Bài 3: Quy Luật Giá Trị Trong Sản Xuất Và Lưu Thông Hàng Hóa | Giáo Dục Công Dân 11 | Phần 1: Công Dân Với Kinh Tế - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

GDCD 11 - Bài 3


I – MỞ ĐẦU BÀI HỌC

Khác với quy luật tự nhiên, quy luật kinh tế chỉ ra đời và hoạt động khi có hoạt động sản xuất và hoạt động trao đổi (lưu thông) hàng hoá của con người và xã hội.

Vậy, các hoạt động kinh tế này do quy luật kinh tế nào chi phối?

Học xong bài này, học sinh cần:

– Nêu được nội dung cơ bản của quy luật giá trị.

– Nêu được vai trò và tác động của quy luật giá trị trong sản xuất và lưu thông hàng hoá.

– Vận dụng những hiểu biết về quy luật giá trị để giải thích hiện tượng biến động của giá cả hàng hoá trong sản xuất và lưu thông.

– Tôn trọng quy luật giá trị trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

II – NỘI DUNG BÀI HỌC

Hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hoá, nhìn bề ngoài dường như là việc riêng của từng người, không có gì ràng buộc giữa họ với nhau. Nhưng trên thực tế, hoạt động của họ chịu sự ràng buộc với nhau boi quy - luật giá trị. Vậy, nội dung của quy luật giá trị là gì ?

1. Nội dung của quy luật giá trị

Sản xuất và lưu thông hàng hoá phải dựa trên cơ sở thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hoá.

Nội dung của quy luật giá trị được biểu hiện trong sản xuất và lưu thông hàng hoá:

Trong sản xuất, quy luật giá trị yêu cầu người sản xuất phải đảm bảo sao cho thời gian lao động cá biệt để sản xuất ra từng hàng hoá phải phù hợp với thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra từng hàng hoá đó ; và tổng thời gian lao động cá biệt để sản xuất tổng hàng hoá phải phù hợp với tổng thời gian lao động xã hội cần thiết của tổng hàng hoá đó.

Ví dụ :

Trong xã hội có 3 người sản xuất cùng một hàng hoá có chất lượng như nhau, nhưng có thời gian lao động cá biệt khác nhau: người sản xuất thứ nhất là 10 giờ, người sản xuất thứ hai là 8 giờ, và người sản xuất thứ ba là 12 giờ. Trong khi đó trên thị trường, xã hội chỉ thừa nhận mua và bán với thời gian lao động xã hội cần thiết là 10 giờ.

Từ các trường hợp trên cho thấy, người thứ nhất thực hiện đúng yêu cầu của quy luật giá trị nên không những bù đắp được chi phí sản xuất mà còn có lợi nhuận ; người thứ hai thực hiện tốt quy luật giá trị nên thu được lợi nhuận nhiều hơn người thứ nhất vì thời gian lao động cá biệt ít hơn người thứ nhất, nhưng được bán theo thời gian lao động xã hội cần thiết ; còn người thứ ba thời gian lao động cá biệt vượt quá thời gian lao động xã hội cần thiết, vi phạm yêu cầu quy luật giá trị nên bị thua lỗ.

Trong lưu thông, trên thị trường việc trao đổi hàng hoá cũng phải dựa trên cơ sở thời gian lao động xã hội cần thiết. Nói cách khác, phải dựa theo nguyên tắc ngang giá. Điều đó có nghĩa là thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hoá A và hàng hoá B bằng nhau thì chúng được trao đổi với nhau.

Trên thị trường, giá cả của từng hàng hoá có thể cao hoặc thấp hơn giá trị hàng hoá hình thành trong sản xuất, do ảnh hưởng của cạnh tranh, cung cầu. Nhưng bao giờ giá cả hàng hoá cũng vận động xoay quanh trục giá trị hàng hoá hay xoay quanh trục thời gian lao động xã hội cần thiết. Tuy nhiên, nếu xem xét không phải một hàng hoá mà xem xét tổng hàng hoá và trên phạm vi toàn xã hội, thì quy luật giá trị yêu cầu : Tổng giá cả hàng hoá sau khi bán phải bằng tổng giá trị hàng hoá được tạo ra trong quá trình sản xuất. Không thực hiện đúng yêu cầu này sẽ vi phạm quy luật giá trị, làm cho nền kinh tế mất cân đối và rối loạn, nếu Nhà nước hoặc người sản xuất không có dự trữ hoặc không được điều chỉnh kịp thời.

2. Tác động của quy luật giá trị

Quy luật giá trị có những tác động như thế nào trong quá trình sản xuất và lưu thông hàng hoá ?

Quy luật giá trị có ba tác động sau đây :

a) Điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa

Quy luật giá trị điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hoá thông qua giá cả trên thị trường.

Có thể hiểu điều tiết sản xuất và lưu thông là sự phân phối lại các yếu tố tư liệu sản xuất và sức lao động từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất khác ; phân phối lại nguồn hàng từ nơi này sang nơi khác, từ mặt hàng này sang mặt hàng khác theo hướng từ nơi có lãi ít hoặc không có lãi sang nơi có lãi nhiều thông qua sự biến động của giá cả hàng hoá trên thị trường.

Ví dụ :

Một người nào đó sản xuất mặt hàng A và đem ra bán trên thị trường. Giá cả mặt hàng này thấp hơn giá trị cá biệt mà họ đầu tư, nếu tiếp tục họ sẽ thua lỗ. Trong khi đó, trên thị trường mặt hàng B có giá cả cao, vì vậy, để sản xuất có lãi, họ phải điều chỉnh từ sản xuất mặt hàng A sang sản xuất mặt hàng B theo tín hiệu của giá cả trên thị trường.

Em hãy lấy ví dụ về sự tác động điều tiết lưu thông hàng hoá của quy luật giá trị.

b) Kích thích lực lượng sản xuất phát triển và năng suất lao động tăng lên

Hàng hoá được sản xuất ra trong những điều kiện khác nhau, có giá trị cá biệt khác nhau, nhưng trên thị trường, hàng hoá lại được trao đổi, mua bán theo giá trị xã hội của hàng hoá. Trong điều kiện đó, người sản xuất, kinh doanh muốn không bị phá sản, đứng vững và chiến thắng trên thương trường để thu được nhiều lợi nhuận, họ phải tìm cách cải tiến kĩ thuật, nâng cao tay nghề của người lao động ; hợp lí hoá sản xuất, thực hành tiết kiệm..., làm cho giá trị hàng hoá cá biệt của họ thấp hơn giá trị xã hội của hàng hoá.

Việc cải tiến kĩ thuật lúc đầu còn lẻ tẻ và về sau mang tính phổ biến trong xã hội. Kết quả là làm cho kĩ thuật, lực lượng sản xuất và năng suất lao động xã hội được nâng cao.

Ví dụ :

Khi năng suất lao động ở mức trung bình, mỗi ngày 8 giờ, người lao động sản xuất ra 8 hàng hoá, lượng giá trị của 1 hàng hoá là: 8 giờ/ 8 hàng hoá = 1 giờ, nhưng nhờ cải tiến kĩ thuật, lực lượng sản xuất phát triển làm cho năng suất lao động của người lao động tăng lên gấp đôi, kết quả là cũng trong 8 giờ nhưng họ sản xuất ra không phải 8 hàng hoá mà là 16 hàng hoá, nên lượng giá trị của 1 hàng hoá chỉ còn là : 8 giờ 16 hàng hoá = 1/2 giờ.

Rõ ràng là năng suất lao động tăng lên không chỉ tác động làm cho số lượng hàng hoá sản xuất ra tăng lên, mà còn tác động làm cho lượng giá trị của 1 hàng hoá giảm xuống và lợi nhuận cũng theo đó tăng lên (nếu giá cả hàng hoá đó trên thị trường không đổi).

c) Phân hoá giàu – nghèo giữa những người sản xuất hàng hóa

Trong nền sản xuất hàng hoá, điều kiện sản xuất của từng người không hoàn toàn giống nhau ; khả năng đổi mới kĩ thuật, công nghệ và hợp lí hoá sản xuất khác nhau ; tính năng động và khả năng nắm bắt nhu cầu của thị trường khác nhau, nên giá trị cá biệt của từng người khác nhau, nhưng quy luật giá trị lại đối xử như nhau, nghĩa là không có ngoại lệ đối với họ. Vì vậy, không tránh khỏi tình trạng một số người có giá trị hàng hoá cá biệt thấp hoặc bằng so với giá trị xã hội của hàng hoá nên có lãi, mua sắm thêm tư liệu sản xuất, đổi mới kĩ thuật, mở rộng sản xuất. Ngược lại, nhiều người sản xuất khác, do điều kiện sản xuất không thuận lợi, năng lực quản lí sản xuất, kinh doanh kém, gặp rủi ro, nên họ bị thua lỗ, dẫn đến phá sản. Hiện tượng này dẫn đến sự phân hoá giàu – nghèo.

Như vậy, sự tác động này của quy luật giá trị thông qua sự chọn lọc tự nhiên, một mặt đã làm cho một số người sản xuất, kinh doanh giỏi trở nên giàu có, qua đó thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hoá phát triển từ thấp lên cao. Mặt khác, những người sản xuất, kinh doanh kém sẽ thua lỗ, bị phá sản và trở thành người nghèo, dẫn đến sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội. Đây là một trong những mặt hạn chế của quy luật giá trị trong sản xuất và lưu thông hàng hoá cần được tính đến khi vận dụng nó ở nước ta hiện nay.

3. Vận dụng quy luật giá trị

Nội dung và tác động của quy luật giá trị được Nhà nước và công dân vận dụng như thế nào ở nước ta ?

a) Về phía Nhà nước

– Nhà nước vận dụng quy luật giá trị vào việc đổi mới nền kinh tế nước ta thông qua xây dựng và phát triển mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện chế độ một giá, một thị trường thống nhất trong cả nước và mở cửa với thị trường nước ngoài.

Ví dụ :

Từ năm 1986 về trước, nước ta thực thi mô hình kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu bao cấp, nên nội dung và tác động của quy luật giá trị hầu như không được Nhà nước vận dụng hoặc vận dụng không đúng. Nhưng từ năm 1986 đến nay, vận dụng quy luật giá trị thông qua đổi mới nền kinh tế, nước ta chuyển sang xây dựng và phát triển mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhờ đó đã đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và đã đạt những thành tựu đáng kể.

– Nhà nước thông qua việc ban hành và sử dụng pháp luật, các chính sách kinh tế, chính sách xã hội và bằng thực lực kinh tế của mình, để điều tiết thị trường nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế sự phân hoá giàu nghèo và những tiêu cực xã hội khác, thúc đẩy phát triển sản xuất và lưu thông hàng hoá, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

Ví dụ :

Nhà nước ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách kinh tế nhiều thành phần, làm cho mọi thành phần kinh tế, mọi người dân đều có quyền tự do kinh doanh, nhờ đó đã khai thác và phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất kinh doanh, có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội, làm cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh từng bước được thực hiện ở nước ta.

Em hãy nêu ví dụ khác về sự điều tiết thị trường và ví dụ về chủ trương thực hiện xoá đói giảm nghèo của Nhà nước mà em biết.

b) Về phía công dân

Có thể vận dụng nội dung và tác động của quy luật giá trị qua các khía cạnh như:

– Phấn đấu giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hoá để bán được nhiều hàng, thu nhiều lợi nhuận, đứng vững và chiến thắng trên thương trường.

– Vận dụng tác động điều tiết của quy luật giá trị thông qua sự biến động của giá cả hàng hoá trên thị trường, kịp thời điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng và ngành hàng sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ví dụ :

Người bán hàng A đang bán mặt hàng vải, nhưng khi trên thị trường mặt hàng vải bán quá chậm, giá thấp, mà mặt hàng may sẵn lại bán nhanh hơn và giá cao hơn ; để không bị ứ đọng vốn, không thua lỗ và thu được lợi nhuận, vận dụng tác động điều tiết lưu thông của quy luật giá trị, người bán hàng A tìm cách chuyển đổi từ kinh doanh mặt hàng vải sang kinh doanh mặt hàng may sẵn một cách thích ứng.

– Áp dụng các biện pháp đổi mới kĩ thuật và công nghệ, hợp lí hoá sản xuất. Vì đổi mới kĩ thuật và công nghệ, hợp lí hoá sản xuất làm cho chất lượng sản phẩm và năng suất lao động tăng lên, đến lượt nó, năng suất lao động tăng lên lại làm cho chi phí sản xuất giảm xuống và lợi nhuận tăng lên.

Em đã hoặc đang có dự định gì để tham gia cùng với gia đình trong việc vận dụng sự tác động kích thích lực lượng sản xuất phát triển và năng suất lao động tăng lên của quy luật giá trị ?

III – TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. Mối quan hệ giữa đại lượng giá trị hàng hoá với năng suất lao động

"Đại lượng giá trị của một hàng hoá thay đổi theo tỉ lệ thuận với lượng lao động thể hiện trong hàng hoá đó và theo tỉ lệ nghịch với sức sản xuất của lao động đó."(1)

2. Mối quan hệ giữa giá trị hàng hoá và giá cả thị trường

"Giá trị cá biệt của hàng hoá phải ăn khớp với giá trị xã hội của nó – yêu cầu đó giờ đây được thực hiện."(2)

3. Cơ chế hoạt động của quy luật giá trị – cơ chế thị trường

"Cơ chế thị trường là guồng máy tự điều chỉnh các quan hệ kinh tế dưới hình thái hàng hoá, dịch vụ diễn ra trên thị trường dưới tác động của các quy luật kinh tế của kinh tế thị trường, mà trực tiếp là quy luật cung cầu, nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản của thị trường."(3)

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen : Toàn tập, Sđd, tập 23, tr. 69.

(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen : Toàn tập, Sđd, 1994, tập 25, phần I, tr. 277– 278.

(3) Phan Thanh Phố : Kinh tế và đổi mới kinh tế, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr. 143.

IV – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nội dung của quy luật giá trị được biểu hiện như thế nào trong sản xuất và lưu thông hàng hoá ?

2. Em có nhận xét gì về việc thực hiện yêu cầu của quy luật giá trị của 3 người sản xuất (1, 2, 3) trong biểu đồ sau đây ?

hinh-anh-bai-3-quy-luat-gia-tri-trong-san-xuat-va-luu-thong-hang-hoa-3284-0

Thời gian lao động xã hội cần thiết (của 1 hàng hoá A)

3. Tại sao quy luật giá trị lại có tác động điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hoá ? Cho ví dụ để minh họa.

4. Tại sao quy luật giá trị lại có tác động kích thích lực lượng sản xuất phát triển và làm cho năng suất lao động tăng lên ?

5. Có ý kiến cho rằng, năng suất lao động tăng lên làm cho lượng giá trị của một hàng hoá tăng lên. Điều đó đúng hay sai ? Vì sao ?

6. Tại sao quy luật giá trị lại có tác động phân hoá người sản xuất thành giàu – nghèo ?

7. Hãy nêu giải pháp vận dụng tác động điều tiết sản xuất của quy luật giá trị trong các cơ sở sản xuất mà em biết được.

8. Hãy nêu giải pháp vận dụng tác động điều tiết lưu thông của quy luật giá trị trong các cửa hàng mà em quan sát được.

9. Hãy nêu ví dụ về sự vận dụng tác động kích thích lực lượng sản xuất và năng suất lao động tăng lên của quy luật giá trị ở một cơ sở sản xuất mà em biết.

10. Theo em, Nhà nước cần có chủ trương gì để phát huy mặt tích cực và hạn chế tác động phân hoá giàu – nghèo của quy luật giá trị ?

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 3: Quy Luật Giá Trị Trong Sản Xuất Và Lưu Thông Hàng Hóa | Giáo Dục Công Dân 11 | Phần 1: Công Dân Với Kinh Tế - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.