Nội Dung Chính
1.Ôn tập bài hát: Dàn đồng ca mùa hạ
- Trình bày bài hát theo hình thức đơn ca, song ca.
- Trình bày bài hát bằng cách hát có lĩnh xướng, đối đáp, đồng ca.
- Tập hát kết hợp động tác phụ hoạ và biểu diễn bài hát trước lớp.
2.Nghe nhạc
Nghe một bài hát thiếu nhi hay một bài dân ca hoặc một trích đoạn nhạc không lời.
Bài đọc thêm
NGƯỜI BẠN THÂN THIẾT CỦA CHÚNG TA
Người ta ai cũng trải qua tuổi ấu thơ. Sau này, khi đã lớn lên hoặc trở về già, thỉnh thoảng những kỉ niệm thời xa xưa vẫn hiện về trong tâm trí chúng ta như một cuốn phim rất đỗi thân thương. Những hình ảnh về người, về cảnh có thể đã bị năm tháng của cuộc đời sau này làm cho mờ nhạt khi chúng ta nhớ lại thời mình vẫn còn lẫm chẫm biết đi, bập bẹ học nói, nhưng có những cái vẫn hằn sâu khá rõ nét trong kí ức của mỗi người. Đó là âm thanh mà ta đã nghe, đã học từ những năm đầu tiên của cuộc đời.
Các nhà khoa học đã khẳng định rằng âm thanh đến với con người từ rất sớm. Em bé nằm trong bụng mẹ đã bắt đầu được nghe những âm thanh ở bên ngoài, trong khi đó thì mắt của em còn nhắm nghiền, chưa hề được tiếp xúc với ánh sáng và màu sắc.
Một nhà chỉ huy âm nhạc người Mĩ, có mẹ là nghệ sĩ đàn pi-a-nô, đã kể lại một sự việc thế này: Thuở bé khi còn học đàn pi-a-nô, có những bản nhạc khá dài mà chỉ mới đánh lên câu đầu tiên là trong óc đã hình dung ra được cả bài và ông có thể đánh trôi chảy từ đầu đến cuối, không cần nhìn vào sách nhạc. Thì ra đó là những bản nhạc mà khi còn trong bụng mẹ, ông đã nghe mẹ luyện tập hằng ngày. Những âm thanh đó đã in trong óc ông từ khi chưa cất tiếng khóc chào đời.
Chuyện tưởng như viển vông này lại được các nhà khoa học xác nhận là hoàn toàn có thể xảy ra như vậy.
Chỉ cần quan sát xung quanh ta và nghĩ lại về những điều làm mình thích thú, chắc các em đều có thể thấy rằng tuổi thiếu nhi rất gắn bó với âm nhạc. Từ nhà trẻ, lớp mẫu giáo tới các trường phổ thông, đâu đâu chúng ta cũng có thể nghe ngân vang tiếng hát, lời ca. Âm nhạc rõ ràng là người bạn thân thiết của tuổi nhỏ.
Có người cho rằng, âm nhạc là ngôn ngữ có tính chất quốc tế, không cần phiên dịch. Điều đó cũng đúng bởi khi tìm hiểu kho tàng âm nhạc trên thế giới, chúng ta nhận thấy những điều gần gũi giữa nền dân ca các nước. Cả những tác phẩm cổ điển của Mô-da (Áo), Bét-tô-ven (Đức), Trai-cốp-xki (Nga), Gơ-rích (Na-uy),... cũng có thể mang lại cho chúng ta những niềm xúc động sâu sắc và đẹp đẽ. Thế giới âm nhạc quả thật là bao la và vô cùng hấp dẫn. Âm nhạc chân chính làm cho tâm hồn chúng ta ngày càng gần với những gì tốt đẹp nhất của loài người và làm cho mỗi người biết sống một cách cao đẹp hơn.
Theo sách ÂM NHẠC Ở QUANH TA, Phạm Tuyên.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn