Nội Dung Chính
(Trang 126)
Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý những vấn đề sau:
|
Những khuôn cửa dấu yêu
TRƯƠNG ANH NGỌC
Người Ý rất yêu cửa sổ, và thường chăm chút, trang trí chúng theo sở thích riêng. Những cửa sổ giống như những đôi mắt của các căn nhà nhìn ra cuộc sống.
(1) I-ta-li-a: tên gọi của một quốc gia ở châu Âu (thường được người Việt dùng song song với tên quen thuộc có từ trước là Ý).
(Trang 127)
Bao giờ tôi cũng tần ngần rất lâu trước những ô cửa sổ đầy hoa suốt bốn mùa ấy trên đất Ý [...]. Những ô cửa sổ ấy có một sức thu hút kì lạ [...].
Có một ô cửa sổ tôi nhớ mãi. Cửa sổ ấy nằm trên tầng hai của một căn nhà cổ kính trên Bô-rờ-gô Pi-ô (Borgo Pio), một con phố đi bộ nhỏ chỉ cách toà thánh Va-ti-căng (Vatican) vài trăm mét. Nó rất ít khi đóng, kể cả khi chủ căn hộ không có nhà, và phủ quanh năm cạnh ô cửa nhỏ hình chữ nhật luôn là một biển lá thường xuân. Mùa xuân và hè, lá xanh mơn mởn lấp kín bức tường rêu phong, chỉ chừa lại một chút không gian cho những biển thông báo có lẽ đã nằm ở nơi này vài thập kỉ, cạnh đó dựng một chiếc xe đạp của ai đó đã lâu không đi, hoen rỉ và rầu rĩ. Mùa thu, lá cây chuyển màu. Bức tường trở thành một bức tranh màu vàng úa dưới nắng thu. Đầu đông, lá cây chuyển sang đỏ và héo dần. Dưới những cơn mưa và cái lạnh của Rô-ma (Roma), trông như chúng đang chết. Chỉ còn cái cửa sổ và ngọn đèn lắp kế bên như một người tri kỉ qua năm tháng là vẫn thế, không đổi, im lặng.
Đấy là góc phố ưa thích của tôi. Tôi đã đi qua đó bao lần, thỉnh thoảng lại ngồi bên quán ăn đối diện và lặng ngắm bức tường dây leo mỗi khi mùa sang. Khuôn cửa nhỏ cũ kĩ, nhìn có vẻ mệt mỏi nhưng vững chãi đã ở đó biết bao năm tháng, phía bên dưới đường là một vòi nước đã tồn tại ở đó ít nhất năm thế kỉ. Biết bao nhiêu người Rô-ma đã đi qua đây, bao nhiêu Giáo hoàng, Hồng y và những thế hệ người khác đã đặt chân lên nơi đây, dùng chân, khum tay hứng nước và uống ở cái vòi chảy suốt ngày đêm, cho thứ nước mát lạnh mà ông bạn già của tôi – chính là người chủ của căn hộ có chiếc cửa sổ chằng chịt cây thường xuân ấy – đã khẳng định rằng đấy là “nước thánh”. Tiếng nước róc rách chảy từ đó càng làm cho khung cảnh trở nên lắng đọng và êm ả theo bốn mùa, trên một con phố cấm ô tô và từ lâu đã nổi tiếng là một trong những nơi đẹp nhất thủ đô I-ta-li-a, vốn chạy thẳng đến một bên hàng cột trứ danh mà Gian Lo-ren-dô Be-rơ-ni-ni (Gian Lorenzo Bernini) đã thiết kế, ôm lấy quảng trường San Pi-e-tơ-rô (San Pietro) mênh mông.
Căn hộ ấy buổi tối luôn sáng đèn. Cánh cửa mở hé và từ đó luôn phảng phất mùi pa-xta(1) cho bữa tối, tiếng dao đĩa lách cách dọn bàn, tiếng ai đó húng hắng ho, tiếng dép lệt sệt trên sàn, rồi một người lướt nhanh qua, bóng in trên trần nhà. Cửa sổ chỉ đóng những hôm quá lạnh, hoặc trời đổ mưa. Rồi có lần chính tôi cũng ở trong căn phòng nhỏ ấy vào một ngày giữa thu, nhoài người ra khung cửa sổ, giữa bốn bề thường xuân vây phủ, ngắm cuộc sống lặng lờ trôi phía dưới. Những bà xơ đi qua, bóng màu áo xám của dòng tu in trên nền gạch. Những khách du lịch rảo bước và chụp ảnh. Một đôi uyên ương hôn nhau ở góc phố. Ông bồi bàn già quen thuộc mà tôi yêu mến của quán An Pa-xê-tô (Al Passetto) gần đó đang đứng tựa cửa và hát một điều gì đó. Ở một ngõ nhỏ đỗ đầy xe hơi và xe gắn máy, đèn đường đã sáng. Bức tranh Đức mẹ Ma-ri-a (Maria) đã cũ lắm cũng được thắp sáng bởi một ngọn đèn nhỏ. Chúa,
(1) Pa-xta: mì ống.
(Trang 128)
Đức mẹ, những mảnh đời khác nhau của bao người cùng tồn tại trong một thành phố pha trộn cả nét mới và cổ kính, không tráng lệ mà thâm trầm, lãng mạn, chầm chậm trôi cùng với thời gian.
Trong cái thế giới bảng lảng ấy, những cửa sổ giống như những đôi mắt của các căn nhà nhìn ra cuộc sống. Mà những cửa sổ như thế ở Rô-ma nói riêng và trên đất Ý nhiều lắm, không sao kể hết, mỗi chiếc có một vẻ đẹp riêng [...].
Tôi yêu bức tường có khuôn cửa xanh ở Bô-rờ-gô Pi-ô [...]. Yêu khu Tơ-ra-xtê-vê-rê (Trastevere) với những căn nhà liêu xiêu, tường vàng vọt, lở loét, đầy tranh vẽ, hè vương vãi những lá, những tờ rơi quảng cáo, những chiếc xe đạp hay ve-xpa nhợt nhạt vì thời gian dựa bên tường, nhưng lúc nào cũng ngự trị ở đó một cửa sổ ngạo nghễ với thời gian. Có cửa sổ đầy bụi bẩn, chẳng bao giờ mở ra. Có cái được gia cố bởi chấn song và lưới mắt cáo, nhưng người ta không quên lắp thêm vào đó một ăng-ten ti vi. Có những cửa sổ đã thành nơi hẹn hò của chim bồ câu. Lại có khuôn cửa lắp kính trong suốt, để người đi đường ngắm. Bên trong đó là một tiệm kem, một bếp của nhà hàng, thậm chí chỉ là một tiệm giặt ủi. Có cả những cửa kính đã vỡ từ nhiều năm nay, nhưng chủ quán cũng chẳng có ý định thay, như quán La Re-nen-la (La Rennella) nổi tiếng ở khu Tơ-ra-xtê-vê-rê. Bên trong tấm kính vỡ nhằng nhịt ấy là một cái bếp chật hẹp, vương vãi bột mì, pho mát, cà chua thái, bếp lò, ánh đèn vàng yếu ớt từ trên trần hắt xuống và những người thợ làm bánh lúi húi ở đó. Thứ pizza) ngon nổi tiếng của quán được sinh ra từ đấy.
Cửa sổ chính là tâm hồn của căn nhà mang nó, và thể hiện cả cá tính cũng như tâm hồn của người chủ. Tôi tin là thế [...]. Chỉ cần nhìn những khuôn cửa của những người không quen biết ấy, ta cũng có thể đoán được phần nào đấy họ là ai và tự nhiên thấy họ thật gần gũi với mình. Những cửa sổ đầy hoa là của những người yêu thiên nhiên và muốn đem vẻ đẹp của nó cho căn nhà của mình, từ đó biến nơi mà họ sống thành một điểm đáng yêu ở khu phố. [...] Những khuôn cửa treo các lá cờ của đội bóng lại là một tuyên ngôn về tình yêu bóng đá, là sự tự hào về đội bóng mà họ yêu mến. [...] Ở vùng rượu Chi-an-ti Cla-xi-co (Chianti Classico) của xứ Tô-xca-na (Toscana), cửa sổ đôi khi không được trang trí bằng hoa, mà bằng những chai rượu hoặc nút chai vang.
Có những khuôn cửa sổ và ban công không có hoa, mà chỉ có dây phơi. Những bà già vẫn thỉnh thoảng nhoài người phơi quần áo trên đó, hoặc đôi khi họ im lặng tựa cửa nhìn đời trôi dưới đường. Dưới nắng, chăn và quần áo phấp phới bay. Những cảnh ấy rất hay gặp ở miền Nam nước Ý, từ Na-pô-li (Napoli) cho đến Pa-le-rơ-mô (Palermo). [...] Xa Na-pô-li một chút, dọc con đường
(1) Pizza: một loại bánh dẹt, tròn được chế biến từ bột mì, nấm men, thường được xem là món ăn đặc trưng của ẩm thực I-ta-li-a.
(Trang 129)
A-man-phi (Amalfi) huyền thoại, hoa luôn nở đỏ hoặc tím trên những bức tường, những khuôn cửa, ban công, chìa ra cả phía biển. [...] Những cửa sổ đầy hoa mở ra phía biển để đón gió, đón nắng và gửi lại cho thế giới bên ngoài lòng yêu cuộc sống thiết tha từ những đôi mắt nhìn ra từ khuôn cửa ấy. [...]
Bạn cũng sẽ không thể hiểu được những căn nhà I-ta-li-a nếu bạn không muốn ngắm nhìn những khuôn cửa. [...] Đấy là tâm hồn của những ngôi nhà ta đã gặp trên những hành trình dọc ngang nước Ý. Ai biết được, sau những cửa số ấy, có ai đang nhìn ta và có những tâm hồn đồng điệu và tri kỉ ta đã kiếm tìm trong cả cuộc đời...
Một cửa số mùa xuân ở I-ta-li-a, ảnh của Trương Anh Ngọc
(Trương Anh Ngọc, Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu,
NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018, tr. 75-80)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn