I – NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN CHÚ Ý
1. Về phần Đọc – hiểu văn bản (phần Văn)
Trọng tâm chương trình Ngữ văn lớp 8, học kì II là đọc – hiểu tác phẩm trữ tình, văn bản nghị luận. Khi ôn tập, học sinh cần chú ý một số nội dung cơ bản sau đây:
a) Nắm được nội dung cụ thể và vẻ đẹp của tác phẩm trữ tình đã học trong chương trình: nội dung trữ tình (vẻ đẹp tâm hồn của những nhà thơ cộng sản như Hồ Chí Minh, Tố Hữu …; tâm tư tình cảm của một số nhà thơ mới lãng mạn …), cách thức trữ tình (cái tôi trữ tình); vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca, vai trò và tác dụng của các biện pháp tu từ trong các tác phẩm trữ tình. Qua những bài thơ này, liên hệ và so sánh với những bài thơ truyền thống (thơ Đường luật) để bước đầu nắm được một số đặc điểm của thơ mới, từ đó biết cách phân tích và cảm thụ thơ mới.
b) Nắm được nội dung và đặc điểm của một số văn bản nghị luận. Về nội dung: thấy được tư tưởng yêu nước, tinh thần chống xâm lăng và lòng tự hào dân tộc của cha ông ta qua những áng văn chính luận nổi tiếng, từ những văn bản thời trung đại như Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Nước Đại Việt ta của Nguyễn Trãi,… đến văn bản thời hiện đại như Thuế máu của Nguyễn Ái Quốc. Những nội dung ấy lại được thể hiện bằng hình thức lập luận rất chặt chẽ, sắc sảo với giọng văn đanh thép, hung hồn. Với các thể văn cổ như hịch, cáo, chiếu,… cần nắm được đặc điểm về hình thức bố cục, câu văn biền ngẫu,… đã giúp cho việc lập luận chặt chẽ và sáng tỏ như thế nào.
2. Về phần Tiếng Việt
a) Lí thuyết:
– Các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán, trần thuật, phủ định;
– Các hành động hỏi, trình bày, điều khiển, hứa hẹn, bộc lộ cảm xúc và cách thể hiện chúng bằng các kiểu câu;
– Vai xã hội và lượt lời trong hội thoại; ý nghĩa của việc ứng xử đúng vai, điều chỉnh thái độ trong giao tiếp;
– Mục đích của việc lựa chọn trật tự từ trong câu.
b) Thực hành:
Biết vận dụng các kiến thức đã học khi viết bài tập làm văn và khi đọc – hiểu các văn bản chung học ở phần Văn cũng như trong giao tiếp hàng ngày.
3. Về phần Tập làm văn
Về phần Tập làm văn ở chương trình Ngữ văn lớp 8, học kì II, cần chú ý các nội dung sau:
a) Nắm được cách làm bài văn thuyết minh một phương pháp (cách làm), một danh lam thắng cảnh (di tích lịch sử).
b) Nhận diện được các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm và tác dụng của chúng trong văn bản nghị luận. Biết cách làm một bài văn nghị luận kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm.
c) Biết cách làm văn bản tường trình và thông báo, nhận ra các lỗi và biết cách sửa lỗi thường gặp ở loại văn bản này.
II – HƯỚNG KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ
Chương trình Ngữ văn lớp 8 được xây dựng theo tinh thần tích hợp, vì thế khi ôn tập chuẩn bị cho bài kiểm tra tổng hợp cuối năm, cần chú ý:
1. Các kiến thức về Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn thường dựa vào cùng một văn bản chung đã học để khai thác và hình thành. Khi học ôn, cần liên hệ và gắn các kiến thức của mỗi phần với các văn bản chung có trong sách giáo khoa.
2. Do yêu cầu đổi mới đánh giá, bài kiểm tra áp dụng một phần hình thức thi trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Phần trắc nghiệm sẽ kiểm tra một cách tổng hợp trên một diện khá rộng các kiến thức đã học. Văn bản dùng để kiểm tra trắc nghiệm có thể là văn bản đã học, cũng có thể là văn bản chưa được học nhưng cùng tính chất và thể loại với các văn bản đã học. Vì thế không nên học tủ, học lệch mà phải học ôn toàn diện, đầy đủ.
3. Cấu trúc một bài kiểm tra thường gồm hai phần: phần trắc nghiệm (từ 12 – 16 câu) chiếm từ 30% đến 40% số điểm, nhằm kiểm tra các kiến thức về đọc – hiểu văn bản, về tiếng Việt; phần tự luận chiếm từ 60% đến 70% số điểm, nhằm kiểm tra kiến thức và kĩ năng tập làm văn qua một bài văn ngắn.
4. Có thể tham khảo các đề kiểm tra cuối học kì I và học kì II đã nêu trong Ngữ văn 6, Ngữ văn 7 và Ngữ văn 8, tập một để chuẩn bị cho bài kiểm tra tổng hợp cuối năm.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn