ngô, thảm cỏ,...
Cứ mỗi mùa hè tới, hoa phượng vĩ nở đỏ rực hai bên bờ. Hương Giang bỗng thay chiếc áo xanh hằng ngày thành dải lụa đào ứng hồng cả phố phường.
Những đêm trăng sáng, dòng sông là một đường trăng lung linh dát vàng.
Sông Hương là một đặc ân của thiên nhiên dành cho Huế, làm cho không khí thành phố trở nên trong lành, làm tan biến những tiếng ồn ào của chợ búa, tạo cho thành phố một vẻ êm đềm.
Theo CỬU THỌ
- Sắc độ: mức đậm, nhạt của màu.
- Hương Giang: tên gọi khác của sông Hương.
- Lụa đào: lụa màu hồng.
- Đặc ân: ơn đặc biệt.
ĐỌC HIỂU
1. Qua đoạn 2, em hiểu vì sao dòng sông được đặt tên là sông Hương?
2. Câu mở đầu đoạn 3 gọi sông Hương là gì?
3. Tìm những hình ảnh minh hoạ cho nhận xét nói trên về vẻ đẹp của sông Hương.
4. Những từ ngữ nào trong đoạn cuối thể hiện sự thay đổi mà sông Hương tạo ra cho phố phường xung quanh?
LUYỆN TẬP
1. Trong các câu dưới đây, sông Hương được so sánh với những gì?
a) Sông Hương là một bức tranh phong cảnh nhiều màu sắc.
b) Vào mùa hè, Hương Giang như một dải lụa đào.
c) Những đêm trăng sáng, dòng sông là một đường trăng dát vàng.
2. Chọn từ chỉ đặc điểm thích hợp (lung linh, ửng hồng, đẹp) để thể hiện lại hình ảnh so sánh ở các câu trên theo mẫu sau:
M
Sự vật 1 | Đặc điểm | Từ so sánh | Sự vật 2 |
Sông Hương | đẹp | như | một bức tranh phong cảnh nhiều màu sắc |
BÀI VIẾT 2
Viết về cảnh đẹp non sông
1. Viết đoạn văn nêu những điều em quan sát được trong bức ảnh giới thiệu một cảnh đẹp ở nước ta.
Gợi ý
- Bức ảnh đó giới thiệu cảnh đẹp nào, ở đâu?
- Em thấy những gì trong bức ảnh đó?
- Cảnh đẹp đó có gì làm em yêu thích?
M
Cầu Rồng (Đà Nẵng)
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)
1. Viết về gì?
2. Tìm ý
3. Sắp xếp ý
4. Viết
5. Hoàn chỉnh
2. Đọc đoạn văn em viết cho các bạn nghe.
BÀI ĐỌC 3
Chợ nổi Cà Mau
Chợ họp lúc bình minh lên. Hàng trăm chiếc ghe to, nhỏ đậu sát vào nhau thành một dãy dài, người bán, người mua trùng trình trên sóng nước. Chủ ghe tất bật bày biện hàng hoá gọn ghẽ, tươi tắn và tinh tươm.
Chợ nổi Cà Mau chỉ tập trung bán buôn rau, trái miệt vườn. Bạn không cần ghé vào từng ghe để xem hàng có những gì. Bạn cứ nhìn cái nhánh cây thon, dài buộc ở đầu ghe kia, trên cây treo gì thì ghe bán thức ấy. Đó là tiếng chào mời không lời. Chẳng cần rao bán, chèo kéo nhưng khách cầm lòng sao được với cái màu đỏ au au của chùm chôm chôm; vàng ươm của khóm, xoài; xanh riết của cóc, ổi; tím của cà;...
Giữa chợ nổi Cà Mau, ngập tràn hồn tôi cái cảm giác như gặp được những khu vườn, rẫy khóm, rẫy mía miên man dọc triền sông Trẹm quê mình.
Theo NGUYỄN NGỌC TƯ
- Chợ nổi: chợ họp trên sông, hàng hoá bày bán trên thuyền.
- Ghe: thuyền gỗ có mui.
- Miệt vườn: vùng đất phù sa trồng cây ăn quả ở Đồng bằng sông Cửu Long.
- Khóm: dứa.
- Xanh riết: xanh đậm.
ĐỌC HIỂU
1. Chợ nổi Cà Mau họp vào lúc nào, ở đâu?
2. Chợ nổi có gì khác lạ so với chợ trên đất liền?
3. Tìm những hình ảnh diễn tả cảnh sinh hoạt tấp nập ở chợ nổi.
4. Chợ nổi gợi cho tác giả cảm giác gì?
LUYỆN TẬP
1. Tác giả đã so sánh những nhánh cây treo rau, trái trên thuyền với sự vật nào?
Sự vật 1 | Từ so sánh | Sự vật 2 |
Những nhánh cây treo rau, trái |
2. Tác giả đã sử dụng những từ ngữ nào để diễn tả sự phong phú, hấp dẫn của rau, trái được bày bán ở chợ nổi?
BÀI VIẾT 3
Chính tả
1. Nhớ – viết: Trên hồ Ba Bể (2 khổ thơ đầu)
(2). Tìm đường
a) Em chọn chữ (l hay n) phù hợp với ô trống. Giúp rùa con tìm đường về hang, biết rằng đường về hang được đánh dấu bằng các tiếng bắt đầu với chữ I.
...áo động
giếng ...ước
cây ...ấm
lo ...ắng
đồng ...úa
...ội suối
no ...ê
...ông dân
khoai ...ang
b) Em chọn chữ (c hay t) phù hợp với ô trống. Giúp bạn Nam tìm đường về làng, biết rằng đường về làng được đánh dấu bằng các tiếng có chữ c đứng cuối.
nướ... mưa
trong vắ...
quạ... mát
má... lạnh
tinh mắ...
rướ... đèn
ướ... mong
đượ... mùa
(3). Tìm các tiếng:
a) Bắt đầu bằng l hoặc n, có nghĩa như sau:
- Trái ngược với chặt (chặt chẽ).
- Đồ dùng, thường bằng lá, để đội đầu, che mưa nắng.
- Đồ dùng bằng đất hoặc kim loại, có lòng sâu, để nấu cơm hoặc thức ăn.
b) Có vần uôc hoặc uôt, có nghĩa như sau:
- Có cảm giác đau nhói hoặc rất rét.
- Chất được chế biến dùng để chữa bệnh (bằng cách uống, tiêm,....).
- Làm chín thức ăn trong nước sôi.
TRAO ĐỔI
Em đọc sách báo
1. Kể hoặc đọc lại một câu chuyện (bài thơ, bài văn) về cảnh đẹp quê hương, đất nước mà em đã đọc ở nhà.
M
Vẽ quê hương
Bút chì xanh đỏ
Em gọt hai đầu
Em thử hai màu
Xanh tươi, đỏ thắm.
Em vẽ làng xóm
Tre xanh, lúa xanh
Sông máng lượn quanh
Một dòng xanh mát
Trời mây bát ngát
Xanh ngắt mùa thu
Xanh màu ước mơ...
Em quay đầu đỏ
Vẽ nhà em ở
Ngói mới đỏ tươi
Trường học trên đồi
Em tô đỏ thắm
Cây gạo đầu xóm
Hoa nở chói ngời.
A, nắng lên rồi!
Mặt Trời đỏ chót
Lá cờ Tổ quốc
Bay giữa trời xanh...
Chị ơi bức tranh
Quê ta đẹp quá!
ĐỊNH HẢI
Sông máng (sông đào): sông do người đào để lấy nước tưới ruộng, làm đường vận chuyển.
2. Trao đổi về câu chuyện (bài thơ, bài văn) em đã đọc.
Gợi ý
- Em thích nhân vật (hoặc chi tiết, hình ảnh) nào trong câu chuyện (bài thơ, bài văn) đó? Vì sao?
- Câu chuyện (bài thơ, bài văn) đó nói lên điều gì?
BÀI ĐỌC 4
Sự tích thành Cổ Loa
An Dương Vương lập nên nước Âu Lạc. Sau chiến công đánh thắng quân xâm lược Tần, nhà vua cho xây thành để đề phòng quân giặc từ phương Bắc.
Ban đầu, thành cứ đắp cao lên là lại đổ sập xuống. Nhiều lần như vậy, An Dương Vương rất buồn rầu. Nhà vua lập đàn cầu trời phù hộ. Bỗng có một ông già râu tóc bạc trắng hiện lên, nói với vua rằng: “Sáng mai, nhà vua ra đón ở bờ sông, sẽ có Thần Kim Quy đến giúp.”.
Hôm sau, mới tờ mờ sáng, An Dương Vương đã ra tận bờ sông đợi. Vừa bắt đầu tan sương thì có một con rùa vàng rất lớn bơi vào bờ. Rùa tự xưng mình là Thần Kim Quy, sứ giả của vua Thuỷ Tề.
Nhờ có Thần Kim Quy diệt trừ yêu quái, chẳng bao lâu, thành đã đắp xong. Thành có ba vòng, xoáy như hình trôn ốc, nên gọi là Loa Thành.
Di tích thành Cổ Loa
Trước khi chia tay, Thần Kim Quy rút một cái móng của mình trao cho An Dương Vương, dặn rằng: “Nhà vua giữ lấy móng này để làm lẫy nỏ. Khi có giặc thì đem ra bắn, một phát có thể giết được hàng nghìn quân giặc.".
Theo NGUYỄN ĐỔNG CHI
- Thành Cổ Loa: thành do An Dương Vương xây ở đất Phong Khê, nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.
- An Dương Vương: tên thật là Thục Phán, sống cách đây hơn 2000 năm.
- Tần: triều đại ở Trung Quốc, cách đây hơn 2000 năm.
- Đàn: nền đất đắp cao hoặc đài cao dùng để tế lễ.
- Phù hộ: (thần linh) che chở, giúp đỡ.
- Lẫy nỏ: bộ phận của nỏ dùng để bật dây nỏ, phóng tên đi.
ĐỌC HIỂU
1. Qua đoạn 1, em biết điều gì về vua An Dương Vương?
2. Ban đầu, công việc xây thành của nhà vua gặp khó khăn gì?
3. Ai đã giúp nhà vua diệt trừ yêu quái, xây Loa Thành?
4. Thần Kim Quy làm gì và nói gì với nhà vua trước khi chia tay?
LUYỆN TẬP
1. Các dấu ngoặc kép trong bài đọc được dùng để làm gì?
2. Viết lại các câu dưới đây thành câu có hình ảnh so sánh bằng cách thêm vào sau từ in đậm những từ ngữ phù hợp:
a) Bỗng có một ông già râu tóc bạc trắng hiện lên.
b) Vừa tan sương thì có một con rùa vàng lớn bơi vào bờ.
(M) Bỗng có một ông già râu tóc bạc trắng như mây hiện lên.
GÓC SÁNG TẠO
Đố vui: Đó là cảnh đẹp nào?
1. Chuẩn bị câu hỏi bí mật theo một trong ba cách:
a) Chép lại một câu đố đã học ở Bài 11.
b) Chọn sẵn một hình ảnh ở Bài 11.
c) Mang đến lớp ảnh (hoặc tranh) về một cảnh đẹp nổi tiếng ở địa phương.
M
Tam Cốc (Ninh Bình)
Kênh Vĩnh Tế (An Giang, Kiên Giang)
Núi Bà Đen (Tây Ninh)
Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (Gia Lai)
2. Viết một đoạn văn ngắn về cảnh đẹp đã chọn.
3. Hỏi đáp, đọc đoạn văn về cảnh đẹp đã chọn.
TỰ ĐÁNH GIÁ
Sau Bài 11, em đã biết thêm những gì, đã làm thêm được những gì? Hãy hoàn chỉnh bảng dưới đây và tự đánh giá theo gợi ý:
Đã biết những gì? | Đã làm được những gì? |
a) Ôn chữ viết hoa: O, Ô, Ơ | a) Viết đúng tên riêng và câu... |
b) Từ ngữ về quê hương, cảnh đẹp quê hương | b) Sử dụng... |
c) Tên người, tên địa lí Việt Nam | c) Viết đúng... |
d) So sánh | d) Đặt câu có hình ảnh so sánh |
e) Truyện, thơ, văn miêu tả, tranh ảnh về cảnh đẹp quê hương, đất nước | e) Nói, viết về cảnh đẹp quê hương, đất nước |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn