Bài 13: Chính Sách Giáo Dục Và Đào Tạo, Khoa Học Và Công Nghệ, Văn Hóa | Giáo Dục Công Dân 11 | Phần 2: Công Dân Với Các Vấn Đề Chính Trị - Xã Hội - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

GDCD 11 - Bài 13


I – MỞ ĐẦU BÀI HỌC

Bác Hồ nói : Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Thật vậy, một dân tộc mà dân trí thấp kém thì khó có thể có điều kiện để tiếp thu và phát huy tinh hoa văn hoá, khoa học và công nghệ mới của nhân loại. Ở nước ta hiện nay, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là các nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển nhân tố con người với tư cách vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Học xong bài này, học sinh cần:

– Nêu được nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá ở nước ta hiện nay.

– Nêu được phương hướng cơ bản nhằm phát triển các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá ở nước ta hiện nay.

– Hiểu được trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chính sách văn hoá của Nhà nước.

– Biết tham gia tuyên truyền và thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chính sách văn hoá phù hợp với khả năng của bản thân.

II – NỘI DUNG BÀI HỌC

1. Chính sách giáo dục và đào tạo

a) Nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo

Theo em, giáo dục và đào tạo có nhiệm vụ gì ?

Giáo dục và đào tạo có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển và truyền bá văn minh nhân loại, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người. Chính vì vậy, giáo dục và đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu, có nhiệm vụ : nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài nhằm phát triển tiềm năng trí tuệ, cung cấp cho đất nước nguồn lao động có chất lượng cao.

b) Phương hướng cơ bản để phát triển giáo dục và đào tạo

Để thực hiện nhiệm vụ trên, sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở nước ta cần phát triển theo phương hướng sau :

– Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo. Đây là đòi hỏi khách quan của đất nước. Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học ; cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lí, có chính sách đúng đắn trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài.

– Mở rộng quy mô giáo dục. Trên cơ sở chất lượng và hiệu quả, gắn với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, Nhà nước mở rộng quy mô giáo dục từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, tăng nhanh dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp.

– Ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Nhà nước huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, thực hiện chuẩn hoá, hiện đại hoá nhà trường.

hinh-anh-bai-13-chinh-sach-giao-duc-va-dao-tao-khoa-hoc-va-cong-nghe-van-hoa-3294-0

Diễu hành của ngành Giáo dục và Đào tạo

Ảnh : Sĩ Minh – Nghệ An (Tập ảnh dự thi của NXBGD)

– Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Đây là vấn đề mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của sự nghiệp giáo dục nước ta, bảo đảm học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân, tạo mọi điều kiện để người nghèo có cơ hội được học tập, người giỏi được phát huy tài năng.

– Xã hội hoá sự nghiệp giáo dục. Phát triển giáo dục là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân, vì vậy cần đa dạng hoá các loại hình trường và các hình thức giáo dục, xây dựng xã hội học tập đáp ứng nhu cầu học thường xuyên, học suốt đời của nhân dân.

– Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Tiếp cận chuẩn mực giáo dục tiên tiến của thế giới phù hợp với yêu cầu phát triển của nước ta, tham gia đào tạo nhân lực khu vực và thế giới.

Thực hiện những phương hướng cơ bản trên sẽ góp phần vào việc đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Chính sách khoa học và công nghệ

a) Nhiệm vụ của khoa học và công nghệ

Theo em, khoa học và công nghệ có nhiệm vụ như thế nào trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ?

Kinh nghiệm cho thấy, các nước phát triển nhanh, giàu có, nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh mẽ là nhờ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và sử dụng được những thành tựu của khoa học và công nghệ. Từ một nền kinh tế kém phát triển đang thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật, nước ta coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển đất nước.

Để góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, khoa học và công nghệ có nhiệm vụ : giải đáp kịp thời những vấn đề lí luận và thực tiễn do cuộc sống đặt ra ; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ; đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân ; nâng cao trình độ quản lí, hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ.

b) Phương hướng cơ bản để phát triển khoa học và công nghệ

Để thực hiện nhiệm vụ trên, khoa học và công nghệ cần phát triển theo những phương hướng cơ bản nào ?

– Đổi mới cơ chế quản lí khoa học và công nghệ nhằm khai thác mọi tiềm năng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, lí luận. Nhà nước đầu tư ngân sách vào các chương trình nghiên cứu quốc gia đạt trình độ khu vực và thế giới ; huy động các nguồn lực để đi nhanh vào một số lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.

– Tạo thị trường cho khoa học và công nghệ. Để có thị trường khoa học và công nghệ, nước ta phải tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, hoàn thiện cơ sở pháp lí và nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ, trọng dụng nhân tài.

Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ, tập trung nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Nhà nước coi trọng việc nâng cao chất lượng, tăng thêm số lượng đội ngũ cán bộ khoa học ; tăng cường cơ sở vật chất – kĩ thuật ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.

– Tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu mới.

Thực hiện những phương hướng cơ bản trên sẽ nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ nước ta, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này.

3. Chính sách văn hoá

a) Nhiệm vụ của văn hoá

Theo em, văn hoá có nhiệm vụ như thế nào ?

Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Văn hoá khơi dậy tiềm năng, phát huy sức sáng tạo của con người, tạo ra sự phát triển hài hoà giữa đời sống vật chất và tinh thần.

Xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng nước ta, nhiệm vụ của văn hoá là : xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo.

Vậy, thế nào là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ?

Nền văn hoá tiên tiến thể hiện tinh thần yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hoà giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên.

Nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc là nền văn hoá chứa đựng những yếu tố tạo ra sức sống, bản lĩnh dân tộc, bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường của dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – xã hội – Tổ quốc ; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lí, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống.

b) Phương hướng cơ bản để xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Để xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cần phải :

– Làm cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin giúp ta có nhận thức đúng đắn về tự nhiên, xã hội và tư duy để xây dựng xã hội mới. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta và đã trở thành những giá trị tinh thần, tài sản quý báu của dân tộc ta. Những giá trị ấy đã và đang cổ vũ dân tộc ta trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng nền văn hoá mới.

– Kế thừa, phát huy những di sản và truyền thống văn hoá của dân tộc. Đồng thời với việc kế thừa, phát huy những giá trị tinh thần, đạo đức, thẩm mĩ, văn hoá, nghệ thuật, thuần phong mĩ tục của dân tộc, Đảng, Nhà nước ta coi trọng việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, di sản văn hoá và danh lam thắng cảnh của đất nước.

– Tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, nhân đạo, những thành tựu trên các lĩnh vực của nhân loại để làm giàu cho trí tuệ, tâm hồn người Việt Nam. Trong điều kiện mở rộng giao lưu quốc tế, chúng ta phải ngăn chặn sự xâm nhập của các văn hoá phẩm độc hại, tệ sùng bái đồng tiền, coi thường đạo lí, các giá trị nhân văn và kiên quyết chống các hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan.

– Nâng cao hiểu biết và mức hưởng thụ văn hoá, phát huy tiềm năng sáng tạo văn hoá của nhân dân, bảo đảm dân chủ, tự do cho mọi sáng tạo văn hoá, văn học nghệ thuật, cổ vũ cái đúng, cái đẹp, phê phán cái ác, cái thấp hèn ; nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng lối sống mới.

Thực hiện những phương hướng cơ bản trên, chúng ta sẽ từng bước xây dựng được nền văn hoá tiên tiến, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế.

4. Trách nhiệm công dân đối với chính sách giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá

Để đưa nước ta từ tình trạng là một nước kém phát triển trở thành một quốc gia giàu mạnh, văn minh, mọi người dân có cuộc sống hạnh phúc, mỗi công dân cần phải :

– Tin tưởng và chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá.

– Thường xuyên nâng cao trình độ học vấn, coi trọng việc tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.

– Ra sức trau dồi phẩm chất đạo đức, chiếm lĩnh kiến thức khoa học – kĩ thuật hiện đại để thực hiện ước mơ làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh.

– Có quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh, biết phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội.

III – TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Giáo dục năm 2005 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân

Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân.

Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.

Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng.

Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.

2. Luật Khoa học và công nghệ (năm 2013)

Giải thích từ ngữ (theo Điều 3)

Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.

Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kĩ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.

Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.

3. Về phát triển văn hoá

"Tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc, các giá trị văn hoá, nghệ thuật, ngôn ngữ, thuần phong mĩ tục của cộng đồng các dân tộc. Bảo tồn và phát huy văn hoá, văn nghệ dân gian. Kết hợp hài hoà việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hoá với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch."(1)

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr. 107.

IV – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nêu nhiệm vụ của sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay. Hãy nêu một hoạt động nhằm thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo mà em biết hoặc tham gia.

2. Trình bày phương hướng cơ bản để phát triển giáo dục và đào tạo.

3. Khoa học và công nghệ có nhiệm vụ như thế nào ? Lấy ví dụ về việc áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất hoặc sáng kiến khoa học – kĩ thuật mà em biết.

4. Những phương hướng cơ bản để phát triển khoa học và công nghệ là gì ?

5. Nhiệm vụ của văn hoá là gì ? Em hiểu như thế nào là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ?

6. Trình bày phương hướng cơ bản để xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Em hãy nêu một ví dụ về hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc ở địa phương em.

7. Em suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của mình đối với các chính sách giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá?

8. Em hãy sưu tầm một số câu nói, câu thơ, hoặc ca dao, tục ngữ nói về truyền thống hiếu học và những nét đẹp trong đời sống văn hoá của người Việt Nam.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 13: Chính Sách Giáo Dục Và Đào Tạo, Khoa Học Và Công Nghệ, Văn Hóa | Giáo Dục Công Dân 11 | Phần 2: Công Dân Với Các Vấn Đề Chính Trị - Xã Hội - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.