Bài 12: Đồng Quê Yêu Dấu | Tiếng Việt 3 - Tập Hai | ĐẤT NƯỚC - Lớp 3 - Cánh Diều

Tiếng Việt 3 - Tập 2 - Bài 12


CHIA SẺ

1. Hãy đọc và giải các câu đố sau:

a)

Cánh gì cánh chẳng biết bay
Chim hay sà xuống nơi đây kiếm mồi
Đổi ngàn vạn giọt mồ hôi
Bát cơm trắng dẻo, đĩa xôi thơm bùi?

(Là gì?)

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-0

b) Thân thì bé nhỏ
    Bụng có ngọn đèn
    Toả sáng về đêm
    Những hôm tối mịt.

                                    (Là con gì?)

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-1

c) Bằng cái vung
    Vùng xuống ao
    Đào không thấy
    Lấy chẳng được.

                                    (Là gì?)

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-2

2. Các câu đố trên nói về cảnh vật, con vật ở đâu? Chọn ý đúng:

a) Ở thành phố.

b) Ở nông thôn.

c) Ở ngoài biển.

BÀI ĐỌC 1

Sông quê

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-3

Gió chiều ru hiền hoà
Rung bờ tre xào xạc
Bầy sẻ vui nhả nhạc
Rộn rã khúc sông quê.

Ngày hai buổi đi về
Qua cầu tre lắt lẻo
Tiếng bạn cười trong trẻo
Vang vọng hai bờ sông.

Và câu hò mênh mông
Lắng tình quê tha thiết
Thuyền nan nghèo dăm chiếc
Lặng lờ trôi trong chiều...

Hỡi dòng sông thương yêu
Trải mình theo năm tháng
Cho em cùng bè bạn
Soi bóng mình tuổi hoa!

NGUYỄN LIÊN CHÂU

- Xào xạc: từ gợi tả tiếng lá cây lay động va chạm nhẹ vào nhau.

- Nhả nhạc: hót (nghĩa trong bài).

- Lắt lẻo: đung đưa trên cao.

- Lặng lờ: hoàn toàn yên lặng, không tạo ra tiếng động.

ĐỌC HIỂU

1. Những từ ngữ, hình ảnh nào cho biết bài thơ tả cảnh một vùng quê?

2. Tìm những hình ảnh yên bình của dòng sông quê hương.

3. Những âm thanh nào đem lại không khí vui tươi, ấm áp cho dòng sông?

4. Bài thơ thể hiện tình cảm của bạn nhỏ với dòng sông quê hương như thế nào?

• Học thuộc lòng 3 khổ thơ đầu.

LUYỆN TẬP

1. Tìm từ ngữ có nghĩa giống những từ ngữ sau:

trong trẻo

tuổi hoa

2. Đóng vai bạn nhỏ trong bài thơ, đặt câu cảm để bày tỏ:

a) Cảm xúc của em về cảnh đẹp của dòng sông.

b) Cảm xúc của em về tiếng hò trên dòng sông.

c) Tình cảm của em với dòng sông quê hương.

TỰ ĐỌC SÁCH BÁO

1. Tìm đọc thêm ở nhà:

- 2 câu chuyện (hoặc 1 bài thơ, 1 câu chuyện) về nông thôn.

- 1 bài văn miêu tả hoặc cung cấp thông tin về nông thôn.

2. Viết vào phiếu đọc sách:

- Tên bài đọc và một số nội dung chính (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn, câu thơ em thích).

- Cảm nghĩ của em.

BÀI VIẾT 1

Ôn chữ viết hoa: P, Q

1. Viết tên riêng: Phú Quốc

2. Viết câu:

Quê ta có dải sông Hàn
Có chùa Non Nước, có hang Sơn Trà.

Ca dao

TRAO ĐỔI

Kì nghỉ thú vị

1. Đọc câu chuyện:

Nghỉ hè, Lâm được về quê ở với ông bà. Lần đầu tiên, em thấy quả táo, quả lê ở trên cây, thấy cây đỗ với hai cái lá non vừa đội đất nhô lên, quả bí đao dài thượt trên giàn và cánh đồng lúa đang trổ đòng thơm mùi sữa,...

Thấy mấy con vật to, da trắng loang đen, có cặp sừng nhọn, Lâm hoảng sợ. Ông bảo: “Cháu đừng sợ! Đây là mấy con bò vẫn cho cháu sữa đấy.".

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-4

Ông dẫn Lâm ra chuồng gà, chỉ cho em xem một quả trứng, chú gà ở bên trong đã mổ vỏ, chuẩn bị ra ngoài. Lâm tò mò muốn biết chú gà sẽ chui ra như thế nào nên ngồi canh ổ gà cả một buổi.

Kì nghỉ hè đã mang lại cho Lâm bao điều mới lạ, bổ ích.

Theo sách 365 chuyện kể mỗi ngày

2. Trao đổi:

a) Qua kì nghỉ hè ở quê, Lâm đã biết thêm điều gì về cây, quả?

b) Ông đã giúp Lâm hiểu về nguồn gốc của sữa và sự ra đời của những chú gà con bằng cách nào?

3. Hãy nói về một con vật (hoặc cây, hoa, quả) mà em thích.

Gợi ý

a) Đó là con vật (cây, hoa, quả) gì?

b) Con vật (cây, hoa, quả) ấy trông như thế nào?

c) Vì sao em thích con vật (cây, hoa, quả) ấy?

BÀI ĐỌC 2

Hương làng

Làng tôi là một làng nghèo nên chẳng nhà nào có đất để trồng hoa. Tuy vậy, đi trong làng, tôi luôn thấy những làn hương mộc mạc, chân chất quen thuộc của đất quê.

Chiều chiều, hoa thiên lí cứ thoảng nhẹ đâu đây, bay đến rồi thoáng cái lại bay đi. Tháng Ba, tháng Tư, hoa cau thơm lạ lùng. Tháng Tám, tháng Chín, hoa ngâu như những viên trứng cua tí tẹo, ẩn sau tầng lá xanh rậm rạp, thơm nồng nàn. Tưởng như có thể sờ được, nắm được những làn hương ấy.

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-5

Ngày mùa, mùi thơm từ đồng thơm vào, thơm trên đường làng, thơm ngoài sân đình, thơm trên các ngõ. Đó là hương cốm, hương lúa, hương rơm rạ. Cứ muốn căng lồng ngực ra mà hít thở đến no nê, giống như thuở nhỏ hít hà hương thơm từ nồi cơm gạo mới mẹ bắc ra và gọi cả nhà ngồi vào quanh mâm.

Mùa xuân, ngắt một cái lá chanh, lá bưởi, một lá xương sông, một chiếc lá lốt, một nhánh hương nhu, nhánh bạc hà,... hai tay mình cũng đượm mùi thơm mãi không thôi.

Theo BĂNG SƠN

- Mộc mạc: giản dị, đơn sơ, giữ nguyên vẻ tự nhiên.

- Chân chất: mộc mạc, không màu mè.

- Đượm: thấm sâu, đậm vào bên trong.

ĐỌC HIỂU

1. Mỗi khi đi trong làng, tác giả cảm nhận được điều gì?

2. Tìm những từ ngữ trong bài đọc tả hương thơm của hoa, lá.

3. Ngày mùa, làng quê tác giả còn có những hương thơm đặc biệt nào?

4. Theo em, vì sao bài đọc có tên là Hương làng?

LUYỆN TẬP

1. Đọc câu sau và hoàn chỉnh bảng so sánh ở bên dưới:

Tôi cứ muốn căng lồng ngực ra mà hít thở đến no nê những mùi thơm ấy, giống như thuở nhỏ hít hà hương thơm từ nồi cơm gạo mới mẹ bắc ra.

Hoạt động 1 Từ so sánh Hoạt động 2
hít thở những mùi thơm ấy ... hít hà...

2. Tìm những hoạt động được so sánh với nhau trong mỗi câu văn, câu thơ sau:

a) Những con bướm vàng sẫm,
    ven cánh có răng cưa, lượn
    lờ đờ như trôi trong nắng.

VŨ TÚ NAM

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-6

b) Con mẹ đẹp sao
    Những hòn tơ nhỏ
    Chạy như lăn tròn
    Trên sân, trên cỏ.

PHẠM HỒ

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-7

c) Thuyền chồm lên hụp xuống như nô giỡn.

                                              BÙI HIỂN

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-8

BÀI VIẾT 2

Viết thư thăm bạn

1. Đọc bức thư sau và trao đổi:

Thư thăm bạn

Nghệ An, ngày 6 tháng 11 năm 2022

Hà thân mến!

Cừ ngày Hà chuyển vào Đồng Nai, mình nhớ bạn lắm. Hà học ở trường mới có thích không? Bố mẹ và em Chi thế nào? Viết thư kể cho mình với nhé!

Hà ơi, quê mình dạo này có nhiều cái mới lắm! Mấy con đường làng được đổ bê tông phẳng lì. Xóm mình mới xây nhà văn hoá, có cái sân rất rộng, buổi tối điện sáng trưng. Ra đó, bọn mình tha hồ chạy nhảy. Dịp nào Hà về, chúng mình sẽ cùng ra chơi nhé.

Mong Hà học thật giỏi. Chờ thư của bạn .

Ngọc     
Quỳnh Ngọc

a) Quỳnh Ngọc viết thư cho ai? Dòng đầu bức thư, bạn ấy viết gì?

b) Quỳnh Ngọc hỏi thăm bạn về điều gì, kể với bạn những gì?

c) Cuối bức thư, Quỳnh Ngọc viết gì?

2. Hãy đóng vai bạn Hà, viết một bức thư trả lời Quỳnh Ngọc.

1. Viết thư gửi ai, về việc gì?

Viết thư trả lời bạn.

2. Tìm ý

- Trả lời câu hỏi của bạn.

- Hẹn về quê và chúc bạn.

3. Sắp xếp ý

- Địa điểm, ngày tháng viết thư.

- Lời chào.

- Trả lời câu hỏi của bạn.

- Lời hẹn, lời chúc, kí tên.

4. Viết

- Viết theo ý đã sắp xếp.

- Có cách xưng hô phù hợp.

- Viết câu đúng, liền mạch.

5. Hoàn chỉnh

- Sửa lỗi.

- Bổ sung ý hay.

BÀI ĐỌC 3

Làng em

Làng em nằm lặng lẽ
Bên bờ dòng sông Diêm
Làng mềm như dáng lúa
Cong cong hình lưỡi liềm.

Buổi sáng Mặt Trời mọc
Trên nóc ngôi nhà cao
Để những đêm trăng lặn
Làm mặt sông lao xao.

Những con đường lầy lội
Giờ đã rộng thênh thang
Cần ăng ten đón gió
Vắt câu chèo sang ngang.

Trường của em khang trang
Dưới hàng cây rợp mát
Tự dưng em muốn hát:
“Em yêu làng của em.".

BÙI HOÀNG TÁM

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-9

- Sông Diêm: một dòng sông nhỏ ở tỉnh Thái Bình.

- Ăng ten: thiết bị thu hay phát sóng của ra đi ô, ti vi,...

ĐỌC HIỂU

1. Làng quê của bạn nhỏ ở đâu? Hình dáng ngôi làng có gì đặc biệt?

2. Làng quê đã đổi thay như thế nào so với trước kia?

3. Ngôi trường mới được bạn nhỏ miêu tả như thế nào?

4. Hai dòng thơ cuối thể hiện điều gì?

LUYỆN TẬP

1. Tìm từ có nghĩa trái ngược với từ in đậm trong câu thơ sau:

                                   Những con đường lầy lội
                                   Giờ đã rộng thênh thang.

Qua đó, em hiểu con đường trước đây như thế nào?

2. Ghép đúng để được các cặp từ có nghĩa trái ngược nhau:

a) lặng lẽ 1) lặn
b) mọc 2) lụp xụp
c) khang trang 3) ồn ào

3. Đặt câu phân biệt hai từ có nghĩa trái ngược nhau vừa tìm được trong bài tập 2.

M

- Ban đêm, khu vườn rất lặng lẽ.

- Vừa sáng sớm, tiếng cười nói đã ồn ào.

BÀI VIẾT 3

Chính tả

1. Nhớ – viết: Sông quê (3 khổ thơ đầu)

(2). Tìm chữ phù hợp với ô trống:

a) Chữ s hay x?

Mùa xuân, khi mưa phùn và ...ương ...ớm lẫn vào nhau, cây gạo ngoài cổng chùa bật ra những đoá hoa làm ...áng bừng một góc trời. Tiếng chim ...áo về ríu rít. Nghe mà ...ốn ...ang mãi.

Theo BẰNG SƠN

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-10

b) Chữ n hay ng?

Bà... xòe những lá non
Xoa... rắc hoa tím ngát
Đậu nảy mầm ngơ ngác
Nhì... hoa gạo đỏ cành
Lúa chiêm bát ngát xanh
Chờ ngày mai sấm gọi
Đom đóm quê... sớm tối
Đêm thắp đè... chơi xuâ...

LÊ QUANG TRANG

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-11

(3). Chọn tiếng trong ngoặc đơn phù hợp với ô trống:

a) (sẻ, xẻ):

chia ...

cưa ...

suôn ...

san ...

b) (bản, bảng):

... lớp

... làng

... kế hoạch

... vàng thi đua

KỂ CHUYỆN

Kho báu

Ngụ ngôn Ê-đốp

1. Nghe và kể lại câu chuyện:

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-12

Gợi ý

a) Hai vợ chồng người nông dân chịu khó như thế nào?

b) Tính tình hai người con của họ ra sao?

c) Trước khi mất, người cha dặn dò các con điều gì?

d) Hai người con đã làm gì? Không tìm thấy thứ cha nói, họ làm gì?

e) Cuối cùng, hai người con đã thay đổi như thế nào?

2. Trao đổi về nội dung, ý nghĩa câu chuyện:

a) Em hiểu kho báu mà người cha dặn các con tìm là gì?

b) Câu chuyện khuyên chúng ta điều gì?

BÀI ĐỌC 4

Phép mầu trên sa mạc

Hầu hết diện tích I-xra-en là sa mạc và núi đá, khí hậu cực kì khắc nghiệt. Nhưng người I-xra-en đã biến sa mạc thành ruộng đồng xanh tốt bằng kĩ thuật tưới nhỏ giọt. Nhờ hệ thống đường ống gắn các đầu nhỏ giọt, nước và phân bón được cung cấp thường xuyên, giúp cây phát triển, phủ xanh sa mạc.

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-13

Kĩ thuật tưới nhỏ giọt

Một cánh đồng giữa sa mạc

Trên sa mạc, xen giữa những cánh đồng cà chua, anh đào, ô liu,... là những trang trại thuỷ sản lớn. I-xra-en, một đất nước phải tiết kiệm từng giọt nước, đã trở thành nơi xuất khẩu thuỷ sản.

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-14

Một trang trại thuỷ sản

I-xra-en phát triển không chỉ bằng sự cần cù mà chủ yếu bằng trí óc sáng tạo. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của nước này rất cao: Năm 2019, I-xra-en xếp thứ 32 thế giới về thu nhập bình quân.

Theo CHI MΑΙ

Ghép đúng:

a) I-xra-en 1) vùng rộng lớn có khí hậu rất khô, hầu như không có cây cối
b) Sa mạc 2) một nước ở Trung Đông (phía tây nam châu Á)
c) Thuỷ sản 3) các khoản thu được hằng năm của một nước chia đều theo số dân
d) Thu nhập bình quân 4) vật nuôi và cây trồng ở dưới nước, như cá, tôm, rau câu,...

ĐỌC HIỂU

1. Người dân I-xra-en đã biến sa mạc thành đồng ruộng xanh tốt bằng cách nào?

2. Các trang trại thuỷ sản của I-xra-en được lập ra ở đâu?

3. Nhờ đâu mà người I-xra-en đã làm nên “phép mầu trên sa mạc”?

LUYỆN TẬP

1. Tìm bộ phận trả lời cho câu hỏi Bằng gì?:

a) I-xra-en phát triển chủ yếu bằng trí óc sáng tạo.

b) Người I-xra-en đã biến sa mạc thành ruộng đồng xanh tốt bằng kĩ thuật tưới nhỏ giọt.

2. Tìm các từ ngữ chỉ những sự vật thể hiện đặc điểm của nông thôn mới:

NÔNG THÔN MỚI

đường đất

kĩ thuật mới

đèn dầu

đường nhựa

lớp học tạm

nhà lá

In-tơ-nét

nhà văn hoá

đèn điện

máy nông nghiệp

GÓC SÁNG TẠO

Thư gửi người thân

1. Viết một bức thư gửi người thân (ông, bà, cô, chú, bác, dì, cậu,...) theo một trong hai nội dung sau:

a) Nêu cảm xúc của em về con người (hoặc cảnh vật) ở nông thôn sau một chuyến về thăm quê (hoặc một kì nghỉ ở nông thôn).

b) Kể về những thay đổi tốt đẹp gần đây ở địa phương em.

2. Minh hoạ cho nội dung bức thư bằng tranh em vẽ hoặc tranh ảnh sưu tầm.

3. Tập ghi phong bì thư:

hinh-anh-bai-12-dong-que-yeu-dau-9148-15

Người gửi / From: Nguyễn Mai Chi
Số nhà... đường Ngô Trí Hoà, phường Bến Thuỷ,
thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Người nhận / To: Trần Vũ Huyên Nhi Hôm...
Xóm..., thôn Tùng Liên, thị trấn Đồng Lộc
huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tỉnh

Gợi ý

- Góc bên trái (phía trên): ghi họ và tên, địa chỉ người gửi.

- Góc bên phải (phía dưới): ghi họ và tên, địa chỉ người nhận.

- Góc bên phải (phía trên): dán tem trước khi bỏ thư vào hòm thư.

TỰ ĐÁNH GIÁ

Sau Bài 12, em đã biết thêm những gì, đã làm thêm được những gì? Hãy hoàn chỉnh bảng dưới đây và tự đánh giá theo gợi ý:

Đã biết những gì? Đã làm được những gì?
a) Ôn chữ viết hoa: P, Q a) ...
b) Từ ngữ về nông thôn b) Sử dụng...
c) Câu hỏi Bằng gì? c) Hỏi và trả lời câu hỏi Bằng gì?
d) So sánh các hoạt động d) Nhận biết các hình ảnh so sánh hoạt động
e) Thư từ e) ...
g) Truyện, thơ, văn miêu tả, thông tin, tranh ảnh về nông thôn g) Giải thích tên bài đọc; kể chuyện về con người và cuộc sống ở nông thôn

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 12: Đồng Quê Yêu Dấu | Tiếng Việt 3 - Tập Hai | ĐẤT NƯỚC - Lớp 3 - Cánh Diều

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 3

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Cánh Diều

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.