Nội Dung Chính
(Trang 4)
Cuộc sống là một câu đố và giải mã
những bí mật của nó là cuộc phiêu lưu đầy thú vị.
Dan Bờ-rao (Dan Brown)
GIỚI THIỆU BÀI HỌC
• Thế giới tự nhiên và đời sống xã hội luôn ẩn chứa bao điều bí mật, thách thức sự khám phá của con người. Việc khám phá, giải mã những bí ẩn không chỉ để thoả mãn trí tò mò, khả năng phán đoán, mà còn góp phần giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng của cuộc sống. • Với các truyện trinh thám trong bài học này, em sẽ được dẫn vào thế giới đầy những điều li kì, bất ngờ; được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc. Các nhân vật người điều tra trong truyện thể hiện khả năng suy luận tuyệt vời, giải mã được những điều bí ẩn khiến ta phải kinh ngạc. Kết nối về chủ đề là văn bản khắc hoạ chân dung một nhà tình báo lỗi lạc mà cuộc đời và sự nghiệp của ông được ví như một “huyền thoại”. Tất cả sẽ giúp em hiểu hơn bức tranh đa diện, phức tạp của cuộc sống, tầm quan trọng của kĩ năng quan sát, sức mạnh của suy luận lô-gíc và niềm tin vào sự chiến thắng của công lí. |
YÊU CẦU CẦN ĐẠT
• Nhận biết và phân tích được một số yếu tố trong truyện trinh thám như: không gian, thời gian, chi tiết, cốt truyện, nhân vật chính, lời người kể chuyện.
• Nêu được những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm, lối sống và cách thưởng thức, đánh giá của cá nhân do văn bản đã học mang lại.
• Nhận biết được các kiểu câu ghép, kết từ để nối các vế câu ghép; biết lựa chọn câu đơn – câu ghép trong hoạt động giao tiếp.
• Viết được một truyện kể sáng tạo, có thể mô phỏng một truyện đã đọc; sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong truyện.
• Biết kể một câu chuyện tưởng tượng (có bối cảnh, nhân vật, cốt truyện,...).
• Sống trung thực, trách nhiệm; tôn trọng pháp luật.
(Trang 5)
Đọc
TRI THỨC NGỮ VĂN
Truyện trinh thám
Truyện trinh thám là loại tác phẩm truyện viết về quá trình điều tra vụ án, thường có những sự việc bí ẩn, bất ngờ. Quá trình phá án của người điều tra dựa trên yếu tố quan trọng là sự suy luận lô-gíc. Vụ án thường được làm sáng tỏ ở phần kết thúc truyện. Nhà văn người Mỹ Ét-ga A-len Pâu (Edgar Allan Poe, 1804 – 1842) được đánh giá là “cha đẻ” của thể loại truyện trinh thám với các tác phẩm nổi tiếng như: Vụ án đường Mo-gi (Morgue), Con cánh cam vàng, Lá thư bị mất, ... Hiện nay, thể loại truyện trinh thám có vị trí quan trọng trong đời sống văn học, nhiều tác phẩm trinh thám đã gây được sức hấp dẫn lớn với bạn đọc.
Một số yếu tố của truyện trinh thám
• Không gian của truyện trinh thám là không gian hiện trường - nơi xảy ra vụ án, cũng là nơi người điều tra nghiên cứu để tìm thủ phạm. Các vụ án có thể diễn ra ở những không gian rộng (khu rừng, hang động, góc phố,...) hoặc không gian nhỏ hẹp (căn phòng, bàn ăn,...). Trong truyện trinh thám, không gian hiện trường được khắc hoạ chi tiết, cụ thể và gắn liền với dấu hiệu bằng chứng phạm tội.
• Thời gian trong truyện trinh thám thường được giới thiệu ở phần đầu tác phẩm với thông tin cụ thể về tháng, năm hay tình huống mà người điều tra tiếp nhận vụ án. Cách giới thiệu thời gian như vậy có tác dụng tạo nên tính chân thực cho câu chuyện. Truyện trinh thám thường xây dựng tình huống người điều tra chịu áp lực chạy đua với thời gian để tìm ra kẻ phạm tội. Điều này tạo ra sự căng thẳng, hấp dẫn cho người đọc đồng thời cho thấy tài năng của người điều tra.
• Cốt truyện trong truyện trinh thám gồm một chuỗi sự kiện mà sự kiện trung tâm là vụ án và hành trình phá án của người điều tra. Tác phẩm thường bắt đầu bằng một bí ẩn được đặt ra – thực chất là một vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết dường như không thể giải thích được; sau đó là hành trình giải mã của người điều tra và cuối cùng bí ẩn được làm sáng tỏ.
• Hệ thống nhân vật trong truyện trinh thám thường gồm người điều tra, nạn nhân, nghi phạm, thủ phạm. Người điều tra là nhân vật chính trong tác phẩm, có thể là nhà điều tra chuyên nghiệp như thám tử, cảnh sát, thanh tra,... hoặc nhà điều tra nghiệp dư. Người điều tra trong truyện trinh thám có tố chất đặc biệt. Đó là sự dũng cảm, ưa mạo hiểm, vốn kiến thức phong phú, trí thông minh vượt trội, tài quan sát và suy luận,... đặc biệt là trung thực, luôn đặt sự thật lên trên hết nhằm bảo vệ lẽ phải và công lí.
• Truyện trinh thám có những chi tiết thể hiện sự bí ẩn, li kì của vụ án và những bất ngờ của cuộc điều tra. Những chi tiết về khung cảnh, không gian, thời gian xảy ra sự việc; chân dung, cử chỉ, hành động, lời nói,... của nhân vật thường có dấu hiệu của bằng chứng hoặc manh mối quan trọng trong quá trình điều tra.
(Trang 6)
• Câu chuyện trong truyện trinh thám được kể theo ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba. Ở ngôi thứ nhất, câu chuyện thường được kể lại qua lời của người điều tra hoặc lời một người bạn của người điều tra – nhân vật chứng kiến toàn bộ quá trình giải mã vụ án. Điều này giúp câu chuyện trở nên chân thực, đáng tin, bất ngờ và kịch tính hơn.
Câu đơn và câu ghép, các kiểu câu ghép và phương tiện nối các vế câu ghép
• Câu đơn là câu được cấu tạo bằng một cụm chủ ngữ – vị ngữ nòng cốt (cụm chủ ngữ – vị ngữ không bị bao chứa trong một cụm từ khác). Câu ghép là câu do hai hoặc nhiều cụm chủ ngữ – vị ngữ nòng cốt tạo thành, mỗi cụm chủ ngữ – vị ngữ này được gọi là một vế câu.
• Căn cứ vào sự có mặt hay vắng mặt của từ ngữ làm phương tiện nối các vế câu, có thể chia câu ghép thành hai loại: câu ghép có từ ngữ nối các vế câu và câu ghép không có từ ngữ nối các vế câu.
• Căn cứ vào quan hệ giữa các vế câu, có thể chia câu ghép thành hai loại: câu ghép đẳng lập và câu ghép chính phụ. Câu ghép đẳng lập là câu ghép mà các vế có quan hệ bình đẳng, ngang hàng với nhau. Câu ghép chính phụ là câu ghép mà các vế có quan hệ phụ thuộc, nghĩa là có vế chính và vế phụ.
• Từ ngữ nối các vế của câu ghép có thể là kết từ (và, nhưng, hay,...) hoặc các cặp từ hô ứng (vừa... vừa, bao nhiêu... bấy nhiêu,...). Mỗi từ ngữ nối đều thể hiện tường minh một quan hệ nghĩa nhất định giữa các vế câu.
Lựa chọn câu đơn – câu ghép
Trong hoạt động giao tiếp, tuỳ thuộc vào mục đích, kiểu loại văn bản, ngữ cảnh và nội dung cần biểu đạt mà người nói (người viết) lựa chọn câu đơn hay câu ghép cho phù hợp.
VĂN BẢN ĐỌC VĂN BẢN 1. Ba chàng sinh viên, A-thơ Cô-nan Đoi-lơ (Athur Conan Doyle) VĂN BẢN 2. Bài hát đồng sáu xu, A-ga-thơ Crít-xti (Agatha Christie) VĂN BẢN 3. Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời (trích), Nguyễn Thị Ngọc Hải |
VĂN BẢN 1 TRƯỚC KHI ĐỌC 1. Em hiểu gì về công việc của một thám tử? 2. Nêu tên một nhân vật thám tử trong tác phẩm văn học hoặc bộ phim mà em biết. Chia sẻ ngắn gọn cảm nhận của em về nhân vật đó. |
(Trang 7)
ĐỌC VĂN BẢN Ba chàng sinh viên---------------------------
(Lược một đoạn: Vào năm 1895, tại căn nhà trọ ở một thành phố của Anh, Sơ-lốc Hôm (Sherlock Holmes) và người bạn Oát-xơn (Watson) đã nghe ông Hin-tơn Xôm (Hilton Soames) giảng viên của trường Đại học Xanh Lúc (St. Luke) – kể lại câu chuyện xảy ra ở trường mình. Theo lời ông, ngày mai, cuộc thi để lấy học bổng sẽ được tổ chức. Đề thi môn tiếng Hy Lạp yêu cầu dịch một bài khá dài, hoàn toàn mới đối với thí sinh. Vì học bổng có giá trị cao nên nếu thí sinh nào biết trước đề sẽ có lợi thế lớn. Do đó, thầy Xôm và các đồng nghiệp đã giữ đề thi cẩn thận. Khoảng 3 giờ chiều nay, bản in thử được gửi đến. Thầy Xôm phải soát lại để đảm bảo đề bài tuyệt đối chính xác. Tới 4 giờ 30 phút, thầy vẫn chưa đọc xong. Vì phải đi dùng trà cùng một người bạn như đã hứa, thầy để bản in thử trên bàn và vắng mặt khoảng một tiếng đồng hồ. Khi trở về, thầy kinh ngạc vì thấy chìa khoá đang cắm vào ổ khoá cửa phòng do người hầu Be-ni-xtơ (Bannister) quên rút. Trước khi đi thầy để ba trang đề thi ở cùng một chỗ nhưng lúc này thầy thấy một trang nằm trên sàn, một trang trên cái bàn kê sát cửa sổ, còn một trang vẫn ở vị trí cũ. Trên mặt bàn có vài mảnh vỏ bút chì, một đầu chì gãy, vết rách dài độ 3 inch --------------------------------------------------- inch: đơn vị đo chiều dài, được sử dụng phổ biến ở một số nước nói tiếng Anh như: Anh, Mỹ, Ca-na-đa (Canada),...; 1 inch tương đương 2,54 cm. |
(Trang 8)
– Tôi muốn ngó qua từng người một – Hôm nói. – Vậy có được không nhỉ? – Dễ thôi – Xôm trả lời. – Dãy phòng này thuộc loại cổ nhất trong trường, vì vậy chuyện có khách tới tham quan cũng không hề lạ. Mời các ông đi theo tôi, tôi sẽ dẫn đường. – Ông nhớ đừng gọi tên chúng tôi đấy nhé! – Hôm nói khi chúng tôi gõ cửa phòng Ghi-crit. Một thanh niên cao gầy, tóc hoe vàng ra mở cửa rồi niềm nở mời chúng tôi vào khi biết mục đích chuyến viếng thăm. Phòng vẫn còn lại vài bức phù điêu đẹp đẽ thời Trung cổ. Hôm mê mẩn một bức đến độ đòi vẽ nó vào cuốn sổ tay cho kì được. Anh làm gãy bút chì nên đành hỏi mượn một cái của chủ nhân căn phòng, rồi sau đó mượn thêm dao để chuốt. Vận xui kì lạ đó tiếp tục bám theo anh tại phòng cậu người Ấn. Đó là một gã trầm lặng, nhỏ thó, mũi khoằm, cứ gườm gườm nhìn chúng tôi suốt và mừng ra mặt khi Hôm nghiên cứu xong mấy bức phù điêu. Tuy nhiên tại cả hai phòng, tôi đều không thấy Hôm bắt được manh mối cần tìm. Đến phòng thứ ba, mánh của Hôm thất bại từ trong trứng nước. Chúng tôi gõ cửa nhưng chủ nhân căn phòng không chịu mở, đã thế còn tặng chúng tôi một tràng chửi rủa. – Tôi cóc cần biết mấy người là ai. Mấy người đi phứt cho nhờ! – Giọng giận dữ gầm lên. – Tôi bận ôn thi, các người nghe rõ chưa?
– Một gã thô lỗ. – Người dẫn đường của chúng tôi nói, đỏ mặt giận dữ khi chúng tôi xuống nhà. Tất nhiên cậu ta không biết tôi là người gõ cửa. Nhưng kể cả vậy thì cậu ta cũng quả là bất lịch sự và lối cư xử đó thật đáng ngờ trong hoàn cảnh này. Phản ứng của Hôm khá kì lạ. – Ông có thể cho tôi biết chiều cao chính xác của cậu này không? – Anh hỏi. – Ông Hôm, tôi quả thật không biết chắc. Cậu ta cao hơn cậu người Ấn nhưng thấp hơn Ghi-crít. Chắc tầm năm foot sáu. – Chuyện đó rất quan trọng – Hôm nói. – Còn giờ xin chúc thầy Xôm ngủ ngon. Người dẫn đường của chúng tôi kêu lên tỏ ý kinh ngạc và thất vọng. – Ôi, ông Hôm, ông không định bỏ tôi đường đột thế này chứ? Hình như ông chưa nhận ra tình thế. Mai là thi rồi. Tối nay tôi buộc phải đưa ra quyết định dứt khoát. Tôi không thể để kì thi diễn ra khi đề thi bị lộ. Tôi phải làm gì đó. – Ông cứ để nguyên vậy đi. Sớm mai tôi sẽ ghé rồi bàn về việc này, có thể lúc đó tôi đã nắm được những tình tiết mới giúp ông thoát khỏi tình cảnh này. Còn từ giờ tới đó, ông đừng thay đổi gì cả. – Đành vậy. |
(Trang 9)
– Ông yên tâm. Nhất định chúng tôi sẽ tìm được cách giúp ông thoát khỏi rắc rối. Tôi sẽ đem hai mẫu đất đen và mảnh vỏ bút chì về. Xin chào ông! Bước ra khoảng sân tối om, chúng tôi ngước nhìn ngôi nhà một lần nữa. Cậu người Ấn vẫn đi tới đi lui trong phòng, nhưng chúng tôi không thấy bóng dáng hai người kia đâu. – Oát-xơn này, anh nghĩ sao? – Hôm hỏi khi chúng tôi tiến ra đường lớn. – Tôi thấy chúng ta như đang chơi trò loại trừ vậy. Anh có ba người. Thủ phạm phải là một trong số họ. Anh chọn đi. Anh chọn ai nào?
– Gã ăn nói lỗ mãng ở tầng trên cùng. Hắn là kẻ “có tiếng” nhất. Nhưng gã người Ấn có vẻ ranh ma. Và sao cậu ta cứ đi lại trong phòng suốt vậy? – Cũng không có gì đâu. Nhiều người thường làm vậy khi học thuộc lòng. – Cách cậu ta nhìn chúng ta rất đáng ngờ. – Anh cũng sẽ như vậy nếu bị một toán người lạ làm phiền trong khi ngày mai anh có một kì thi quan trọng và mọi phút chuẩn bị đều đáng quý. Không, những chi tiết đó cùng với bút chì và dao, tất thảy đều thoả đáng. Nhưng gã đó lại khiến tôi rối trí. – Ai? – Gã người hầu Be-ni-xtơ chứ ai! Ông ta đang toan tính gì đây? – Tôi thấy ông ta là người trung hậu. – Tôi cũng thấy vậy. Đó chính là chỗ khó hiểu. Sao một con người trung hậu như vậy lại... A, có một tiệm văn phòng phẩm lớn này. Ta sẽ bắt đầu tìm hiểu từ đây. (Lược một đoạn: Sơ-lốc Hôm vào các tiệm bán văn phòng phẩm trong thành phố để tìm cái bút có vỏ giống mảnh vỏ bút chì ở hiện trường nhưng không tìm được. 8 giờ sáng hôm sau, Sơ-lốc Hôm giục Oát-xơn đi Xanh Lúc vì thám tử đã giải được bí mật vụ án. Hôm nói rằng mình đã dậy từ 6 giờ sáng, đi bộ suốt hai giờ và mang về một mẩu đất sét hình chóp màu đen. Mẩu đất thứ ba được lấy chính từ nơi có hai mẫu đầu tiên.)
Khi chúng tôi tới nơi, ông thầy khốn khổ đang đứng ngồi không yên. Chỉ vài giờ nữa là kì thi bắt đầu, ấy vậy mà ông ta chưa biết nên công bố sự việc hay mặc thây cho kẻ gian trá tranh học bổng đáng giá. Đầu óc căng như dây đàn khiến ông ta không ngồi yên nổi, vậy nên vừa thấy Hôm, ông ta đã chạy ào ra và dang tay đón mừng. – Ơn trời ông đến rồi! Tôi chỉ sợ ông cũng bó tay. Tôi phải làm gì đây? Kì thi có tiếp tục không? |
(Trang 10)
– Có. Bất luận thế nào cũng phải để nó diễn ra. – Nhưng còn tên vô lại kia? – Hắn sẽ không thi. – Ông biết hắn là ai rồi sao?
– Tôi nghĩ vậy. Vì chuyện này phải được giữ kín nên chúng ta sẽ tự lập ra một toà án nho nhỏ vậy. Thầy Xôm, mời thầy ngồi đằng kia! Oát-xơn, anh ngồi đây! Tôi sẽ ngồi ở ghế bành chính giữa. Chúng ta đã đủ oai nghiêm để làm thủ phạm phải hoảng hốt rồi đấy. Xin thầy vui lòng rung chuông! Be-ni-xtơ vào, ông ta suýt té ngửa vì ngạc nhiên và hốt hoảng trước phong thái pháp đình của chúng tôi. [...] – Giờ thì Be-ni-xtơ, ông vui lòng khai thật cho chúng tôi biết sự việc hôm qua chứ? Ông này tái mét tới tận chân tóc. – Thưa ông, tôi đã thưa cả rồi. – Không còn gì để kể thêm sao? – Không, thưa ông. – Nếu vậy, tôi đành gợi ý cho ông vài điều. Hôm qua khi ngồi xuống chiếc ghế đó, phải chăng ông có chủ đích che giấu một vật có thể tiết lộ danh tính kẻ đột nhập? Be-ni-xtơ tái mặt. – Không, thưa ông. Không hề. – Chỉ là gợi ý thôi mà – Hôm khéo léo nói. – Thú thật là tôi không thể chứng minh điều đó. Nhưng chuyện đó xem ra rất có thể, vì thầy Xôm vừa rời nhà là ông liền thả kẻ nấp trong phòng ngủ đi mất. Be-ni-xtơ liếm đôi môi khô nẻ. – Tôi không thả ai, thưa ông. [...] – Vậy là ông không thể cho chúng tôi thêm thông tin rồi. Ông vui lòng ở lại trong phòng nhé! Mời ông đứng gần cửa phòng ngủ. Thầy Xôm, thầy vui lòng lên phòng cậu Ghi-crít và bảo cậu ta xuống đây. Một loáng sau, ông thầy đã trở lại và dẫn theo chàng sinh viên nọ. Cậu ta có dáng dấp đẹp đẽ, cao ráo, uyển chuyển và nhanh nhẹn, bước đi thoăn thoắt và gương mặt cởi mở, dễ gần. Đôi mắt xanh tràn ngập lo âu nhìn từng người trong chúng tôi, rồi cuối cùng bàng hoàng dừng lại ở Be-ni-xtơ đang đứng trong góc đằng xa. |
(Trang 11)
– Đóng cửa lại đã – Hôm nói. – Này cậu Ghi-crít, ở đây chỉ có chúng ta và không ai ngoài kia biết gì về chuyện này. Chúng ta hoàn toàn có thể thẳng thắn nói chuyện với nhau. Cậu Ghi-crít, chúng tôi muốn biết làm sao mà một con người trọng danh dự như cậu lại làm cái chuyện như hôm qua chứ? Chàng trai khốn khổ loạng choạng bước lui và ném về Be-ni-xtơ một cái nhìn hoảng sợ pha lẫn trách móc. – Phải, nhưng ông vừa nói đấy thôi – Hôm cất tiếng. – Còn cậu, hẳn cậu thấy rằng sau lời nói vừa rồi của Be-ni-xtơ, cậu đã rơi vào tình thế vô vọng và cậu chỉ còn một cơ may duy nhất nếu thành khẩn khai thật. Ghi-crít giơ một bàn tay lên và cố kìm nén vẻ uất ức hiện lên gương mặt trong chốc lát. Sau đó, cậu ta quỳ thụp xuống cạnh bàn, hai tay ôm mặt và bật khóc. – Nào, nào – Hôm nhẹ nhàng nói. – Đời chẳng có ai là không phạm sai lầm và ít ra không ai có thể quy kết rằng cậu đã phạm tội ác tày trời. Có lẽ sẽ dễ hơn cho cậu nếu tôi kể lại sự vụ và nếu tôi sai ở chỗ nào thì cậu cứ đính chính. Vậy được chứ? Thôi, cậu không cần trả lời đâu. Hãy nghe và cậu sẽ thấy tôi không hề nói oan cho cậu.
Thầy Xôm, từ lúc thầy nói rằng không có ai, kể cả Be-ni-xtơ, biết đề thi ở trong phòng thầy, vụ này đã bắt đầu tựu hình rõ rệt trong đầu tôi. Chúng ta có thể gạt thợ in ra khỏi diện nghi vấn. Nếu muốn, anh ta có thể chép lại đề thi ngay trong nhà mình. Tôi cũng không nghi ngờ cậu người Ấn, vì bản in thử được cuộn lại nên cậu ta không thể biết đó là gì. Mặt khác, tôi không tin có người tình cờ bước vào và vô tình thấy đề thi. Người vào phải biết đề thi có ở đó. Nhưng làm sao hắn ta biết? Trước khi vào nhà, tôi có kiểm tra cửa sổ phòng làm việc của thầy. [...] Lúc ấy, tôi đang |
(Trang 12)
Vậy nên kẻ kia phải cao tầm tôi hoặc hơn. Giờ hẳn thầy đã rõ vì sao trong ba cậu sinh viên, tôi lại nghi ngờ cậu Ghi-crít nhất. Tôi vào nhà và nói cho thầy nghe các suy đoán của tôi về cái bàn kê gần cửa sổ. Tôi không rút ra kết luận gì về cái bàn giữa phòng cho đến khi thầy nói Ghi-crít là vận động viên nhảy xa. Bấy giờ, toàn bộ sự việc ngay khắc hiện lên trong đầu tôi và việc tôi cần làm chỉ còn là tìm ra vài bằng chứng chứng thực. Chẳng mấy chốc tôi đã có được chúng. Khi thấy đó đúng là đề thi, cậu ta đã đầu hàng sự cám dỗ. Cậu ta đặt giày lên bàn. Cậu để gì bên ghế gần cửa sổ vậy? – Đôi găng tay – chàng trai nói. Hôm đắc thắng nhìn Be-ni-xtơ. – Cậu ta để găng tay trên ghế rồi lấy từng tờ đề thi để chép lại. Cậu ta tưởng thầy sẽ về qua cửa chính nên ngồi bên bàn cạnh cửa sổ để trông chừng. Như chúng ta đã biết, thầy vào bằng cửa hông. Cậu ta rất bất ngờ khi nghe tiếng thầy mở cửa ngoài. Cậu ta không còn đường thoát. Cậu ta chộp lấy đôi giày và chạy ào vào phòng ngủ nhưng để quên đôi găng tay. Thầy quan sát thấy rằng vết rách khá nông ở một bên, nhưng lại hằn rõ theo hướng của phòng ngủ. Chỉ riêng điều ấy cũng đủ cho ta thấy chiếc giày bị kéo về hướng đó và thủ phạm trốn trong phòng ngủ. Đất bám quanh một đinh giày vương lên bàn và mẩu đất thứ hai rã ra, rơi xuống sàn phòng ngủ. Xin được nói thêm, sáng nay tôi đã ra sân vận động, thấy rằng loại đất sét đen cứng này được đổ trong hố nhảy cùng một ít vỏ cây mịn hay mùn cưa rải lên trên để vận động viên không bị trượt ngã. Tôi nói đúng chứ, cậu Ghi - crít? Anh sinh viên đứng thẳng dậy. – Vâng, ông nói đúng – cậu ta nói. – Chao ôi, cậu không còn gì để nói nữa ư? – Thầy Xôm kêu lên. – Có, thưa thầy, tôi còn có điều muốn nói, nhưng nỗi kinh hoàng bị vạch trần nhục nhã này làm tôi rối trí. Thầy Xôm, hồi sớm nay sau một đêm thao thức, tôi đã viết một lá thư gửi thầy. Tôi viết trước khi biết tội lỗi của mình bị vạch trần. Nó đây ạ. Trong thư |
(Trang 13)
tôi có viết: Tôi quyết định không dự thi. Tôi được nhận vào làm ở Sở Cảnh sát Rốt-đơ (Rhodes) nên sẽ đi Nam Phi ngay. – Tôi thật lòng rất vui khi biết cậu không định lợi dụng sơ sót của tôi. – Thầy Xôm nói. – Nhưng sao cậu lại đổi ý? Ghi-crit chi Be-ni-xto. – Chính người này đã đưa tôi vào đường ngay. – Cậu ta nói. – Giờ nói đi, Be-ni-xtơ. – Hôm nói. – Sau điều tôi vừa giải thích, hẳn ông đã thấy rõ chỉ có ông mới có thể cho chàng trai này ra khỏi phòng, vì sau lúc thầy Xôm đi, chỉ còn lại mình ông trong phòng và ông hẳn đã khoá cửa khi ra. Tôi không tin cậu ta thoát ra ngoài qua đường cửa sổ phòng ngủ. Ông có thể làm sáng tỏ điểm cuối cùng trong bí ẩn này và cho chúng tôi biết lí do ông hành động như vậy chứ?
– Nếu ông biết về tôi, ông sẽ thấy lí do rất đơn giản, nhưng tuy thông minh là thế ông không thể biết chuyện. Thưa ông, khi xưa tôi làm quản gia cho ông Gia-bớt Ghi-crít (Jabez Gilchrist), cha của cậu đây. Khi ông ấy khánh kiệt – Đúng, tôi không thể chê trách ông. – Hôm nói rất thành thực và đứng dậy. – Thầy Xôm, tôi nghĩ chúng tôi đã làm sáng tỏ vấn đề nho nhỏ của ông và bữa điểm tâm đang chờ chúng tôi ở nhà. Đi nào, Oát-xơn! Còn về phần cậu, tôi mong một tiền đồ xán lạn đang chờ cậu ở Rốt-đơ. Cậu đã vấp ngã một lần và tôi mong cậu có thể vươn cao trong tương lai. (A-thơ Cô-nan Đoi-lơ, Sơ-lốc Hôm toàn tập, tập 2, ---------------------------------------------- |
(Trang 14)
SAU KHI ĐỌC
• A-thơ Cô-nan Đoi-lơ (1859 – 1930) là nhà văn người Xcốt-len (Scotland). Ông sáng tác ở nhiều thể loại như: • Truyện ngắn Ba chàng sinh viên được in trong tập truyện Sự trở về của Sơ-lốc Hôm (1905). |
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Tóm tắt chuỗi sự kiện của tác phẩm theo trật tự: vụ việc gây lo lắng, hoảng hốt – hành trình phá án của người điều tra – công bố sự thật.
2. Vụ án xảy ra ở đâu? Những dấu vết quan trọng nào đã được Sơ-lốc Hôm phát hiện trong không gian đó?
3. Chỉ ra các chi tiết cho thấy áp lực về thời gian của cuộc điều tra. Việc tạo ra áp lực về thời gian điều tra như vậy có tác dụng gì?
4. Để tạo nên sự hấp dẫn của truyện trinh thám, nhà văn thường đánh lạc hướng suy luận của người đọc để cuối cùng, chân tướng sự việc lộ diện bất ngờ. Đặc điểm này được thể hiện như thế nào trong truyện Ba chàng sinh viên?
5. Phân tích cách thức giúp Sơ-lốc Hôm đi đến kết luận về người có hành động gian dối trước khi kì thi diễn ra (loại trừ giả thiết, xem xét hiện trường, tìm kiếm bằng chứng). Qua đó, nhận xét về tài năng phá án của vị thám tử.
6. Việc nhà văn để cho Oát-xơn - bạn thân của Sơ-lốc Hôm – vào vai người kể chuyện ngôi thứ nhất có tác dụng gì?
7. Em rút ra bài học gì từ câu chuyện được kể trong tác phẩm?
VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về nhân vật Be-ni-xtơ hoặc Ghi-crít trong truyện Ba chàng sinh viên.
(Trang 15)
Thực hành tiếng Việt
CÁC KIỂU CÂU GHÉP VÀ PHƯƠNG TIỆN NỐI CÁC VẾ CÂU GHÉP 1. Trong các câu trích từ văn bản Ba chàng sinh viên dưới đây, câu nào là câu ghép đẳng lập, câu nào là câu ghép chính phụ? a. Cậu người Ấn vẫn đi tới đi lui trong phòng, nhưng chúng tôi không thấy bóng dáng hai người kia đâu. b. Chuyện xấu đã chẳng xảy ra nếu khi đi qua cửa phòng thầy, cậu ta không thấy cái chìa khoá người hầu sơ suất để quên. c. Nếu thầy Xôm thấy chúng, tất cả sẽ hỏng bét. d. Cậu đã vấp ngã một lần và tôi mong cậu có thể vươn cao trong tương lai. 2. Xác định quan hệ ý nghĩa giữa các vế ở những câu ghép dưới đây và cho biết trong mỗi câu ghép, các vế câu được nối với nhau bằng cách nào. a. Vì chuyện này phải được giữ kín nên chúng ta sẽ tự lập ra một toà án nho nhỏ vậy. (Cô-nan Đoi-lơ, Ba chàng sinh viên) b. Đất bám quanh một đinh giày vương lên bàn và mẩu đất thứ hai rã ra, rơi xuống sàn phòng ngủ. (Cô-nan Đoi-lơ, Ba chàng sinh viên) c. Để người con gái khỏi trở lại bàn, anh lấy chiếc khăn tay còn vo tròn cặp giữa cuốn sách tới trả cho cô gái. (Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa) d. Khó khăn càng lớn, quyết tâm càng cao. 3. Ở từng câu ghép có hai vế dưới đây, trọng tâm của thông báo nằm ở vế nào? Dựa vào đâu mà em xác định như vậy? a. -Thu nhập tốt nhưng chỗ làm hơi xa. - Chỗ làm hơi xa nhưng thu nhập tốt. | Nhận biết câu ghép đẳng lập • Những quan hệ ý nghĩa thường gặp giữa các vế của câu ghép đẳng lập là: quan hệ thời gian, quan hệ tương phản, quan hệ lựa chọn, quan hệ tăng cấp, quan hệ bổ sung,... • Phương tiện ngôn ngữ chủ yếu được dùng để nối các vế của câu ghép đẳng lập là kết từ (và, nhưng, hoặc,...) hoặc cặp từ hô ứng (càng... càng.., vừa... vừa..., bao nhiêu... bấy nhiêu,...). Ví dụ: (1) Trời không gió, nhưng không khí vẫn mát lạnh. (Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam) Giữa hai vế của câu (1) có mối quan hệ tương phản. Hai vế của câu ghép được nối với nhau bằng kết từ nhưng. (2) Ông ấy càng nói, chúng tôi càng thấy có nhiều vấn đề thực sự mới mẻ. Giữa hai vế của câu (2) có mối quan hệ tăng cấp. Hai vế của câu ghép đươcj nối với nhau bằng cặp từ hô ứng càng...càng... Nhận biết câu ghép chính phụ • Những quan hệ ý nghĩa thường gặp giữa các vế của câu ghép chính phụ là: quan hệ nguyên nhân – kết quả; quan hệ điều kiện, giả thiết – hệ quả; quan hệ nhượng bộ – tăng tiến, quan hệ sự kiện – mục đích;... • Phương tiện ngôn ngữ chủ yếu được dùng để nối các vế của câu ghép chính phụ là cặp kết từ (tuy... nhưng, vì... nên, nếu... thì,...) hoặc một kết từ ở vế phụ hay vế chính (tuy, nên,...). Ví dụ: (1) Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. (Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí) |
(Trang 16)
b. – Vì Hà chăm chỉ và luôn cố gắng trong học tập nên bạn ấy đạt điểm rất cao trong kì thi vừa qua. – Hà đạt điểm rất cao trong kì thi vừa qua vì bạn ấy chăm chỉ và luôn cố gắng trong học tập. 4. Trong các câu ghép sau, câu nào dùng sai phương tiện nối giữa các vế câu? Hãy sửa lại cho đúng. a. Hà không những học tốt, Hà lại hát hay và có khả năng biểu diễn xuất sắc trên sân khấu. b. Tôi chưa nói câu nào mà nó đã khóc nức nở. c. Chúng ta càng đọc sách nhiều, kiến thức sẽ được mở rộng. d. Mặc dù trời mưa rất to còn chị ấy vẫn đến đúng giờ. | Giữa hai vế của câu (1) có mối quan hệ nguyên nhân – kết quả. Hai vế của câu ghép được nối với nhau bằng cặp kết từ bởi... nên. (2) Nếu bầy chim con cất cánh sớm hơn, chúng sẽ bị rơi xuống dòng nước trên đường từ bãi cát vào bờ. (Nguyễn Quang Thiều, Giữa hai vế của câu (2) có mối quan hệ giả thiết – hệ quả. Hai vế của câu ghép được nối với nhau bằng kết từ nếu.
|
VĂN BẢN 2 TRƯỚC KHI ĐỌC Theo em, điều gì làm nên sức hấp dẫn của một truyện trinh thám? ĐỌC VĂN BẢN Bài hát đồng sáu xu-----------------------
(Lược một đoạn: Vào một buổi tối, Méc-đơ-lân Va-an (Magdelen Vaughan) đến gặp luật sư Ét-uốt (Edward) nhờ ông giúp gia đình cô điều tra một vụ việc. Ba tuần trước, bà Li-ly Cráp-tri (Lily Crabtree) của cô đã bị giết ngay trong nhà. Bà Li-ly là em gái bà nội Méc-đơ-lân. Méc-đơ-lân và em trai sinh đôi Mét-thiu (Matthew) sống với bà từ khi 14 tuổi. Trong nhà còn có chú họ Uy-li-am Cráp-tri (William Crabtree) – cháu trai bà Li-ly (con của em trai bà) và vợ chủ là thím Ê-mi-ly (Emily). Bà Li-ly để lại số tiền thừa kế lớn chia đều cho bốn người cháu. Méc-đơ-lân sau kể rằng sau buổi uống trà, các thành viên trong gia đình đi làm việc riêng của mình. Khi bà giúp việc Ma-thơ (Martha) chuẩn bị dọn bữa tối vào lúc 7 giờ 30 phút thì bà Li-ly đã chết rồi. Bà bị đánh bằng cái chặn giấy rất nặng trên bàn cạnh cửa ra vào. Cảnh sát kiểm tra dấu vân tay trên đó nhưng không thấy gì, vì nó đã được lau sạch. Các thành viên trong nhà nghĩ rằng thủ phạm là một tên trộm nào đó, nhưng bà Ma-thơ nói không có ai đến nhà. Tất cả các cửa sổ đều được cài then bên trong và dường như không có dấu hiệu nào của việc đột nhập. Vì thế, nghi ngờ dồn vào bốn thành viên của gia đình. Buổi sáng hôm đó, ngài Ét-uốt đã nói chuyện với luật sư của bà Li-ly. Cách bà Li-ly quản lí tiền bạc hơi kì lạ. Bà không bao giờ sử dụng séc. Bà có thói quen viết thư cho luật sư và yêu cầu ông để sẵn cho bà một số tiền toàn những |
(Trang 17)
đồng 5 bảng Anh. 3 giờ chiều, vị luật sư đến nhà Méc-đơ-lân. Méc-đơ-lân kể rằng bà giúp việc Ma-thơ là người cuối cùng nhìn thấy bà Li-ly. Chiều hôm đó, bà Ma-thơ làm sổ sách và mang đến cho bà Li-ly tiền thừa cùng bản báo cáo. Méc-đơ-lân giải thích việc thím Ê-mi-ly hôm đó đau đầu, phải nằm nghỉ do thím và bà Li-ly cãi nhau rất căng thẳng. Bà Li-ly bảo vợ chồng thím hãy cuốn gói ra khỏi nhà. Còn Méc-đơ-lân không muốn sống ở nhà bà nữa, do bà Li-ly không đồng ý cho cô trở thành người mẫu. Mét-thiu đang nợ rất nhiều tiền, nhưng giờ đã ổn do có số tiền thừa kế từ bà Li-ly. Ngài Ét-uốt đã gặp gỡ các thành viên trong nhà Cráp-tri. Ông Cráp-tri nói rằng khi bi kịch xảy ra, ông đang mải chơi tem nên không nghe thấy gì. Thím Ê-mi-ly trả lời luật sư với vẻ ngoan và sợ hãi rằng bà chẳng biết gì vì bà đang ngủ.) – Cậu Mét-thiu đấy à? – Vâng... nhưng mà, tôi không chờ được. Tôi có một cuộc hẹn. – Mét-thiu! – Đó là tiếng chị cậu ta gọi vọng xuống từ cầu thang. – Ôi! Mét-thiu, em đã hứa... – Em biết, chị à. Nhưng em không thể. Em phải đi gặp một người. Và, dù sao, cứ nói đi nói lại cái chuyện khốn nạn đó liệu có ích gì. Chúng ta đã làm đủ thứ với cảnh sát rồi. Em chán lắm. Cửa chính đánh rầm. Anh Mét-thiu đã bỏ đi. Ngài Ét-uốt được dẫn vào bếp. Bà Ma-thơ đang ủi đồ. Bà dừng lại, tay vẫn cầm bàn ủi. Ngài Ét- nốt đóng cửa lại. Cô Va-an nhờ tôi giúp cô ấy, – ông bảo. – Tôi hi vọng bà sẽ không phản đối chuyện tôi hỏi bà vài câu. Bà nhìn ông, rồi lắc đầu. – Không ai trong số họ làm đâu, thưa ngài. Tôi biết ngài đang nghĩ gì, nhưng chuyện không phải thế. Một nhóm phụ nữ và quý ông tử tế mà người ta ao ước được gặp đấy ạ. – Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng sự tử tế của họ không phải là cái mà chúng ta gọi là bằng chứng, bà ạ. – Có lẽ là không, thưa ngài. Luật pháp buồn cười thật. Nhưng có chứng cứ – theo như cách ngài gọi đấy, thưa ngài. Không ai trong số họ có thể làm gì mà tôi không biết. – Nhưng chắc là... – Tôi biết mình đang nói gì thưa ngài. Đấy, ngài nghe nhé... |
(Trang 18)
“Đấy” là tiếng kêu cót két trên đầu họ. – Cái cầu thang đấy, thưa ngài. Mỗi khi có người lên xuống cầu thang, nó kêu cót két ghê lắm. Dù cho người ta đi nhẹ nhàng cỡ nào đi nữa. Bà Cráp-tri, bà ấy ngủ trên giường, còn ông Cráp-tri thì đang nghịch mấy con tem chết tiệt của ông ấy, cô Méc-đơ-lân ở trên lầu đang may váy, và nếu có ai trong số ba người họ xuống cầu thang thì tôi đã biết rồi. Nhưng họ đâu có đi xuống! Bà nói vẻ chắc nịch khiến vị luật sư rất ấn tượng. Ông nghĩ: “Một nhân chứng tốt. Bà ấy quan trọng lắm đây.” – Nhỡ bà không để ý thì sao. – Có chứ ạ. Tôi để ý mà chẳng cần chú ý, có thể nói vậy. [...] – Ba người thì giải thích được rồi, nhưng còn người thứ tư nữa. Anh Mét-thiu Va-an cũng ở trên lầu sao? – Không, cậu ấy ở trong một căn phòng nhỏ tầng dưới. Cạnh bên. Và cậu đang đánh máy chữ. Ngài có thể nghe rõ mồn một từ trong này. Tiếng đánh máy của cậu ấy không hề dừng một giây. Không một giây, thưa ngài, tôi có thể thề. Một thứ tiếng gõ gây mình khó chịu mà ồn ào nữa chứ. Ngài Ét-uốt ngừng một lát. – Bà chính là người phát hiện ra bà ấy, đúng không? – Vâng, thưa ngài, đúng thế. [...] Và chẳng ai nghe tiếng động gì chỉ tại tiếng gõ lách cách từ cái máy đánh chữ của cậu Mét-thiu. – Theo tôi hiểu thì bà khẳng định rằng không ai vào nhà cả đúng không? – Làm sao họ vào được mà tôi lại không biết chứ, thưa ngài? Chuông reo trong đây mà. Và kia là cửa chính duy nhất. Ông nhìn thẳng bà. – Bà rất gắn bó với bà Cráp-tri đúng không? Một vẻ bừng sáng ấm áp... chân thành... không lẫn vào đâu được... hiện lên trên gương mặt bà. – Vâng, thật thế, đúng thế, thưa ngài. Nhưng về bà Cráp-tri... Ở, tôi sống hoà hợp và bây giờ tôi không ngại phải kể ra. Hồi con gái tôi lỡ chửa hoang, thưa ngài, và bà Cráp-tri đã bênh vực tôi... đưa tôi về làm việc cho bà, bà đã làm thế, khi mọi chuyện đã xong xuôi. Ví thử chết thay bà... nói thật là tôi cũng sẽ làm. Ngài Ét-uốt nghe là biết bà nói chân thành. Ma-thơ là người ngay thật. |
(Trang 19)
– Theo bà biết thì không ai đến cửa chính cả...? – Không có ai cả ạ...? – Tôi nói theo bà biết. Nhưng nếu bà Cráp-tri đang đợi ai đó... nếu tự bà ấy mở cửa chính cho người đó... − Ồ! – Ma-thơ có vẻ bất ngờ. – Tôi nghĩ có thể thế lắm chứ? – Ngài Ét-uốt gặng. Rõ ràng là bà rất bất ngờ. Bà không thể chối bỏ dù rất muốn. Tại sao thế? Bởi vì bà biết sự thật nằm ở chỗ khác. Phải thế không nhỉ? Bốn người trong một nhà... một trong số họ là kẻ có tội? Có phải Ma-thơ muốn che giấu kẻ có tội đó không? Cầu thang đã kêu cót két ư? Có ai đó đã lén lút đi xuống và bà Ma-thơ có biết người đó là ai không? Bà ấy là người chân thật... Ngài Ét-uốt tin như thế. [...] Bà ấy là người chân thật... Ngài Ét-uốt tin như thế. [...] – Tôi đoán không chừng là bà Cráp-tri đã làm vậy, nhỉ? Cửa của căn phòng đó hướng ra đường. Từ cửa sổ bà ấy hẳn đã nhìn thấy người mà bà đang đợi nên bước ra hành lang và mở cửa cho anh ta... hay cô ta... vào nhà. Thậm chí có thể bà ấy còn mong không có ai trông thấy người đó. Bà Ma-thơ có vẻ lo âu. Cuối cùng bà miễn cưỡng đáp: – Vâng, có thể ngài nói đúng, thưa ngài. Tôi không hề nghĩ đến chuyện đó. Rằng bà ấy đang đợi một quý ông nào đấy... vâng, có thể thể lắm chứ. [...] – Bà là người cuối cùng thấy bà ấy, đúng không? – Vâng thưa ngài. Sau khi tôi dọn dẹp bữa trà. Tôi mang sổ sách biên nhận đến cho bà và cả tiền lẻ từ tiền mà bà đưa cho tôi. [...] Bà ấy cất tiền ở đâu? – Tôi không biết chính xác lắm, thưa ngài. Tôi đoán bà mang nó theo mình... trong một chiếc túi nhung màu đen. [...] – Và bà ấy không có nói gì khiến bà nghĩ rằng bà ấy đang đợi ai à? – Không, thưa ngài. – Bà chắc chứ? Thể chính xác bà ấy đã nói những gì?
– Ờ, – Ma-thơ đắn đo. – Bà ấy bảo người bán thịt không khác gì một thằng xỏ lá và lừa đảo, và bảo tôi mua thêm một phần tư số trà mà tôi phải mua, rồi bà chê bà Cráp-tri là đồ vớ vẫn khi không thích ăn bơ thực vật, và bảo trong mấy đồng 6 xu mà tôi mang về cho bà thì có một đồng bà không thích – một đồng mới |
(Trang 20)
có hình lá sồi – bà bảo nó xấu quá, và tôi phải nhọc công lắm mới thuyết phục được bà. Rồi bà bảo... ôi, rằng người bán cá gửi đến cá tuyết chấm đen chứ không phải cá whiting, và rằng tôi đã báo lại với ông ta chuyện đó chưa, và tôi đáp tôi đã báo rồi... và, thật ra, tôi nghĩ chỉ có chừng ấy thôi, thưa ngài. Đối với ngài Ét-uốt, mấy lời của bà Ma-thơ đã khiến người phụ nữ quá cố hiện ra còn rõ hơn một bảng miêu tả chi tiết. Ông nói vẻ tình cờ. – Một bà chủ hơi khó chiều, nhỉ? – Hơi cầu kì, nhưng đấy, bà cụ đáng thương, hiếm khi đi chơi mà chỉ ru rú trong nhà nên phải kiếm cái gì đấy đại loại là để tự tiêu khiển. Bà khó tính nhưng nhân từ không bao giờ để một người ăn mày đến rồi về tay không. Cầu kì nhưng là một người phụ nữ rất độ lượng. [...] Méc-đơ-lân vừa bước xuống tới cuối cầu thang. Cô nhìn ông Ét-uốt đầy hi vọng. – Chưa đi đến đâu cả. – Ngài Ét-uốt bảo, đáp lại cái nhìn của cô, rồi nói thêm: – Cô có biết những thư từ nào bà cô đã nhận vào ngày bà qua đời không? – Chúng vẫn còn cả đấy. Đương nhiên, cảnh sát đã xem qua. Cô đưa ông sang phòng khách đôi lớn, mở khoá một ngăn kéo và lấy ra cái túi nhung to màu đen có móc khoá bằng bạc cũ kĩ. – Đây là túi của bà cô. Mọi thứ đều ở trong đó như ngày bà mất. Tôi vẫn giữ nguyên thế. Có vài đồng xu bạc lẻ, hai cái bánh quy gừng, ba Almanack, một miếng long não to, vài cặp kính đeo mắt, và ba phong thư. Một lá thư chữ viết nghều ngoào gửi từ người có tên là “Em họ Lắc-xi (Lucy)”, một hoá đơn sửa đồng hồ, và giấy kêu gọi giúp đỡ của một hội từ thiện. ----------------------------------- Whiting: một loại cá biển nhỏ màu xám bạc, thuộc họ cá tuyết. |
(Trang 21)
Ngài Ét-uốt kiểm tra mọi thứ rất cẩn thận, rồi bỏ đồ trở vào túi và đưa lại cho Méc-đơ-lân kèm một tiếng thở dài. – Cảm ơn, cô Méc-đơ-lân. Tôi e là trong đó chẳng có gì nhiều. [...]
Ngài Ét-uốt ra về. Ông đi bộ trên con đường và trầm tư suy nghĩ. Câu đố đã nằm trong tay... vậy mà ông vẫn chưa giải được. Cần thêm cái gì đấy... cái gì đấy nhỏ thôi. Vừa đủ để chỉ cho ông đi đúng hướng. Một bàn tay đặt lên vai khiến ông giật mình. Đó là Mét-thiu, có vẻ đang thở dốc. – Tôi vừa mới chạy đuổi theo ngài, thưa ngài Ét-uốt. Tôi muốn xin lỗi. Về thái độ rất tệ của tôi nửa giờ trước. Nhưng tôi e là tâm trạng mình không được tốt. Ngài thật quả tốt bụng khi phải bận tâm chuyện này. Xin cứ hỏi tôi bất kì điều gì ngài muốn. Nếu có điều gì tôi có thể làm để giúp đỡ... Đột nhiên ngài Ét-uốt đơ ra. Cái liếc mắt của ông dán chặt – không phải vào Mét-thiu – mà vào phía bên kia đường. Có vẻ hơi hoang mang, Mét-thiu lặp lại: – Nếu có điều gì tôi có thể làm để giúp... – Cậu mới giúp rồi đấy, chàng trai yêu quý ạ – ngài Ét-uốt đáp. – Vì đã dừng tôi lại đúng vị trí này và kéo sự quan tâm của tôi vào một thứ, mà nếu không thì tôi đã bỏ sót. Ông chỉ vào một nhà hàng nhỏ bên kia đường. – Hai Tư Chú Sáo Đen? – Mét-thiu hỏi, giọng hoang mang. – Chính xác. – Cái tên kì cục thật... nhưng thức ăn ở đó ngon lắm, tôi nghĩ thế. – Tôi sẽ không dám đánh liều ăn thử đâu. – Ngài Ét-uốt bảo. – Tôi đã qua cái thời đi mẫu giáo trước cậu lâu lắm rồi, anh bạn ạ, có lẽ tôi lại nhớ những giai điệu mẫu giáo tốt hơn. Nếu tôi nhớ đúng thì có một bài đồng dao cổ hát thế này: Hát bài đồng sáu xu Lúa mạch đen đầy lư Sáo đen hai tư chú Nướng trong bánh ú ù... Phần còn lại không liên quan đến chúng ta. Ông quay ngoắt người. – Ngài đi đâu thế ạ? – Mét-thiu hỏi. – Quay lại nhà cậu, anh bạn ạ. |
(Trang 22)
Họ lặng lẽ đi bộ đến đó, Mét-thiu bối rối liếc nhìn người đi cùng. Ngài Ét-uốt vào nhà, sải bước tới ngăn kéo, lấy cái túi nhung đen và mở nó ra. [...] Ngài Ét-uốt trút mấy đồng xu bạc lẻ lên bàn. Rồi ông gật đầu. Trí nhớ của ông đã không hề sai. Ông đứng lên và nhấn chuông. Ma-thơ xuất hiện. – Ma-thơ, nếu tôi nhớ không nhầm thì bà nói với tôi bà có cãi cọ đôi chút với bà chủ quá cố về một trong những đồng 6 xu mới. – Vâng, thưa ngài. – À! Nhưng Ma-thơ này, điều lạ lùng là trong số tiền lẻ này, không có đồng 6 xu mới nào cả. Có hai đồng 6 xu nhưng cả hai đều cũ rồi. Bà trổ mắt nhìn ông vẻ bối rối. Bà biết điều đó nghĩa là gì không? Ai đấy đã đến nhà tối đó... ai đấy đã được bà chủ của bà cho đồng 6 xu... Tôi nghĩ bà cho anh ta để lấy cái này... Bằng một động tác nhanh nhẹn, ông vung tay đưa ra mấy vần thơ vụng về viết về chuyện thất nghiệp. Chỉ thoáng nhìn qua khuôn mặt bà là đã đủ. Bà ngồi thụp xuống ghế... nước mắt thi nhau chảy giàn giụa. Đúng thế... Đúng thế... cái chuông không hoạt động bình thường. Tôi cũng không chắc, và rồi tôi nghĩ tốt nhất nên đi xem xét. Tôi đến cửa thì hắn ta vừa đánh gục bà ấy. Cuộn tiền tờ 5 đồng nằm trên bàn trước mặt bà... Chính cái cảnh tiền bạc đó đã khiến hắn làm thế... cái đó và suy nghĩ rằng bà chỉ có một mình ở nhà khi bà cho hắn vào. Tôi không la lên được. Tôi quá tê liệt và rồi hắn quay lại... và tôi thấy đó là thằng con trai tôi...
Ôi, nó luôn là thằng con hư đốn. Có bao nhiêu tiền tôi cho nó hết. Nó ở tù hai lần rồi. Hẳn là nó đến tìm tôi, và rồi bà Cráp-tri thấy có vẻ như tôi không ra mở cửa thì tự mình đi mở, và nó ngạc nhiên nên lôi ra một trong mấy cái tờ rơi về thất nghiệp, và vì là người rộng lượng, bà chủ bảo hắn vào nhà và lấy ra một đồng 6 xu. Và suốt thời gian đó cọc tiền nằm trên bàn như nó vẫn nằm khi tôi đưa tiền thối lại cho bà. Và rồi ma quỷ nhập vào thằng Ben (Ben) của tôi và nó đi tới đằng sau bà và đánh gục bà. Rồi sao nữa? – Ngài Ét-uốt hỏi. Ngài Ét-uốt đứng dậy. Người đàn bà tội nghiệp ơi! – Ông nói giọng xúc động. – Tôi thấy rất tiếc cho bà. Dù vậy, luật pháp sẽ phải thực thi thôi, bà biết đấy. (A-ga-thơ Crít-xti, Bài hát đồng sáu xu, in trong Nhân chứng buộc tội, theo Lan Huế dịch, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2022, tr. 194 – 222) |
SAU KHI ĐỌC
• A-ga-thơ Crít-xti (1890 – 1976) là nhà văn lớn người Anh, được mệnh danh là “nữ hoàng truyện trinh thám”. Sự nghiệp văn học của bà khá đồ sộ với nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch,... Một số tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng của bà đã được dịch sang tiếng Việt: Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông (1934), Án mạng trên sông Nin (Nile) (1937), Mười • Truyện ngắn Bài hát đồng sáu xu được đăng lần đầu trên hoạ báo Tin tức sân khấu và thể thao vào tháng 12 năm 1929 ở Anh. Sau đó tác phẩm được in trong tập truyện Bí mật của Lít-tơ-đeo (Listerdale) (1934) và Nhân chứng buộc tội (1948). |
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Xác định vụ án được kể lại trong tác phẩm và cho biết không gian, thời gian xảy ra vụ án.
2. Đặc điểm hệ thống nhân vật của thể loại truyện trinh thám được thể hiện như thế nào trong tác phẩm Bài hát đồng sáu xu?
3. Khi việc điều tra của luật sư Ét-uốt rơi vào bế tắc, yếu tố ngẫu nhiên nào đã xuất hiện? Yếu tố đó giúp ích gì cho việc suy luận của vị luật sư?
4. Bằng cách nào luật sư Ét-uốt đã phá án thành công? Qua đó, ông đã bộc lộ những khả năng gì?
5. Tác phẩm chủ yếu là lời thoại của các nhân vật. Theo em, vì sao nhà văn không miêu tả kĩ quá trình cân nhắc, suy luận của người điều tra?
6. Chỉ ra sự bất ngờ trong kết quả điều tra vụ án. Từ đó, em rút ra được bài học gì về cách nhìn nhận, đánh giá sự việc, con người trong cuộc sống?
(Trang 24)
VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Vào vai nhân vật Méc-đơ-lân, viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) ghi lại cảm nghĩ về luật sư Ét-uốt sau khi ông phá án thành công.
VĂN BẢN 3 ĐỌC VĂN BẢN Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời------------------------------------ (1) Pi-tơ Rót-xơ Rên-giơ (Peter Ross Range)– “burô” Pi-tơ thuyết phục một cách đầy hứng khởi. Ông ta còn đề nghị cái tựa cho quyển sách ấy: A man of honor: The life of Pham Xuan An. [...] Ông đã trải đời mình cùng với lịch sử kháng chiến |
(Trang 25)
quân đội. Khi hoà bình lập lại ở Đông Dương sau Hội nghị Giơ-ne-vơ (Genève), Mỹ can thiệp dựng Ngô Đình Diệm với chủ trương phá hoại Hiệp định, không chịu tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam sau hai năm như đã kí kết. Mỹ đổ tiền của vào Việt Nam để giúp họ Ngô đứng vững. [...] Ông Ẩn do có tiếng Anh và thạo nghề, nên lại trở thành nhân viên dịch thuật tại Bộ Tổng tham mưu, tham dự vào việc thành lập những sư đoàn đầu tiên do Mỹ tuyển chọn và đào tạo. Năm 1957 ông là sinh viên Việt Nam đầu tiên đến học về báo chí ở quận Cam và sống ở Ca-li-phoóc-ni-a (California) trong hai năm. [...] Nhưng không ai biết được ngoài việc học thực sự kiến thức, chàng sinh viên ấy đã trở thành Đảng viên Cộng sản từ năm 1953, được chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyển vào Chiến khu D từ 1952. Sang Mỹ học, ông Ẩn còn có nhiệm vụ tìm hiểu về văn hóa Mỹ vì Đảng đã nhìn thấy sự dính líu sâu sắc của Mỹ đối với Việt Nam. Muốn chiến thắng kẻ thù này, phải đào tạo những người có điều kiện như ông, “chuyển qua làm với Mỹ, phải được đào tạo trình độ phù hợp với yêu cầu của Mỹ”. Sau khi học ở Mỹ về, Phạm Xuân Ẩn hành nghề báo chí, từ Việt Tấn xã dưới thời Ngô Đình Diệm, cho tới làm phóng viên cho các hãng nước ngoài tại Việt Nam như Roi-tơ (Reuters), Time,... Ông là người Việt Nam duy nhất vào biên chế của hãng nước ngoài với lương rất cao thời đó, 750 đô la một tháng. Phạm Xuân Ẩn hành nghề báo chí và trở thành kí giả thực sự có tên tuổi. Chỉ có điều khác lạ là ông còn trở thành một vị Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vì sao sau khi đất nước giải phóng, cả nước và thế giới biết rõ ông là tình báo, vậy mà người Mỹ trong giới báo chí hoạt động cùng thời với ông nay trở lại Việt Nam vẫn đem lòng tin tưởng và kính trọng ông? Đó là một nhân cách, một tài năng. Đời ông là một câu trả lời lớn cho nhiều câu hỏi vẫn làm đau đầu nhiều người bạn Mỹ của ông. Đến hôm nay họ quay lại đất nước này vẫn tìm ông để mong có câu giải đáp vì sao Mỹ thất bại ở Việt Nam. Vì sao một trí thức giỏi và sống có nhân cách theo “kiểu Mỹ” như ông Ẩn lại có thể là người đứng trong tổ chức chặt chẽ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, của ngành tình báo vốn đầy hiểm nguy? Có những người Mỹ là bạn cũ trong giới báo chí của ông, nay đã mất nhưng dặn lại con cái họ sang Việt Nam hãy tìm đến ông Ẩn. Họ nói sẽ học được nhiều ở con người đó. Quả thật, cuốn sách viết về ông nên có tên là Người có cuộc đời bí ẩn như cái tên - chứ không cần đến cái tựa đề mà Pi-tơ Rót-xơ Rên-giơ đề nghị. Bởi vì, cuộc đời ông không được ông viết ra bao giờ. Năm 1989, 14 năm sau ngày miền Nam giải phóng, Mo-li Xây-pho (Morley Safer) chủ biên Chương trình 60 phút |
(Trang 26)
nổi tiếng của đài truyền hình CBSđã trở lại Sài Gòn, gặp ông Phạm Xuân Ẩn như người bạn làm báo cũ trong thời kì chiến tranh. Cuộc gặp gỡ này đã được viết thành hẳn một chương trong cuốn sách Hồi tưởng : Khi trở lại thăm Việt Nam của Mo-li Xây-phơ do Nhà xuất bản Ren-đầm Hao-xơ (Random House) xuất bản năm 1989. Hãy xem dưới mắt nhà báo phương Tây, ông Ẩn đã hiện ra như thế nào: “Phạm Xuân Ẩn đang đứng nơi cổng sắt đã mở sẵn với một cặp chó Đức kèm sát bên. Ẩn và những con chó thân yêu của anh ta. Anh ta thường dắt chó đi khắp nơi, hay uống cà phê buổi sáng ở khách sạn Continental với con chó Đức thò cái mõm đen ra khỏi gầm bàn. Anh ta tiến về phía tôi, mở rộng vòng tay choàng ôm hôn, một cung cách ít thấy ở người Việt”. Lại lời Mo-li Xây-phơ: “Ở toà báo Time anh được coi là người khôn khéo. Ẩn luôn luôn được giao nhiệm vụ thuyết trình cho nhóm phóng viên mới tới. Và cũng chính anh ta là người gỡ mối cho những vấn đề chính trị rối mù của chính giới Việt Nam lúc đó. Anh là người cởi mở, dấn thân và có óc hài hước, luôn được niềm nở tiếp đón trong các giới quân sự và ngoại giao Việt – Mỹ và cũng là một trong số rất ít kí giả Việt được cho phép tham dự các buổi thuyết trình hạn chế của phái bộ Mỹ”. [...] Mo-li nói ông Ẩn còn là một bí mật. Thật ra điều đó chỉ đúng với cảm giác của Mo-li, còn với người Việt Nam thì ông nếu có là một bí mật thì chỉ là vì ông ít bộc bạch cuộc đời mình. Người Việt Nam đều biết ông là anh hùng tình báo được kính trọng. Không ai còn hỏi như Mo-li hỏi hôm đó: “Anh đang còn là một bí mật. Dân chúng vẫn chưa biết chắc chắn là anh hoạt động cho phe nào. Vậy sự thật ra sao?" “Ẩn cười lớn: Sự thật? Sự thật nào mới được chứ? Có một sự thật là trong 10 năm tôi là phóng viên cho toà soạn tuần báo Time và trước đó làm cho hãng Roi-tơ. Một sự thật khác nữa là tôi gia nhập phong trào cách mạng từ năm 1945 và là thành viên của họ từ đó với các chức vụ khác nhau. Hai sự thật, hai sự thật... đều thật”. [...] (2) [...] Trong cuộc nói chuyện với các đồng nghiệp cũ khi họ trở lại Việt Nam sau này, ông Ẩn quan tâm thăm hỏi tin tức của các đồng nghiệp cũ như Phranh Mắc Cơ-lóc (Frank McCulloch), giám đốc văn phòng tuần báo Time tại Sài Gòn, Ri-chát Clơ-men |
(Trang 27)
(Richard Clurman), trưởng ban phóng viên cho Time – Life có văn phòng tại Niu Oóc (New York). Những người Mỹ đã biết ông Ẩn tới một phần tư thế kỉ mà vẫn còn nhiều bất ngờ về ông. Sau nữa, chắc gì họ đã hiểu ông Ẩn như họ thường cho là họ hiểu. Như Mo-li Xây-phơ chẳng hạn. Xây-phơ viết: “Tội nghiệp cho Ẩn. Anh đã chọn chỗ đứng giữa vùng đất không người, tuỳ thuộc vào sự hình thành của lực lượng thứ ba. Chẳng có chỗ đúng nào cho một tâm hồn nhạy cảm như anh...”. Mặc dù Xây-phơ cũng nhận ra rằng do ý nghĩa lịch sử, chỉ có một chỗ đứng như ông Ẩn đã đứng, dành cho những tâm hồn nhạy cảm. Nếu hiểu theo cách người Việt nghĩ thì do đất nước gặp ngoại xâm, tất cả những tâm hồn yêu nước, nhạy cảm, chỉ có một chỗ đứng giống nhau như vậy thôi, chỗ đứng trong đội quân những người cứu nước. Xây-phơ còn cho rằng nếu Gra-ham Grin (Graham Greene) nhìn Việt Nam theo một cách nào đó, ông có thể viết cuốn tiểu thuyết Người Việt Nam trầm lặng với Phạm Xuân Ẩn là nhân vật mẫu. Rõ ràng Phạm Xuân Ẩn có cuộc đời của nhân vật tiểu thuyết. Nhưng các nhà báo Việt Nam cũng như nhà báo nước ngoài mới chỉ có được “vài chớp đèn flash” nắm bắt những nét thoảng qua nào đó của cuộc đời ông theo một số sự kiện lịch sử lớn lao. Chưa ai có được tấm chân dung hay “bản hồ sơ về tâm hồn” với tính cách điển hình Việt Nam. Các thành tích của ông đã khắc ghi bằng danh hiệu Anh hùng cao quý do nhà nước tặng. Nhưng điều gì, hoàn cảnh nào đã tạo nên một người Việt đặc sắc như thế? (Nguyễn Thị Ngọc Hải, Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời, -------------------------------------------- |
(Trang 28)
SAU KHI ĐỌC
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Văn bản cung cấp những thông tin cơ bản nào về cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn?
2. Tìm những chi tiết cho thấy các nhà báo nước ngoài đã đánh giá rất cao cuộc đời, con người Phạm Xuân Ẩn.
3. Tác giả đã đánh giá như thế nào về Phạm Xuân Ẩn và thể hiện mong ước gì khi khắc hoạ chân dung ông?
4. Nghệ thuật xây dựng chân dung nhân vật trong văn bản có gì đặc sắc?
5. Theo em, việc giải mã bí mật về những con người đặc biệt như Phạm Xuân Ẩn ý nghĩa như thế nào?
Thực hành tiếng việt
LỰA CHỌN CÂU ĐƠN – CÂU GHÉP 1. Xác định quan hệ ý nghĩa giữa các vể trong những câu ghép dưới đây. Có thể tách mỗi vế của câu ghép thành một câu đơn được không? Vì sao? a. Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị tan, mà vợ con các ngươi cũng khốn; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, rồi đến trăm năm sau, tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là tướng bại trận. (Trần Quốc Tuấn, Hịch tướng sĩ ) b. Nếu con chưa đi, cụ Nghị chưa giao tiền cho, u chưa có tiền nộp sưu thì không khéo thầy con sẽ chết ở đình, chứ không sống được. (Ngô Tất Tố, Tắt đèn) | Mục đích của việc lựa chọn câu đơn và câu ghép Do cấu trúc khác nhau nên câu đơn và câu ghép có sự khác biệt trong việc biểu đạt nghĩa, nhằm đến những mục đích giao tiếp khác nhau. Ví dụ: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. (Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập) Câu văn trên là một câu có ba vế, liệt kê ba sự kiện. Để biểu đạt ý liệt kê này, chúng ta có thể dùng ba câu đơn: Pháp chạy. Nhật hàng. Vua Bảo Đại thoái vị. Tuy nhiên, việc thể hiện ba sự kiện bằng ba câu đơn riêng biệt như vậy sẽ không biểu đạt được hiệu quả ý nhấn mạnh sự nối tiếp và mối quan hệ chặt chẽ giữa ba sự kiện. |
(Trang 29)
2. Hãy chuyển đổi các câu đơn trong mỗi trường hợp sau thành câu ghép và nhận xét sự khác biệt về ý nghĩa giữa các câu đơn ban đầu và câu ghép có được sau khi chuyển đổi.
a. Có một sự thật là trong 10 năm tôi là phóng viên cho toà soạn tuần báo “Time” và trước đó làm cho hãng Roi-tơ. Một sự thật khác nữa là tôi gia nhập phong trào cách mạng từ năm 1944 và là thành viên của họ từ đó với các chức vụ khác nhau.
(Nguyễn Thị Ngọc Hải, Phạm Xuân Ẩn -
tên người như cuộc đời)
b. Rõ ràng Phạm Xuân Ẩn có cuộc đời của nhân vật tiểu thuyết. Nhưng các nhà báo Việt Nam cũng như nhà báo nước ngoài mới chỉ có được “vài chớp đèn flash” nắm bắt những nét thoảng qua nào đó của cuộc đời ông theo một số sự kiện lịch sử lớn lao.
(Nguyễn Thị Ngọc Hải, Phạm Xuân Ẩn -
tên người như cuộc đời)
c. Tôi không thể đủ điều kiện viết về ông theo cách chuẩn xác của những điệp vụ. Càng không muốn liệt kê theo các bản khai lí lịch đơn thuần.
(Nguyễn Thị Ngọc Hải, Phạm Xuân Ẩn -
tên người như cuộc đời)
3. Các đoạn trích sau vừa có câu đơn vừa có câu ghép. Hãy chỉ ra sự phù hợp giữa kiểu cấu trúc câu và ý nghĩa cần biểu đạt của mỗi câu.
a. Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
(Hồ Chí Minh, Lời kêu toàn quốc kháng chiến)
b. Vì sao sau khi đất nước giải phóng, cả nước và thế giới biết rõ ông là tình báo, vậy mà người Mỹ trong giới báo chí hoạt động cùng thời với ông nay trở lại Việt Nam vẫn đem lòng tin tưởng và kính trọng ông? Đó là một nhân cách, một tài năng. Đời ông là một câu trả lời lớn cho nhiều câu hỏi vẫn làm đau đầu nhiều người bạn Mỹ của ông.
(Nguyễn Thị Ngọc Hải, Phạm Xuân Ẩn -
tên người như cuộc đời)
4. Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) trình bày cảm nghĩ của em về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn sau khi đọc văn bản Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời, trong đoạn văn có ít nhất một câu ghép.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn