(Trang 80)
CHIA SẺ
1. Hãy nói tên một số đồ vật trong góc học tập dưới đây:
2. Mỗi đồ vật trên có tác dụng gì?
(M) Quyển sách cho em nhiều kiến thức.
3. Theo em, ai đã làm ra (sáng tạo ra) những đồ vật ấy?
BÀI ĐỌC 1
Ông Trạng giỏi tính toán
Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên năm 21 tuổi. Ông được mọi người nể phục vì vừa học rộng vừa có rất nhiều sáng kiến trong đời sống.
Có lần, sứ thần Trung Hoa thử tài Lương Thế Vinh, nhờ ông cân giúp một con voi. Lương Thế Vinh sai lính dắt voi xuống thuyền, đánh dấu mức chìm của thuyền. Sau đó, ông cho voi lên bờ và xếp đá vào thuyền. Khi thuyền chìm đến mức đã đánh dấu, ông sai cân chỗ đá ấy và biết voi nặng bao nhiêu.
(Trang 81)
Sứ thần lại xé một trang sách mỏng, nhờ ông đo xem nó dày bao nhiêu. Ông lấy thước đo cuốn sách, rồi chia cho số trang để biết độ dày của mỗi trang sách. Sứ thần hết sức khâm phục tài trí của Trạng nguyên nước Việt.
Lương Thế Vinh đã tìm ra nhiều quy tắc tính toán, viết thành một cuốn sách. Mỗi quy tắc tính toán đều được ông tóm tắt bằng một bài thơ cho dễ nhớ. Đó là cuốn sách toán đầu tiền ở Việt Nam. Sách của ông được dạy trong nhà trường gần 400 năm. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên làm ra bàn tính. Bàn tính lúc đầu làm bằng đất, về sau làm bằng gỗ và trúc, sơn nhiều màu, rất dễ sử dụng
Theo sách Kể chuyện thần đồng Việt Nam
- Trạng nguyên: người đỗ đầu trong kì thi tổ chức cho những người đã đỗ tiến sĩ thời xưa.
- Sứ thần: người được vua cử đi nước ngoài.
- Trung Hoa: Trung Quốc.
ĐỌC HIỂU
1. Qua đoạn 1, em biết gì về ông Lương Thế Vinh?
2. Ông Lương Thế Vinh làm cách nào để cân voi?
3. Ông Lương Thế Vinh làm cách nào để biết một trang sách dày bao nhiêu?
4. Đọc đoạn 4 và nêu những đóng góp của ông Lương Thế Vinh.
(Trang 82)
LUYỆN TẬP
1. Những từ nào dưới đây có nghĩa trái ngược nhau? Ghép đúng:
a) nhiều 1) nổi
b) chìm 2) cuối cùng
c) đầu tiên 3) khó
d) dễ 4) ít
2. Tìm trong mỗi câu sau một cặp từ có nghĩa trái ngược nhau:
a) Lương Thế Vinh sai lính dắt voi xuống thuyền, sau đó, ông cho voi lên bờ.
b) Sứ thần lại xé một trang sách mỏng, nhờ ông đo xem nó dày bao nhiêu.
TỰ ĐỌC SÁCH BÁO
1. Tìm đọc thêm ở nhà:
-2 câu chuyện (hoặc 1 bài thơ, 1 câu chuyện) về hoạt động sáng tạo.
-1 bài văn miêu tả hoặc cung cấp thông tin về hoạt động sáng tạo.
2. Viết vào phiếu đọc sách:
-Tên bài đọc và một số nội dung chính (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn, câu thơ em thích).
-Cảm nghĩ của em.
BÀI VIẾT 1
Ôn chữ viết hoa: I, K
1. Viết tên riêng: Ông Ích Khiêm
2. Viết câu: Khi đói cùng chung một dạ
Khi rét cùng chung một lòng
Tục ngữ Mường
(Trang 83)
KỂ CHUYỆN
Chiếc gương
Theo sach Ê-đi-xơn
1. Nghe và kể lại câu chuyện:
- Mẹ của Ê-đi-xơn bị bệnh gì?
- Vì sao bác sĩ không mổ được cho mẹ của Ê-đi-xơn?
- Ê-đi-xơn đã nghĩ ra cách gì để có đủ ánh sáng cho ca mổ?
- Sáng kiến của cậu bé Ê-đi-xơn đã mang lại kết quả như thế nào?
- Về sau, Ê-đi-xơn đã trở thành một người tài giỏi như thế nào?
- Ê-đi-xơn (1847 - 1931): nhà bác học Mỹ, sáng chế bóng đèn điện, máy hát, máy chiếu phim,....
(Trang 84)
2. Trao đổi: Nói một ý tưởng sáng tạo của em.
Gợi ý
- Sáng tạo một đồ dùng học tập.
- Sáng tạo một đồ chơi.
- Sáng tạo một loại máy.
- Sáng tạo một ngôi nhà thông minh.
BÀI ĐỌC 2
Cái cầu
(Trích)
Cha gửi cho con chiếc ảnh cái cầu
Cha vừa bắc xong qua dòng sông sâu
Xe lửa sắp qua, thư cha nói thế
Con cho mẹ xem - cho xem hơi lâu.
Những cái cầu ơi, yêu sao yêu ghê
Nhện qua chum nước bắc cầu tơ nhỏ
Con sáo sang sông bắc cầu ngọn gió
Con kiến qua ngòi bắc cầu lá tre.
Yêu hơn, cả cái cầu ao mẹ thường đãi đỗ
Là cái cầu này ảnh chụp xa xa
Mẹ bảo: cầu Hàm Rồng sông Mã
Con cứ gọi: cái cầu của cha
PHẠM TIẾN DUẬT
- Yêu ghê: yêu quá.
- Chum: đồ đựng bằng đất nung, loại to, miệng tròn, giữa phình ra.
- Ngòi: dòng nước chảy tự nhiên, thông với sống hoặc đầm, hồ.
- Đãi đỗ: cho đỗ (đậu) đã ngâm nước nóng vào nước để bỏ vỏ, sạn.
- Cầu Hàm Rồng: cầu bắc qua sông Mã ở thành phố Thanh Hoá, tính Thanh Hoá.
(Trang 85)
ĐỌC HIỂU
1. Người cha trong bài thơ làm nghề gì?
2. Bức ảnh cha gửi đã gợi cho bạn nhỏ nghĩ đến những chiếc cầu nào?
3. Những câu thơ nào cho thấy bạn nhỏ rất yêu chiếc cầu cha làm?
4. Câu thơ nào cho thấy bạn nhỏ rất tự hào về cha?
* Học thuộc lòng 2 khổ thơ cuối
LUYỆN TẬP
1. Xếp các từ dưới đây thành các cặp từ có nghĩa trái ngược nhau:
a) sâu 1) gần
b) lâu 2) nông
c) nhỏ 3) mau
d) xa 4) to
2. Đặt câu với một từ trong bài tập trên.
BÀI VIẾT 2
Tả đồ vật
1. Nói với bạn về một đồ dùng trong nhà (hoặc đồ dùng học tập).
Gợi ý
- Đó là đồ dùng gì?
- Đặc điểm và ích lợi của nó là gì?
- Những người đã làm ra đồ dùng đó là ai?
(Trang 86)
2. Dựa vào những điều vừa nói, hãy viết đoạn văn về một đồ dùng trong nhà (hoặc đồ dùng học tập).
BÀI ĐỌC 3
Người trí thức yêu nước
Năm 1949, bác sĩ Đặng Văn Ngữ rời Nhật Bản về nước tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Để tránh bị địch phát hiện, ông phải vòng từ Nhật Bản qua Thái Lan, sang Lào, về Nghệ An, rồi từ Nghệ An lên chiến khu Việt Bắc. Dù băng qua rừng rậm hay núi sâu, lúc nào ông cũng giữ bên mình chiếc va li đựng nấm pê-ni-xi-lin mà ông gây được từ bên Nhật. Nhờ va li nấm này, ông đã chế được "nước lọc pê-ni-xi-lin" chữa cho thương binh.
Năm 1967, lúc đã gần 60 tuổi, ông lại lên đường ra mặt trận chống Mỹ cứu nước. Ở chiến trường, bệnh sốt rét hoành hành, đồng bào và chiến sĩ cần có ông. Sau nhiều ngày khổ công nghiên cứu, ông chế ra thuốc chống sốt rét và tự tiêm thử vào cơ thể mình những liều thuốc đầu tiên. Thuốc sản xuất ra, bước đầu có hiệu quả cao. Những giữa lúc ấy, một trận bom của địch đã cướp đi một người trí thức yêu nước và tận tuỵ của chúng ta.
Theo ĐỨC HOÀI
(Trang 87)
- Trí thức: người lao động trí óc có trình độ cao (bác sĩ, kỹ sư, giáo viên,....).
- Nấm pê-ni-xi-lin: một loại nấm dùng để chế ra thuốc chống vi trùng gây bệnh.
- Gây: làm nảy ra, sinh ra.
- Khổ công: bỏ ra rất nhiều công sức.
- Nghiên cứu: tìm tòi, suy nghĩ để giải quyết.
ĐỌC HIỂU
1. Để về nước tham gia kháng chiến, bác sĩ Đặng Văn Ngữ phải đi đường vòng như thế nào?
2. Va li nấm pê-ni-xi-lin được ông mang về quý giá như thế nào?
3. Chi tiết ông tự tiêm thử liều thuốc đầu tiên vào cơ thể mình nói lên điều gì?
4. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã có những đóng góp gì cho hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ?
LUYỆN TẬP
1. Tìm từ ngữ chỉ thời gian trong các câu sau:
- Năm 1943, bác sĩ Đặng Văn Ngữ sang học ở Nhật Bản.
- Năm 1967, lúc đã gần 60 tuổi, ông lại lên đường ra mặt trận.
- Sau nhiều ngày khổ công nghiên cứu, ông đã chế ra thuốc chống sốt rét.
2. Tìm thêm các từ ngữ:
- Chỉ nghề nghiệp: bác sĩ, thợ may,.....
- Chỉ hoạt động nghề nghiệp: chữa bệnh, may áo,......
BÀI VIẾT 3
Chính tả
1. Nhớ - viết: Cái cầu (2 khổ thơ cuối)
2. Chọn vần phù hợp với ô trống:
a) Vần uêu hay êu?
b) Vần uyu hay iu?
(Trang 88)
(3). Chọn chữ hoặc dấu thanh phù hợp:
a) Chứ r, d hay gi?
Mùa hạ đến là ?ài
Tiếng ve kêu sốt ?uột
Mùa đông ?ồi mùa xuân
?iêng mùa thu đẹp thế
Lại ngắn ngủi làm sao
Đến và đi đều khẽ
Như là trong chiêm bao.
NGUYỄN HOÀNG SƠN
b) Dấu hỏi hay dấu ngã?
Suốt đời tôi chi mơ
Được làm cho các em
Nhưng bài thơ nho nho
Như những hòn bi xanh, đo các em chơi
Như những quả quýt, quả cam
Các em tay bóc vo, miệng cười...
PHẠM HỔ
TRAO ĐỔI
Em đọc sách báo
1. Kể hoặc đọc lại một câu chuyện (bài thơ, bài văn) về hoạt động sáng tạo mà em đã đọc ở nhà.
(M) Bình nước và con cá vàng
Một lần, thầy giáo nêu cho lớp của I-ren câu hỏi:
- Nếu tôi thả một con cá vàng vào bình nước đầy, nước sẽ như thế nào?
- Nước sẽ trào ra ạ! - Cả lớp đồng thanh đáp.
- Nếu tôi đem số nước trào ra đó đổ vào một chiếc cốc, sẽ thấy lượng nước nhỏ hơn thể tích con cá vàng. Vì sao lại như vậy?
"Lạ nhỉ!", "Cũng có thể là cá vàng uống mất một ít nước?", "Hoặc nước rớt ra ngoài cóc chăng?" - Lũ trẻ bàn tán rất hăng.
(Trang 89)
I-ren im lặng suy nghĩ. Ai cũng biết khi một vật bị chìm trong nước, nước sẽ dềnh lên đúng bằng thể tích vật đó. Thế mà hôm nay thầy nói như vậy. Chẳng lẽ thầy thử học trò?
Về nhà, I-ren tự mình làm thí nghiệm. Cô bắt một con cá vàng thả vào cốc nước rồi quan sát. Kết quả, lượng nước trào ra hoàn toàn bằng thể tích con cá.
Ngày hôm sau, I-ren kể lại thí nghiệm của mình cho thầy nghe. Thầy giáo mỉm cười:
- Ngày cả nhà khoa học cũng có thể sai. Chỉ có sự thật mới đáng tin cậy. Ai chịu khó tìm tòi sự thật, người ấy sẽ thành công.
Nhờ chịu suy nghĩ, tìm tòi, sau này, I-ren đã trở thành một nhà khoa học nổi tiếng.
Theo VŨ BỘI TUYỀN
- I-ren: I-ren Giô-li-ô Quy-ri (1897- 1956), nhà bác học Pháp.
- Thể tích: phần mà một vật chiếm trong không gian.
- Thí nghiệm: làm thử để rút ra kết luận.
2. Trao đổi về nội dung câu chuyện (bài thơ, bài văn).
Gợi ý
- Em thích nhân vật (hoặc chi tiết, hình ảnh) nào trong câu chuyện (bài thơ, bài văn) đã đọc? Vì sao?
- Câu chuyện (bài thơ, bài văn) đó nói lên điều gì?
(Trang 90)
BÀI ĐỌC 4
Từ cậu bé làm thuê
Ông Nguyễn Sơn Hà là người khai sinh ra ngành sơn Việt Nam.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ nhỏ, ông đã phải rời làng ra Hà Nội kiếm sống. Lúc đầu, ông làm thuê cho một hãng sơn của Pháp. Với ý chí tự lập, ông đã mày mò tìm cách sản xuất sơn, rồi mở hãng sơn Tắc Kè ở Hải Phòng. Sơn Tắc Kè có giá rẻ hơn sơn ngoại mà chất lượng tốt nên dần dần được mọi người ưa chuộng.
Năm 1946, kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Cả gia đình ông lên chiến khu, bỏ lại toàn bộ nhà xưởng. Nguyễn Sơn Hà vẫn không ngừng sáng tạo. Ở Việt Bắc, ông sản xuất vải nhựa cách điện, giấy than, mực in, vải mưa,..... Đó là những sản phẩm rất hữu ích đối với kháng chiến lúc bấy giờ.
Nguyễn Sơn Hà rất tích cực tham gia các hoạt động yêu nước. Ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I của nước ta. Ngày nay, ở Hải Phòng có đường phố mang tên ông.
HỒNG VŨ
(Trang 91)
- Mày mò: kiên nhẫn tìm tòi để làm được một việc mà bản thân chưa từng làm.
- Hãng sơn Tắc Kè: hãng sơn có tên tiếng Pháp là Gecko (Giê-cô).
- Sơn ngoại: sơn của nước ngoài.
- Vải mưa: hàng làm bằng sợi ni lông để che mưa.
- Hữu ích: có ích.
ĐỌC HIỂU
1. Ông Nguyễn Sơn Hà là người mở ra ngành nào ở Việt Nam ?
2.Vì sao sơn Tắc Kè được ưa chuộng trong cả nước?
3. Ông Nguyễn Sơn Hà đã khắc phục khó khăn, tạo ra những sản phẩm gì phục vụ kháng chiến?
4. Theo em, việc lấy tên ông Nguyễn Sơn Hà đặt cho một đường phố thể hiện điều gì?
LUYỆN TẬP
1. Tìm từ ngữ chỉ địa điểm trong các câu sau:
- Ông đã mày mò tìm cách sản xuất sơn, rồi mở hãng sơn Tắc Kè ở Hải Phòng.
- Ở Việt Bắc, ông sản xuất vải nhựa cách điện, giấy than, mực in, vải mưa,.......
- Ngày nay, ở Hải Phòng có đường phố mang tên ông.
2. Dựa theo nội dung các câu a, b ở bài tập trên, viết tiếp vào vở câu có sử dụng dấu hai chấm để báo hiệu bộ phận liệt kê:
- Ông đã làm được những việc mà trước đó chưa ai thành công....
- Ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ kháng chiến...
(Trang 92)
GÓC SÁNG TẠO
Ý tưởng của em
1. Viết đoạn văn tả một đồ vật (đồ chơi, máy móc, trang phục,....) thể hiện một ý tưởng sáng tạo của em. Gắn kèm tranh (hoặc hình cắt dán) thể hiện ý tưởng đó.
Tôi thiết kế chiếc váy này để tham gia Ngày hội thời trang của trường tôi. Đây là váy của người Tày. Váy được làm bằng giấy màu thay cho vải. Những hạt giống như hạt cườm đính trên váy là hạt ngô đấy, các bạn ạ. Đó là sáng kiến nhỏ của tôi
Nguyễn Thị Kim Ngân
Em muốn chế tạo con rô bốt có thể giúp vá lại những đoạn đường bị lún, ổ gà, ổ voi,..... Thân rô bốt có hai phần: một bên chứa nhựa đường, một bên là cát và đá. Bánh của rô bốt có cấu tạo như bánh của xe lu. Khi đến chỗ đường bị hỏng, rô bốt sẽ tự động đưa cát, đá , nhựa đường ra ngoài và lấp đầy những lỗ hổng.
Hà Quang Dũng
Tôi vẽ ý tưởng sáng tạo một cây bút đặc biệt. Đó là một cây bút chỉ nhìn đã thấy vui rồi. Bút có đôi mắt cười, có mũi, có cả miệng rộng. Trên đầu nó có một bóng đèn nhỏ. Khi dùng bút vào ban đêm, bút tự sáng, không cần bật điện bạn nhé. Hi vọng bạn thích ý tưởng sáng tạo của tôi.
Nông Hoàng Hà
2. Giới thiệu và bình chọn những sản phẩm có sáng tạo.
TỰ ĐÁNH GIÁ
Sau Bài 7, em đã biết thêm những gì, đã làm thêm được những gì? Hãy tự đánh giá theo bảng dưới đây:
Đã biết những gì? | Đã làm được những gì? |
a) Ôn chữ viết hoa: I, K | a) Viết đúng tên riêng và câu có chữ hoa I, K |
b) Từ ngữ về nghề nghiệp và hoạt động sáng tạo | b) Sử dụng từ ngữ về nghề nghiệp và hoạt động sáng tạo |
c) Từ ngữ có nghĩa trái ngược nhau | c) Sử dụng từ ngữ có nghĩa trai ngược nhau |
d) Ôn các câu hỏi Ở đâu?, Khi nào? | d) Hỏi và trả lời các câu hỏi Ở đâu?, Khi nào? |
e) Truyện, thơ, tranh ảnh về hoạt động sáng tạo | e) Kể chuyện đã nghe, đã đọc về hoạt động sáng tạo; nói, viết về một đồ vật thể hiện ý tưởng sáng tạo |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn