Bài 14: Chính Sách Quốc Phòng Và An Ninh | Giáo Dục Công Dân 11 | Phần 2: Công Dân Với Các Vấn Đề Chính Trị - Xã Hội - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

GDCD 11 - Bài 14


I – MỞ ĐẦU BÀI HỌC

Lịch sử đã chứng minh rằng dựng nước gắn liền với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Ngày nay, tuy nhân dân ta đang xây dựng đất nước trong hoà bình, nhưng các thế lực thù địch vẫn luôn dùng mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi để phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Vậy quốc phòng và an ninh có vai trò, nhiệm vụ gì ? Chúng ta phải làm thế nào để tăng cường quốc phòng và an ninh trong điều kiện mới ?

Học xong bài này, học sinh cần :

– Nêu được vai trò, nhiệm vụ của quốc phòng và an ninh.

– Nêu được những phương hướng cơ bản nhằm tăng cường quốc phòng và an ninh ở nước ta hiện nay.

– Hiểu được trách nhiệm công dân trong việc thực hiện chính sách quốc phòng và an ninh.

– Biết tham gia tuyên truyền và thực hiện chính sách quốc phòng và an ninh phù hợp với khả năng của bản thân.

– Tin tưởng, ủng hộ chính sách quốc phòng và an ninh của Nhà nước, sẵn sàng tham gia giữ gìn trật tự an ninh và bảo vệ Tổ quốc.

II – NỘI DUNG BÀI HỌC

1. Vai trò và nhiệm vụ của quốc phòng và an ninh

a) Vai trò của quốc phòng và an ninh

Em suy nghĩ như thế nào về tầm quan trọng của quốc phòng và an ninh trong tình hình hiện nay ?

Trước đây, trong chiến tranh, cả nước hướng vào nhiệm vụ đánh thắng kẻ thù xâm lược để giành độc lập, tự do. Ngày nay, trong hoà bình, nhiệm vụ hàng đầu của dân tộc là xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng không được lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Bởi vì, các thế lực thù địch vẫn thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình", gây rối, tìm mọi cơ hội để gây bạo loạn, lật đổ và can thiệp vũ trang. Mặt khác, trong thời kì mở cửa, bên cạnh những mặt tích cực, ở nước ta còn có những biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, quốc phòng và an ninh có vai trò trực tiếp giữ gìn và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

b) Nhiệm vụ của quốc phòng và an ninh

Để thực hiện vai trò của mình, quốc phòng và an ninh có nhiệm vụ như thế nào ?

Quốc phòng và an ninh gắn bó chặt chẽ và hỗ trợ nhau cùng thực hiện nhiệm vụ : xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện ; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa ; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, văn hoá tư tưởng và an ninh xã hội ; duy trì trật tự, kỉ cương, an toàn xã hội ; góp phần giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ. Coi trọng nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị nội bộ.

Như vậy, bảo vệ Tổ quốc có nội dung rất rộng, toàn diện. Đó là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt.

2. Những phương hướng cơ bản nhằm tăng cường quốc phòng và an ninh

Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần phải thực hiện những phương hướng cơ bản sau:

Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nền quốc phòng và an ninh của nước ta là nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân nên phát huy được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và sức mạnh thời đại. Sức mạnh tổng hợp do nhiều yếu tố tạo nên, nhưng yếu tố có ý nghĩa quyết định là sức mạnh dân tộc, con người, chính trị, tinh thần mà biểu hiện tập trung ở sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

hinh-anh-bai-14-chinh-sach-quoc-phong-va-an-ninh-3295-0

Tuần tra, kiểm soát trên biển

Ảnh : TTXVN

– Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc bao gồm những truyền thống tốt đẹp, sức mạnh của văn hoá tinh thần và sức mạnh vật chất của dân tộc. Sức mạnh thời đại là sức mạnh của khoa học và công nghệ, sức mạnh của các lực lượng tiến bộ và cách mạng trên thế giới.

– Kết hợp quốc phòng với an ninh. Đó là kết hợp sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh. Lực lượng quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân bao gồm con người, phương tiện vật chất và các khả năng khác của dân tộc. Thế trận quốc phòng và an ninh nhân dân là việc tổ chức hợp lí lực lượng trên địa bàn của cả nước, trong từng địa phương.

– Kết hợp kinh tế – xã hội với quốc phòng và an ninh.

Tại sao phải kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh ? Kết hợp kinh tế – xã hội với quốc phòng và an ninh là như thế nào ?

Thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tất yếu phải kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng và an ninh. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội phải gắn với chiến lược quốc phòng và an ninh, chiến lược quốc phòng và an ninh phục vụ cho chiến lược kinh tế – xã hội.

Trong tình hình hiện nay, việc xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trở thành lực lượng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại ; đồng thời tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, đối với sự nghiệp quốc phòng và an ninh là một đòi hỏi khách quan của nước ta.

3. Trách nhiệm của công dân đối với chính sách quốc phòng và an ninh

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Vì vậy, công dân có trách nhiệm trong việc tham gia các hoạt động quốc phòng và an ninh. Đó là :

– Tin tưởng vào chính sách quốc phòng và an ninh của Đảng và Nhà nước. 

– Thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi của kẻ thù.

– Chấp hành pháp luật về quốc phòng và an ninh, giữ gìn trật tự, an ninh quốc gia.

– Sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự.

– Tích cực tham gia vào các hoạt động trên lĩnh vực quốc phòng và an ninh tại nơi cư trú.

III – TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. "Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân "(1)

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr. 40.

2. “Giữ vững an ninh nội địa; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân ; xây dựng "thế trận lòng dân" làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dẫn là nòng cốt.”(1)

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr. 109.

IV – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Trình bày nhiệm vụ của quốc phòng và an ninh trong giai đoạn hiện nay ? Theo em tại sao phải tăng cường quốc phòng và an ninh ?

2. Nêu những phương hướng cơ bản nhằm tăng cường quốc phòng và an ninh.

3. Em suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của công dân đối với chính sách quốc phòng và an ninh ?

4. Lấy ví dụ về cá nhân hay tập thể tiêu biểu trong việc thực hiện chính sách quốc phòng và an ninh.

5. Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó lực lượng nòng cốt là :

a) Toàn dân

b) Quân đội nhân dân

c) Công an nhân dân

d) Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Em hãy lựa chọn phương án đúng nhất.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 14: Chính Sách Quốc Phòng Và An Ninh | Giáo Dục Công Dân 11 | Phần 2: Công Dân Với Các Vấn Đề Chính Trị - Xã Hội - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.