Bài 6: Yêu thương, chia sẻ | Tiếng Việt 3 - Tập Một | Chương 2: Cộng đồng - Lớp 3 - Cánh Diều

Bài 6: Yêu thương, chia sẻ


(Trang 67)

CHIA SẺ

1. Quan sát và cho biết em thấy gì trong mỗi hình ảnh dưới đây:

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-0

  1. Tặng xe đạp
  2. Bộ đội giúp dân
  3. Thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng
  4. Trao tặng nhà tình nghĩa

2. Trao đổi:

  1. Các hình ảnh trên nói lên điều gì tốt đẹp trong cuộc sống?
  2. Vì sao mọi người trong cộng đồng cần yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau?

(Trang 68)

BÀI ĐỌC 1

Bảy sắc cầu vồng

Một hoạ sĩ đang say sưa vẽ bức tranh phong cảnh đồng quê. Bỗng trời đổ mưa. Hoạ sĩ vội lấy ô để che bức tranh vẽ dở.

Bị mưa làm ướt, các màu bắt đầu càu nhàu. Màu đổ thấy thế bèn lên tiếng:

-Các bạn thật là những màu mềm yếu?

Màu da cam phản ứng:

-Bạn nói ai vậy? Mình là màu da cam nổi tiếng. Các quả cam đều sơn màu của mình đấy!

Màu vàng đáp:

-Nhưng màu vàng của tớ mới là màu của Mặt Trời, bạn nhé!

Thế là các màu quay ra tranh cãi xem màu nào đặc sắt nhất: Màu xanh lục nói rằng mình là màu của cây cỏ, thiên nhiên. Màu xanh lam cho rằng mình là màu xanh của bầu trời. Màu xanh dương bảo mình là sắc biếc của đại dương, sống suối. Màu tím thì tự hào vì có vẻ đẹp đằm thắm giống như hoà vi ô lét...

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-1

Đúng lúc đó, mưa vụt tạnh. Mặt trời ló ra. Một cây cầu vồng rực rỡ hiện lên trên nền trời. Hoạ sĩ liền vẽ bức tranh một cây cầu vồng vắt ngang qua cánh đồng lúa vàng rực. Các màu cùng bừng sáng. Chúng nắm tay nhau. Và trong vòng tay ấy, các màu càng rực rỡ hơn cả ngàn lần khi đứng một mình.

TRẦN THỊ NGÂN, PHẠM HỒNG THUÝ, NGUYỄN THỊ MỸ NGỌC

(Sưu tầm, biên soạn)

(Trang 69)

  • Càu nhàu: nói lẩm bẩm, tỏ ý không bằng lòng.
  • Đặc sắc: có những nét riêng, hay, đẹp khác thường.
  • Đằm thắm: đậm đà, khó phai nhạt.

ĐỌC HIỂU

1. Tìm các đoạn ứng với mỗi ý sau:

  1. Cơn mưa bất ngờ.
  2. Các màu tranh cãi.
  3. Cùng nắm tay nhau.

2. Các màu tranh cãi nhau về điều gì?

3. Trong bức tranh cầu vồng, các màu hiện lên như thế nào?

4. Câu chuyện trên nói với em điều gì? Chọn ý trả lời em thích:

  1. Ai cũng có ích.
  2. Có đoàn kết mới thành công.
  3. Sự hài hoà tạo nên cái đẹp.

LUYỆN TẬP

1. Tìm các từ chỉ màu sắc trong bài đọc.

2. Xếp các từ sau thành những cặp từ  có nghĩa giống nhau:

a) nổi tiếng                          1) kiểu hãnh

b) mềm yếu                         2) lừng danh

c) tự hào                              3) yếu đuối

TỰ ĐỌC SÁCH BÁO

1. Tìm đọc thêm ở nhà:

-2 câu chuyện (hoặc 1 bài thơ, 1 câu chuyện) về tình cảm cộng đồng.

-1 bài văn miêu tả hoặc cung cấp thông tin về tình cảm cộng đồng.

2. Viết vào phiếu đọc sách:

-Tên bài đọc và một số nội dung chính (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn, câu thơ em thích).

-Cảm nghĩ của em.

(Trang 70)

BÀI VIẾT 1

Ôn chữ viết hoa: G, H

1. Viết tên riêng:           Gành Hào

2. Viết câu:                    Hoa thơm dù mọc bờ rào

                          Gió nam, gió bắc, hướng nào cũng thơm

                                                                                     Ca dao

KỂ CHUYỆN

Bộ lông rực rỡ của chim thiên đường

TRẦN HOÀI DƯƠNG

1. Nghe và kể lại câu chuyện:

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-2

Gợi ý

a) Chim thiên đường làm gì để chuẩn bị cho mùa đông đang tới?

b) Vì sao chim thiên đường cho đi những vật nó kiếm được:

  • Khi bay qua tổ sáo đen?
  • Khi gặp bầy bõ kiến?
  • Khi đến tổ của chim mai hoa?

c) Gió lạnh đôt ngột ùa về, chim thiên đường gặp khó khăn gì?

d) Chèo bẻo loan tin cho các bạn đến giúp chim thiên đường làm gì?

e) Chiếc áo chim thiên đường luôn khoác lên mình thể hiện điều gì?

2. Câu chuyện giúp em hiểu điều gì?

(Trang 71)

BÀI ĐỌC 2

Bận

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-3

Trời thu bận xanh

Sông Hồng bận chảy

Cái xe bận chạy

Lịch bận tính ngày

Con chim bận bay

Cái hoa bận đỏ

Cờ bận vẫy gió

Chữ bận thành thơ

Hạt bận vào mùa

Than bận làm lửa.

 

Cô bận cấy lúa

Chú bận đánh thù

Mẹ bận hát ru

Bà bận thổi nấu.

Còn con bận bú

Bận ngủ bận chơi

Bận tập khóc cười

Bận nhìn ánh sáng.

 

Mọi người đều bận 

Nên đời rộn vui

Con vừa ra đời

Biết chăng điều đó

Mà đem vui nhỏ

Góp vào đời chung.

TRINH ĐƯỜNG

  • Sông Hồng: sông lớn nhất miền Bắc nước ta.
  • Vào mùa: bước vào thời gian gieo hạt, cấy lúa hoặc gặt hái.
  • Đánh thù: đánh giặc, bảo vệ đất nước.

ĐỌC HIỂU

1. Mỗi vật nêu ở khổ thơ 1 bận việc gì?

2. Mỗi người nêu ở khổ thơ 2 bận việc gì?

(Trang 72)

3. Em hiểu câu thơ "Mọi người đều bận / Nên đời rộn vui." như thế nào?

Chọn ý em thích:

a) Mọi người đều bận để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

b) Mọi người đều bận nhưng vui vì những việc có ích.

c) Mọi người đều bận nên cuộc sống rất nhộn nhịp.

4. Mẹ nhắn nhủ em bé điều gì?

* Học thuộc lòng 14 dòng thơ đầu

LUYỆN TẬP

1. Xếp các từ dưới đây vào nhóm thích hợp:

tất bật                              nhàn rỗi                            bận bịu 

                      BẬN                                   NHÀN

nhàn hạ                             bận rộn                            rảnh rỗi

2. Đặt câu với một từ trong bài tập trên. 

(M) Ngày mùa, ở nông thôn, nhà nào cũng bận rộn.

BÀI VIẾT 2

Làm đơn xin cấp thẻ đọc sách

1. Hãy nói những điều em biết (hoặc em thích, mong muốn) về thư viện trường em (hoặc thư viện nơi em sinh sống).

Gợi ý

  1. Thư viện nằm ở đâu?
  2. Mọi người đến thư viện làm gì?
  3. Em thích (hoặc mong muốn) điều gì ở thư viện?

(Trang 73)

2. Hãy hoàn thành Đơn xin cấp thẻ đọc sách ở thư viện trường (hoặc thư viện nơi em sinh sống) theo mẫu sau:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

..., ngày ... tháng ... năm ...

ĐƠN XIN CẤP THẺ ĐỌC SÁCH

Kính gửi: Thư viện ................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

- Em tên là: .............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

- Sinh ngày: ......................................................... Nam (nữ): ............................................................................................................................................................................................................................................................................................................

- Nơi ở: ....................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

- Học sinh lớp: ............................... Trường: .....................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

Em làm đơn này xin đề nghị Thư viện cấp cho em thẻ đọc sách năm ..........................................................................................................................................................................................................................................................................

Em xin hứa thực hiện đúng mọi quy định của Thư viện.

Em trân trọng cảm ơn.

Người làm đơn

      (Kí và ghi rõ họ tên)

        .............

BÀI ĐỌC 3

Chia sẽ niềm vui

Mấy ngày liền, báo chí liên tục đưa tin về thiệt hại do cơn bão mới nhất gây ra. Có một bức ảnh làm tôi rất xúc động: Một phụ nữ trẻ ngồi thẫn thờ trước ngôi nhà đổ nát của mình. Đứng cạnh chị là một bé gái đang bám chặt lấy mẹ, mắt mở to, sợ hãi. 

Con trai tôi sốt sắng nói:

- Trường con đang quyên góp sách vở, quần áo giúp các bạn vùng bị bão, mẹ ạ.

(Trang 74)

- Bố mẹ giúp con chuẩn bị nhé? Mẹ còn muốn đóng một thùng riêng gửi tặng hai mẹ con trong bức ảnh này.

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-4

Chúng tôi cùng cậu con trai chất vào hai chiếc thùng các tông quần áo, sách vở, đồ dùng,... Đứng nhìn bố mẹ và anh sắp xếp, con gái tôi có vẻ nghĩ ngợi. Nó chạy vào phòng, rồi trở ra ngay. Tay nó ôm chặt con búp bê tóc vàng. Đó là món đồ nó yêu thích nhất. Nó hôn tạm biệt con búp bê rồi bỏ vào thùng. Tôi bảo:

- Con gửi cho em thứ khác cũng được. Đây là con búp bê con thích nhất mà.

Con gái tôi gật đầu:

- Em bé nhận được sẽ rất vui, mẹ ạ.

Tôi xúc động nhìn con. Ôi, con gái tôi đã biết chia sẻ niềm vui để em bé kia cũng được vui!

MINH THƯ

  • Thẫn thờ: đờ ra, mất hết vẻ linh hoạt, nhanh nhẹn.
  • Sốt sắng: hăng hái, nhiệt tình.
  • Quyên góp: đóng góp hoặc vận động mọi người đóng góp tiền để làm việc có ích.
  • Các tông: giấy dày, xốp, thường dùng để đóng bìa sách, đóng hộp,....

(Trang 75)

ĐỌC HIỂU

1. Ở đoạn 1, điều gì khiến người mẹ trong câu chuyện xúc động?

2. Gia đình hai bạn nhỏ làm gì để giúp đỡ đồng bào vùng bị bão tàn phá?

3. Bé gái tặng gì cho em nhỏ trong bức ảnh?

4. Em có suy nghĩ gì về hành động của bé gái trong câu chuyện?

LUYỆN TẬP

1. Xếp các từ ngữ dưới đây vào nhóm thích hợp:

   đùm bọc    bản làng    dòng họ    đoàn kết    thôn xóm    trường học

Chỉ cộng đồng    lớp học    tình nghĩa    giúp đỡ    yêu thương    Chỉ tình cảm cộng đồng

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-5

2. Đặt câu với một từ ở bài tập trên. Cho biết câu đó thuộc mẫu câu nào.

Ai là gì?           Ai làm gì?           Ai thế nào?

BÀI VIẾT 3

Chính tả

1. Nhớ - viết: Bận (14 dòng thơ đầu)

2. Chọn vần phù hợp với ô trống:

a) Vần uênh hay ênh?

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-6

b) Vần uêch hay êch?

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-7

(Trang 76)

(3). Chọn chữ hoặc vần phù hợp với ô trống rồi giải câu đố:

a) Chứ l hay n?

Sông không đến, bến không vào

      Lơ ?ửng giữa trời mà sao có ?ước?

(Là quả gì?)

b) Vần ac hay at?

Quả gì tên gọi hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-8 thường

Nén "buồn riêng" để hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-9 hương cho đời?

  (Là quả gì?)

TRAO ĐỔI

Quà tặng của em

Tả một đồ vật (hoặc đồ chơi) em tặng người khác (hoặc em được người khác tặng).

Gợi ý

1. Nói về gì? 

Tả một đồ vật.

2. Tìm ý

- Món quà ấy là gì?

- Ai tặng, vào dịp nào?

- Món quà ấy trông như thế nào?

- Em có cảm nghĩ gì?

3. Sắp xếp ý

- Giới thiệu món quà.

- Tả món quà.

- Nêu cảm nghĩ khi tặng (hoặc được tặng) món quà ấy.

4. Nói

- Nói theo ý đã sắp xếp.

- Nói câu đúng, liền mạch.

5. Hoàn chỉnh

- Sửa lỗi.

- Bổ sung ý hay.

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-10

(Trang 77)

Nhà rông

Ở hầu hết các địa phương vùng Bắc Tây Nguyên trước đây, làng nào cũng có nhà rông. Hình dáng nhà rông có thể không giống nhau, nhưng bao giờ đó cũng là ngôi nhà sàn cao lớn nhất, đẹp nhất làng.

Nhà rông được dựng bằng gỗ tốt kết hợp với tre, nứa; mái lợp cỏ tranh. Dân làng cùng nhau làm nhà rông. Làng càng lớn và có nhiều người tài giỏi thì nhà rông càng bề thế, khang trang.

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-11

Nhà rông dùng làm nơi đón tiếp khách đến làng, nơi các già làng bàn bạc việc chung, nơi đàn ông lúc rỗi rãi ngồi trò chuyện hoặc vót nan, đan lát,... Nhà rông là chỗ ngủ của con trai từ tuổi thiếu niên cho đến khi lấy vợ. Đây là tập quán từ xa xưa do trai tráng phải trực chiến để bảo vệ làng. Nhà rông còn là nơi tổ chức những lễ cúng chung của dân làng.

Nhà rông thật là đặc sắc. Vì vậy, mỗi khi nói đến Tây Nguyên là người thường nhắc đên nhà rông.

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-12

LƯU HÙNG

  • Cỏ tranh: cỏ lá dài, cứng, thường dùng để lợp nhà.
  • Bề thế: có quy mô rộng lớn.
  • Già làng: người cao tuổi được dân làng cử ra để điều khiển công việc chung.
  • Vót: đưa nhẹ lưỡi dao nhiều lần trên bề mặt, làm cho thanh tre, nứa nhẵn, tròn hoặc nhọn.
  • Nan: thanh tre, nứa mỏng, dùng để đan, ghép thành đồ vật.

ĐỌC HIỂU

1. Nhà rông có những đặc điểm gì nổi bật?

2. Nhà rông được dùng làm gì?

(Trang 78)

3. Vì sao có thể nói nhà rông thể hiện tài năng và tinh thần cộng đồng của người dân Tây Nguyên?

LUYỆN TẬP

1. Xếp các từ ngữ sau thành 3 cặp từ ngữ có nghĩa giống nhau:

a) thiếu nhi                   1) thói quen

b) trai tráng                   2) trẻ em

c) tập quán                    3) nam thanh niên

2. Em cần đặt dấu hai chấm vào những chỗ nào trong các câu sau?

a) Tây Nguyên là nơi chung sống của nhiều dân tộc anh em Gia-rai, Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Mnông,...

b) Tây Nguyên có những cảnh đẹp nổi tiếng hồ Lắk, thác Pren, vườn quốc gia Chư Mom Ray,...

c) Tây Nguyên trồng nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, chanh leo,...

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-13

GÓC SÁNG TẠO

Em đọc sách

1. Chọn 1 trong 2 đề sau:

a) Ghi vào nhật kí đọc sách nhận xét của em về một nhân vật em thích trong một truyện em mới đọc (hoặc mới nghe kể).

(Trang 79)

Gợi ý

  • Tên truyện em mới đọc (hoặc mới nghe ai kể) là gì?
  • Em thích nhân vật nào trong truyện?
  • Vì sao em thích nhân vật đó?

b) Ghi vào nhật kí đọc sách cảm nghĩ của em về một bài thơ mới được học (hoặc mới được đọc).

Gợi ý

  • Tên bài thơ em mới được học (hoặc mới được đọc) là gì?
  • Bài thơ ấy nói về điều gì?
  • Em thích hình ảnh nào trong bài thơ ấy?
  • Vì sao em thích hình ảnh đó?

hinh-anh-bai-6-yeu-thuong-chia-se-7101-14

2. Giới thiệu và bình chọn đoạn viết hay.

TỰ ĐÁNH GIÁ

Sau Bài 6, em đã biết them những gì, đã làm thêm được những gì? Hãy tự đánh giá theo bảng dưới đây:

Đã biết những gì? Đã làm được những gì?
a) Ôn chữ viết hoa: G, H a) Viết đúng tên riêng và câu có chữ hoa G, H
b) Từ ngữ về cộng đồng b) Sử dụng từ ngữ về cộng đồng
c) Từ ngữ có nghĩa giống nhau c) Nhận biết và đặt câu với các từ ngữ có nghĩa giống nhau
d) Ôn về dấu hai chấm d) Sử dụng dấu hai chấm để báo hiệu phần liệt kê
e) Truyện, thơ, văn miêu tả, tranh ảnh về tình cảm cộng đồng e) Viết cảm nghĩ về nhân vật (bài thơ)

 

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 6: Yêu thương, chia sẻ | Tiếng Việt 3 - Tập Một | Chương 2: Cộng đồng - Lớp 3 - Cánh Diều

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 3

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Cánh Diều

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.