CHIẾU DỜI ĐÔ | Ngữ Văn 8 - Tập 2 | Bài 22 - Lớp 8 - Giáo Dục Việt Nam

(Thiên đô chiếu)

Nội Dung Chính

  1. VĂN BẢN
  2. LUYỆN TẬP

VĂN BẢN

Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh(1) năm lần dời đô(2); nhà Chu đến vua Thành Vương(3) cũng ba lần dời đô(4). Phải đâu các vua thời Tam đại(5) theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh(6). Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây(7), khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi(8).

hinh-anh-chieu-doi-do-2176-0

Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương(9): Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi(10). Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa(11). Thật là chốn tụ hội trọng yếu(12) của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?

(Lí Công Uẩn(*), trong Thơ văn Lí – Trần, tập I,

NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977)

Chú thích:

(*) Lí Công Uẩn (974 – 1028) tức Lí Thái Tổ, người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông là người thông minh, nhân ái, có chí lớn và lập được nhiều chiến công. Dưới thời Tiền Lê, ông làm đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Khi Lê Ngọa Triều mất, ông được triều thần tôn lên làm vua, lấy niên hiệu là Thuận Thiên.

Chiếu là thể văn do vua dùng để ban bố mệnh lệnh. Chiếu có thể viết bằng văn vần, văn biền ngẫu hoặc văn xuôi; được công bố và đón nhận một cách trang trọng. Một số bài chiếu thể hiện tư tưởng chính trị lớn lao, có ảnh hưởng đến vận mệnh của cả triều đại, đất nước. Năm Canh Tuất niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1010), Lí Công Uẩn viết bài chiếu bày tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay). Văn bản bài Chiếu dời đô ở đây là do Nguyễn Đức Vân dịch.

(1) Bàn Canh: vua thứ mười bảy của nhà Thương, một triều đại rất xưa trong lịch sử Trung Quốc.

(2) Năm lần dời đô: nhà Thương từ vua đầu tiên là Thành Thang đến Bàn Canh đã năm lần dời đô.

(3) Thành Vương: vua thứ ba nhà Chu , triều đại tiếp nối nhà Thương.

(4) Ba lần dời đô: nhà Chu từ Chu Văn Vương qua Chu Vũ Vương đến Chu Thành Vương đã ba lần dời đô.

(5) Tam đại: tên chung chỉ ba triều đại Hạ,Thương, Chu nối tiếp nhau trong lịch sử cổ đại Trung Quốc.

(6) Phồn thịnh: ở trạng thái phát triển tốt đẹp, dồi dào, sung túc.

(7) Nơi đây: chỉ Hoa Lư, nơi triều đình nhà Lí còn đóng đô khi ấy.

(8) Thực ra việc hai triều Đinh, Lê vẫn cứ đóng đô ở Hoa Lư chứng tỏ thế và lực chưa đủ mạnh, vẫn còn phải dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở. Đến thời Lí, với sự phát triển lớn mạnh của đất nước thì việc đóng đô ở Hoa Lư là không còn phù hợp nữa.

(9) Cao Vương: tức Cao Biền, viên quan nhà Đường, từng làm Đô hộ sứ Giao Châu (tức nước ta ngày xưa) từ năm 864 đến năm 875.

(10) Thế rồng cuộn hổ ngồi: thế đất giống hình rồng cuộn, hổ ngồi, được coi là thế đất đẹp, sẽ phát triển thịnh vượng.

(11) Thắng địa: chỗ đất có phong cảnh và địa thế đẹp.

(12) Trọng yếu: hết sức quan trọng, có tính chất cơ bản, mấu chốt.

ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Mở đầu Chiếu dời đô, Lí Công Uẩn viện dẫn sử sách Trung Quốc nói về việc các vua đời xưa bên Trung Quốc cũng từng có những cuộc dời đô. Sự viện dẫn đó nhằm mục đích gì?

2. Theo Lí Công Uẩn, kinh đô cũ ở vùng núi Hoa Lư (Ninh Bình) của hai triều Đinh, Lê là không còn thích hợp, vì sao? (xem lại chú thích (8) ở trên để hiểu lí do khiến hai triều Đinh, Lê vẫn phải dựa vào vùng núi Hoa Lư để đóng đô.)

3. Theo tác giả, địa thế thành Đại La có những thuận lợi gì để có thể chọn làm nơi đóng đô? (Chú ý vị trí địa lí, hình thế núi sông, sự thuận tiện trong giao lưu, phát triển về mọi mặt).

4. Chứng minh Chiếu dời đô có sức thuyết phục lớn bởi có sự kết hợp giữa lí và tình.

(Gợi ý:

– Trình tự lí lẽ mà Lí Công Uẩn đưa ra để khẳng định việc cần thiết phải dời đô.

– Lời ban bố mệnh lệnh mà lại có những đoạn bày tỏ nỗi lòng, có những lời như đối thoại. Ngôn từ mang tính chất đối thoại, tâm tình ở hai câu cuối bài chiếu có tác dụng như thế nào?)

5*. Vì sao nói việc Chiếu dời đô ra đời phản ánh ý chí độc lập, tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt?

Ghi nhớ

Chiếu dời đô phản ánh khát vọng của nhân dân về một đất nước độc lập, thống nhất, đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh. Bài chiếu có sức thuyết phục mạnh mẽ vì nói đúng được ý nguyện của nhân dân, có sự kết hợp hài hoà giữa lí và tình.

LUYỆN TẬP

Chứng minh Chiếu dời đô có kết cấu chặt chẽ, lập luận giàu sức thuyết phục.

Tin tức mới


Đánh giá

CHIẾU DỜI ĐÔ | Ngữ Văn 8 - Tập 2 | Bài 22 - Lớp 8 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 8 - Tập 2

  1. Bài 18
  2. Bài 19
  3. Bài 20
  4. Bài 21
  5. Bài 22
  6. Bài 23
  7. Bài 24
  8. Bài 25
  9. Bài 26
  10. Bài 27
  11. Bài 28
  12. Bài 29
  13. Bài 30
  14. Bài 31
  15. Bài 32
  16. Bài 33
  17. Bài 34

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 8

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.