Bài 4: Cạnh Tranh Trong Sản Xuất Và Lưu Thông Hàng Hóa | Giáo Dục Công Dân 11 | Phần 1: Công Dân Với Kinh Tế - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

GDCD 11 - Bài 4


I – MỞ ĐẦU BÀI HỌC

Quan sát trên thị trường chúng ta thường bắt gặp những hiện tượng ganh đua, giành giật hay cạnh tranh giữa những người bán với nhau ; giữa những người mua với nhau ; giữa xí nghiệp hoặc của hàng này với xí nghiệp hoặc của hàng kia... Những hiện tượng đó tốt hay xấu, có cần thiết hay không và được giải thích như thế nào ?

Học xong bài này, học sinh cần:

– Nêu được khái niệm cạnh tranh trong sản xuất, lưu thông hàng hoá và nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh.

– Hiểu được mục đích của cạnh tranh, các loại cạnh tranh và tính hai mặt của cạnh tranh.

– Thông qua việc phân biệt hai mặt của cạnh tranh, từ đó đưa ra những giải pháp phát huy mặt tích cực và khắc phục mặt hạn chế của cạnh tranh ở nước ta hiện nay.

II – NỘI DUNG BÀI HỌC

1. Cạnh tranh và nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh

Cạnh tranh là gì ? Tại sao cạnh tranh lại là sự cần thiết, khách quan trong sản xuất và lưu thông hàng hoá ?

a) Khái niệm cạnh tranh

Trong sản xuất và lưu thông hàng hoá, "cạnh tranh" được dùng để gọi tắt của cụm từ "cạnh tranh kinh tế".

Cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể kinh tế trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá nhằm giành những điều kiện thuận lợi để thu được nhiều lợi nhuận.

Khái niệm cạnh tranh trên đây cho thấy, nội dung cốt lõi của nó thể hiện ở ba khía cạnh chủ yếu là : tính chất của cạnh tranh ; các chủ thể kinh tế tham gia cạnh tranh ; mục đích của cạnh tranh.

b) Nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh

Sản xuất và lưu thông hàng hoá xuất hiện, thì cạnh tranh ra đời, tồn tại và phát triển.

Trong nền sản xuất hàng hoá, các chủ sở hữu khác nhau tồn tại với tư cách là những đơn vị kinh tế độc lập, có lợi ích riêng, do đó họ không thể không cạnh tranh với nhau. Mặt khác, do điều kiện sản xuất của mỗi chủ thể kinh tế khác nhau về trình độ trang bị kĩ thuật và công nghệ, trình độ nghề nghiệp, vốn, trình độ quản lí, điều kiện nguyên, nhiên vật liệu, môi trường sản xuất, kinh doanh, nên chất lượng hàng hoá và chi phí sản xuất khác nhau, làm cho kết quả sản xuất, kinh doanh giữa họ không giống nhau : có người thu lợi nhuận nhiều, có người thu lợi nhuận ít, có người thua thiệt, mất vốn, phá sản... Để giành lấy các điều kiện thuận lợi, tránh được những rủi ro, bất lợi trong sản xuất và lưu thông hàng hoá, tất yếu giữa họ có sự cạnh tranh với nhau.

Như vậy, sự tồn tại nhiều chủ sở hữu với tư cách là những đơn vị kinh tế độc lập, tự do sản xuất, kinh doanh ; có điều kiện sản xuất và lợi ích khác nhau đã trở thành nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hoá.

2. Mục đích của cạnh tranh và các loại cạnh tranh

Mục đích của cạnh tranh là gì ? Để đạt mục đích, những người tham gia cạnh tranh thông qua các loại cạnh tranh nào ?

a) Mục đích của cạnh tranh

Mục đích cuối cùng của cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hoá là nhằm giành lợi nhuận về mình nhiều hơn người khác.

Mục đích này thể hiện ở những mặt sau :

– Giành nguồn nguyên liệu và các nguồn lực sản xuất khác ;

– Giành ưu thế về khoa học và công nghệ ;

– Giành thị trường, nơi đầu tư, các hợp đồng và các đơn đặt hàng;

– Giành ưu thế về chất lượng và giá cả hàng hoá, kể cả lắp đặt, bảo hành, sửa chữa, phương thức thanh toán...

b) Các loại cạnh tranh

Tuỳ theo các căn cứ khác nhau, người ta chia cạnh tranh thành các loại :

Cạnh tranh giữa người bán với nhau, thường xuất hiện khi trên thị trường nhiều người có cùng loại hàng hoá đem bán, nhưng có ít người mua hàng hoá đó.

Ví dụ :

Tại phố X, có nhiều người cùng bán một mặt hàng A, giữa họ tất yếu cạnh tranh với nhau để giành khách hàng và theo đó giành nhiều lợi nhuận hơn người khác. Muốn vậy, họ phải tìm cách nâng cao chất lượng hàng hoá, thái độ phục vụ, địa điểm thuận lợi, giá thấp để bán được nhiều hàng.

Cạnh tranh giữa người mua với nhau, thường xuất hiện khi trên thị trường hàng hoá đem ra bán ít nhưng người mua hàng hoá đó quá nhiều.

Ví dụ :

Tại một thời điểm trong phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của công ti X được niêm yết với số lượng xác định, có ít người muốn bán, nhưng lại có nhiều người muốn mua cổ phiếu của công ti này. Để mua được, giữa họ tất yếu có sự cạnh tranh với nhau bằng cách đưa ra mức giá cao và tất nhiên người đặt giá cao hơn sẽ mua được cổ phiếu đó.

Cạnh tranh trong nội bộ ngành là sự ganh đua về kinh tế giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành hàng.

Ví dụ :

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp may mặc trong ngành hàng may mặc với nhau.

Cạnh tranh giữa các ngành là sự ganh đua về kinh tế giữa các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất khác nhau.

Ví dụ :

Giả sử trong xã hội có ba ngành sản xuất A,B,C cùng cạnh tranh với nhau nhằm mục đích tìm nơi đầu tư có nhiều lợi nhuận, muốn vậy họ phải di chuyển các yếu tố của sản xuất từ ngành có lợi nhuận thấp sang ngành có lợi nhuận cao. Nhưng việc di chuyển này chỉ có thể thực hiện khi có những điều kiện như giao thông vận tải phải phát triển ; việc cho vay vốn của ngân hàng được đảm bảo và việc cung ứng máy móc, thiết bị kĩ thuật công nghệ cho ngành mới phải sẵn sàng. Để tối đa hoá lợi nhuận, các ngành A, B, C tất yếu cạnh tranh với nhau. Thực chất cuộc cạnh tranh này là cạnh tranh giành giật các điều kiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi nói trên giữa các ngành A, B, C với nhau.

Cạnh tranh trong nước với nước ngoài. Loại cạnh tranh này xuất hiện khi thị trường vượt khỏi phạm vi trong nước để vươn ra thị trường khu vực và thế giới, gắn với xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ví dụ :

Nhờ đổi mới mô hình kinh tế, việc sản xuất lương thực nước ta không chỉ đủ cho nhân dân ta tiêu dùng, dự trữ dồi dào, mà còn tham gia xuất khẩu lương thực (gạo) trên thị trường thế giới. Và tất yếu chúng ta phải tham gia cạnh tranh với một số chủ thể kinh tế khác cùng xuất khẩu lương thực (gạo) với nước ta như : Thái Lan, Mĩ, Ấn Độ...

3. Tính hai mặt của cạnh tranh

Trong sản xuất và lưu thông hàng hoá, hoạt động cạnh tranh có hai mặt : mặt tích cực và mặt hạn chế.

a) Mặt tích cực của cạnh tranh

Cạnh tranh giữ vai trò là một động lực kinh tế của sản xuất và lưu thông hàng hoá. Điều đó được biểu hiện ở chỗ :

– Kích thích lực lượng sản xuất, khoa học - kĩ thuật phát triển và năng suất lao động xã hội tăng lên.

– Khai thác tối đa mọi nguồn lực của đất nước vào việc đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

– Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Mọi sự cạnh tranh diễn ra theo đúng pháp luật và gắn liền với các mặt tích cực nói trên là cạnh tranh lành mạnh. Chỉ có cạnh tranh lành mạnh mới thực sự là động lực kinh tế của sản xuất và lưu thông hàng hoá. Ngược lại, sự cạnh tranh nào vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức là cạnh tranh không lành mạnh, và thường gắn với những mặt hạn chế của cạnh tranh dưới đây.

b) Mặt hạn chế của cạnh tranh

Bên cạnh mặt tích cực là chủ yếu, cạnh tranh không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Đó là :

– Chạy theo mục tiêu lợi nhuận một cách thiếu ý thức, vi phạm quy luật tự nhiên trong khai thác tài nguyên làm cho môi trường, môi sinh suy thoái và mất cân bằng nghiêm trọng.

Ví dụ :

Khai thác gỗ bừa bãi làm cho rừng bị tàn phá, gây hiện tượng lũ lụt, hạn hán ảnh hưởng đến môi trường sản xuất và đời sống của con người.

– Để giành giật khách hàng và lợi nhuận nhiều hơn, một số người không từ những thủ đoạn phi pháp và bất lương.

Ví dụ :

Làm hàng giả, kinh doanh hàng quốc cấm ; gian lận thương mại để trốn thuế, vi phạm pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống của người tiêu dùng và thất thu ngân sách nhà nước.

– Đầu cơ tích trữ gây rối loạn thị trường, từ đó nâng giá lên cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Ví dụ :

Việc một số ít người dùng tiền vơ vét xi măng để đầu cơ tích trữ, làm cho số lượng cung ứng xi măng trên thị trường thiếu nhiều so với nhu cầu xi măng của người tiêu dùng, làm cho giá xi măng bị đẩy lên cao, gây ra rối loạn thị trường. Từ đó, họ nâng giá bán xi măng trên thị trường để thu nhiều lợi nhuận bất chính, nếu Nhà nước không phát hiện và điều tiết kịp thời.

Tóm lại, cạnh tranh là quy luật kinh tế tồn tại khách quan của sản xuất và lưu thông hàng hoá, vừa có mặt tích cực vừa có mặt hạn chế, nhưng mặt tích cực là cơ bản, mang tính trội, còn mặt hạn chế của cạnh tranh sẽ được Nhà nước điều tiết thông qua giáo dục, pháp luật và các chính sách kinh tế – xã hội thích hợp.

III – TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. "Có nền kinh tế hàng hoá thì tất nhiên tồn tại cạnh tranh. Cơ sở khách quan của cạnh tranh là sự khác nhau về lợi ích kinh tế giữa những người sản xuất hàng hoá", "Cạnh tranh là quy luật bắt buộc của nền kinh tế hàng hoá"(1).

2. C. Mác trong bộ Tư bản, khi nghiên cứu sự hình thành lợi nhuận bình quân và sự chuyển hoá giá trị hàng hoá thành giá trị thị trường và giá cả sản xuất đã đề cập đến các loại cạnh tranh. C. Mác chia cạnh tranh thành : cạnh tranh trong nội bộ ngành ; cạnh tranh giữa các ngành ; cạnh tranh giữa người bán với nhau ; cạnh tranh giữa người mua với nhau.

3. "Tạo môi trường pháp lí và cơ chế, chính sách thuận lợi để phát huy các nguồn lực của xã hội cho phát triển, các chủ thể hoạt động kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, có trật tự, kỉ cương"(2).

(1) Viện Nghiên cứu và phổ biến tri thức bách khoa : Đại từ điển kinh tế thị trường, Hà Nội, 1998, tr. 282.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 78.

IV – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Cạnh tranh là gì ? Phân tích tính tất yếu khách quan và mục đích của cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hoá.

2. Cạnh tranh có những loại nào ? Lấy ví dụ để minh hoạ.

3. Khi nước ta là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo em, tính chất và mức độ cạnh tranh sẽ diễn ra theo hướng nào (êm dịu hay gay gắt quyết liệt) ? Tại sao ?

4. Từ tính hai mặt tích cực và hạn chế của cạnh tranh, hãy cho biết Nhà nước cần làm gì để phát huy mặt tích cực và khắc phục mặt hạn chế của cạnh tranh hiện nay ở nước ta ?

5. Có ý kiến cho rằng : Để phát huy mặt tích cực của cạnh tranh ở nước ta hiện nay, Nhà nước chỉ cần đề ra giải pháp khắc phục mặt hạn chế của cạnh tranh. Điều đó đúng hay sai ? Tại sao ?

6. Em hiểu thế nào là cạnh tranh lành mạnh và không lành mạnh ? Khi thấy có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, em sẽ xử lí như thế nào ?

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 4: Cạnh Tranh Trong Sản Xuất Và Lưu Thông Hàng Hóa | Giáo Dục Công Dân 11 | Phần 1: Công Dân Với Kinh Tế - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.