VIẾT | Ngữ Văn 7 - Tập 1 | BÀI 4: GIAI ĐIỆU ĐẤT NƯỚC - Lớp 7 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

VIẾT


(Trang 98)

Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

Có nhiều con người, sự việc xung quanh để lại cho ta những tình cảm, ấn tượng sâu sắc. Tình cảm đó cứ lớn dần trong ta, làm cho ta sống sâu sắc hơn. Trong bài học này, em sẽ được luyện tập phát triển kĩ năng viết bài văn biểu cảm bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình về những con người hoặc sự việc như vậy.

Yêu cầu đối với bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc:

  • Giới thiệu được đối tượng biểu cảm (con người hoặc sự việc) và nêu được ấn tượng ban đầu về đối tượng đó.
  • Nêu được những đặc điểm nổi bật khiến người, sự việc đó để lại tình cảm, ấn tượng sâu đậm trong em.
  • Thể hiện được tình cảm, suy nghĩ đối với người hoặc sự việc được nói đến.
  • Sử dụng ngôn ngữ sinh động, giàu cảm xúc.​

(Trang 99)

Phân tích bài viết tham khảo

Người phụ nữ hết lòng làm thiện nguyện

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

hinh-anh-viet-7599-0

Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Em đã được biết nhiều tấm gương về lòng nhân hậu, về những con người đã thể hiện được lối sống tình nghĩa đậm đà. Trong số đó, em không thể quên bà Nguyễn Thị Nhung ở quận Đống Đa, Hà Nội – người phụ nữ hết lòng làm thiện nguyện. Lần đầu tiên được đọc bài viết về bà in trên mục Người Việt tử tế của báo Lao động, em đã thực sự xúc động trước nhân cách cao đẹp ấy.

hinh-anh-viet-7599-1

Bà Nhung hiện đang sống tại một căn nhà nhỏ trên phố Văn Miếu và hằng ngày, người phụ nữ 57 tuổi ấy vẫn tần tảo với việc bán hàng ở chợ. Mặc dù điều kiện sống cũng không dư dả gì nhưng bà vẫn luôn cố hết sức mình để chia sẻ, đem lại niềm vui cho những mảnh đời cơ cực bởi bà luôn tâm niệm: “Với tôi, cuộc sống phải biết sẻ chia, cho đi thì mới thật sự ý nghĩa và đáng để sống”. Suốt 30 năm qua, bà Nhung đã mở rộng vòng tay cưu mang, nuôi dưỡng và dạy dỗ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Trong số 13 người con được bà nhận nuôi, có 2 người bị tự kỉ. Thế nhưng, bằng tấm lòng yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc hết mực của mình, bà đã dần dần giúp cả hai đứa con có một cuộc sống như bao người bình thường. Họ vẫn ngày ngày theo bà buôn bán làm ăn. Với những người con đó, bà là một người mẹ tuyệt vời, người mẹ không có công sinh nhưng có công dưỡng, người đã mang lại hạnh phúc, niềm vui cho cuộc đời họ. Ngoài việc nhận nuôi những đứa trẻ bất hạnh, bà Nhung còn nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện khác để giúp ích cho đời. Tuy tuổi đã cao nhưng bà không quản ngại khó khăn, lặn lội đến những vùng sâu, vùng xa trao quà cho người dân miền núi. Bà đã tham gia nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn” để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo, bất hạnh ở các bệnh viện Hà Nội. Hằng tháng, bà quyên góp gạo để nhóm nấu cháo phát cho bệnh nhân. Vào mỗi dịp cuối tuần, bà thường dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị những suất cháo đem tới bệnh viện. Nhìn nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt phúc hậu của bà khi tận tay trao những suất cháo cho bệnh nhân, có lẽ không ai không cảm thấy ấm áp và xúc động.

(Trang 100)

hinh-anh-viet-7599-2

Em rất cảm phục và kính trọng bà – người phụ nữ tuy không thân quen nhưng với em lại rất đỗi gần gũi, ấm áp. Với những việc làm có ý nghĩa đối với cộng đồng, bà Nguyễn Thị Nhung đã góp phần làm cho xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp, nhân văn hơn. Và bà đã vinh dự được nhận danh hiệu Người tốt, việc tốt do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với bà chính là tình cảm yêu mến, quý trọng của mọi người. Nhiều người gọi bà là “bà tiên giữa đời thường”.

(Bài làm của học sinh)

Thực hành viết theo các bước

Mục đích viết

Bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của em đối với đối tượng được nói tới và khơi gợi sự đồng cảm, chia sẻ của người đọc.

Người đọc

Thầy cô, bạn bè và những người quan tâm tới tình cảm, suy nghĩ mà em bày tỏ trong bài văn.

1 TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn đề

Lựa chọn đối tượng biểu cảm là con người hoặc sự việc để lại cho em những tình cảm, ấn tượng sâu sắc.

Người đó có thể là người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, người làm việc ở trường hoặc người mà em biết qua sách báo.

Sự việc đó có thể xảy ra ra với bản thân em hoặc em là người chứng kiến hay được biết qua sách báo.

b. Tìm ý

Sau khi lựa chọn được người hoặc sự việc để bày tỏ tình cảm, suy nghĩ, hãy tìm ý cho bài viết bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

- Người đó là ai? Sự việc đó là gì?

- Người hoặc sự việc đó có những đặc điểm nào nổi bật?

- Em có ấn tượng, suy nghĩ gì đối với người hoặc sự việc đó?

- Chi tiết nào gắn với người hoặc sự việc đó khiến em không thể quên?

c. Lập dàn ý

Hãy sắp xếp các ý mà em tìm được thành một dàn ý. Dưới đây là một gợi ý:

Dàn ý

- Mở bài:

+ Giới thiệu người hoặc sự việc mà em muốn bày tỏ tình cảm, suy nghĩ.

+ Bày tỏ tình cảm, ấn tượng ban đầu của em về người hoặc sự việc đó.

(Trang 101)

- Thân bài:

+ Trình bày tình cảm, suy nghĩ về những đặc điểm nổi bật của người hoặc sự việc.

+ Nêu ấn tượng về người hoặc sự việc đó.

- Kết bài: Khẳng định lại tình cảm, suy nghĩ của em đối với người hoặc sự việc được nói tới.

2 VIẾT BÀI

Chú ý bám sát dàn ý. Trong quá trình viết, em cần lưu ý:

- Nêu được những đặc điểm nổi bật khiến người hoặc sự việc để lại ấn tượng, cảm xúc sâu đậm cho mình.

- Ngôn ngữ bài viết cần sinh động, giàu cảm xúc; vận dụng các biện pháp tu từ như so sánh, điệp ngữ,... để tăng sự hấp dẫn cho bài viết.

3 CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Sau khi hoàn thành, hãy rà soát bài văn theo những yêu cầu ở cột trái và gợi ý chỉnh sửa ở cột phải.

Yêu cầu Gợi ý chỉnh sửa
Giới thiệu được người hoặc sự việc mà em muốn bộc lộ tình cảm, suy nghĩ. Nếu chưa có, hãy bổ sung thông tin cho lời giới thiệu để người đọc có được hình dung ban đầu về người hoặc sự việc.
Nêu được đặc điểm nổi bật của người hoặc sự việc để lại ấn tượng, cảm xúc sâu đậm cho em. Nếu chưa có hoặc chưa đủ, hãy bổ sung nội dung để người đọc hiểu rõ những đặc điểm nổi bật của người hoặc sự việc đã để lại ấn tượng sâu đậm trong em.
Thể hiện được tình cảm, suy nghĩ của em đối với người hoặc sự việc đó. Chú ý sử dụng ngôn ngữ sinh động, giàu cảm xúc. Đánh dấu những từ ngữ, câu văn thể hiện tình cảm, suy nghĩ về người hoặc sự việc được nói tới. Nếu chưa có hoặc chưa đủ, cần bổ sung.
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt. Rà soát lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,... và chỉnh sửa nếu phát hiện lỗi.

 

 

 

Tin tức mới


Đánh giá

VIẾT | Ngữ Văn 7 - Tập 1 | BÀI 4: GIAI ĐIỆU ĐẤT NƯỚC - Lớp 7 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 7

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.