Bài 5: Luật Sĩ Quan Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Và Luật Công An Nhân Dân | Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12 - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

GDQPAN 12 - Bài 5


– Hiểu được những nội dung cơ bản của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.

– Hiểu được những điều kiện tuyển chọn, đào tạo, quyền lợi, nghĩa vụ của sĩ quan quân đội và công an.

– Xây dựng ý thức trách nhiệm, phương hướng phấn đấu trở thành sĩ quan quân đội, công an nhân dân.

I – LUẬT SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kì họp thứ sáu thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999 và được sửa đổi, bổ sung tại kì họp thứ ba, Quốc hội khoá XII, ngày 3 tháng 6 năm 2008.

Ngày 22 tháng 12 hằng năm là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và là “Ngày Hội quốc phòng toàn dân”.

1. Vị trí, chức năng của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

a) Khái niệm về sĩ quan, ngạch sĩ quan

− Sĩ quan: là quân nhân phục vụ trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp úy trở lên.

− Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (gọi chung là sĩ quan) : là cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực quân sự, được Nhà nước phong quân hàm cấp uý, cấp tá, cấp tướng.

– Ngạch sĩ quan :

Sĩ quan chia thành hai ngạch : sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị.

+ Ngạch sĩ quan tại ngũ : gồm những sĩ quan thuộc lực lượng thường trực đang phục vụ trong quân đội hoặc đang biệt phái ở các cơ quan tổ chức ngoài quân đội.

+ Ngạch sĩ quan dự bị : gồm những sĩ quan thuộc lực lượng dự bị động viên, được đăng kí, quản lí tại cơ quan quân sự địa phương nơi công tác hoặc cư trú, được huấn luyện kiểm tra theo định kì (trong thời bình), gọi nhập ngũ theo lệnh động viên.

– Sĩ quan biệt phái : là sĩ quan tại ngũ được cử đến công tác ở cơ quan tổ chức ngoài quân đội.

– Chế độ phục vụ, nghĩa vụ và quyền lợi của sĩ quan quân đội được quy định trong Luật và các văn bản pháp quy của Nhà nước cho từng cấp hàm, chức vụ, độ tuổi.

b) Vị trí, chức năng của sĩ quan

Sĩ quan là lực lượng nòng cốt của quân đội và là thành phần chủ yếu trong đội ngũ cán bộ quân đội. Đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lí hoặc trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ khác, bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

2. Tiêu chuẩn của sĩ quan ; lãnh đạo, chỉ huy, quản lí sĩ quan ; điều kiện tuyển chọn đào tạo sĩ quan ; nguồn bổ sung sĩ quan tại ngũ

a) Tiêu chuẩn chung

– Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng và Nhà nước ; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

– Có phẩm chất đạo đức cách mạng ; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ; có tinh thần đoàn kết, giữ nghiêm kỉ luật quân đội ; được quần chúng tín nhiệm.

– Có trình độ chính trị, khoa học quân sự và khả năng vận dụng sáng tạo lí luận vào nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân và quân đội nhân dân ; có kiến thức về các lĩnh vực và năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

– Có lí lịch rõ ràng, tuổi đời và sức khoẻ phù hợp với chức vụ, cấp bậc quân hàm mà sĩ quan đảm nhiệm.

b) Lãnh đạo, chỉ huy, quản lí đội ngũ sĩ quan

Đội ngũ sĩ quan do Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, thuộc quyền thống lĩnh của Chủ tịch nước.

Sự quản lí thống nhất của Chính phủ ; chỉ huy, quản lí trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

c) Điều kiện tuyển chọn đào tạo sĩ quan

– Công dân nước Việt Nam có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khoẻ và tuổi đời.

– Có nguyện vọng và khả năng hoạt động trong lĩnh vực quân sự.

d) Nguồn bổ sung sĩ quan tại ngũ

– Hạ sĩ quan, binh sĩ tốt nghiệp các trường đào tạo sĩ quan hoặc các trường đại học ngoài quân đội ;

– Hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ ;

− Quân nhân chuyên nghiệp và công chức quốc phòng tại ngũ tốt nghiệp đại học trở lên đã được đào tạo, bồi dưỡng chương trình quân sự theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ;

– Cán bộ, công chức ngoài quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên được điều động vào phục vụ trong quân đội đã được đào tạo, bồi dưỡng chương trình quân sự theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ;

– Sĩ quan dự bị.

3. Nhóm ngành, cấp bậc, chức vụ của sĩ quan

a) Nhóm ngành của sĩ quan

Sĩ quan chỉ huy, tham mưu : là sĩ quan đảm nhiệm công tác tác chiến, huấn luyện và xây dựng lực lượng, có thể được bổ nhiệm làm các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của tổ chức.

Sĩ quan chính trị : là sĩ quan đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội.

Sĩ quan hậu cần : là sĩ quan đảm nhiệm công tác hậu cần trong quân đội. Có thể giữ chức vụ khác do yêu cầu của tổ chức.

Sĩ quan kĩ thuật : là sĩ quan đảm nhiệm công tác kĩ thuật trong quân đội. Có thể đảm nhiệm công tác khác do yêu cầu của tổ chức.

Ngoài ra, trong quân đội còn có các sĩ quan chuyên môn khác đảm nhiệm công tác trong các ngành không thuộc 4 nhóm ngành quy định ở trên, như : sĩ quan quân pháp, sĩ quan quân y,...

b) Hệ thống cấp bậc quân hàm của sĩ quan

Gồm 3 cấp, 12 bậc :

– Cấp uý gồm có : thiếu úy, trung úy, thượng úy, đại úy ;

– Cấp tá gồm có : thiếu tá, trung tá, thượng tá, đại tá ;

– Cấp tướng gồm có : thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng, đại tướng.

* Lưu ý :

– Cấp chuẩn đô đốc Hải quân tương đương với thiếu tướng.

– Cấp phó đô đốc Hải quân tương đương với trung tướng.

– Cấp đô đốc Hải quân tương đương với thượng tướng.

c) Hệ thống chức vụ cơ bản của sĩ quan

– Trung đội trưởng ;

– Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội.

– Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn.

– Trung đoàn trưởng, Chính uỷ Trung đoàn.

– Lữ đoàn trưởng, Chính uỷ Lữ đoàn.

– Sư đoàn trưởng, Chính uỷ Sư đoàn.

– Tư lệnh quân đoàn, Chính uỷ Quân đoàn, Tư lệnh Binh chủng, Chính uỷ Binh chủng.

– Tư lệnh quân khu, Chính uỷ Quân khu, Tư lệnh Quân chủng, Chính uỷ Quân chủng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chính uỷ Bộ đội Biên phòng.

– Chủ nhiệm Tổng cục, Chính uỷ Tổng cục.

– Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

* Lưu ý :

– Chỉ huy trưởng, Chính uỷ Bộ chỉ huy quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tương đương với Sư đoàn trưởng.

– Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tương đương Trung đoàn trưởng.

– Chỉ huy trưởng, Chính uỷ vùng Hải quân, vùng Cảnh sát biển tương đương Sư đoàn trưởng.

4. Nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

a) Nghĩa vụ của sĩ quan

– Sẵn sàng chiến đấu, hi sinh bảo vệ vững chắc Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, tham gia xây dựng đất nước.

– Luôn giữ gìn và trau dồi đạo đức cách mạng, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ ;

– Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh và nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh, chế độ, quy định của quân đội ; giữ gìn bí mật quốc gia, bí mật quân sự ;

– Luôn chăm lo đời sống vật chất và tinh thần bộ đội ;

– Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; tôn trọng và gắn bó mật thiết với nhân dân.

b) Trách nhiệm của sĩ quan

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật, cấp trên và cấp dưới thuộc quyền : về những mệnh lệnh của mình, về việc chấp hành mệnh lệnh của cấp trên và việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới thuộc quyền.

– Lãnh đạo, chỉ huy, quản lí đơn vị, tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ theo chức trách được giao ;

Những việc sĩ quan không được làm :

– Việc trái với pháp luật, kỉ luật quân đội.

– Việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.

c) Quyền lợi của sĩ quan

– Có quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật;

– Được Nhà nước bảo đảm về chính sách, chế độ ưu đãi phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quân sự.

II – LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

Luật Công an nhân dân hiện hành đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kì họp thứ tám thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005.

Ngày 19 tháng 8 hằng năm là ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội “Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

1. Vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công an nhân dân

a) Khái niệm về sĩ quan, hạ sĩ quan và công nhân viên chức

Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ : là công dân Việt Nam được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và hoạt động trong lĩnh vực nghiệp vụ của Công an, được Nhà nước phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng, cấp tá, cấp úy, hạ sĩ quan.

Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kĩ thuật : là công dân Việt Nam, có trình độ chuyên môn kĩ thuật, hoạt động trong Công an, được Nhà nước phong, thăng cấp bậc hàm cấp tá, cấp úy, hạ sĩ quan.

Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn : là công dân Việt Nam được tuyển chọn vào phục vụ trong Công an, thời hạn 3 năm, được Nhà nước phong, thăng cấp bậc hàm thượng sĩ, trung sĩ, hạ sĩ, binh nhất, binh nhì.

Công nhân, viên chức : là người được tuyển dụng vào làm việc trong Công an mà không thuộc diện được Nhà nước phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ.

b) Vị trí, chức năng của Công an nhân dân

Công an nhân dân gồm lực lượng An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân.

Vị trí : Là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước.

– Chức năng của Công an nhân dân

+ Tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ;

+ Thực hiện thống nhất quản lí về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ;

+ Đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

c) Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công an nhân dân

– Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt ; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước ; sự thống nhất quản lí của Chính phủ ; sự chỉ huy, quản lí trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.

– Tổ chức tập trung, thống nhất và theo cấp hành chính từ Trung ương đến

– Hoạt động tuân thủ Hiến pháp và pháp luật ; cấp dưới phục tùng cấp trên ; dựa vào dân và chịu sự giám sát của dân và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.

2. Tổ chức của Công an nhân dân

a) Hệ thống tổ chức của Công an nhân dân

– Bộ Công an ;

– Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ;

– Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ;

– Công an xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, theo yêu cầu nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập các đồn, trạm công an và các đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn cần thiết.

b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Công an nhân dân

– Bộ Công an do Chính phủ quy định.

– Các tổng cục, đơn vị công an do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

c) Chỉ huy trong Công an nhân dân

– Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất.

– Chỉ huy công an cấp dưới chịu trách nhiệm trước chỉ huy công an cấp trên về tổ chức và hoạt động của đơn vị công an được giao phụ trách.

– Chỉ huy công an địa phương chịu trách nhiệm trước chỉ huy công an cấp trên và trước cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp.

– Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an có chức vụ hoặc cấp hàm cao hơn là cấp trên của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có chức vụ hoặc cấp hàm thấp hơn. Nếu cấp bậc hàm ngang nhau hoặc thấp hơn nhưng có chức vụ cao hơn thì người đó là cấp trên.

3. Tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân

– Công dân có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khoẻ ; có nguyện vọng và năng khiếu phù hợp với công tác công an thì có thể được tuyển chọn vào Công an nhân dân.

– Công an được ưu tiên tuyển chọn sinh viên, học sinh tốt nghiệp xuất sắc ở các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề có đủ tiêu chuẩn để đào tạo, bổ sung vào Công an nhân dân.

Hằng năm, Công an được tuyển chọn công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi để phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 3 năm. Số lượng, tiêu chuẩn, thủ tục tuyển chọn do Chính phủ quy định.

4. Cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và chức vụ cơ bản trong Công an nhân dân

a) Phân loại sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân

– Phân loại theo lực lượng có :

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ An ninh nhân dân ;

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân.

– Phân loại theo tính chất hoạt động có :

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ ;

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kĩ thuật ;

+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn.

b) Hệ thống cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân

– Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ :

+ Sĩ quan cấp tướng gồm có : thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng, đại tướng.

+ Sĩ quan cấp tá gồm có : thiếu tá, trung tá, thượng tá, đại tá.

+ Sĩ quan cấp uý gồm có : thiếu uý, trung uý, thượng uý, đại uý.

+ Hạ sĩ quan gồm có : hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ.

− Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kĩ thuật :

+ Sĩ quan cấp tá gồm có : thiếu tá, trung tá, thượng tá.

+ Sĩ quan cấp uý gồm có : thiếu uý, trung uý, thượng uý, đại uý.

+ Hạ sĩ quan gồm có : hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ.

– Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn :

+ Hạ sĩ quan gồm có : hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ.

+ Chiến sĩ gồm có : binh nhì, binh nhất.

c) Đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân

– Đối tượng xét phong cấp bậc hàm

+ Sinh viên tốt nghiệp đại học tại các trường của Công an được phong cấp bậc hàm thiếu uý ; học sinh tốt nghiệp trung cấp tại các trường của Công an được phong cấp bậc hàm trung sĩ.

+ Cán bộ, công chức hoặc người tốt nghiệp các học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề được tuyển dụng vào Công an căn cứ vào trình độ và nhiệm vụ sẽ được phong cấp bậc hàm tương đương.

+ Công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân được phong cấp bậc hàm từ binh nhì đến thượng sĩ.

– Điều kiện và thời hạn xét thăng cấp bậc hàm :

Được quy định cụ thể trong luật và các văn bản pháp quy khác của Nhà nước cho từng cấp hàm, chức vụ, thời hạn.

d) Hệ thống chức vụ cơ bản và cấp hàm sĩ quan Công an nhân dân

– Hệ thống chức vụ cơ bản trong Công an nhân dân :

+ Tiểu đội trưởng;

+ Trung đội trưởng;

+ Đại đội trưởng;

+ Tiểu đoàn trưởng, Trưởng Công an phường (thị trấn), Đội trưởng ;

+ Trung đoàn trưởng, Trưởng Công an huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh), Trưởng phòng ;

+ Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

+ Tư lệnh, Cục trưởng, Vụ trưởng

+ Tổng cục trưởng;

+ Bộ trưởng Bộ Công an.

– Các chức vụ tương tương với hệ thống chức vụ cơ bản trên và chức vụ, chức danh khác trong Công an nhân dân do pháp luật quy định (trừ chức vụ Tổng cục trưởng và Bộ trưởng).

e) Hệ thống cấp bậc hàm của sĩ quan Công an nhân dân

– Cấp bậc hàm của sĩ quan đảm nhiệm chức vụ cơ bản trong Công an nhân dân được quy định như sau :

+ Tiểu đội trưởng : thiếu úy, trung úy, thượng úy ;

+ Trung đội trưởng : trung úy, thượng úy, đại úy ;

+ Đại đội trưởng : thượng úy, đại úy, thiếu tá ;

+ Tiểu đoàn trưởng, Trưởng Công an phường (thị trấn), Đội trưởng : thiếu tá, trung tá ;

+ Trung đoàn trưởng, Trưởng Công an huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh), Trưởng phòng : trung tá, thượng tá

+ Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng, Vụ trưởng : thượng tá, đại tá ;

+ Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tư lệnh Cảnh vệ : đại tá, thiếu tướng ;

+ Tổng cục trưởng : thiếu tướng, trung tướng ;

+ Bộ trưởng Bộ Công an : thượng tướng, đại tướng.

5. Nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân

a) Nghĩa vụ, trách nhiệm và những việc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân không được làm

– Nghĩa vụ, trách nhiệm :

+ Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân.

+ Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, điều lệnh công an, chỉ thị, mệnh lệnh cấp trên.

+ Trung thực, dũng cảm, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ.

+ Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của dân, vì dân phục vụ.

+ Luôn học tập nâng cao trình độ mọi mặt ; rèn luyện phẩm chất cách mạng, ý thức tổ chức kỉ luật và thể lực.

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật, cấp trên và cấp dưới thuộc quyền : về những mệnh lệnh của mình, về việc chấp hành mệnh lệnh cấp trên và việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới thuộc quyền.

– Những việc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân không được làm :

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của dân.

+ Những việc trái với pháp luật, điều lệnh Công an và những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.

b) Quyền lợi

– Có quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

– Được Nhà nước bảo đảm về chế độ chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của lực lượng vũ trang.

– Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật và kiến thức cần thiết khác phù hợp với nhiệm vụ được giao ; được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện phát triển tài năng để phục vụ Công an nhân dân.

III – TRÁCH NHIỆM CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THAM GIA XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ SĨ QUAN QUÂN ĐỘI, CÔNG AN

Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân, trong đó học sinh Trung học phổ thông có vai trò quan trọng. Đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước và những nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ chỉ có thể được thực hiện bằng những việc làm thiết thực, thể hiện trách nhiệm công dân của học sinh trong thời kì mới. Vì vậy, ngoài việc tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hoá, học sinh cần phải học tập, hiểu rõ và thực hiện đúng pháp luật Nhà nước, trong đó có Luật Sĩ quan Quân đội và Luật Công an nhân dân.

Trước mắt, mỗi người học sinh có thái độ nghiêm túc trong học tập, hiểu được những nội dung cơ bản của Luật Sĩ quan quân đội, Luật Công an nhân dân.

Thông qua học tập về Luật Sĩ quan quân đội và Luật Công an nhân dân, học sinh sẽ hiểu được nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan quân đội và công an ; hiểu được điều kiện tuyển chọn đào tạo bổ sung vào đội ngũ sĩ quan quân đội và vào lực lượng Công an nhân dân. Từ đó biết được phương pháp đăng kí dự tuyển đào tạo để trở thành sĩ quan quân đội và cán bộ, chiến sĩ công an.

Trở thành sĩ quan của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là niềm vinh dự, tự hào của thế hệ trẻ.

Để đạt được nguyện vọng của mình, trước hết mỗi học sinh cần ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện để vừa trau dồi, nâng cao những kiến thức cần thiết theo chuyên ngành, làm cơ sở sau khi ra trường sẽ phục vụ ngày càng tốt hơn đáp ứng đòi hỏi của xã hội ; đồng thời, phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tích cực tìm hiểu về truyền thống yêu nước của dân tộc, truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam.

Trên cơ sở xác định rõ nguyện vọng phục vụ lâu dài trong lực lượng Quân đội, Công an, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, mỗi học sinh có thể đăng kí dự thi vào các trường Quân đội hoặc Công an nhân dân.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, pháp luật không chỉ là công cụ quan trọng của Nhà nước, mà còn là công cụ chủ yếu của mỗi công dân sử dụng để xây dựng cuộc sống của mình và góp phần vào sự bình yên, trật tự, phát triển của đất nước. Học sinh hiểu, làm theo Hiến pháp và pháp luật là lối sống văn minh thể hiện nếp sống đạo đức, kỉ cương của mỗi người.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Trình bày vị trí, chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi nào ?

3. Trình bày vị trí, chức năng của Công an nhân dân.

4. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi nào ?

5. Học sinh Trung học phổ thông phải có trách nhiệm gì để tham gia xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội và Công an ?

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 5: Luật Sĩ Quan Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Và Luật Công An Nhân Dân | Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12 - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.