Nội Dung Chính
I – MỞ ĐẦU BÀI HỌC
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức xây dựng.
Học xong bài này, học sinh cần :
– Nêu được bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
– Nêu được nội dung cơ bản của dân chủ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
– Nêu được hai hình thức cơ bản của dân chủ là dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp (dân chủ đại diện).
– Biết thực hiện quyền làm chủ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội phù hợp với lứa tuổi.
II – NỘI DUNG BÀI HỌC
1. Bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Để hiểu bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, trước hết cần hiểu dân chủ là gì.
Dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân, là quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước ; dân chủ là một hình thức nhà nước gắn với giai cấp thống trị, do đó dân chủ luôn mang bản chất giai cấp.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ra đời và từng bước phát triển từ khi chính quyền nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động được thành lập. Sự hình thành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đánh dấu bước phát triển mới về chất so với các nền dân chủ trước đó.
Về bản chất, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ của quảng đại quần chúng nhân dân, được thực hiện chủ yếu bằng nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện cụ thể trên những phương diện sau :
Một là : Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mang bản chất giai cấp công nhân.
Bản chất giai cấp công nhân của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thể hiện ở sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua chính đảng của mình là Đảng Cộng sản nhằm thực hiện quyền lực và lợi ích của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động.
Chỉ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động mới có thể tiến hành cuộc đấu tranh có hiệu quả chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu, vô chính phủ, vi phạm quyền tự do dân chủ của nhân dân.
Hai là : Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có cơ sở kinh tế là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên nền tảng của chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu. Trên cơ sở kinh tế đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trở thành người làm chủ nền sản xuất và chi phối mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội.
Trong các lĩnh vực của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thì thực hiện dân chủ trong lĩnh vực kinh tế có ý nghĩa cơ bản. Bởi vì, chỉ khi nào người lao động thực sự làm chủ về kinh tế, khi đó họ mới có dân chủ thực sự và trở thành lực lượng quyết định quá trình phát triển của xã hội.
Ba là : Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa lấy hệ tư tưởng Mác – Lê-nin làm nền tảng tinh thần của xã hội.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa lấy hệ tư tưởng Mác – Lê-nin – hệ tư tưởng của giai cấp công nhân làm nền tảng tinh thần cho đời sống văn hoá tinh thần của toàn xã hội. Trên cơ sở đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm chủ đời sống tinh thần của toàn xã hội.
Bốn là : Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ của nhân dân lao động.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ rộng rãi nhất và triệt để nhất trong lịch sử. Sở dĩ như vậy, vì trong chế độ xã hội chủ nghĩa chẳng những mọi người dân đều được hưởng quyền dân chủ, mà nhà nước còn chăm lo nâng cao trình độ dân trí, tạo điều kiện thực tế cho mọi người có khả năng thực hiện quyền dân chủ của mình.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa – cơ quan quyền lực của nhân dân – do nhân dân lập ra, hoạt động của nó là vì lợi ích của toàn thể nhân dân lao động. Nhà nước xã hội chủ nghĩa ngay từ buổi đầu hình thành đã xác định quyền lực thuộc về nhân dân, đó là một trong những nguyên tắc cơ bản xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Năm là : Dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn liền với pháp luật, kỉ luật, kỉ cương.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa không thể thực hiện được nếu những hành vi gây tác hại đến quyền dân chủ của nhân dân không được xử lí kịp thời, đúng đắn. Vì vậy, để có dân chủ và dân chủ được thực hiện thì các quyền dân chủ của nhân dân phải được thể chế hoá thành Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện bằng những thiết chế tương ứng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
2. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không thể có đầy đủ khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động vừa giành được chính quyền mà phải trải qua một quá trình hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện. Quá trình đó diễn ra trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và bao gồm những nội dung cơ bản sau :
a) Nội dung cơ bản của dân chủ trong lĩnh vực kinh tế
Hãy nêu những ví dụ về dân chủ trong lĩnh vực kinh tế mà em biết.
Nội dung cơ bản của dân chủ xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực kinh tế là thực hiện quyền làm chủ của công dân đối với tư liệu sản xuất, trên cơ sở đó làm chủ quá trình quản lí sản xuất và phân phối sản phẩm.
Biểu hiện của quyền làm chủ về kinh tế ở nước ta hiện nay là chính sách kinh tế nhiều thành phần. Mọi công dân cũng như các thành phần kinh tế đều bình đẳng và tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, làm chủ trực tiếp quá trình sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm của mình và làm nghĩa vụ đối với nhà nước.
Tuy nhiên, quyền dân chủ của công dân không có nghĩa là công dân chỉ được hưởng quyền mà còn phải làm tròn nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, cùng với quyền tự do kinh doanh, công dân còn có nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của pháp luật,..
Làm chủ trên lĩnh vực kinh tế là cơ sở củng cố quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực chính trị.
b) Nội dung cơ bản của dân chủ trong lĩnh vực chính trị
Hãy nêu những ví dụ về biểu hiện của dân chủ trong lĩnh vực chính trị mà em biết.
Nội dung cơ bản của dân chủ xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực chính trị là mọi quyền lực thuộc về nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.
Dân chủ trong lĩnh vực chính trị được thể hiện trước hết ở những quyền sau đây của công dân :
– Quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội ;
– Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của Nhà nước và địa phương;
− Quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân ;
– Quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Ngoài ra, dân chủ trong lĩnh vực chính trị còn được thể hiện ở quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, quyền khiếu nại, tố cáo... của công dân.
Khi thực hiện quyền dân chủ trong lĩnh vực chính trị, cùng với các quyền được hưởng, công dân có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
c) Nội dung cơ bản của dân chủ trong lĩnh vực văn hoá
Em hãy nêu một vài biểu hiện về quyền dân chủ của nhân dân trong lĩnh vực văn hoá.
Dân chủ trong lĩnh vực văn hoá là thực hiện những quyền làm chủ của công dân trong lĩnh vực văn hoá.
Dân chủ trong lĩnh vực văn hoá được thể hiện trước hết ở những quyền sau đây của công dân :
− Quyền được tham gia vào đời sống văn hoá ;
– Quyền được hưởng các lợi ích từ sáng tạo văn hoá, nghệ thuật của chính mình ;
– Quyền sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật.
Dân chủ trong lĩnh vực văn hoá còn được thể hiện ở việc giải phóng con người khỏi những thiên kiến lạc hậu, loại bỏ mọi sự áp bức về tinh thần và đưa văn hoá đến cho mọi người.
Đồng thời với việc hưởng quyền, công dân có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc.
d) Nội dung cơ bản của dân chủ trong lĩnh vực xã hội
Theo em, những quyền nào thuộc về quyền dân chủ của nhân dân trong lĩnh vực xã hội ?
Dân chủ trong lĩnh vực xã hội được thể hiện trước hết ở việc đảm bảo những quyền sau đây của công dân :
– Quyền lao động;
– Quyền bình đẳng nam nữ;
− Quyền được hưởng ; an toàn xã hội và bảo hiểm xã hội
− Quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khoẻ ;
– Quyền được bảo đảm về mặt vật chất và tinh thần khi không còn khả năng lao động;
Quyền bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, về cống hiến và hưởng thụ của các thành viên trong xã hội.
Bên cạnh các quyền của mình, công dân có nghĩa vụ tham gia vào các phong trào xã hội ở địa phương, cơ quan, trường học...
Những nội dung cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa nêu trên càng cho chúng ta thấy rõ bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để quyền lực hoàn toàn thuộc về nhân dân, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến các yêu cầu sau đây :
+ Hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
+ Hoàn thiện cơ chế đảm bảo cho nhân dân thật sự tham gia vào quá trình quản lí nhà nước như bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội.
+ Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có phẩm chất đạo đức, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi..., tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
+ Có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lộng quyền, vô trách nhiệm, xâm phạm quyền dân chủ của công dân.
+ Ngăn chặn và khắc phục tình trạng dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, đồng thời nghiêm trị những hành động lợi dụng dân chủ để phá hoại, gây rối.
3. Những hình thức cơ bản của dân chủ
Dân chủ được thực hiện thông qua hai hình thức cơ bản sau đây:
a) Dân chủ trực tiếp
Dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ với những quy chế, thiết chế để nhân dân thảo luận, biểu quyết, tham gia trực tiếp quyết định công việc của cộng đồng, của Nhà nước.
Đây là hình thức tham gia của mọi công dân một cách bình đẳng (không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, tôn giáo...) và trực tiếp vào các quyết định trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... theo biểu quyết đa số. Dân chủ trực tiếp là sự thể hiện một cách trực tiếp ý chí của chủ thể quyền lực về những vấn đề quan trọng nhất.
Ví dụ :
– Tất cả công dân trực tiếp tham gia bầu trưởng thôn, trưởng ấp, tổ trưởng dân phố.
– Hội nghị toàn dân quyết định tu bổ đường sá, nhà văn hóa thôn...
Những hình thức phổ biến nhất của dân chủ trực tiếp ngày nay là :
– Trưng cầu ý dân (trong phạm vi toàn quốc).
– Thực hiện sáng kiến pháp luật (nhân dân được tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các đạo luật).
– Dân chủ trực tiếp còn là việc làm chủ trực tiếp bằng các hình thức nhân dân tự quản, xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước phù hợp với pháp luật.
b) Dân chủ gián tiếp (dân chủ đại diện)
Dân chủ gián tiếp là hình thức dân chủ thông qua những quy chế, thiết chế để nhân dân bầu ra những người đại diện thay mặt mình quyết định các công việc chung của cộng đồng, của Nhà nước.
Nói cách khác, dân chủ gián tiếp là hình thức nhân dân thể hiện quyền làm chủ của mình, tham gia quản lí nhà nước và xã hội thông qua hoạt động của những người đại diện, cơ quan đại diện của mình ở các cấp chính quyền cũng như ở Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Nhân dân thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khoá XI
Ảnh : TTXVN
Ví dụ :
– Trong lĩnh vực chính trị, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho nhân dân (chia theo tỉnh, thành phố hoặc lĩnh vực sản xuất, quản lí...), được sự uỷ thác của nhân dân, thay mặt nhân dân tham gia xây dựng các đạo luật để quản lí xã hội.
– Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là hình thức chủ yếu của chế độ dân chủ đại diện.
Em hãy nêu ví dụ về những hình thức dân chủ gián tiếp mà em biết.
Dân chủ gián tiếp là hình thức hiện thực hoá quyền làm chủ của người dân. Cơ cấu tổ chức của hình thức dân chủ gián tiếp cho phép bao quát toàn bộ lãnh thổ từ địa phương đến trung ương, cho phép người dân làm chủ trên mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp đều là hình thức của chế độ dân chủ và có quan hệ mật thiết với nhau. Dân chủ trực tiếp mang tính quần chúng rộng rãi nhưng lại phụ thuộc vào trình độ nhận thức của người dân. Hạn chế của dân chủ gián tiếp là nguyện vọng của công dân không được phản ánh trực tiếp, mà phải thông qua người đại diện của mình, nhiều khi phụ thuộc vào khả năng của người đại diện. Vì vậy, cần phải kết hợp sử dụng tốt cả hai hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp để phát huy tối đa hiệu quả của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
III – TƯ LIỆU THAM KHẢO
1. Bàn về chế độ dân chủ tư sản, V.I. Lê-nin viết : "Chế độ dân chủ ấy bao giờ cũng bị bó trong khuôn khổ chật hẹp của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa và do đó, thực ra, nó luôn luôn là một chế độ dân chủ đối với một thiểu số, vẫn chỉ là một chế độ dân chủ đối với riêng những giai cấp có của, đối với riêng bọn giàu có mà thôi."(1)
2. Bàn về con đường biện chứng của quá trình phát triển dân chủ, V.I. Lê-nin viết : "Từ chuyên chế đến dân chủ tư sản ; từ dân chủ tư sản đến dân chủ vô sản ; từ dân chủ vô sản đến không còn dân chủ nữa."(2)
3. Hồ Chí Minh : "Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ vững đạo đức công dân, tức là :
– Tuân theo pháp luật Nhà nước.
– Tuân theo kỉ luật lao động.
– Giữ gìn trật tự chung.
– Đóng góp (nộp thuế) đúng kì, đúng số để xây dựng lợi ích chung.
– Hăng hái tham gia công việc chung.
– Bảo vệ tài sản công cộng.
– Bảo vệ Tổ quốc".(3)
4. Hồ Chí Minh : Nước ta là nước dân chủ(4)
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
(1) V.I. Lê-nin : Toàn tập, Sđd, 2005, tập 33, tr. 106 – 107.
(2) V.I. Lê-nin : Toàn tập, Sđd, 2005, tập 33, tr. 206.
(3) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, 2000, tập 7, tr. 452.
(4) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, 2000, tập 5, tr. 698.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
IV – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Những biểu hiện về mặt bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là gì ?
2. Em hãy nêu những nội dung cơ bản của dân chủ trong các lĩnh vực : kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.
3. Theo em, dân chủ và tập trung, dân chủ và tự do, dân chủ và pháp luật có mâu thuẫn với nhau không ? Tại sao ?
4. Em hãy phân biệt dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Cho ví dụ minh hoạ.
5. Hãy nêu những ví dụ thể hiện dân chủ và thể hiện không dân chủ mà em biết.
6. Là một học sinh, em phải làm gì để góp phần thực hiện nếp sống dân chủ ?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn